[ad_1]
Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, trở thành lãnh đạo không phải một định mệnh. Để trở thành một nhà lãnh đạo, ai cũng cần một thời gian dài được rèn luyện những phẩm chất quan trọng và trải nghiệm những kinh nghiệm thực tế, đúc rút và học tập. Vì thế phẩm chất, nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng. Người xưa quan niệm: được mất, vinh nhục không phải do nghề mà do người hành nghề quyết định. Trong các chức năng chủ yếu của quản lý đối với sự thành công của tổ chức, chức năng điều hành và lãnh đạo con người là quan trọng nhất. Nhà quản lý cũng là người lãnh đạo đồng thời là người điều hành một tổ chức, biết dự kiến, lập kế hoạch, tổ chức, điều động và kiểm tra kết quả, nhằm mục đích làm cho tổ chức thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ và chức năng của mình.
Người lãnh đạo là người có khả năng vượt khó (chỉ số AQ), có trí tuệ năng lực (chỉ số IQ) và trí tuệ cảm xúc (chỉ số EQ). Trong đó, EQ được coi là chỉ số thể hiện năng lực quản lý tốt bản thân và các mối quan hệ, bao gồm khả năng tự biết mình, tự quản mình, biết xã hội và kỹ năng xã hội. Những yếu tố như sự tự tin, tự nhận biết và điều tiết cảm xúc của mình, tự đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và tổ chức, có ý thức trách nhiệm và khả năng thích nghi cao, thấu hiểu tổ chức, biết rõ sự vận hành của tổ chức; biết liên kết và chèo lái trong mọi hoàn cảnh khác nhau… là những yếu tố thực sự cần thiết cho mọi cương vị lãnh đạo, quản lý.
Theo quan niệm của nền Nho giáo phương Đông, một nhà lãnh đạo, quản lý phải có những phẩm chất cơ bản như: sự khiêm cung (đúng mực), có khả năng nhẫn nhịn, biết chấp nhận sự khác biệt, có niềm tin, nỗ lực, chịu khó, hào hiệp.
Theo quan niệm của tư duy lý tính phương Tây, nhà lãnh đạo, quản lý phải biết đánh giá cao người khác, biết chấp nhận sự khác biệt, có khả năng sáng tạo dựa trên nền móng vững chắc, có tư duy tổng hợp (bao gồm cả khả năng xử lý mọi thông tin), có chuyên môn sâu của một ngành, có đạo đức xã hội, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Qua chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm của chính những “người trong cuộc”, bạn sẽ thấy rằng nếu tích lũy đủ, hoặc càng nhiều càng tốt, những phẩm chất dưới đây, dù không được “sắp xếp”, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành lãnh đạo của một tổ chức, doanh nghiệp, và thành công trong vai trò đó.
Lãnh đạo là cả một nghệ thuật. Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải bắt đầu nỗ lực hoàn thiện bản thân. Với những giai thoại minh họa cho các phẩm chất của nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc, đây là một trong những tài liệu cần có đối với các sinh viên, doanh nhân, nhà quản lý hay giám đốc điều hành, bởi tài liệu này mang lại những bài học quý báu nhằm hướng bạn tới khả năng hoàn thiện vai trò của nhà lãnh đạo hiện đại.
Nhóm phẩm chất thứ nhất: (1) tính cách, (2) mục tiêu, (3) tầm nhìn.
Nhóm phẩm chất thứ hai: (4)Tận tâm, (5)đam mê, (6)tinh thần trách nhiệm, (7)tinh thần phục vụ,(8) ham học hỏi
Nhóm phẩm chất thứ ba: (9)nghị lực, (10)sức hút, (11)thái độ tích cực, (12) sự vững vàng, (13) kỷ luật tự giác
Nhóm phẩm chất thứ tư: (14)Khả năng giao tiếp, (15)tập trung, (16)lắng nghe, (17)thế chủ động, (18)các mối quan hệ
Nhóm phẩm chất thứ năm: (19)Năng lực, (20)can đảm, (21)giải quyết vấn đề, (22)sáng suốt,(23) phóng khoáng
NHÓM PHẨM CHẤT THỨ NHẤT: (1) TÍNH CÁCH, (2) MỤC TIÊU, (3) TẦM NHÌN.
