KHÁI QUÁT PHONG CÁCH VÀ MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP LÃNH ĐẠO

[ad_1]

 

1. THẾ NÀO LÀ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO

Trong tác phẩm ‘On Leadership’  của mình, John Gardner viết: Quá trình lãnh đạo là quá trình thuyết phục hoặc làm mẫu mà mỗi cá nhân hay một nhóm lãnh đạo dẫn dắt nhóm của mình để theo đuổi các mục tiêu đã được thiết lập trước đó. Và như vậy, phong cách lãnh đạo chính là cách tiến hành quá trình đó.

Phong cách lãnh đạo bao gồm cách họ liên kết  những người trong và ngoài tổ chức, cách họ nhìn nhận bản thân và vị trí của họ,  và rất quan trọng là ở cách họ có là một người lãnh đạo thành công hay không. Nếu có một nhiệm vụ cần phải hoàn thành, làm thế nào để người lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công nó ? Họ sẽ xử lý thế nào nếu xảy ra những trường hợp khẩn cấp? Tất cả những điều này phụ thuộc vào phong cách của người lãnh đạo. Và dù cho bạn là người lãnh đạo của một tổ chức lớn hay thành viên của một nhóm nhỏ thực hiện vai trò lãnh đạo tập thể, phong cách lãnh đạo sẽ phát huy tác dụng rất lớn tới hiệu quả công việc của bạn.

2. TẠI SAO CẦN CHÚ Ý TỚI PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO

Phong cách lãnh đạo của một tổ chức được phản ánh trong cả bản chất của tổ chức đó và mối quan hệ với cộng đồng. Khi người lãnh đạo đa nghi và tham quyền cố vị, những người nhân viên sẽ đa nghi và tham lam, ghen tị với cả đồng nghiệp của mình. Ngược lại, với một người lãnh đạo cởi mở và đoàn kết, các nhân viên của họ sẽ được khuyến khích để trao đổi và hợp tác với nhau trong công việc hay với các tổ chức khác.

Bằng nhiều cách khác nhau, phong cách của người lãnh đạo định nghĩa cả một tổ chức. Do đó, nó phải phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức. Một người lãnh đạo độc tài trong một tổ chức dân chủ có thể tạo ra sự hỗn loạn. Một người lãnh đạo chỉ quan tâm đến lợi ích và tiền bạc trong một tổ chức được xây dựng trên tầm quan trọng của các giá trị của con người có thể làm suy yếu mục tiêu của công việc. Do vậy, ý thức về phong cách của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo và cả những người mà bạn tuyển dụng làm lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho tổ chức đi đúng hướng.

3.  KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP LÃNH ĐẠO

Khái niệm về lãnh đạo có thể hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm rất nhiều cách thức, khả năng khác nhau. Một người lãnh đạo có thể là một ông chủ, người có vị trí cao nhất, một người thi hiện quyền lực, người định hướng nhiệm vụ , phát triển tầm nhìn, hay đôi khi chỉ là người lãnh đạo tinh thần. Tùy tình huống khác nhau mà mỗi người lãnh đạo lại có các phuong pháp lãnh đạo khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp thường gặp của người lãnh đạo.

Thuần túy thực thi quyền lực: Như một câu nói của người Mỹ : ‘My way or the highway’, có thể hiểu theo nghĩa rộng là ‘hoặc theo cách của tôi, hoặc xéo đi’. Trong trường hợp này, người lãnh đạo đưa ra quyết định và yêu cầu mọi người làm theo tuyệt đối, không bàn cãi thảo luận, dù có thể đó là quyết định không hợp lý.

Sử dụng các mối quan hệ: Người lãnh đạo phát triển các mối quan hệ tích cực hầu hết mọi người trong tổ chức và sử dụng các mối quan hệ này để chỉ đạo những người theo những hướng cụ thể. Mọi người làm theo những gì họ được yêu cầu vì mối quan hệ với lãnh đạo thay vì các lý do liên quan đến nhiệm vụ của họ.

