[ad_1]
Thương mại điện tử là hình thái hoạt động thương mại bằng các phương pháp điện tử, việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử. Hạ tầng cơ sở của thương mại điện tử là tổng hòa nhiều vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong đó hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thương mại điện tử. Nó được hiểu là toàn bộ các nhân tố, các điều kiện cơ bản về kinh tế – xã hội nhằm tạo ra một môi trường cho sự hình thành và phát triển của thương mại điện tử.
1. Khái niệm cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội trong hoạt động thương mại điện tử
Sự phát triển của thương mại điện tử một mặt, là kết quả của xu hướng số hóa, điện tử hóa; mặt khác, là kết quả của vấn đề tạo môi trường kinh tế – xã hội, cùng các chủ trương chính sách cho kinh tế “số hóa” nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Thương mại điện tử (Electronic Commerce) một yếu tố hợp thành của nền “Kinh tế số hóa“, là hình thái hoạt động thương mại bằng các phương pháp điện tử; là việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện công nghệ điện tử, không cần phải in ra giấy trong bất cứ công đoạn nào của quá trình giao dịch (còn gọi là “thương mại không có giấy tờ“). Nói cách khác, thương mại điện tử là hình thái hoạt động thương mại bằng các phương pháp điện tử, việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử.
Thương mại điện tử mang lại những tiện ích sau: đơn giản hóa truyền thông; các doanh nghiệp có được thông tin nhanh, phong phú về thị trường; khách hàng dễ dàng hơn trong lựa chọn khi mua hàng; giảm được các chi phí quản lý; bán hàng và giao dịch nhiều lần; rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm; đưa nền kinh tế tiếp cận với nền kinh tế số. Hạ tầng cơ sở của thương mại điện tử là tổng hòa nhiều vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong đó hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thương mại điện tử. Nó được hiểu là toàn bộ các nhân tố, các điều kiện cơ bản về kinh tế – xã hội nhằm tạo ra một môi trường cho sự hình thành và phát triển của thương mại điện tử.
2. Các yếu tố kinh tế – xã hội ảnh hưởng đến thương mại điện tử
2.1. Các yếu tố kinh tế
Dù ở bất kỳ cấp độ nào các yếu tố kinh tế cũng có vai trò quan trọng và quyết định hàng đầu. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống tổ chức quản lý và các thể chế của hệ thống đó có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến chiều hướng lẫn cường độ của các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động thương mại nói riêng. Các yếu tố kinh tế chủ yếu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động thương mại điện tử cần phải nghiên cứu, gồm:
Tiềm năng của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế: Tiềm năng của nền kinh tế là yếu tố tổng quát, phản ánh các nguồn lực có thể huy động được vào phát triển nền kinh tế liên quan đến các định hướng lớn về phát triển thương mại, trong đó có sự phát triển thương mại điện tử và các cơ hội trong kinh doanh.Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân liên quan trực tiếp đến sự tăng trưởng hoặc thu hẹp quy mô phát triển, cũng như cơ cấu phát triển của ngành thương mại và cơ cấu hàng hóa lưu chuyển trên thị trường. Chính sự gia tăng quy mô và cơ cấu hàng hóa kinh doanh sẽ ảnh hưởng và làm thay đổi phương thức giao dịch kinh doanh, trong đó có thương mại điện tử.
Lạm phát và tỷ giá hối đoái: Lạm phát và khả năng kiềm chế lạm phát của nền kinh tế quốc dân ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng đầu tư và tiêu dùng, sự thu nhập, tích lũy và khả năng cân đối tiền – hàng trong thương mại. Tỷ giá hối đoái và khả năng chuyển đổi của đồng tiền là minh chứng cho sự ổn định của đồng tiền nội địa, cũng như việc lựa chọn ngoại tệ trong giao dịch thương mại và thương mại điện tử.
Thu nhập và phân bố thu nhập của dân cư: Đó là lượng tiền mà người tiêu dùng có thể thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ trong một khoảng thời gian nhất định. Thu nhập và phân bố thu nhập của dân cư ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng thanh toán và tạo ra cơ sở vật chất cần thiết cho thực hiện thương mại điện tử.