(1) Tính cách – Một phần của cuộc chơi
Tính cách hay tính là tính chất, đặc điểm về nội tâm của mỗi con người, mà có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách.
Phẩm chất của lãnh đạo mà John Maxwell khẳng định: “ Mọi thành bại đều do nghệ thuật lãnh đạo song biết cách lãnh đạo mới chỉ làm nửa cuộc chiến. Hiểu nghệ thuật lãnh đạo và thực sự lãnh đạo là hai việc hoàn toàn khác nhau.”
Chìa khóa biến bạn từ người nắm vững nguyên tắc lãnh đạo thành nhà lãnh đạo đích thực nằm trong tính cách của bạn. Những phẩm chất, tính cách sẽ khơi nguồn, thúc đẩy tài năng lãnh đạo và tạo dựng thành công cho bạn.
Ngịch cảnh, khó khắn thường đưa đẩy người lãnh đạo đến việc phải lựa chọn.Và việc lựa chọn như thế nào phải hoàn toàn dựa vào những giá trị cốt lõi hay tính cách của chính con người bạn. Ngay cả khi lựa chọn này có thể mang đến những hậu quả không mong muốn.
Để phát triển tính cách thì bạn cần phải thực hiện chính những lời nói của mình. Sự nhất quán đó phải được chỉ ra bằng hành động. Liệu những hành động của bạn đã khớp với những lời nói của bạn chưa ?
Cách nhà lãnh đạo giải quyết tình huống trong cuộc sống cho ta biết nhiều điều về tính cách của người đó. Để phát triển tính cách, lời nói của bạn cần phải đi đôi với hành động. Hành động của bạn sẽ thể hiện được tính nhất quán đó. Tính cách là một lựa chọn. Tất cả chúng ta đều có những tài năng đặc biệt và mặc dù chúng ta không thể chọn gia đình hay con cái, chúng ta vẫn có thể lựa chọn thái độ cũng như cách thức hành động khi phải đối mặt với thử thách. Những dấu hiệu của một tính cách yếu kém là: tính tự cao tự đại, tình trạng đơn độc, thiếu thận trọng,…Một người có cá tính sẽ không giấu giếm hay thoả hiệp. Hãy chịu trách nhiệm với những gì mình và thành thật xin lỗi những người mà bạn mắc lỗi. Hãy xây dựng lại tính cách sau khi đối diện với những hành động đã xảy ra.
Sự phát triển tính cách là phần quan trọng nhất trong sự phát triển của chúng ta, không chỉ đối với một người lãnh đạo, mà còn với một con người. Những điều cần biết về tính cách con người:
- Tính cách không chỉ là lời nói: Tính cách quyết định bạn là ai. Bạn là ai quyết định điều bạn thấy. Điều bạn thấy quyết định việc bạn làm. Đó là lý do không bao giờ tách biệt được tính cách và hành động của một nhà lãnh đạo.
- Tài năng là một món quà, nhưng tính cách là một chọn lựa: Chúng ta không thể kiểm soát được mọi chuyện trong cuộc sống. Song chúng ta có thể lựa chọn tính cách của mình. Qua những lựa chọn cuộc sống, bạn không ngừng tạo tính cách của mình.
- Tính cách mang lại thành công lâu dài: Tài năng lãnh đạo đích thực luôn thu hút được những người khác. Mọi người thường không tin tưởng những nhà lãnh đạo không có tính cách tốt đẹp, và họ sẽ không tiếp tục ủng hộ như thế.
