[ad_1]
Một người biết lắng nghe sẽ dễ dàng gây thiện cảm và sự tin tưởng đối với người khác. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết lắng nghe và biết cách lắng nghe một cách biểu cảm để tạo niềm tin yêu cho người khác.
Dale Carnegie từng nói: “Nếu bạn hy vọng trở thành một người giỏi nói chuyện thì trước tiên hãy là một người biết chú ý lắng nghe”. Ngạn ngữ phương Tây cũng có câu: “Dùng thời gian 10 giây để nói, dùng thời gian 10 phút để nghe”. Điều đó chứng minh rằng, trong giao tiếp giữa người với người thì “nghe” và biết lắng nghe giữ một vị trí vô cùng quan trọng…
Lắng nghe là một phương pháp hữu hiệu để con người học tập. Việc trẻ em được bồi dưỡng việc lắng nghe từ nhỏ không những có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trẻ gặp phải mà còn có lợi cho sự phát triển sau này của các bé.
Tuy nhiên, thực tế thì có rất nhiều trẻ em chỉ muốn thể hiện bản thân chứ không biết lắng nghe, không thể hiện được sự chân thành trong giao tiếp, thậm chí còn không muốn lắng nghe ý kiến và lời khuyên của người khác. Để thay đổi hiện trạng này, cha mẹ hãy giúp con hình thành thói quen biết lắng nghe ngay từ nhỏ.
TRƯỚC KHI ĐẾN TRƯỜNG
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những người lắng nghe rất tốt. Trẻ lắng nghe và theo bản năng có thể nhận biết được sự khác biệt giữa tiếng bước chân của bố và mẹ trên sàn nhà. Tiếng ầu ơ ngân nga của một bài hát ru hay tiếng kêu lúc lắc của một món đồ chơi yêu thích là những âm thanh diệu kỳ đối với trẻ. Đôi khi nhiều niềm vui bắt nguồn từ ý thức của việc lắng nghe.
Khi trẻ nhỏ thì lắng nghe không phải là một lựa chọn. Nhưng khi ý chí phát triển, lắng nghe có thể trở thành có chủ ý và đôi khi là do sự chọn lựa. Sử dụng âm nhạc, ca hát hay giai điệu và các bài hát lôi cuốn có thể giúp phát triển kỹ năng lắng nghe của trẻ.
Nói chuyện với trẻ sơ sinh một cách thường xuyên trong suốt cả ngày có thể giúp trẻ có phản ứng rõ ràng hơn. Duy trì giao tiếp bằng mắt với bé là một điều quan trọng. Bạn nên thay đổi cách diễn đạt cho phù hợp với tình huống. Điều này sẽ giúp đứa trẻ tìm hiểu những ý nghĩa tinh tế đi kèm với những thay đổi trong giọng nói, tốc độ, nhịp điệu và cường độ.
Khi con bạn bắt đầu bập bẹ, trẻ có thể quan tâm tới các biểu hiện trên khuôn mặt và lắng nghe dáng điệu, cử chỉ của bạn. Mô hình hóa sự lắng nghe thực sự sẽ cho trẻ biết bạn đang lắng nghe trẻ và cho trẻ biết rằng đây là điều mà mọi người thường làm để giao tiếp với nhau.
TRẺ TỪ MẪU GIÁO ĐẾN LỚP 3
Trẻ em tuổi từ 5-9 được phát triển kỹ năng lắng nghe cùng với công việc học tập khác mà trẻ đang làm. Xem một vườn chơi của con trẻ hoặc nhìn một lớp học của học sinh lớp một để nghe một câu chuyện có thể là một niềm vui nho nhỏ đối với bạn. Toàn bộ cơ thể của trẻ hòa cùng với âm thanh của người kể chuyện. Không cần phải nói nhiều “Hãy lắng nghe!”
Giao tiếp với bạn cùng chơi đối với trẻ là một hoạt động có mục đích, các kỹ năng nghe và nói được phân chia khá đồng đều.
Khi trẻ lớn hơn một chút, trẻ bắt đầu mất dần kỹ năng lắng nghe mà mong muốn được giao tiếp với thế giới xung quanh và thể hiện những suy nghĩ, mong muốn của mình. Đây là thời gian nằm giữa độ tuổi từ 7 và 9, khi sự quan tâm có chủ ý cần được thực hiện để duy trì và xây dựng các kỹ năng lắng nghe cho trẻ.