Làm gương: Người lãnh đạo yêu cầu các thành viên hoàn thành một công việc đặc biệt nào đó bằng cách thực hiện nó trước như một cách để làm gương cho mọi người. Một ví dụ rất nổi tiếng về vấn đề này là câu chuyện về một nhà khảo cổ học ở Sicily. Anh được cơ quan giao nhiệm vụ tổ chức và giám sát những người công nhân địa phương tiến hành đào tìm cổ vật. Điều ngạc nhiên với những người công nhân địa phương đó là sau khi giải thích cho họ những việc cần làm, thay vì giám sát, nhà khảo cổ trẻ tuổi chỉ đơn giản quay lưng đi làm việc. Anh cũng không ngại bất cứ công việc gì, dù khó khăn hay dơ bẩn. Ngay cả họ, những người nông dân đã quen với lao động chân tay cũng thấy khó để làm việc nhanh như anh. Điều đó đã khiến họ cảm thấy ấn tượng và cũng xấu hổ vì những suy nghĩ ban đầu của mình (những người tuyển dụng-những tay mafia- đã nói với họ chẳng cần làm việc cũng kiếm được nhiều tiền). Họ đã làm việc chăm chỉ mà chẳng cần một mệnh lệnh hay sự giám sát nào.

Thuyết phục: Người lãnh đạo thuyết phục mọi người thông qua trao đổi, thảo luận hay các phương pháp thuyết phục khác để đạt được mục đích mong muốn.

Chia sẻ sức mạnh: Một số nhà lãnh đạo chọn cách thực hiện sự lãnh đạo thông qua các bên liên quan khác trong tổ chức. Khi đó, họ có thể từ bỏ một số quyền lực cá nhân để đổi lấysự tham gia của những thành viên khác trong việc đưa ra các mục tiêu, hành động của tổ chức.

Xây dựng uy tín: Những người lãnh đạo uy tín có thể thu hút người khác chỉ bởi nhân cách của họ. Thực tế cho thấy họ có thể thực hiện những điều phi thường nhờ sự giúp đỡ và trung thành của những người xung quanh.

Thu hút những người xung quanh vào mục tiêu công việc: Người lãnh đạo giúp người khác thấy được tầm nhìn, sự quan trọng của mục tiêu công việc. Từ đó lôi cuốn được họ tham gia tích cực vào công việc.Thông thường trong quá trình làm việc, một người lãnh đạo có thể thực hiện phối hợp nhiều phương pháp lãnh đạo khác nhau tùy vào hoàn cảnh công việc. Cùng với những yếu tố đặc thù của tổ chức, của công việc, khái niệm về lãnh đạo, phương pháp lãnh đạo kết hợp với tính cách và kinh nghiệm cá nhân theo những cách khác nhau để tạo ra các phong cách lãnh đạo khác nhau.

5. MỘT SỐ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO VÀ ẢNH HƯỞNG TỚI TỔ CHỨC

Có nhiều lý thuyết khác nhau về phong cách lãnh đạo, trong đó có những quan điểm trái ngược nhau hoặc có cả những quan điểm dung hòa. Dưới đây là bốn phong cách lãnh đạo đặc trưng thường gặp ở một người lãnh đạo. Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng không có một khuôn mẫu nào phản ánh đúng với tất cả mọi lãnh đạo. Mỗi người lãnh đạo thường kết hợp nhiều phong cách khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh, tính chất công việc.

1. Độc tài. Những người lãnh đạo độc tài dựa vào quyền lực của mình để tự mình quyết định tất cả. Họ thường duy trì quyền lực của mình bằng vũ lực, đe dọa người khác, hay đôi khi cũng là sự kết hợp các hình thức khen thưởng và trừng phạt đan xen. Họ không quan tâm tới việc liệu có ai khác đồng ý với quyết định đó hay không, cho dù có thể quyết định đó là sai lầm. Việc của các thành viên khác chỉ đơn giản là làm theo những gì họ nói. Điều này có thể cho phép người lãnh đạo ra các quyết định nhanh chóng và loại bỏ các quan điểm khác hay sự giải trình về quyết định. Tuy nhiên, nó dễ rất đến các quyết định sai lầm, không phát huy, tận dụng được các ý tưởng, sáng kiến đến từ các thành viên khác.