2.2. Các yếu tố văn hóa – xã hội
Bất cứ một sự thay đổi nào các yếu tố văn hóa – xã hội đều có thể ảnh hưởng đến môi trường thực hiện thương mại điện tử. Sự xung đột hoặc giao thoa về văn hóa – xã hội, lợi ích trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế đã làm cho các yếu tố văn hóa – xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và xúc tiến thương mại điện tử. Thực tiễn cho thấy, các vấn đề về phong tục tập quán, lối sống, trình độ dân trí, tôn giáo, tín ngưỡng…có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu nhu cầu thị trường. Sự khác biệt về quan điểm kinh doanh, về trình độ, về dân tộc…có thể tạo ra những cản trở hoặc thuận lợi. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và thực hiện thương mại điện tử đòi hỏi phải khéo léo giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên, cũng như cần phải nghiên cứu và thấu hiểu các nội dung chủ yếu của môi trường văn hóa – xã hội sau:
– Dân tộc, tôn giáo và nền văn hóa. Sự khác biệt về tầng lớp xã hội, bản sắc văn hóa của các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo sẽ dẫn tới quan điểm và cách ứng xử đối với thương mại điện tử rất đa dạng và phong phú.
– Dân số và sự biến động về dân số là thể hiện số lượng người tiêu dùng hiện có trên thị trường, cũng sẽ ảnh hưởng đến dung lượng của thị trường. Dân số càng lớn, thì nhu cầu nhóm sản phẩm càng nhiều, khối lượng tiêu thụ sản phẩm càng tăng, mối quan hệ giao dịch qua thương mại điện tử càng lớn. Cùng với số lượng dân số, cơ cấu dân số và xu hướng vận động của nó cũng ảnh hưởng tới cơ cấu tiêu dùng, thói quen tiêu dùng; phương thức tiêu dùng; phương tiện giao dịch; thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Mặt khác, sự dịch chuyển dân cư ảnh hưởng tới sự xuất hiện cơ hội mới hoặc thách thức làm mất đi cơ hội hiện tại trong hoạt động thương mại điện tử.
– Nghề nghiệp và vị trí xã hội của dân cư sẽ ảnh hưởng đến quan điểm và phương thức ứng xử của họ đối với thương mại điện tử. Do đó, cần phải thỏa mãn nhu cầu theo nhóm xã hội một cách tương xứng và phải được xem xét khi xây dựng, phát triển thương mại điện tử.
2.3. Các yêu cầu về hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội đối với thương mại điện tử
Sự phát triển kinh tế – xã hội sẽ thúc đẩy thương mại điện tử ra đời và phát triển. Thương mại điện tử là kết quả của công nghệ thông tin – truyền thông. Chính vì vậy, hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội phải tạo ra những điều kiện cần thiết và đáp ứng được những yêu cầu nhất định thì thương mại điện tử mới có điều kiện hình thành và phát triển. Mặc dù thương mại điện tử là một phương thức hoạt động mang tính toàn cầu, song tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia mà thương mại điện tử phải thỏa mãn được những yêu cầu mang tính kinh tế – văn hóa, xã hội trong quá trình phát triển của mình. Những yêu cầu về hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội cho thương mại điện tử, bao gồm:
– Hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng phải dựa trên những chuẩn mực quốc tế và quốc gia. Những chuẩn mực chủ yếu có liên quan trực tiếp đến thương mại điện tử, như: chuẩn mực về thanh toán; về vận chuyển; về thuế quan; về tài chính…
– Xây dựng và phát triển được hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin bao gồm thanh toán toán điện tử và truyền thông điện tử một cách vững chắc. Đồng thời, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin ổn định phải mang tính kinh tế trong sử dụng và chi phí dịch vụ truyền thông giá rẻ để đông đảo người sử dụng có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, có được hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin vững chắc mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin đó phải dựa trên nền tảng một nền công nghiệp điện năng đảm bảo cung cấp điện năng đầy đủ, ổn định và với mức giá hợp lý.
