[ad_1]
Giáo dục lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triễn toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẫm chất của người lao động mới : yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp trẻ nắm được các kỹ năng lao động đơn giãn phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động. Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với chúng, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách phát triễn toàn diện.
Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ.Trong thời đại hiên nay, các gia đình cũng bằng cách này cách khác để giáo dục trẻ yêu lao động, nhưng con trẻ vẫn ngại làm việc hoặc chỉ thực hiện các nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Bên cạnh đó thì việc trẻ ở trường các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động
Để xây dựng cơ sở ban đầu cho giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện, giáo dục mầm non cần phải được tiến hành một cách tổng hợp và đồng bộ các mặt sau đây:
Giáo dục thể chất
- Giáo dục trí tuệ
- Giáo dục đạo đức
- Giáo dục thẩm mĩ
- Giáo dục lao động.
Những mặt giáo dục trên đây gắn bó, bổ sung cho nhau trong quá trình hình thành cơ sở ban đầu về nhân cách con người phát triển toàn diện. Tuy nhiên, do đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ ở mỗi thời kì khác nhau là khác nhau, nên cần phải xác định được các nhiệm vụ nội dung, phương pháp, biện pháp… chăm sóc và giáo dục phù hợp với đặc điểm tăng trưởng và phát triển của từng thời kì.
5. Giáo dục lao động cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo
Giáo dục lao động là nội dung quan trong trong giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện. Tuy nhiên ở mỗi độ tuổi, nội dung và yêu cầu giáo dục lao động có sự khác nhau. Ở lứa tuổi mầm non, nội dung giáo dục lao động là những kĩ năng lao động đơn giản gắn với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của trẻ và thường đặt ra ở lứa tuổi mẫu giáo là chính. Do vậy ở mục này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục lao động cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo.
5.1. Khái niệm và ý nghĩa của giáo dục lao động cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo
5.1.1. Khái niệm
Giáo dục lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất của người lao động mới: yêu lao động, quý trọng người lao động; giúp trẻ nắm được một số kĩ năng lao động đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị cho trẻ sau này tham gia vào đời sống lao động.
5.1.2. Ý nghĩa của giáo dục lao động cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo
Lao động sản xuất là hoạt động cơ bản của con người (hoạt động đấu tranh với tự nhiên), lao động sản xuất đã sáng tạo ra loài người và góp phần to lớn vào sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Trong giáo dục mẫu giáo, N. K. Krupaipa nhiều lần nhấn mạnh phải dạy trẻ những hình thức lao động đơn giản vừa với sức trẻ. A. S. Macarencô cho rằng, trong lao động sẽ hình thành tính độc lập, tinh thần trách nhiệm, sự tự tổ chức hành vi có mục đích của trẻ. Trẻ biết lao động thì cũng biết giá trị của nỗ lực lao động, biết tôn trọng lao động của người khác, chú ý nhiều hơn đến những người cần giúp đỡ. Cũng như N.K. Krupaipa, A.S. Macarenkô rất chú trọng lao động tập thể của trẻ. Ông viết: Sự cố gắng lao động chung, công việc trong tập thể, sự giúp đỡ của con người lao động, mối quan hệ phụ thuộc giữa mọi người lao động mới có thể tạo ra thái độ đúng đắn giữa con người với nhau. Thái độ đúng đắn này không chỉ là mỗi người cống hiến sức mình cho xã hội, mà đòi hỏi mỗi người khác nhau cũng phải làm như vậy và không muốn gánh vác cuộc sống của kẻ ăn bám ở bên cạnh mình.
Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với chúng, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách phát triển toàn diện diễn ra thuận lợi:
– Đối với giáo dục thể chất. Trong khi lao động, tất cả các quá trình hô hấp, tuần hoàn, trao đổi chất đều được tăng cường. Đồng thời, hoạt động lao động làm giảm bớt sự mệt mỏi trí óc của trẻ, giúp trẻ phát triển cân đối, hài hoà.
– Đối với giáo dục đạo đức. Giáo dục lao động góp phần hình thành những phẩm chất đạo đức như lòng yêu lao động, quý trọng người lao động, sẵn sàng lao động không những cho mình, cho người thân mà còn vì lợi ích chung của tập thể, cho xã hội và từ đó hình thành ở trẻ tính mục đích, tính kiên trì, tính độc lập, tinh thần vượt khó khăn và óc sáng tạo; giúp trẻ nắm được một số kĩ năng lao động đơn giản; hiểu rõ vai trò lao động trong đời sống; hình thành các quan hệ tập thể trong lao động, tinh thần tương trợ và niềm vui cho kết quả chung của tập thể.