Ảnh hưởng tới tổ chức : Những người lãnh đạo độc tài thường mang lại bầu không khí căng thẳng, sợ hãi và hoài nghi trong tổ chức. Các thành viên có xu hướng chỉ lo cho bản thân và công việc của mình, họ hoài nghi tất cả về ý tưởng và động lực của người khác. Sự giao tiếp, thông báo trong cơ quan cũng hầu như một chiều và mọi tin đồn trở thành cách truyền tin phổ biến.

Trên thực tế, không phải mọi sự lãnh đạo độc tài đều bị ghét bỏ và sợ hãi. Nó phụ thuộc vào tính cách của người lãnh đạo. Với một người lãnh đạo tốt, có uy tín, thường xuyên có những quyết định sáng suốt, mọi người sẽ sẵn sàng lắng nghe và làm theo hướng dẫn của họ. Tuy nhiên, việc lạm dụng sự chuyên quyền, độc đoán thường xuyên sẽ làm mất đi sự phát triển cá nhân, những ý tưởng snags tạo đột phá.

2. Quản lý. Những người lãnh đạo quản lý chủ yếu quan tâm đến việc duy trì, đảm bảo đúng với mục tiêu các hoạt động của tổ chức. Họ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc luôn trong tình trạng tốt, họ đảm bảo các thành viên trong tổ chức đang thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Họ không quan tâm nhiều đến tầm nhìn, hướng phát triển của tổ chức.

Ảnh hưởng tới tổ chức: Nhìn chung, một tổ chức được quản lý tốt là môi trường lý tưởng để làm việc. Nhân viên không phải lo lắng hay suy nghĩ về những sự nhập nhằng hay mơ hồ trong công việc, mọi thứ đều rõ ràng, từ công việc họ đảm nhận đến những thu nhập họ nhận được. Những nhà quản lý giỏi thậm chí còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức với nhau bởi đó cũng là cách làm tổ chức hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, việc quản lý tốt mà không có tầm nhìn tạo ra một tổ chức không có ý thức cao về mục đích hoạt động. Nó đơn giản chỉ là thực hiện nguyên trạng những gì đang diễn ra mà không thúc đẩy được niềm đam mê trong mỗi nhân viên cũng như không tính đến nhu cầu thay đổi và sự thay đổi có thể đang diễn ra hàng ngày trong môi trường, xã hội xung quanh. Từ đó nó có thể sẽ khó thích nghi được với sự thay đổi hoặc nắm bắt được những cơ hội tốt.

Rõ ràng, lãnh đạo của bất kỳ tổ chức nào cũng nên là người quản lý ít nhất một thời gian. Trong số thực tế, nhiều trong số họ là các nhà quản lý xuất sắc và giữ cho tổ chức hoạt động trôi chảy trên nhiều cấp độ. Vấn đề ở đây là cách mà người quản lý nhìn nhận công việc của mình để quyết định xem họ có thể tiếp cận hình thức lãnh đạo tốt hơn hay không.

3. Dân chủ. Một người lãnh đạo dân chủ hiểu rằng không có tổ chức nào thành công mà không có sự đóng góp của các thành viên. Họ coi vị trí lãnh đạo của mình là một trách nhiệm chứ không phải là vị trí. Họ đề nghị, trân trọng hay cân nhắc đến ý kiến của những người khác, nhưng họ cũng thấy trách nhiệm cuối cùng của mình đối với việc ra quyết định. Người lãnh đạo dân chủ mời gọi sự tham gia của các thành viên không chỉ trong việc ra quyết định trong công việc thường ngày mà còn đến cả việc định hình tầm nhìn của tổ chức. Điều này cho phép mọi người thể hiện được hết những ý tưởng, sáng kiến, quan điểm về mọi việc của tổ chức, từ cách thức hoạt động đến mục tiêu phát triển, từ đó làm phong phú thêm khả năng của tổ chức. Một số mô hình lãnh đạo dân chủ có thể đặt trách nhiệm trong tay một nhóm nhỏ – một nhóm quản lý hoặc ban chấp hành – chứ không phải là một cá nhân.