Chơi trò chơi lắng nghe có thể cho trẻ có được cảm giác vui vẻ. Hãy cho trẻ chơi theo một mô hình vỗ tay, sau đó để trẻ trả lời. Một trò chơi cổ điển như gửi thông điệp thì thầm quanh một vòng tròn sẽ truyền cảm hứng lắng nghe cho trẻ một cách cẩn thận. Nghe một bài thơ, đặc biệt bài thơ có nhịp điệu có thể sẽ kích thích trẻ tham gia. Chơi trò chơi âm nhạc, nhạc cụ gõ tự làm hoặc học chơi piano có thể giúp cho trẻ em nghe tốt hơn.
Đây là độ tuổi mà trẻ em cần phải được nhắc nhở để lắng nghe nhau. Thực hành các cách lắng nghe có thể tạo sự vui vẻ cho trẻ bằng cách nhập vai vào các nhân vật hay giả vờ diễn trò. Khi con trẻ không lắng nghe, bạn phải nhẹ nhàng nhắc nhở để con trẻ lắng nghe những gì bạn đang nói. Điều này sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong các giai đoạn tiếp theo của trẻ.
Các điểm cần lưu ý:
- Một đứa trẻ sử dụng cảm giác nghe như là một cách để thích nghi trong cuộc sống và có được kinh nghiệm sống.
- Sử dụng tiếng nói, âm nhạc và âm thanh khác sẽ tạo được sự kích thích cho trẻ và làm dịu những lo lắng trong trẻ.
- Hãy mô hình hóa sự lắng nghe một cách cẩn thận bằng cách đặt mình vào tuổi của con trẻ với sự chân thành, bằng cách sử dụng giao tiếp bằng mắt, biểu hiện trên khuôn mặt và tư thế lắng nghe phù hợp.
- Trò chơi âm nhạc và lắng nghe, đóng vai, kể chuyện và thơ ca có thể giúp cho trẻ em lắng nghe tốt hơn.
- Trẻ em cần phải được nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng kiên quyết để trẻ có thể lắng nghe một cách tích cực hơn.
- Để giúp con bạn học cách lắng nghe, khi nói chuyện hãy nhìn vào đôi mắt của trẻ. Điều đó làm cho trẻ hiểu trẻ rất quan trọng, cha mẹ rất cần trẻ lắng nghe, nó vừa khiến trẻ tò mò lại rất thích thú bởi cảm giác mình được tôn trọng như một người lớn vậy.
- Khi nói chuyện với trẻ, hãy dùng một giọng nói nhẹ nhàng, thỉnh thoảng chỉ thì thầm thôi, bạn sẽ rèn cho trẻ cách lắng nghe, tập trung và chú tâm vào câu chuyện.
- Hãy tỏ ra ân cần, tôn trọng và lịch sự khi trò chuyện với con. Bởi vì, cũng như người lớn, trẻ không thể lắng nghe khi chúng cảm thấy cách nói chuyện của bạn khó chịu, không hấp dẫn, không quan tâm đến trẻ, không làm trẻ cảm thấy cần phải ngồi nghe. Một khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, lịch sự, chúng sẽ cố gắng ngồi lại bằng thái độ tôn trọng và lịch sự không kém.
- Dạy trẻ cách lắng nghe bằng cách lắng nghe chúng. Hãy gợi ý cho con kể câu chuyện của chúng. Hãy kiên nhẫn lắng nghe, nhìn vào đôi mắt trẻ và không ngừng khuyến khích, “Ồ thế à”, “Rồi sao nữa con”, “Câu chuyện của con thật thú vị”…
- Đừng xao lãng hoặc làm ngơ khi con bạn muốn nói chuyện với bạn. Điều này thể hiện thái độ lịch sự để trẻ hiểu rằng khi ai đó muốn nói chuyện, tâm sự với mình thì hãy lắng nghe bằng tất cả sự quan tâm, bởi vì họ đã tin tưởng, cần mình và rất yêu mến mình.
- Nói ngắn gọn, và hướng đến trung tâm của vấn đề, tránh dông dài và tranh cãi, trẻ không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những điều mà chúng không hiểu hoặc điều gì đó mà chúng cảm thấy không quan trọng, không muốn quan tâm.
- Dùng ngôn ngữ, cách diễn đạt của trẻ khi nói chuyện với trẻ, cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản, rõ nghĩa và dễ hiểu để chúng dễ dàng cảm nhận được, tránh diễn đạt dài dòng, ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu, chúng là làm giảm đi một nửa sự hấp dẫn của câu chuyện.