– Tổ chức tốt các hoạt động thông tin kinh tế, thông tin thương mại là trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu để xúc tiến thương mại điện tử. Do đó, phải tổ chức tốt công tác thông tin về hàng hóa, dịch vụ về các hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Những thông tin thương mại nói chung và hàng hóa, dịch vụ nói riêng là những cơ sở dữ liệu ban đầu cho các giao dịch điện tử.
– Nền kinh tế phải xây dựng và đào tạo được một đội ngũ những chuyên gia về công nghệ thông tin có kiến thức sâu, rộng và giỏi về nghiệp vụ công nghệ thông tin; thường xuyên nắm bắt các công nghệ thông tin mới để phục vụ cho kinh tế số hóa nói chung và thương mại điện tử nói riêng; cũng như khả năng thiết kế các chương trình phần mềm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, tránh sự bị động lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.
– Xây dựng được hệ thống thanh toán tài chính phát triển cho phép thực hiện thanh toán tự động. Khi chưa có hệ thống này, thương mại điện tử chỉ mới ứng dựng được phần trao đổi thông tin, buôn bán vẫn phải kết thúc bằng trả tiền trực tiếp hoặc phương thức thanh toán truyền thống và như vậy hiệu quả thương mại điện tử bị giảm, thậm chí không đủ để bù đắp các chi phí trang thiết bị công nghệ đã đầu tư.
– Xây dựng hệ thống pháp luật các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.Trong kinh doanh thương mại điện tử, các thông tin về hàng hóa đều được mã hóa, số hóa, khi đó người bán không có điều kiện thuyết phục người mua, người mua không có điều kiện cảm nhận hàng hóa thông qua các hành vi kiểm tra thường thấy khi mua bán truyền thống như nếm thử, dùng thử… Điều này đã làm tăng khả năng xảy ra rủi ro cho cả người bán lẫn người mua, đặc biệt là người tiêu dùng; đó là chưa kể đến khả năng bị nhầm lẫn bởi các cơ sở dữ liệu, bị lừa gạt bởi các thông tin và các tổ chức phi pháp có mặt trên mạng.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, pháp lệnh về “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (BVQLNTD) của nhiều quốc gia trên thế giới thường đưa ra quy định, các hợp đồng bán hàng từ xa phải được thể hiện dưới hình thức văn bản do người bán phát hành, trong đó phải ghi rõ những điều khoản cơ bản nhất như: tên, địa chỉ liên lạc của người bán; tên, địa chỉ của người mua; ngày ký hợp đồng; mô tả chi tiết về hàng hóa, dịch vụ được cung ứng (ghi rõ các chỉ tiêu về kỹ thuật và chuyên môn); cấu thành giá của hàng hóa, dịch vụ (nêu rõ giá chưa có thuế và giá có thuế, các khoản phí phải trả, bao gồm cả phí vận chuyển, phí môi giới); điều kiện về vận chuyển (bao gồm cả tên của người có trách nhiệm vận chuyển, địa điểm giao hàng); cách thức thanh toán tiền hàng (các khoản trả chậm, trả dần nếu có, mức lãi suất áp dụng cho các khoản trả chậm, trả dần); các giới hạn trách nhiệm (nếu có) của người bán, người vận chuyển; điều kiện chấm dứt hợp đồng; điều kiện đổi, trả lại hàng hóa; chính sách trả lại tiền hàng v.v..
Trường hợp hợp đồng bán hàng từ xa được thể hiện dưới hình thức điện tử (trên mạng Internet), thì người bán hàng phải bảo đảm rằng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng, họ phải được cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ. Các thông tin đó có thể lưu giữ lại dưới dạng bản in; đồng thời, người tiêu dùng phải được quyền sửa chữa những sai sót mà mình đã viết vào bản hợp đồng.
Chính vì vậy, cần phải tạo ra một hệ thống các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của những người tham gia vào hoạt động thương mại điện tử. Thực tiễn và lý luận đã cho thấy, việc xây dựng Luật BVQLNTD để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng đang là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để đạo luật thân thiện với người tiêu dùng hơn, dễ sử dụng đối với người tiêu dùng, chắc chắn sẽ còn nhiều điều cần phải tiếp tục bàn luận.