– Đối với giáo dục trí tuệ. Ảnh hưởng của lao động đến sự phát triển trí tuệ thể hiện ở chỗ, trong quá trình lao động, trẻ trực tiếp sử dụng công cụ lao động, thực hành lao động, qua đó, trẻ nắm được tính chất của các vật liệu và những tri thức về đối tượng lao động. Chẳng hạn, qua chăm sóc cây trồng, vật nuôi, trẻ biết được đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chúng và vai trò của lao động đối với sự sinh trưởng, phát triển. Từ đó, góp phần phát triển khả năng chú ý, quan sát và vận dụng tri thức vào thực tiễn một cách sáng tạo. Việc vận dụng vào thực tiễn các kiến thức giúp cho những kiến thức của trẻ về thế giới xung quanh vững chắc hơn.
– Đối với giáo dục thẩm mĩ. Mối quan hệ tương hỗ giữa giáo dục lao động và giáo dục thẩm mĩ thể hiện ở chỗ, trong lao động, trẻ thường hướng vào việc tạo ra những sản phẩm đẹp. Đồng thời, khi lao động, nhờ sự hướng dẫn của người lớn, trẻ phân biệt được sản phẩm đẹp với sản phẩm xấu; biết yêu quý, gìn giữ cái đẹp, muốn sống theo cái đẹp,
5.2. Nhiệm vụ giáo dục lao động cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo
Giáo dục học mẫu giáo đưa ra các nhiệm vụ giáo dục lao động cơ bản sau đây:
+ Giúp đỡ trẻ tìm hiểu lao động của người lớn và giáo dục lòng yêu quý người Iao động và sản phẩm của người Iao động.
+ Giáo dục các kĩ năng lao động đơn giản, như tự phục vụ bản thân, lao động trong sinh hoạt tập thể, chăm sóc vật nuôi, cây trồng làm đồ dùng, đồ chơi đơn giản bằng vật liệu thiên nhiên.
+ Giáo dục trẻ hứng thú lao động, lòng yêu lao động, giáo dục động cơ lao động vì tập thể, tính độc lập và kĩ năng lao động trong tập thể, vì tập thể.
Ở trường mẫu giáo, trong gia đình và môi trường xã hội, trẻ được tiếp xúc với lao động của người lớn và những kết quả do lao động mà có. Lúc đầu, trẻ mới chú ý đến bản thân hành động lao động, các thao tác lao động, việc sử dụng các công cụ lao động, sự vận động của các cơ chế máy móc hấp dẫn, lôi cuốn trẻ. Đó chỉ là những yếu tố bên ngoài của lao động, về sau, do sự tích luỹ kinh nghiệm bản thân và sự giải thích của cô giáo, trẻ dần dần hiểu biết được lao động của người lớn, ý nghĩa xã hội và lợi ích của lao động. Từ những hiểu biết đó hình thành ở trẻ lòng tôn trọng đối với lao động của người lớn và thái độ giữ gìn kết quả của lao động. Đó là những nhân tố sơ đẳng, ban đầu về lao động mà trẻ cần hiểu biết.
Song, việc tổ chức cho trẻ trực tiếp tham gia các hình thức lao động phù hợp với sức khoẻ và tâm lí lứa tuổi có ý nghĩa giáo dục thực sự, trẻ mới cảm thấy lao động là khó khăn và sự cần thiết phải lao động, phải có sự nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Việc dạy cho trẻ biết lao động hợp lí là cơ sở của việc tổ chức lao động. Điều đó thể hiện ở việc giáo dục cho trẻ những kĩ năng và kỹ xảo lao động đơn giản (kĩ năng, kĩ xảo lao động trong sinh hoạt, trong thiên nhiên, lao động thủ công v.v…). Tuỳ theo sự phát triển và trưởng thành của trẻ mà nâng dần yêu cầu đối với chất lượng, trình độ tổ chức, khối lượng lao động và nhịp độ công việc.
Trong quá trình dạy các kĩ năng lao động, giáo viên hình thành ở trẻ nguyện vọng tự thực hiện các thao tác vừa sức trẻ, chỉ cần đến sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ. Lao động phải mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động.
Trường mẫu giáo còn có nhiệm vụ hình thành cho trẻ kĩ năng lao động trong tập thể. Việc lao động trong tập thể (nhóm) hình thành ở trẻ khái niệm về tinh thần trách nhiệm chung đối với công việc được giao, kĩ năng lao động phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động.