Ảnh hưởng đối với tổ chức: Người lãnh đạo dân chủ giúp làm tăng tình đoàn kết và các mối quan hệ tốt đẹp trong tổ chức. Nó giúp các thành viên cảm thấy sự đóng góp của mình cho tổ chức, khuyến khích họ đưa ra nhưng ý tưởng sáng tạo để giải quyết các khó khăn trong công việc. Tuy nhiên đôi khi nó cũng có vấn đề khi người lãnh đạo quá đề cao ý kiến tập thể, triệt tiêu quyền sở hữu cá nhân cũng như thiếu đi sự quyết đoán trong những tình huống cần thiết nhất.

4. Hợp tác. Một người lãnh đạo hợp tác cố gắng lôi kéo mọi người trong tổ chức tham gia lãnh đạo công việc. Họ coi bản thân mình bình đẳng như tất cả các thành viên khác, trao đổi, thảo luận công việc với các thành viên và theo dõi toàn bộ hoạt động của tổ chức chứ không tập trung vào một công việc cụ thể. Các quyết định được đưa ra thông qua một quá trình thảo luận hợp tác, và một số hình thức thỏa thuận đa số hoặc đồng thuận. Một người lãnh đạo hợp tác cố gắng thúc đẩy sự tin tưởng và làm việc theo nhóm trong đội ngũ nhân viên nói chung. Đôi khi, họ biết bỏ qua quyền lực hoặc địa vị nếu cảm thấy cần thiết. Mục tiêu của họ là thúc đẩy quá trình hợp tác và trao quyền cho nhóm, họ tin tưởng rằng các thành viên khác nếu có trong các tình huống khác nhau sẽ có những quyết định chính xác và họ tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho những quyết định đúng đắn đó.

Ảnh hưởng đối với tổ chức : Người lãnh đạo hợp tác giúp các thành viên thấu hiểu được tầm nhìn của tổ chức cũng như tầm quan trọng của những công việc, những quyết định họ đang thực hiện, bởi đơn giản họ đang trực tiếp tham gia vào quá trình đó. Điều này càng gần hơn với mục đích phục vụ của người lãnh đạo phục vụ cũng như nó phản ánh các khái niệm về bình đẳng và trao quyền cho rất nhiều các cơ sở tổ chức cộng đồng.

Trong tác phẩm ‘How Citizens and Civic Leaders Can Make a Difference’, David Chrislip và Carl E. Larson đã đưa ra bốn đặc điểm quan trọng của người lãnh đạo hợp tác. Đó là truyền cảm hứng và hành động ; dẫn dắt công việc bình đẳng; tạo môi trường xây dựng ; và cuối cùng là duy trì hi vọng và sự tham gia của các thành viên.

Ngoài quan điểm về phong cách lãnh đạo như trên còn những quan điểm khác nữa. Chẳng hạn James MacGregor Burns đã đưa ra hai phong cách lãnh đạo tương phản:

– Lãnh đạo kiểu giao dịch. Như tên gọi của nó, người lãnh đạo theo kiểu giao dịch coi quá trình lãnh đạo là quá trình thực hiện các giao dịch giữa người lãnh đạo và các nhân viên. Người lãnh đạo thực hiện công việc của mình dựa trên việc thực hiện một loạt các ‘giao dịch’: các phần thưởng, hình phạt, sự trao đổi kiểu ‘có đi có lại’… Nói đơn giản hơn, người lãnh đạo lãnh đạo tổ chức bằng cách trả tiền cho nhân viên và họ đòi hỏi nhân viên phải biết cần làm gì và đáp ứng được nhu cầu công việc.