2.4. Xây dựng môi trường kinh tế – xã hội trong thực hiện thương mại điện tử
Những nhân tố kinh tế – xã hội cấu thành môi trường cho thương mại điện tử tự thân vận động, tác động qua lại với nhau và trở thành động lực chính cho sự vận động biến đổi của thương mại điện tử. Môi trường kinh tế – xã hội cho thương mại điện tử là một hệ thống tổng thể các nhân tố kinh tế – xã hội mang tính khách quan và chủ quan, tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử.
Tuy nhiên, bản thân trong quá trình hoạt động, thương mại điện tử không chịu các tác động một cách thụ động từ môi trường kinh tế – xã hội, mà nó lại sản sinh ra các tác nhân khác làm thay đổi môi trường kinh tế – xã hội. Xây dựng được môi trường kinh tế – xã hội thuận lợi có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử; do đó, cần phải có phương pháp phân tích khoa học môi trường kinh tế – xã hội. Trình tự phân tích được thực hiện gồm các bước sau:
– Khai thác và thu thập các thông tin liên quan từ môi trường kinh tế – xã hội. Hệ thống thông tin đó phải phản ánh sự định lượng khá đầy đủ các nhân tố ảnh hưởng tới thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, phức tạp do tác động bất lợi từ nền kinh tế thế giới và những hạn chế nội tại của nền kinh tế nước ta trong những năm qua.
– Sắp xếp các nhân tố ảnh hưởng theo những tiêu chí nhất định, chỉ rõ những nhân tố ảnh hưởng tác động trực tiếp và gián tiếp, những tác động trước mắt và lâu dài như: tìm hiểu mối quan hệ giữa việc nhận thức sự hữu ích; tính dễ sử dụng; sự rủi ro liên quan giao dịch trực tuyến; rủi ro liên quan đến sản phẩm/dịch vụ và thói quen thanh toán đối với thái độ mua hàng…
– Sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để phân tích, tính toán tìm ra những nhân tố tích cực tác động đến thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp thiết thực tác động vào những nhân tố này nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng về kinh tế – xã hội vững chắc cho thương mại điện tử. Đồng thời, tìm kiếm những nhân tố tích cực còn phải hạn chế những tiềm ẩn rủi ro, những bất cập và lực cản đã kìm hãm hoạt động thương mại điện tử.
– Nhằm thiết lập, một môi trường kinh tế – xã hội thuận lợi cho thương mại điện tử thì vai trò nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội và các doanh nghiệp là rất quan trọng …
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Sự tác động của nhà nước luôn là những tiền đề quyết định đến việc tạo lập môi trường cho thương mại điện từ. Để cho thương mại điện tử trở thành hiện thực và phát triển, nhà nước cần có các phương hướng và các giải pháp đó là:
– Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông đảm bảo công nghệ hiện đại, quản lý và khai thác hiệu quả. Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phải đi trước một bước nhằm tạo cơ sở cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Đầu tư vào hạ tầng thông tin và truyền thông là đầu tư chiều sâu, mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội.
– Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng cường năng lực công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia.
– Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Hình thành, xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử.
– Xây dựng và phát triển doanh nghiệp điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong những ngành dịch vụ kinh tế có tính hội nhập cao như: viễn thông, ngân hàng, hải quan, hàng không, du lịch, thuế, v.v…, đảm bảo năng lực quản lý và chất lượng dịch vụ của các ngành này đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
– Phát triển giao dịch và thương mại điện tử, hình thành và thúc đẩy phát triển môi trường giao dịch và thương mại điện tử. Hình thành các sàn giao dịch thương mại điện tử; mạng giá trị gia tăng; hệ thống quản lý dây chuyền cung ứng.
– Nhà nước cần ban hành các chính sách kinh tế, các nguyên tắc tổ chức, các chuẩn mực, các cơ chế điều hành và phương thức quan hệ của các đơn vị kinh tế; một hệ thống chính sách cụ thể, hợp lý nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp thông tin và ngành thương mại điện tử.