5.3. Đặc điểm lao động của trẻ mẫu giáo
Để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục lao động cho trẻ mẫu giáo cần xem xét tất cả các yếu tố tạo nên bản chất của quá trình lao động của trẻ mẫu giáo.
5.3.1. Tính mục đích trong hoạt động lao động của trẻ mẫu giáo
Lao động của trẻ mẫu giáo phải phục tùng các mục đích dạy học và giáo dục. Trong quá trình lao động, lúc đầu, giáo viên phải đặt ra mục đích cho trẻ. Song ở lứa tuổi mẫu giáo lại thường gặp những hành động theo trình tự. Khác với hành động có mục đích, nó có thể được nhắc lại nhiều lần mà không theo đuổi một nhiệm vụ nhất định, trẻ hành động vì thích thú với bản chất quá trình hành động. Tính chất hợp lí của các hành động (có đặc tính hành động với đồ vật) xuất hiện trên cơ sở bắt chước. Ngay từ đầu, sự bắt chước đã mang tính chất trí tuệ “bản thân quá trình bắt chước đòi hỏi phải hiểu rõ ý nghĩa hành động của người khác. Quả vậy, trẻ mà không hiểu thì không thể bắt chước người lớn. Bản thân sự bắt chước là một quá trình phức tạp đòi hỏi phải có sự hiểu biết bước đầu”. (S. Vưgốtxki) – Hiểu hành động là một điều kiện của bắt chước, là điều kiện quan trọng đối với hành động định hướng đơn giản đầu tiên.
Hành động với đồ vật khi trẻ biết tên các đồ vật, hiểu công dụng và cách sử dụng nó là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhân cách của trẻ, giúp trẻ hiểu khả năng của mình (tuy chưa đầy đủ và hình xác) và muốn độc lập với người lớn (trẻ thường nói để nó tự làm).
Những hành động của trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi như tự mặc và bởi quần áo, đi giày dép, ăn uống, chải đầu, rửa ráy, tuy còn thô sơ nhưng ý nghĩa của chúng lại rất lớn và phần lớn trường hợp trẻ đạt được mục đích do hoàn thành hành động này. Đây không còn là chơi nữa, nó là mầm mống của hoạt động lao động và sau này khi 3 – 4 tuổi đó là một hình thức lao động trong gia đình, lao động tự phục vụ và lao động thủ công. Việc tiếp tục phát triển hành động với đồ vật và hoạt động định hướng đầu tiên sẽ dẫn trẻ đến trò chơi, chủ yếu với những đồ chơi giống vật thật.
Mục đích hoạt động lao động của trẻ thường do giáo viên đặt ra và yêu cầu trẻ thực hiện.
Trẻ 2 đến 3 tuổi thường khó thực hiện được mục đích lao động mà người lớn đặt ra cho trẻ. Chỉ có trẻ từ 6 – 7 tuổi mới hiểu rõ những mục đích xa (trồng cây để sau này lấy quả, củ, lá v.v…), muốn thực hiện được mục đích cần phải tổ chức hoạt động chung theo nhóm (2 hay 3 em).
Cũng cần phát triển ở trẻ khả năng tự đặt mục đích và thực hiện mục đích. Trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn có thể đặt mục đích trong những công việc quen thuộc hằng ngày như xếp gọn đồ chơi lên giá, thu dọn các vật liệu xây dựng, chăm sóc vật nuôi v.v… Trong những hình thức lao động mà trẻ thu được kết quả bằng vật chất: trồng hoa, trồng rau, làm đồ chơi bằng giấy, gỗ. Ở lứa tuổi này, hoạt động có mục đích của trẻ rất bền vững vì đã có động cơ mang ý nghĩa xã hội.
5.3.2. Tính kế hoạch trong hoạt động lao động của trẻ mẫu giáo
Trong lao động, tính tích cực sáng tạo của trẻ có ý nghĩa quan trọng: suy nghĩ đến công việc sắp làm: chọn các vật liệu, dụng cụ cần thiết, khắc phục khó khăn để đạt kết quả đề ra. Đó là việc “xây dựng kế hoạch” hoạt động.
Lúc đầu, giáo viên thường giúp trẻ xây dựng kế hoạch. Khả năng xây dựng kế hoạch hoạt động được hình thành dần dần từ những hành động đơn giản được thực hiện theo trình tự lôgic.