– Lãnh đạo kiểu biến đổi người khác. Người lãnh đạo kiểu này thực sự là người có thể chắt lọc các giá trị, năng lực của mỗi nhân viên, đồng thời biết cách khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để các nhân viên của họ phát huy khả năng, theo đuổi mơ ước của họ. Họ giúp mỗi người hình dung ra viễn cảnh và theo đuổi viễn cảnh đó cho đến khi nó trở thành sự thật. Người lãnh đạo chuyển đổi người khác bằng cách gợi lên những mơ ước, hình ảnh về sự thành công dựa trên nhu cầu và khát vọng của họ, đặt nó như là mục tiêu để họ phấn đấu. Quan điểm về người lãnh đạo biến đổi do đó cung cấp và hướng tới một tầm nhìn xa hơn, nhưng nó cũng bao gồm cả các yếu tố của sự trao quyền, chăm sóc con người và thậm chí cả định hướng nhiệm vụ. Công việc của họ không đơn giản là truyền cảm hứng rồi biến mất. Họ có mặt ở đó, làm việc chăm chỉ hơn tất cả những thành viên khác, từng ngày giúp những người quanh họ hiểu rằng tầm nhìn và viễn cảnh đặt ra là có thể tiếp cận được, thúc đẩy sự nhiệt tình và động lực làm việc của những người đó.

6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH MỘT PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO THÍCH HỢP

Trên thực tế, có lẽ bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng không cứng nhắc tuân theo duy nhất một phương pháp lãnh đạo. Thay vào đó, tùy từng thời điểm khác nhau họ phải thay đổi cách lãnh đạo để phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn, trong tình huống khẩn cấp cần có quyết định gấp, càng sớm càng tốt, không ai đề nghị các thành viên khác phải bàn bạc để ra quyết định nhóm xem nên giải quyết tình huống thế nào. Tuy nhiên, trong công việc thông thường, việc quyết định tất cả phần việc của mọi người sẽ là phản tác dụng.

Có ít nhất hai yếu tố cần được chú ý xem xét khi lựa chọn một phong cách lãnh đạo. Thứ nhất, phong cách lãnh đạo đó phải phù hợp với những điều mọi người trong tổ chức mong đợi. Có thể một phần công việc của bạn là thay đổi nhận thức và kì vọng của mọi người, tuy nhiên bạn hãy bắt đầu nó bằng cách gặp gỡ mọi người để hiểu hơn về họ, chia sẻ với họ và thay đổi họ một cách từ từ. Ngay cả khi bạn muốn biến làm một điều tốt là biến một tổ chức từ phong cách làm việc chuyên quyền sang dân chủ, hãy tin rằng không phải mọi người đều hiểu hay ủng hộ bạn. Có thể sẽ phải mất một thời gian dài để mọi người vượt qua được những nghi ngờ và phá vỡ thói quen cũ và quen dần với ý tưởng của bạn. Thứ hai là phong cách của bạn phải phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh và triết lý của tổ chức. Một tổ chức không thể trung thành với sứ mệnh của mình nếu cơ cấu nội bộ của nó trái với các nguyên tắc hoạt động.

7. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN MỘT PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO

Thực tế là còn rất nhiều những phong cách khác nữa chưa được đề cập và các nhà lãnh đạo thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, có một điều bạn có thể chắc rằng ngay cả những nhà lãnh đạo giỏi nhất cũng phải học cách lãnh đạo và phát triển kĩ năng của họ trong một khoảng thời gian. Bạn cũng có thể làm những điều tương tự như họ để có thể lựa chọn cũng như phát triển kĩ năng của mình một cách hiệu quả.

Bắt đầu với chính mình. Điều quan trọng đầu tiên là hãy trung thực về chính bản thân mình. Biết rõ bản thân mình là ai, năng lực của mình như thế nào, mình muốn điều gì… là bước đầu tiên hướng tới việc lựa chọn phong cách và hiểu những điều cần phải làm để thực hiện nó. Điều này được thể hiện trên hai khía cạnh. Thứ nhất, nhận thức rõ về xu hướng và năng lực của bản thân. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Hãy sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của một người bạn đáng tin cậy, một người cố vấn hay những phản hồi của đồng nghiệp, và đương nhiên, một sự tự đánh giá từ bản thân mình. Có một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình như: Nhu cầu của bạn được kiểm soát như thế nào? Mức độ tin tưởng của bạn khi để người khác hoàn thành công việc của họ ? Mức độ kiên nhẫn của bạn thế nào ? Bạn tổ chức công việc thế nào ? Những đồng nghiệp của bạn có kĩ năng thế nào ?… Những câu hỏi này rõ ràng chỉ là sự khởi đầu, nhưng nó sẽ giúp bạn suy nghĩ về một số vấn đề lãnh đạo quan trọng. Chẳng hạn, việc bạn có nhu cầu kiểm soát cao không có nghĩa bạn không thể trở thành người lãnh đạo hợp tác, nhưng nó có nghĩa bạn sẽ phải học vài cách ứng xử mới hay có thể một cách nhìn mới cho sự việc. Thứ hai là sự thừa nhận và chân thành với niềm tin của chính mình. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào một phong cách lãnh đạo cụ thể, có thể bạn sẽ dễ dàng thay đổi hành vi để phù hợp với phong cách đó.