- Nhà lãnh đạo không thể vượt qua hạn chế trong tính cách của họ: Bạn đã từng thấy những tài năng kiệt xuất bất chợt sụp đổ khi họ đạt tới mức thành công nào đó chưa? Điểm mấu chốt của hiện tượng đó là tính cách. Steven Berglas tác giả cuốn The Succes Syndrone (Hội chứng thành công), cho rằng những người đạt thành tích cao, nhưng thiếu nền tảng tính cách hay dẫn tới thảm họa. Bởi vì, số phận họ gắn với một hoặc hơn một trong 4 nét tính cách sau: ngạo mạn. sự cô đơn, mạo hiểm tiêu cực, hoặc ngoại tình. Mỗi đặc tính là một cái giá mà bạn phải trả cho mỗi điểm yếu trong tính cách.
- hát triển kỹ năng lãnh đạo đó một phần nhờ vào việc học hỏi nguyên tắc lãnh đạo, vì đó là những công cụ chỉ ra cách thức hoạt động của công việc lãnh đạo. Chính vì vậy, tính cách là một phần của cuộc chơi. Bernard Montgomery – thống chế quân đội Anh khẳng định rằng: “Lãnh đạo là năng lực và ý chí tập hợp mọi người theo mục đích chung và là tính cách khơi nguồn sự tin tưởng .”
(2) Thiết lập mục tiêu
Người lãnh đạo luôn biết nhiệm vụ của họ là gì. Họ hiểu lý do tại sao các tổ chức luôn cần một người lãnh đạo. Và người lãnh đạo chân chính thì phải như một thuyền trưởng – biết rõ nhiệm vụ và luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu chung, lèo lái con tàu với rất nhiều nhân viên, làm sao để con tàu có thể vượt sóng vượt bão tới được bến thành công.
Luôn biết đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu. Làm sao để biết hoạt động của tập thể có đạt được mục tiêu hay không? Và mức độ đạt được là bao nhiêu? Rõ ràng, chúng ta không thể cứ theo đuổi những chiến lược và kế hoạch bất khả thi. Vậy nên, là người lãnh đạo, ngoài việc đặt ra các mục tiêu theo kế hoạch, còn phải đánh giá được mức độ đạt được mục tiêu, để có định hướng cũng như phương án dự phòng.
(3) Tầm nhìn xa – Bạn chỉ có thể nắm được những gì bạn nhìn thấy
Tầm nhìn thường được hình tượng hóa bằng một hình ảnh của tương lai, mang tính lựa chọn và ám chỉ đến khát vọng tạo ra một điều gì đó đặc biệt. Nếu cái tương lai quá xa, không thể hình dung ra nó thì tầm nhìn như thế là viển vông, không thiết thực. Vì thế, khi xác định mục tiêu, không được thiển cận, tầm nhìn quá ngắn mà cần có tầm nhìn xa nhưng tránh ảo tưởng. Muốn vậy, tầm nhìn phải có khả năng hiện thực hóa và không được quá trừu tượng hay mơ hồ.
Tầm nhìn hạn chế luôn dẫn dắt con người đến câu trả lời “không thể”. Jonathan Swift cho rằng: “Tầm nhìn là nghệ thuật nhìn thấy được những gì mà người khác không nhìn thấy”.
Một người lãnh đạo có vai trò quan trọng hơn một cá nhân rất nhiều. người lãnh đạo dường như luôn biết cách hoạch định tốt mọi công việc và là người cung cấp những lời khuyên hữu ích nhất cho những cộng sự hay thuộc cấp của mình.
Sự can đảm vươn tới mục tiêu của người lãnh đạo xuất phát từ niềm đam mê, không phải từ địa vị. Không chỉ có một tầm nhìn xa trông rộng, mà người lãnh đạo còn biết cách truyền đạt những ý tưởng của mình cho người khác hiểu để cùng với mình thực hiện tốt những ý tưởng đó. Những thông điệp được truyền đi phải luôn sinh động, rõ ràng và có sức thuyết phục cao. Do đó, sự thành thạo trong khả năng giao tiếp bằng lời nói luôn là phẩm chất cần có của một người lãnh đạo giỏi.
Một lãnh đạo có tầm nhìn xa sẽ luôn thấy được những nguy cơ, rủi ro cũng như những cơ hội thậm chí chưa hình thành. Không những thấy được những điều chưa ai thấy, họ còn có khả năng khuyến khích nhân viên của mình hình dung được những điều đó, tin tưởng vào tầm nhìn xa của lãnh đạo và luôn sẵn sàng cùng nhau trải qua những lúc khó khăn hay thắng lợi.