Ví như: trẻ mẫu giáo bé có thể đề ra yêu cầu hành động có tổ chức trong quá trình sinh hoạt. Lúc đầu làm gì, sau đó làm gì, vì sao làm theo trình tự này chứ không theo một trình tự khác (đi rửa mặt, cởi khuy áo, xắn tay áo, mở vòi rửa tay, xát xà phòng, rửa sạch, lau tay v.v…).
Sang đến tuổi mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn, cô giáo cần khích lệ trẻ tự xác định trình tự công việc cần làm sao cho hợp lí, nhằm mang lại kết quả tốt đẹp. Đó là cơ sở ban đầu để hình thành kế hoạch hành động – một yêu cầu quan trọng trong hoạt động lao động sau này.
Cần tạo ra tình huống đặt trẻ vào điều kiện bắt buộc phải suy nghĩ sơ bộ về kế hoạch hành động. Việc hoàn thiện kỹ năng xây dựng kế hoạch diễn ra trong công việc hằng ngày (làm trực nhật, chăm sóc góc thiên nhiên…).
5.3.3. Kết quả lao động
Hoạt động lao động bao giờ cùng nhằm đạt một kết quả. Kết quả là thành phần bắt buộc của lao động. Nhưng trong trường mẫu giáo, không thể coi là nhiệm vụ chính của hoạt động. Việc đạt kết quả trước hết có ý nghĩa như một yếu tố có tác dụng giáo dục cho trẻ hứng thú lao động; giúp trẻ biết đánh giá đúng kết quả lao động, so sánh với thành tích của bạn. Do vậy, trong quá trình tổ chức lao động cho trẻ mẫu giáo, cô giáo cần giúp trẻ thấy được thành tích của mình; phải luôn nhận xét, xác nhận những thành tích của trẻ. Quá trình tổ chức lao động đúng đắn sẽ đem lại cho trẻ niềm vui, sự hứng thú trong lao động, từ đó, trẻ hình thành thái độ đúng đắn đối với lao động.
5.3.4. Lao động và trò chơi
Lao động của trẻ mẫu giáo gắn liền với trò chơi. Mối liên hệ qua lại này thể hiện ở các hình thức khác nhau: Hành động của trẻ thường nhằm mô tả quá trình lao động của người lớn, các yếu tố của hành động lao động được thể hiện trong trò chơi, hoạt động lao động phục vụ v.v…
Khi trẻ tham gia lao động, động cơ thúc đẩy trẻ tích cực, tự giác thường do động cơ chơi chi phối: được làm bác cấp dưỡng bày bàn ăn, chia cơm canh cho các bạn; được trở thành người làm vườn tưới nước cho cây; dọn bàn ghế, cất đồ chơi thật nhanh để thắng bạn… Do vậy, khi tổ chức cho trẻ lao động cần quán triệt phương châm: “Làm mà chơi, chơi mà làm”. Nghĩa là giờ lao động của trẻ phải diễn ra nhẹ nhàng như là chơi vậy, hay ít ra cũng cần đưa yếu tố chơi để kích thích tính tích cực, tự giác của trẻ.
5.4. Các dạng lao động và nội dung lao động của trẻ ở các nhóm tuổi
Lao động của trẻ ở trường mẫu giáo rất đa dạng. Điều này cho phép duy trì hứng thú hoạt động của trẻ, thực hiện giáo dục toàn diện. Có bốn hình thức lao động cơ bản: lao động tự phục vụ, lao động sinh hoạt, lao động trong thiên nhiên và lao động thủ công.
– Lao động tự phục vụ
Lao động tự phục vụ là hình thức lao động nhằm thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, nhằm chăm sóc cho bản thân mình (tắm rửa, cởi quần áo, thu dọn giường ngủ, chuẩn bị chỗ làm việc đi giày dép v.v…).
Ý nghĩa của lao động tự phục vụ trước hết là ở sự cần thiết của nó, khuynh hướng thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày của trẻ. Do hành động được lặp đi lặp lại hằng ngày, các kĩ xảo tự phục vụ được trẻ lĩnh hội vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ nắm kinh nghiệm thực tế và độc lập hành động. Đồng thời, trẻ ý thức được mọi người đều có trách nhiệm lao động liên quan đến những nhu cầu sống hằng ngày của mình. Lao động tự phục vụ bắt đầu được nhận thức như một trách nhiệm, như là sự bắt buộc.