Suy nghĩ về các nhu cầu của tổ chức. Bạn có thể điều chỉnh phong cách lãnh đạo cho phù hợp với các tình huống thực tế nhưng đừng bỏ qua những yêu cầu của tổ chức. Đó chính là ‘Dĩ bất biến ứng vạn biến’.

Quan sát và học hỏi từ các lãnh đạo khác. Hãy suy nghĩ về người lãnh đạo của bạn. Phong cách của họ là gì, chúng có hiệu quả không, họ xử lý các loại tình huống khác nhau như thế nào? Hãy quan sát xem cách họ điều hành công việc, bạn có thấy hứng thú với phương pháp đó không, bạn có thể học được điều gì từ phong cách đó ? Đôi khi, bạn có thể học hỏi bằng cách tìm một người cố vấn.

Hầu hết mọi người, đặc biệt là những nhà lãnh đạo giỏi luôn ý thức về những gì họ làm và sẵn sàng giúp đỡ người khác phát triển kỹ năng lãnh đạo.

Sử dụng các nghiên cứu về lãnh đạo. Có rất nhiều nguồn tham khảo cho các nhà lãnh đạo cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Chúng cung cấp cho bạn nhiều ý tưởng hơn về các phong cách và giúp bạn tinh chỉnh suy nghĩ của bản thân về sự lãnh đạo.

Tin tưởng vào những gì bạn đang làm. Nếu bạn đã suy nghĩ kĩ lưỡng và tin vào sự lãnh đạo của mình, người khác cũng sẽ đặt niềm tin vào bạn.

Chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi. Đây có lẽ nó là yếu tố quan trọng nhất để lãnh đạo tốt. Cho dù bạn đang làm tốt đến đâu đi chăng nữa, nó vẫn chưa hoàn hảo, hoặc thậm chí không bao giờ hoàn hảo. Do đó, hãy luôn sãn sàng nhận biết về những điều mình đang làm, lắng nghe từ người khác, xem xét cẩn thận và sửa chữa nếu cần thiết. Bằng cách đó, bạn không chỉ có thể trở thành một nhà lãnh đạo tốt mà còn là người lãnh đạo tốt nhất.

8.TỔNG KẾT

Phong cách lãnh đạo là phương pháp, cách lãnh đạo để hoàn thành mục tiêu của mình. Nó có ảnh hưởng sâu sắc đến các thành viên cũng như sự hiệu quả trong công việc của tổ chức đó. Điều này phụ thuộc vào quan niệm của những người đứng đầu tổ chức  về sự lãnh đạo cũng như lựa chọn của họ về phương pháp lãnh đạo. Tùy thuộc vào các tình huống khác nhau, một nhà lãnh đạo có thể áp dụng một trong nhiều phong cách khác nhau sao cho phù hợp. Có nhiều cách khác nhau để mỗi chúng ta có thể lựa chọn và phát triển các phong cách và kỹ nănglãnh đạo cho riêng mình.

Nguồn bài dịch: Styles of Leadership

Nguồn ảnh: https://realbusiness.co.uk

Posted on May 18, 2018 by Trần Khả Minh

A leader holding flag, leading team, and showing direction

Description: https://techinsight.com.vn/wp-content/uploads/2019/07/9-types-of-intelligence-infographic.png


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *