[ad_1]
1. Sự cần thiết ban hành luật giao dịch điện tử
Bước vào thế kỷ XXI, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đang tiến triển với tốc độ nhảy vọt, trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn thế giới. Hoạt động trên nền tảng của công nghệ thông tin hiện đại, giao dịch điện tử cũng phát triển nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm sâu rộng của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các khối liên kết kinh tế; góp phần quan trọng làm thay đổi cách thức kinh doanh, giao dịch truyền thống, phong cách sống, học tập, làm việc của con người; thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế, tăng cường hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; tạo ra nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới như công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính – ngân hàng trực tuyến, dịch vụ thư điện tử, dịch vụ chữa bệnh qua mạng, giáo dục đào tạo từ xa… Giao dịch điện tử cũng thúc đẩy “tin học hóa” hoạt động của các cơ quan nhà nước, giúp cho quá trình ban hành các quyết định được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác; cho phép mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nhằm tận dụng những cơ hội to lớn mà công nghệ thông tin mang lại, nhiều nước trên thế giới có chủ trương vừa phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ điện tử; vừa xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ giao dịch điện tử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ này, đảm bảo cho các thông điệp được truyền đi bằng các phương tiện điện tử cũng có giá trị pháp lý như các thông điệp đó được ghi chép hoặc mô tả bằng văn bản viết theo phương thức truyền thống. Hiện đã có hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giao dịch điện tử.
Ở Việt Nam, công nghệ thông tin được phôi thai từ khi chiếc máy tính điện tử vạn năng đầu tiên được đưa vào sử dụng đầu năm 1968. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tin học đã góp phần giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả nhiều bài toán về kinh tế – xã hội và phục vụ quốc phòng. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Những năm gần đây, các dịch vụ giao dịch điện tử ở nước ta phát triển khá nhanh. Một số chương trình, dự án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, ngành, địa phương đã được triển khai thực hiện. Hơn 50% bộ, ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang web cung cấp thông tin về các chính sách, thủ tục hành chính… Nhiều ngành kinh tế quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động của mình.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch điện tử ở nước ta về cơ bản mới ở giai đoạn xây dựng các dịch vụ ứng dụng, chưa có dịch vụ nào được thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Môi trường pháp lý là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến thực trạng này.
Ở nước ta còn thiếu một khung pháp lý cần thiết, một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ trong giao dịch điện tử. Quyết định số 44/2002/ QĐ-TTg ngày 21/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chấp nhận chữ ký điện tử trong thanh toán liên ngân hàng có thể được coi là văn bản pháp lý đầu tiên về chữ ký điện tử ở Việt Nam.
Hiện nay, ngành ngân hàng đang ứng dụng một số giao dịch điện tử như gửi, nhận, cung cấp thông tin qua mạng, xử lý chứng từ kế toán; giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng… Tuy nhiên, những giao dịch đó còn thiếu cơ sở pháp lý và không thể triển khai đầy đủ, rộng rãi do chưa có đạo luật nào đảm bảo giá trị pháp lý cho các hoạt động này. Điều 18 của Luật Kế toán quy định về chứng từ điện tử, nhưng quy định này chưa thể thực hiện được trong thực tế, vì nước ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào công nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với tư cách là thành viên của APEC, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia và ủng hộ “Chương trình hành động chung” của khối này về thực hiện “Thương mại phi giấy tờ” vào năm 2005 đối với các nước phát triển và năm 2010 đối với các nước đang phát triển. Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký kết Hiệp định khung ASEAN điện tử với hai nội dung quan trọng là Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử. Để có thể chủ động hội nhập, luật pháp của nước ta cần phải hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập. Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, đào tạo nguồn nhân lực…, thì việc đẩy nhanh tiến độ tạo dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực này, trong đó có Luật Giao dịch điện tử là hết sức quan trọng. Vì vậy, nhằm thúc đẩy việc sử dụng các giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng, một yêu cầu khách quan và cấp thiết được đặt ra là cần sớm xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử.
Ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, Luật Giao dịch điện tử đã được thông qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006.
2. Luật giao dịch điện tử của Việt Nam
2.1. Nguyên tắc xây dựng Luật giao dịch điện tử
Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Luật giao dịch điện tử được ứng dụng rộng rãi và phát triển sâu rộng khi xây dựng Luật cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Một là, Luật phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Hai là, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng thông điệp dữ liệu trong các giao dịch của mình.
Ba là, việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong các giao dịch phải được các bên tham gia giao dịch chấp thuận, trừ trường hợp Luật Giao dịch điện tử có quy định khác.
Bốn là, không một loại công nghệ nào được coi là duy nhất trong giao dịch điện tử để đảm bảo quy định của Luật linh hoạt có thể áp dụng được cho các công nghệ trong tương lai và không bị lệ thuộc vào công nghệ.
Năm là, tổ chức, cá nhân khi đã thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu trong giao dịch thì phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử.
