[ad_1]
Jim Rohn, diễn giả người Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, đã từng nói “Lãnh đạo người khác là giúp họ thay đổi tư duy, niềm tin và hành động cho điều tốt đẹp hơn.” Thật vậy, định hình phong cách lãnh đạo phù hợp có vai trò vô cùng to lớn trong việc thu phục lòng tin mọi người, tạo bàn đạp thành công mỹ mãn cho công việc. Có nhiều kiểu lãnh đạo, song 6 phong cách sau đây được nhiều người đứng đầu theo đuổi nhất hiện nay. Đó là những phong cách lãnh đạo gì và chúng có ưu, nhược điểm như thế nào?
Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về phong cách lãnh đạo được thực hiện vào năm 1939 bởi Kurt Lewin tạo tiền đề hình thành nên những mô hình phong cách hiệu quả nhất hiện nay. Tùy vào tính chất công việc, môi trường cạnh tranh mà mỗi nhà lãnh đạo thông thái sẽ lựa chọn một trong những phong cách phổ biến sau:
1.Phong cách lãnh đạo độc đoán (chuyên quyền)
Đúng như cái tên, nhà lãnh đạo theo đuổi phong cách độc đoán có xu hướng chỉ thị nhân viên mình làm theo những gì họ muốn, đồng thời phải tuân theo cách thức thực hiện do người đứng đầu đề xuất. Theo đó, quyền kiểm soát hoàn toàn tập trung trong tay nhà lãnh đạo, các cá nhân khó có cơ hội được đóng góp ý kiến.
Hình minh họa: Abraham Lincoln là ví dụ điển hình của phong cách lãnh đạo chuyên quyền
Tổng thống của Mỹ, Abraham Lincoln được đánh giá là một nhà lãnh đạo chuyên quyền vì nhiều quyết định tự trị mà ông đã đưa ra trong suốt Nội chiến. Đặt trong lịch sử Hoa Kỳ có nhiều bất ổn (1861 – 1865), đất nước yêu cầu có một tổng thống táo bạo, người sẵn sàng đưa ra các quyết định khó khăn nhất. Từ đó, Lincoln đã vươn lên và trở thành nhà lãnh đạo độc đoán, nhưng vẫn chú trọng kết hợp hài hòa thái độ đúng đắn.
Trên thực tế, phong cách này cũng mang đến những lợi ích sau:
- Tạo ra sự phân chia rõ ràng quyền hành giữa người lãnh đạo và các thành viên.
- Tính chất chuyên quyền phù hợp khi đặt trong trường hợp công việc khẩn cấp, người đứng đầu cần đưa ra quyết định nhanh chóng khi đã nắm rõ toàn bộ thông tin cần thiết.
- Ngăn chặn các doanh nghiệp hoặc dự án trở nên trì trệ vì tổ chức kém hoặc thiếu lãnh đạo.
- Yêu cầu các cá nhân trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Giống như William Arthur Ward đã từng nói “Tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm.”
Những vấn đề tồn tại trong việc lạm dụng phong cách lãnh đạo độc đoán có thể xảy ra như sau:
- Tập thể bị hạn chế những ý tưởng sáng tạo hay phương hướng giải quyết phong phú.
- Tạo áp lực nặng nề cho nhân viên.
- Ngăn cản mối quan hệ cởi mở, thân mật giữa lãnh đạo và cấp dưới.
2.Phong cách lãnh đạo có sự tham gia (dân chủ)
Nếu người lãnh đạo có thời gian để điều hướng công việc và mong muốn tạo động lực từ nhân viên, thì họ nên sử dụng phong cách tham gia (dân chủ). Theo Lewin, phong cách lãnh đạo có sự tham gia đóng góp của tất cả cá nhân trong tập thể thường là phong cách lãnh đạo thực tế và hợp lý trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề và đánh giá hiệu quả của nhân viên.