Để tìm hiểu về tầm nhìn và làm thế nào để nó trở thành một phần trong cuộc sống của người lãnh đạo, hãy xem xét những điểm sau:
a)Tương lai thuộc về những người có thể nắm được những gì nhìn thấy những khả năng trước khi nó hiện hữu rõ ràng.
b) Tầm nhìn xuất phát từ bên trong. Hãy viết ra tầm nhìn của bạn. Xem xét xem nó có đáng để theo đuổi không và một khi quyết định theo đuổi, hãy dồn toàn bộ khả năng để thực hiện điều đó.
c) Tầm nhìn được rút ra từ trải nghiệm của bạn. Nó phát triển từ quá khứ của người lãnh đạo và môi trường sống quanh ta.
d) Tầm nhìn sẽ đáp ứng được những nhu cầu của mọi người. Nó vượt trên những gì mà cá nhân có thể đạt tới. Nếu người lãnh đạo có một tầm nhìn không phục vụ mọi người, thì tầm nhìn đó quá hạn hẹp.
e) Tầm nhìn giúp bạn tập hợp được nguồn lực. Một trong những lợi ích của tầm nhìn là nó hoạt động như nam châm, kích thích và liên kết mọi người. Nó thu hút các nguồn lực khác như các nhân tài, tài chính, …
Vì vậy, đối với người lãnh đạo, đứng đầu tổ chức doanh nghiệp thì một trong những yêu cầu đầu tiên là phải có tầm nhìn xa trông rộng, có hướng đi đúng với mục tiêu và chiến lược phù hợp.
Thông điệp tầm nhìn còn được xem là một “công cụ” lãnh đạo hữu hiệu. Với một tầm nhìn đúng đắn, cao cả, người lãnh đạo có thể thu phục được những người trong tổ chức cùng đồng lòng theo mình vượt qua những khó khăn, thách thức, chinh phục những thành tựu đỉnh cao.
Tầm nhìn có sức mạnh thực sự khi nó được bảo đảm bởi một chiến lược, chương trình, kế hoạch hành. Theo đuổi tầm nhìn xa sẽ giúp lãnh đạo vạch trước những chiến lược hoạt động dài hạn, dự đoán trước những biến động có thể xảy ra trong tương lai để chuẩn bị, tìm cách thích nghi và đón đầu cơ hội.
Nói cách khác, đó là: “Bạn cần một bước đi táo bạo ngày hôm nay để vươn tới những thứ vĩ đại hơn của ngày mai”. Nhà lãnh đạo xuất sắc là phải biết nhìn xa trông rộng và họ hy sinh những điều nhỏ nhặt trước mắt để đạt được lợi ích dài hạn.
KẾT LUẬN:
Phẩm chất của nhà lãnh đạo. Lãnh đạo không phải là một câu lạc bộ dành riêng cho những người sinh ra để chỉ huy. Muốn làm nhà lãnh đạo, bạn phải có những phẩm chất được lĩnh hội và trau dồi qua thời gian. Kết hợp những phẩm chất đó với khát vọng và quyết tâm, thì không điều gì có thể ngăn bạn trở thành một nhà lãnh đạo. Đảm bảo tất cả mọi người đều hoàn thành công việc là tài năng của nhà quản lý. Khích lệ người khác làm việc tốt hơn là tài năng của nhà lãnh đạo. Dù bạn đang ở nắc thang lãnh đạo nào, cuốn sách bạn cầm trên tay cũng sẽ khích lệ bạn truyền cảm hứng cho người khác bằng sự tận tâm và tầm nhìn xa rộng của nhà lãnh đạo.
https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong
http://aitech.edu.vn/; hungngmd@gmail.com
VIỆN CÔNG NGHỆ QUẢN TRỊ Á CHÂU – TS. NGUYỄN VĂN HÙNG
[ad_2]
Source link