Ở tuổi mẫu giáo bé, hình thức lao động này rất vừa sức và hấp dẫn đối với trẻ. Tuy nhiên, lúc đầu đối với trẻ hình thức lao động này có thững khó khăn nhất định (vì ở tuổi này sự phát triển các ngón tay, cử động của các ngón tay và sự phối hợp giữa chúng chưa hoàn thiện, trẻ chưa ý thức được về thứ tự các hành động, chưa biết đặt kế hoạch, dễ mất tập trung v.v…). Giáo viên phải hình thành cho trẻ kỹ năng tự phục vụ, rèn luyện cho trẻ tính độc lập, tính cẩn thận và thói quen giữ gìn sạch sẽ. Giáo viên phải biết tổ chức quá trình lao động tự phục vụ cho mọi trẻ, đưa nội dung phức tạp dần. Giáo viên phải thật kiên trì dạy trẻ kĩ xảo lao động tự phục vụ với phương pháp cơ bản là trình bày cách làm của từng động tác đơn giản và trình tự của chúng, vừa làm mẫu, vừa giải thích. Giáo viên phải tiếp xúc với từng em, nhất là các em còn yếu. Đưa trẻ vào thực hành với sự nỗ lực, sự cẩn thận, chu đáo của cô nhằm đạt được kết quả phía trẻ. Hướng dẫn trẻ theo một cách làm nhất định, theo một trình tự hành động hợp lí. Ở lớp bé có thể dạy trẻ tự ăn, tắm rửa, mặc và cởi quần áo. Quá trình hướng dẫn cho trẻ có được những thói quen văn hoá – vệ sinh phải rất tỉ mỉ, lâu dài, giáo viên phải luôn củng cố, kiểm tra, nhắc nhở, nêu gương và đưa trẻ vào rèn luyện hằng ngày.
Trẻ mẫu giáo nhỡ đã có được những kĩ năng tự phục vụ đơn giản như ở lớp bé. Tuy nhiên, cần củng cố những kĩ năng, kĩ xảo đã có và hình thành kĩ xảo tự phục vụ phức tạp hơn. Nâng cao yêu cầu đối với chất lượng hành động, đối với hành vi có tổ chức trong quá trình chăm sóc bản thân, giúp đỡ bạn và yêu cầu hình thành được thói quen (bày bàn ăn, chuẩn bị cho giờ học, lau bụi trên giá, quét sân v.v…).
Ở nhóm trẻ lớn, nội dung phong phú hơn, mang tính chất thường xuyên và chuyển dần thành nhiệm vụ trực nhật. Các kĩ năng, kĩ xảo mới đưa thêm vào như thu dọn giường nằm, sửa chữa đồ chơi, chải tóc, lau giày, giữ vệ sinh trong phòng và ngoài sân. Đặc điểm của lao động của trẻ lớn là biết tự tổ chức công việc và giúp đỡ các em nhỏ hơn, biết tự kiểm tra và có ý thức giữ gìn đồ vật.
– Lao động trong sinh hoạt
Lao động sinh hoạt là hình thức lao động đi vào toàn bộ cuộc sống hằng ngày của trường mẫu giáo. Hình thức lao động này nhằm giữ gìn sự sạch sẽ và ngăn nắp trong lớp và ngoài sân trường, giúp đỡ người lớn tổ chức quá trình sinh hoạt hằng ngày. Lao động sinh hoạt nhằm phục vụ chung cho tập thể, vì vậy có khả năng to lớn để giáo dục thái độ quan tâm đến tập thể, đến các bạn.
Ở tuổi mẫu giáo bé, hình thành cho trẻ những kĩ xảo sinh hoạt sơ đẳng: giúp đỡ dọn bàn ăn, xếp gọn đồ chơi sau khi chơi, thu dọn lá cây ngoài sân.
Ở nhóm trẻ nhỡ, nội dung lao động sinh hoạt được mở rộng hơn: trẻ hoàn toàn tự bày bàn ăn, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho giờ học, giặt quần áo cho búp bê, lau bụi trên giá để đồ chơi, quét sân v.v… Bằng các công việc cụ thể sẽ hình thành cho trẻ các kĩ xảo lao động, sinh hoạt. Giáo viên tập cho trẻ những thói quen tốt trong lao động, phát triển tính độc lập, tính tích cực và óc sáng kiến trong các công việc được giao.