Ảnh minh họa Tim Cook và phong cách lãnh đạo có sự tham gia, dân chủ
Sự lãnh đạo của CEO Apple – Tim Cook cũng được xem là một minh chứng tiêu biểu của phong cách dân chủ. Khi ý tưởng về iWatch bắt đầu hình thành, Tim Cook đã chọn ít tham gia vào các chi tiết kỹ thuật và giao nhiệm vụ cho các thành viên tin cậy trong nội các của mình. Nhân viên của hãng “Táo khuyết” cũng đánh giá ông là người chu đáo, tận tình và có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong công ty.
Về ưu điểm, mỗi cá nhân cảm thấy bản thân là một phần quan trọng của tập thể. Các nhà lãnh đạo vừa tham gia khuyến khích các thành viên trong nhóm đóng góp ý tưởng, đồng thời vẫn giữ được tiếng nói cuối cùng trong quá trình ra quyết định.
Bass, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Lãnh đạo khẳng định các nhà lãnh đạo dân chủ “không nhấn mạnh khoảng cách xã hội”. Theo đó, mối quan hệ bền vững được xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa người lao động và quản lý, trong khi các nhà lãnh đạo chuyên quyền dường như phô trương địa vị xã hội cao hơn của họ với cấp dưới.
Về nhược điểm, năng suất làm việc của nhà lãnh đạo dân chủ thường kém hơn so với nhà lãnh đạo độc đoán. Các nhà lãnh đạo có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào chuyên môn và kinh nghiệm của cấp dưới. Điển hình là việc phân quyền cho các nhân viên Apple thực hiện phần lớn dự án iWatch khiến Tim Cook đưa ra quyết định chậm trễ và thiếu sáng suốt trong việc lắp ráp ổ đĩa.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo nên cẩn thận khi sử dụng phong cách có sự tham gia vì nó có thể gây tác dụng ngược. Đôi lúc, người đứng đầu xem xét và bỏ qua ý kiến không phù hợp của một vài thành viên. Điều này có thể dẫn đến những cá nhân cảm thấy thất vọng và năng suất làm việc của họ giảm xuống.
3. Lãnh đạo Phái Đoàn hay lãnh đạo ủy quyền (Laissez-faire)
“Laissez-faire” trong tiếng Pháp có nghĩa là không can thiệp vào công việc của người khác. Thay vì trực tiếp tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, nhà lãnh đạo ủy quyền đặt sự tín nhiệm của mình vào những thành viên tiềm năng, tạo cho họ không gian tự do phát triển ý tưởng, đồng thời, trợ giúp những nguồn lực và lợi khuyên cần thiết. Tuy không tham gia đưa ra quyết định cuối cùng cùng nhóm, người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định đó.
Về ưu điểm:
- Người lãnh đạo không ôm xuể mọi công việc và phải đặt ưu tiên cũng như ủy thác một số nhiệm vụ nhất định.
- Tăng năng lực phân tích tình huống và xác định phương hướng giải quyết của các thành viên.
- Hữu ích trong các tình huống tập hợp các chuyên gia có trình độ cao, gắn kết sự tin tưởng, đồng lòng giữa cấp trên và cấp dưới.
Về nhược điểm:
- Nhóm bị thiếu định hướng và chỉ định sát sao, các thành viên có xu hướng đổ lỗi cho nhau và từ chối trách nhiệm cá nhân.
- Công việc kém hiệu quả nếu các thành viên trong nhóm không quản lý tốt thời gian hoặc không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
- Lạm dụng sự tín nhiệm để lén lút đưa ra quyết định quá quyền hạn.
4. Phong cách lãnh đạo chuyển đổi
Lãnh đạo chuyển đổi thường được xem là phong cách hiệu quả nhất hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh. Chuyên gia lãnh đạo James McGregor Burns lần đầu tiên định nghĩa lãnh đạo biến đổi là một quá trình trong đó “các nhà lãnh đạo và những người cộng sự cùng nâng đỡ nhau để đạt đến các cấp độ đạo đức và động lực cao hơn”. 7 năm sau đó, Bernard M. Bass đã phát triển khái niệm lãnh đạo chuyển đổi là mô hình của sự liêm chính và công bằng, đồng thời nó có khả năng đặt mục tiêu rõ ràng và tạo kỳ vọng cao.
[ad_2]
Source link