2. Những nội dung chính của Luật Giao dịch điện tử
Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật này không bao gồm các giao dịch điện tử trong các trường hợp di chúc, thừa kế, bất động sản, quyền nhân thân, thương phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Thông điệp dữ liệu: Là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Có thể sử dụng làm cơ sở pháp lý như văn bản và có thể có giá trị pháp lý làm văn bản gốc. Thông điệp điện tử cũng có giá trị làm chứng cứ và lưu trữ như văn bản giấy truyền thống. Giá trị pháp lý như văn bản, nếu thông tin đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết. Thông điệp dữ liệu được coi là văn bản gốc nếu nó đảm bảo tính toàn vẹn và không thể thay đổi được về mặt nội dung. Khả năng thông điệp dữ liệu có thể sử dụng làm chứng cứ phụ thuộc vào khả năng xác định danh tính người gửi, đảm bảo tin cậy, nguyên vẹn không thể thay đổi được.
Chứng thư điện tử: Là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.
Chứng thực chữ ký điện tử: Là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.
Chương trình ký điện tử: Là chương trình máy tính được thiết lập để hoạt động độc lập hoặc thông qua thiết bị, hệ thống thông tin, chương trình máy tính khác nhằm tạo ra một chữ ký điện tử đặc trưng cho người ký thông điệp dữ liệu.
Chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý như chữ ký thông thường nếu chữ ký đó cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông tin trong thông điệp dữ liệu một cách tin cậy.
Hợp đồng điện tử: Có giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được Nhà nước công nhận. Luật cũng quy định các bên giao kết hợp đồng điện tử có quyền thỏa thuận về các yêu cầu kỹ thuật, nội dung thông tin, các điều kiện đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật, chứng thực có liên quan tới hợp đồng điện tử.
Bảo mật thông tin và dữ liệu điện tử: Luật này quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin cá nhân, cấm sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin bí mật đời tư của người khác nếu không được sự chấp thuận của người đó. Luật cũng quy định nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu điện tử, nghiêm cấm sự thay đổi dữ liệu điện tử trái phép.
Sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử: Trong môi trường kinh doanh trực tuyến, việc bảo vệ các tài sản trí tuệ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong giao dịch điện tử. Luật này cấm đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền hoặc sử dụng từ khóa tra cứu trong thẻ tìm kiếm thuộc trang web của mình trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, tên thương mại, tên gọi xuất xứ, và chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích trục lợi hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
3. Luật Thương mại
Luật Thương mại (sửa đổi) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2006, là văn bản pháp lý làm nền tảng cho các hoạt động thương mại, trong đó có thương mại điện tử. Điều 15 của Luật quy định: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”. Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 120 (các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ), trong đó coi: “Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet” là một hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.
4. Bộ luật Dân sự
Tại khoản 1, điều 124 “Hình thức giao dịch dân sự” của Bộ luật dân sự (Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/01/2006) quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”. Bộ luật Dân sự đưa ra quy định cụ thể về các trường hợp giao kết, sửa đổi, thực hiện, hủy bỏ hợp đồng. Theo đó, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Đây là những khái niệm quan trọng cần tính đến khi xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng trong môi trường điện tử.
5. Luật Hải quan
Luật Hải quan (sửa đổi) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/01/2006 có bổ sung một số quy định về trình tự khai hải quan điện tử, địa điểm khai, hồ sơ hải quan điện tử, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bằng Thương mại điện tử.
6. Luật Sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/07/2006 thể hiện một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ có một số điều khoản liên quan đến thương mại điện tử, như: quy định về các hành vi bị xem là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường điện tử, như: cố ý hủy bỏ, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm, dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan. Tuy không có quy định cụ thể liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng các nguyên tắc trong Luật Sở hữu trí tuệ có thể áp dụng đối với lĩnh vực này.
7. Luật Công nghệ thông tin
Luật Công nghệ thông tin đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 thể hiện một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công nghệ thông tin. Luật này quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
8. Một số văn bản pháp luật khác
Bên cạnh Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin, có một số văn bản khác cũng đề cập đến thương mại điện tử, như:
- Quyết định số 27/2005/QĐ-BBCVT do Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông ký và ban hành ngày 11/08/2005 quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
- Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/07/2006 về quản lý đại lý Internet…
- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Tóm lại: Hai văn bản cốt lõi của hệ thống pháp luật TMĐT là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đến cuối năm 2015, khung khổ pháp lý về TMĐT đã được hoàn thiện từ quy định về nội dung đến chế tài xử lý vi phạm hành chính.
Trích trong sách Thương mại điện tử – Cẩm nang TS Nguyễn Văn Hùng
https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong
http://aitech.edu.vn/; hungngmd@gmail.com
VIỆN CÔNG NGHỆ QUẢN TRỊ Á CHÂU – TS. NGUYỄN VĂN HÙNG
[ad_2]
Source link