Ở nhóm trẻ lớn, nội dung lao động phong phú hơn, mang tính chất thường xuyên và phần lớn chuyển thành nhiệm vụ của các em trực nhật. Trẻ giữ gìn sạch sẽ lớp học, ngoài sân chơi, sửa chữa đồ chơi, dán lại sách vở, giúp đỡ các em nhỏ. Trẻ nhóm lớn phải biết tự tổ chức các công việc – trẻ luôn tỏ ra cố gắng, muốn có kết quả tốt và quan hệ tốt với bạn bè để được đánh giá cao.
– Lao động trong thiên nhiên
Lao động trong thiên nhiên là hình thức lao động cho trẻ tham gia chăm sóc cây cối và súc vật, trồng cây ở góc thiên nhiên ngoài vườn, trong vườn hoa.
Lao động của trẻ trong thiên nhiên có ý nghĩa đặc biệt để phát triển trí tuệ, phát triển óc quan sát, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên. Lao động trong thiên nhiên tạo điều kiện tất để phát triển thể lực nâng cao sức chịu đựng của cơ thể. Lao động trong thiên nhiên thường xuyên giáo dục lòng yêu lao động và mang lại niềm vui cho trẻ trong lao động. Trẻ có được những kĩ xảo thực hành đơn giản, sử dụng các dụng cụ lao động, biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi, hiểu biết nhiều về sự sinh trưởng và phát triển của cây, tập tính của các động vật.
Trẻ nhỏ, khi lao động với trẻ, giáo viên gọi tên các cây, các bộ phận của chúng, các động tác trong lao động. Việc đó làm mở rộng vốn từ cho trẻ. Trẻ quan sát cây cối (lá nhỏ, lá to), ngửi hoa, đếm các bông hoa nở v.v… Giáo viên giải thích sự cần thiết chăm sóc cây cối và súc vật.
Ở nhóm trẻ nhỡ, công việc phức tạp hơn, trẻ tự tưới cây (gieo hạt), tưới luống, thu hoạch rau với sự giúp đỡ của giáo viên, chuẩn bị thức ăn cho gia súc (thỏ, gà v.v…). Trẻ bắt đầu hiểu quan hệ phụ thuộc giữa tốc độ sinh trưởng của cây, hành vi của động vật với chất lượng chăm sóc và hiểu trách nhiệm của mình đối với chúng, do đó, trẻ quan tâm hơn đến vật nuôi.
Ở nhóm trẻ lớn, các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên và phức tạp hơn. Trẻ tưới bằng bình tưới, xới đất, bón thúc cho cây, cho cá ăn, cuốc đất ngoài vườn rau, vườn hoa, tham gia thu hoạch. Giáo viên dạy trẻ quan sát sự sinh trưởng của cây, phân biệt các loại cây, hạt. Trong lao động ở góc thiên nhiên, những khái niệm của trẻ về đời sống động vật và thực vật mở rộng hơn, trẻ hiểu mối liên hệ giữa các hiện tượng trong thiên nhiên; độc lập, ý thức trách nhiệm trong lao động được nâng cao.
– Lao động thủ công
Lao động thủ công là hình thức cho trẻ làm các đồ vật bằng các vật liệu khác nhau như bìa cát tông, giấy, gỗ, các vật liệu tự nhiên (các hạt, củ, quả, vỏ cây, v.v…), phế liệu (các mụn giẻ, ống chỉ, hộp, ống bơ v.v…) hình thức này phần lớn tiến hành ở các nhóm trẻ lớn. Trẻ có thể làm đồ chơi, hay các đồ chơi dùng cho trò chơi như: con thuyền, cái nhà, xe ôm, bàn ghế, động vật v.v…
Hình thức lao động này tạo điều kiện để giáo dục kĩ thuật tổng hợp. Trẻ bắt đầu bước vào thế giới kỹ thuật đầy hấp dẫn, điều đó có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển sau này của trẻ.
Lao động thủ công phát triển năng lực thiết kế, các kĩ xảo thực hành, hứng thú lao động, những khuynh hướng có ích, tìm hiểu các kĩ thuật đơn giản.
Trẻ tiếp thu những khái niệm bước đầu về tính chất các vật liệu: vật liệu có thể biến đổi làm ra nhiều đồ vật, như biến đổi phải sử dụng một số dụng cụ, cách gắn liền các bộ phận (bằng hồ, đinh, bằng lắp ghép, xếp, gấp v.v…). Ví dụ: gỗ có thể bào, cưa, cắt, khoan, đóng đinh, gắn. Khi sử dụng gỗ có thể dùng cưa, dao, búa, kìm, giấy ráp v.v… trẻ biết được tính chất phong phú của các vật liệu tự nhiên.
Trong lao động thủ công, có thể giáo dục trẻ nhiều phẩm chất như tính kiên trì, cẩn thận, tính mục đích và ý thức vượt khó để đạt mục đích, đồng thời, giáo dục cho trẻ óc thẩm mĩ, trí tưởng tượng sáng tạo. Cần dạy cho trẻ các kĩ năng, kĩ xảo để trẻ có khả năng thực hiện ý định của mình. Có như vậy, mới hình thành cho trẻ hứng thú và sự say mê trong lao động sáng tạo.
5.5. Những hình thức tổ chức lao động cho trẻ mẫu giáo
– Giao nhiệm vụ
Nhiệm vụ lao động là công việc cụ thể mà trẻ được giao và phải hoàn thành một mình hoặc cùng với các bạn. Giao nhiệm vụ là yêu cầu trẻ phải hoàn thành một công việc nào đó liên quan đến lao động tự phục vụ hay lao động vì tập thể.
Giao nhiệm vụ là hình thức tổ chức lao động đơn giản nhất cho trẻ mẫu giáo. Hình thức này rất cần thiết đối với trẻ mẫu giáo bé, vì trẻ chưa thể lao động theo ý muốn và giáo viên dùng các nhiệm vụ đơn giản để dần dần giúp trẻ trở thành người có ích cho tập thể và cho các bạn.
Việc thực hiện các nhiệm vụ góp phần hình thành ở trẻ tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao và hình thành ở trẻ hứng thú lao động. Trẻ phải tập trung ý chí, thể hiện sự cố gắng để kết thúc công việc và báo cáo với giáo viên về việc hoàn thành nhiệm vụ. Các nhiệm vụ có nội dung phù hợp với các hình thức lao động có trong chương trình (ở góc thiên nhiên, vườn rau, v.v…).
Ở nhóm trẻ nhỏ, nhiệm vụ có tính chất cá nhân, cụ thể và đơn giản, thường gồm 1, 2 hành động (đặt thìa lên bàn, cởi áo cho búp bê để giặt v v…) Các nhiệm vụ tuy đơn giản nhưng đã đưa trẻ vào hoạt động vì lợi ích của tập thể, trong điều kiện các em chưa thể tổ chức được. Nhiệm vụ tạo khả năng cho giáo viên có những biện pháp cá biệt trong việc hướng dẫn trẻ, giúp đỡ em này, dạy một em khác, động viên khuyến khích em thứ ba. Tuỳ theo kinh nghiệm của mỗi trẻ mà đưa ra được nhiệm vụ phức tạp hơn.
Ở nhóm trẻ nhỡ, số nhiệm vụ tăng lên đáng kể để rèn luyện kĩ năng trở nên bền vững và làm phong phú thêm kinh nghiệm tham gia lao động của trẻ. Nhiệm vụ trở thành phương tiện hình thành ở trẻ ý thức tham gia vào công việc chung có ích, hình thành thói quen cố gắng lao động và chuẩn bị cho trẻ tham gia trực nhật ở lứa tuổi sau.
Ở nhóm trẻ lớn, các nhiệm vụ cá nhân được đặt ra trong các hình thức lao động mà trẻ chưa có kĩ năng hoặc phải học kĩ năng mới. Đó là hình thức tập thể, theo nhóm (5 – 6 em) buộc trẻ phải có sự tổ chức, phân công với nhau (cùng nhau thu dọn giá đồ chơi, dán hộp cho các trẻ chơi trò chơi học tập, các công việc ở vườn trường v.v…). Điều đó góp phần hình thành ý thức tập thể, biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành công việc. Giáo viên cần giúp đỡ khi trẻ chưa có những kĩ năng tổ chức lao động tập thể.
– Trực nhật
Trực nhật là hình thức lao động đòi hỏi trẻ hoàn thành các nhiệm vụ nhằm phục vụ tập thể. Đây là hình thức phức tạp hơn so với nhiệm vụ. Nó đòi hỏi trẻ phải độc lập hơn – trẻ lần lượt tham gia các hình thức trực nhật được phân công trong mỗi ngày. Điều đó đảm bảo cho trẻ tham gia lao động thường xuyên. Chế độ trực nhật có ý nghĩa giáo dục to lớn, nó đặt trẻ vào trong điều kiện bắt buộc phải hoàn thành các công việc cần thiết cho tập thể. Điều đó giúp trẻ nâng cao tinh thần trách nhiệm trước tập thể và trẻ hiểu được công việc của mình là cần thiết cho mọi người.