– Xây dựng hoàn thiện các đạo luật, các văn bản dưới luật có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử bao gồm các vấn đề như: thừa nhận tính pháp lý của các giao dịch thương mại điện tử của chữ ký điện tử và có các thiết chế pháp lý, cơ quan pháp lý thích hợp cho việc xác thực chữ ký điện tử; bảo vệ pháp lý các hợp đồng điện tử, các thanh toán điện tử, các cơ sở dữ liệu có xuất xứ từ Nhà nước, các sở hữu trí tuệ và bảo vệ pháp lý đối với mạng lưới thông tin nhằm chống lại mọi sự xâm nhập với các mục đích bất hợp pháp.
– Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và có các biện pháp để giữ vững sự ổn định tiền tệ, phát triển thị trường tài chính – tiền tệ, từng bước tạo lập và thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán cũng như các hình thức thanh toán điện tử.
Đối với các tổ chức, các doanh nghiệp: Phải tham gia tích cực trong việc tạo ra hạ tầng cơ sở kinh tế cho sự phát triển của thương mại điện tử; phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh doanh thương mại điện tử theo hướng:
– Chỉ khi nào doanh nghiệp nhận thức đầy đủ rằng, TMĐT là kênh doanh thu hoàn toàn mới, đầy tiềm năng cần đầu tư từ đầu, có chiều sâu và bài bản thì TMĐT mới có thể thực sự cất cánh. Chừng nào doanh nghiệp vẫn hiểu TMĐT như là một kênh bán hàng mở rộng, thì chừng đó sức ỳ của thị trường vẫn còn lớn.
– Tuân thủ pháp luật của nhà nước và các chế định pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử. Có kế hoạch và chiến lược bồi dưỡng nâng cao kiến thức để tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử một cách có hiệu quả. Phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho các tổ chức, các doanh nghiệp và trong các trường đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
– Tích cực tăng cường các mối liên kết kinh tế, các hợp tác kinh tế – kỹ thuật trong và ngoài nước, trên cơ sở lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia và sự phát triển của thương mại điện tử.Các doanh nghiệp, các tổ chức phải có kế hoạch tự xây dựng nguồn số liệu cần thiết, một mạng lưới thông tin vi mô đủ sức cung cấp những thông tin số liệu có liên quan đến hoạt động thương mại.
– Các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược phát triển thương hiệu lâu dài bao gồm cả các chương trình tiếp thị và xúc tiến giới thiệu sản phẩm phù hợp. Chính sách thương hiệu tập trung sản phẩm hướng tới khách hàng của doanh nghiệp đem lại cho khách hàng cảm giác đáng tin cậy nhất. Bên cạnh đó, uy tín nhãn hiệu và đăng ký tên miền trên mạng, sao cho tên miền gần với nhãn hiệu hàng hóa và phù hợp với các chuẩn mực thông tin toàn cầu để tạo điều kiện cho khách hàng biết sản phẩm của doanh nghiệp.
– Các doanh nghiệp cần tạo ra những phương thức, công cụ diễn đạt ngoài tiếng nói và chữ viết trong thương mại điện tử, như: biểu trưng về sản phẩm nhằm xúc tiến việc mua bán hóa; cung ứng dịch vụ cho khách hàng những lợi ích nhất định; hỗ trợ giúp cho khách hàng và người tiêu dùng nhận biết sản phẩm của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác và trực tiếp.
Hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội nói trên cho thấy, môi trường cho ứng dụng và phát triển thương mại điện tử đang hình thành chưa đầy đủ ở Việt Nam, đòi hỏi nhất thiết phải có một quá trình chuẩn bị; quá trình đó dài hay ngắn tùy thuộc vào quan điểm chung, vào cách nhận thức vấn đề và cách triển khai thương mại điện tử.
Trích trong sách Thương mại điện tử – Cẩm nang TS Nguyễn Văn Hùng
https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong
http://aitech.edu.vn/; hungngmd@gmail.com
VIỆN CÔNG NGHỆ QUẢN TRỊ Á CHÂU – TS. NGUYỄN VĂN HÙNG
[ad_2]
Source link