- Cuối cùng, hãy đưa ra quan niệm và suy nghĩ của riêng bạn khi trẻ đã kết thúc câu chuyện hoặc đã kết luận vấn đề, đừng cắt ngang câu chuyện của con, cũng đừng vội vã khuyên nhủ, dạy bảo, hãy để bé chủ động suy nghĩ về chúng trước bạn.
TIẾN HÀNH RÈN LUYỆN VIỆC LẮNG NGHE CHO CON
Lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe người khác nói mà lắng nghe cũng là quá trình tương tác. Không những cần chăm chú lắng nghe người khác nói mà còn phải tích cực dùng ngôn ngữ hoặc động tác để người đối diện có được cảm giác được đáp lại.
Cha mẹ có thể thông qua việc cùng con kể các câu chuyện để rèn luyện sự chú ý lắng nghe cho con. Hãy để con kể chuyện và cha mẹ tích cực lắng nghe. Trong quá trình lắng nghe, cha mẹ hãy dùng ngôn ngữ dẫn dắt và đáp lại lời kể của con để chứng tỏ rằng cha mẹ đang lắng nghe con nói. Sau khi nghe con kể xong câu chuyện, cha mẹ hãy cố gắng kể lại câu chuyện của con một cách chính xác nhất. Cuối cùng, cha mẹ hãy hỏi con xem con có hài lòng về cách lắng nghe của cha mẹ hay không. Nếu trẻ muốn, cha mẹ hãy đổi vai với con và kể lại câu chuyện một lần nữa.
Thông qua cách này, các bé sẽ phát hiện ra giữa lắng nghe tích cực và lắng nghe đơn thuần khác nhau nhiều như thế nào. Khi người lắng nghe dùng ngôn ngữ thể hiện qua lời nói và ngôn ngữ cơ thể biểu lộ sự hứng thú của mình, người nói chuyện sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, tâm lý cũng chuyển biến tích cực thoải mái hơn.
DẠY CON TÔN TRỌNG NHỮNG Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA NGƯỜI KHÁC
Tôn trọng là một trong những nhân tố cơ bản quan trọng nhất trong giao tiếp với người khác, cũng là thái độ cần thiết để thu nạp tất cả trí tuệ. Vì thế, học cách lắng nghe các loại âm thanh là tố chất tốt đẹp cần phải có để trẻ học cách lắng nghe.
Nhà giáo dục nổi tiếng thế giới Carnegie đã từng gặp một nhà thực vật học nổi tiếng trong bữa tiệc do nhà xuất bản New York tổ chức. Nhà thực vật học vô cùng vui mừng khi gặp Carnegie nên đã thao thao bất tuyệt kể cho ông nghe những sự thật thú vị về cây gai, hoa cỏ trong phòng và khoai tây.
Đến tận khi từ biệt, gần như Carnegie không nói câu nào. Nhưng mà nhà thực vật học ấy lại vui vẻ nói với chủ nhân bữa tiệc rằng: “Ngài Carnegie là người thú vị nhất, là một người nói chuyện thú vị nhất”.
Vì sao Carnegie không nói gì mà lại khiến đối phương cho rằng ông là “người nói chuyện thú vị nhất”? Đó là bởi vì ông có thể lắng nghe ý kiến của người khác, mặc dù ý kiến ấy đối với ông có thể không có bất kỳ tác dụng nào. Qua đó có thể thấy, học cách lắng nghe, học cách tôn trọng ý kiến của người khác vô cùng quan trọng.
Đối với trẻ em, học cách lắng nghe có nghĩa là học cách giao lưu bằng tâm hồn. Bởi vì trong quá trình lắng nghe, không chỉ là lắng nghe người khác nói chuyện mà là đưa tình cảm vào, là sự đối đáp về tâm hồn, như thế mới có thể cảm nhận được sự thân thiết của đối phương, kéo gần khoảng cách giữa hai bên.
DẠY TRẺ MỘT VÀI LỄ NGHI LẮNG NGHE
Trẻ em không chăm chú lắng nghe người khác thường là do các bé không biết phải nghe như thế nào. Để hình thành thói quen lắng nghe cho con, cha mẹ nên dạy con một số lễ nghi cơ bản của việc lắng nghe.
– Khi lắng nghe phải tập trung chú ý, phải kiên nhẫn. Khi nghe người khác nói mắt nên nhìn người đối diện, chăm chú lắng nghe. Không được liếc ngang liếc dọc, không cúi đầu mân mê vạt áo, không lơ đãng hoặc làm những việc không liên quan. Điều này trước tiên là tôn trọng người khác, cũng là tiền đề cho việc giao tiếp diễn ra tốt đẹp.