Chế độ trực nhật được đưa vào dần dần:
+ Ở các trẻ nhỏ chỉ đưa ra nhiệm vụ đơn giản là giúp cô bày bàn ăn cho các bạn ngồi cùng bàn. Trẻ phân phát thìa, đĩa, cốc, bánh, hoa quả… Khi trẻ tỏ ra có kĩ xảo cần thiết và độc lập hơn thì có thể đưa vào chế độ trực nhật nhà ăn – thường là ở đầu năm học của lớp nhỡ. Hằng ngày, mỗi em được phân công trực nhật một bàn ăn. Giáo viên phải hướng dẫn trẻ thực hiện thứ tự các công việc, kiểm tra và giúp đỡ các em, cô chú ý đến đặc điểm của cá nhân trẻ. Cô đánh giá và nêu bật sự cố gắng của các em khi làm việc, có ý thức quan tâm đến bạn và giúp đỡ người lớn. Cuối tuổi mẫu giáo nhỡ có thể thực hiện chế độ trực nhật chuẩn bị học tập – tuỳ theo công việc, giáo viên chỉ định từng nhóm (2 – 3 em) phụ trách và hướng dẫn các em làm các việc cụ thể (phân phối đồ dùng học tập, thu dọn khi dùng xong, làm vệ sinh). Ở nhóm lớn có chế độ trực nhật trong góc thiên nhiên. Hằng ngày, các em trực nhật thay đổi cho nhau, sao cho mỗi em đều được tham gia tất cả các hình thức trực nhật. Khi chọn nhóm trực nhật cần chú ý đến quan hệ bạn bè giữa các em, thoả mãn nguyện vọng làm việc cùng nhau. Cần dạy trẻ biết phối hợp hành động với nhau, biết thoả thuận, phân công công việc cho nhau, các biện pháp sử dụng hợp lí thời gian và sức lực.
Trong việc tổ chức hoạt động lao động phải đặc biệt chú ý giải quyết các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, hình thành ở trẻ những hành vi đạo đức như giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng lao động của bạn…
– Tổ chức lao động tập thể
Ở nhóm trẻ lớn có nhiều khả năng để tổ chức lao động tập thể cho trẻ. Các công việc lao động tập thể có thể tiến hành như quét dọn phòng học, sân chơi, trồng rau, trồng hoa, thu hoạch rau quả, trang trí lớp học, hội trường v.v…
Giáo viên cần chú ý đến việc giải thích ý nghĩa công việc, hướng dẫn, phân công việc giữa các nhóm (đảm bảo sự công bằng).
Trong hình thức lao động này, giáo viên đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa các trẻ, giúp đỡ trẻ hình thành kĩ năng lao động có tổ chức và tinh thần giúp đỡ lẫn nhau.
Có các hình thức lao động chung và lao động phối hợp. Lao động chung là tất cả các em cùng nhau làm việc, mỗi nhóm làm một việc để hoàn thành một nhiệm vụ chung. Lao động phối hợp mang tính chất phức tạp hơn, có sự kế tiếp nhau theo nhiều giai đoạn của cùng một công việc. Trẻ tham gia không cùng một lúc vào quá trình hoạt động, song vẫn tạo ra khả năng tập hợp trẻ trong công việc chung phức tạp hơn. Hình thức này tạo ra khả năng hình thành mối quan hệ tập thể rộng hơn.
Các bậc cha mẹ nên hình thành cho con thói quen làm tốt một công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy động viên để con hoàn thành công việc tới bước cuối cùng, hãy hướng dẫn chứ không làm thay mỗi khi trẻ gặp khúc mắc không tự giải quyết được và hãy kết thúc bằng một phần thưởng xứng đáng với những cố gắng của con, hãy nói với con những cố gắng đó có ý nghĩa như thế nào.
Trong thời đại hiên nay, việc dạy con biết lao động và quý trọng thành quả lao động là việc rất quan trọng. Giáo dục con giá trị của lao động giúp con có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dạy cho trẻ biết lao động, biết yêu thương, chúng sẽ học được cách làm chủ cuộc đời với đôi bàn tay của chính mình, chúng sẽ nhận ra rằng nỗ lực của chúng chính là sự cống hiến cho những điều còn lớn lao hơn thế trong tương lai.
GIÁO DỤC HỌC MẦM NON
[ad_2]
Source link