– Khi lắng nghe phải tích cực phản ứng. Trong quá trình lắng nghe, phải dùng các phương thức truyền đạt phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt để chứng tỏ mình đang chăm chú lắng nghe. Cũng có thể dùng những câu nói như: “đúng vậy, đúng thế, tôi hiểu…” để chứng tỏ mình đang chăm chú lắng nghe.
– Khi lắng nghe không được tùy tiện nói xen vào. Rất nhiều trẻ thích bày tỏ ý kiến của mình, thường xuyên cướp lời, nói xen vào, thậm chí cho rằng đây là biểu hiện thông minh. Tuy nhiên, đây không những là biểu hiện bất lịch sự mà còn có thể vì nói xen vào mà làm ngắt quãng mạch suy nghĩ của người khác, khiến họ không thể bày tỏ suy nghĩ của mình một cách hoàn chỉnh, từ đó khiến đối phương có cái nhìn phản cảm.
– Chú ý phương thức nói chuyện của đối phương. Ngữ khí, cách dùng từ, ngữ điệu… bởi phương thức diễn đạt của đối phương đều truyền đạt một thông tin nào đó. Nếu tập trung chú ý, có thể phát hiện ngụ ý ẩn sau câu nói của họ, thật sự hiểu được thông tin mà đối phương muốn truyền đạt.
– Chuyển chủ đề phải thích hợp. Nếu không hứng thú với chủ đề của đối phương thì không được tỏ ra khó chịu hãy khéo léo tìm chủ đề khác mà mọi người cùng quan tâm.
Dù là người khó tính hay đả kích và phê bình người khác đến thế nào đi nữa cũng sẽ mềm lòng trước một người biết lắng nghe và thấu hiểu. Vì thế, cha mẹ hãy lưu tâm hình thành cho con đức tính tốt đẹp này.
NGƯỜI LỚN LÀ TÂM GƯƠNG VIỆC DẠY LẮNG NGHE
Chúng ta không nên cắt ngang khi bé đang kể chuyện mà nên toàn tâm lắng nghe và thể hiện sự thích thú trước những gì bé muốn to nhỏ. Thế nên bố mẹ đừng nên vừa đọc báo hay nói chuyện với người khác vừa trò chuyện với bé nhé. Hãy hướng sự chú ý của bạn vào những gì bé muốn nói hay muốn cho bạn xem.
Nếu bạn muốn bé lắng nghe mình, bạn cần cho bé thấy được rằng bạn cũng sẵn sàng lắng nghe bé. Trẻ em cần biết tôn trọng những gì mà bé có hay nhận được và khi bé biết lắng nghe người khác, bé sẽ biết lắng nghe chính bản thân mình.
Ngoài ra, việc quan sát và lắng nghe cách bạn nói chuyện với bé, điều mà có thể chính bạn cũng không để ý, sẽ góp phần định hình phong cách giao tiếp của bé. Do đó, hãy thận trọng với những gì mình sẽ nói và cách truyền đạt nó. Đồng thời bạn cần thay đổi ngay những thói quen chưa tốt để tránh bé sẽ đi vào “vết xe đổ” của mình sau này nhé.
Lắng nghe không chỉ là kỹ năng quan trọng ở nơi làm việc mà theo Viện Thính Học Quốc Tế, việc lắng nghe còn đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống cá nhân thường ngày. Tất cả mọi người đều có khả năng nghe từ khi còn là một bào thai, tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể học để có khả năng lắng nghe tốt hơn.
Bạn có thể dạy con bạn học cách lắng nghe bằng cách chính bạn hãy là một người biết lắng nghe. Trong thực tế, khi bạn làm cùng lúc nhiều việc, sẽ không dễ để bạn có thể thực sự lắng nghe người khác nói. Hãy tập dần từ những việc nhỏ như dừng hẳn việc đang làm và nhìn thẳng vào bé khi bé nói chuyện với bạn, thay vì chỉ cho bé một phần sự chú ý. Đồng thời hạn chế bớt những vật gây nhiễu trong nhà, ví dụ như đừng để TV hay radio mở ra rả suốt ngày, để mọi người có thể dễ dàng lắng nghe xem người khác đang nói gì với mình.
Ads by AdAsia
[ad_2]
Source link