[ad_1]
Chương 9
- Khái quát kỹ năng quản lý cảm xúc
- Năng lực trí tuệ cảm xúc
- Kiểm soát hành vi và cảm xúc
- Quản lý cảm xúc của doanh nhân
Tự kiềm chế không chỉ là một đức tính tốt mà còn là một nhân tố quan trọng quyết định thành bại trong sự nghiệp của con người.
~ LỜI KHUYÊN CỦA ĐẠI HỌC HARVARD
Cảm xúc là phản ứng nhất thời để bảo vệ quyền lợi của bản ngã.
~ HIỂU VỀ TRÁI TIM
Là con người không ai không có cảm xúc.Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách khơi dậy những cảm xúc tích cực ở cả người khác lẫn chính bản thân mình.
~ ROGER FISHER, DANIEL SHAPIRO
Các cảm xúc sẽ là đầy tớ hay là ông chủ, còn tùy thuộc vào việc ai chọn làm chủ.
~ JIM ROHN
Với logic luẩn quẩn của cảm xúc, thứ xúc cảm đáng giá nhất của cuộc đời con người chính là được đắm chìm trong thành công.
~ JOSEPH CONRAD
Sợ gì mà không cố gắng kiềm chế một chút bản thân để con người mạnh mẽ hơn.
~ GORKY
Nước mắt là dấu hiệu cho sự bất lực của tâm hồn trong việc kìm nén cảm xúc và duy trì mệnh lệnh với bản thân.
Tự khống chế là chiếc chìa khóa an toàn cho hành vi hàng ngày của bạn, nó bắt bạn phải dùng lý trí để cân bằng cảm xúc, đón nhận sự dẫn dắt của lý tính, “nghĩ trước làm sau”, kiểm soát cảm xúc và lời lẽ cử chỉ của bản thân.
LỜI KHUYÊN CỦA ĐẠI HỌC HARVARD
Nếu bạn có những cảm xúc mãnh liệt về điều gì đó xảy ra trong quá khứ, chúng có thể gây trở ngại cho khả năng sống trong hiện tại của bạn.
Khi phạm nhiều sai lầm, bạn biết đâu là sai lầm và làm thế nào để không phạm sai lầm. Khi biết đâu là sai sót, bạn ngày tiến gần đến lẽ phải. Đó là sự khám phá của từng cá nhân; bạn không thể phụ thuộc vào kết luận của người khác.
~ OSHO
Hãy học suy nghĩ bằng trái tim và hãy học cảm xúc bằng lý trí.
Noi gương người khác, hiểu rõ thị phi, chính là diệu pháp để tự kiềm chế mình.
~ LỖ TẤN
Không khống chế được mình thì sẽ khó mà khống chế được người khác.
~NAPOLEON BONAPARTE
Chỉ cần kiềm chế bản thân hơn một chút cũng khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn.
~ GORKY
Dễ tức giận là một tố chất thấp hèn, ai chịu sự chi phối của nó thì mãi mãi chỉ là kẻ yếu trong xã hội.
~ BACON
Người biết tự kiểm soát mới thực sự là người có đức hạnh.
~ JONATHAN SWIFT
Bất luận làm việc gì cũng không được sốt ruột, bất luận xảy ra chuyện gì cũng phải bình tĩnh, khéo léo để giải quyết.
~ DICKENS
Tự kiểm điểm là một tấm gương trong suốt, có thể phản chiếu những vết bẩn tâm hồn
~ GORKY
Không được khích nổ sẽ làm giảm trí tuệ. Không được oán hận sẽ giảm đi một nửa sức mạnh.
~TÀO THÁO
Người ta có thể quên lời bạn đã nói, người ta có thể quên việc bạn đã làm nhưng người ta không bao giờ quên cảm xúc mà họ có về bạn.
~ MAYA ANGELOU
Trong thời đại ngày nay, thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc” EQ (Emotional Quotient ) đã không còn xa lạ với chúng ta. Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ (Intelligent Quotient là chỉ số thông minh), như người ta thường nói “với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất. Các nhà tuyển dụng dùng EQ là một tiêu chí đo lường ứng cử viên. Các doanh nghiệp khôn ngoan sẵn sàng đầu tư công sức và tiền bạc vào rèn luyện EQ cho nhân viên nâng cao hiệu suất.
Còn về đời sống cá nhân thì sao? Trong khi mối quan hệ giữa người và người (cha mẹ – con cái, vợ – chồng, bạn bè…) ngày càng phức tạp, thì EQ xuất hiện như là một thành tố giúp hàn gắn sợi dây tình cảm, kết nối bền vững.
Chỉ số thông minh (IQ), tính cách và trí tuệ cảm xúc (EQ) là ba phẩm chất riêng biệt mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Kết hợp với nhau, chúng xác định rõ cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Một người có thể rất thông minh, nhưng lại có trí tuệ cảm xúc thấp, và con người, dù thuộc bất cứ loại tính cách nào, cũng có thể có chỉ số EQ cao và/hoặc IQ cao.
EQ là khả năng tự nhận thức cảm xúc bản thân, biết đâu là điểm mạnh của mình để phát huy và đâu là điểm yếu của mình để khắc phục. Đó là yếu tố quan trọng nhất của trí thông minh cảm xúc.
EQ còn là khả năng thấu hiểu cảm xúc, mong muốn và quan điểm của người khác, phân biệt được chúng và sử dụng chúng để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của bản thân. Từ đó biết thông cảm, xây dựng, duy trì tốt các mối quan hệ, biết lắng nghe và quan tâm đến người khác, nên có cuộc sống cởi mở và chân thành. Sự thấu cảm là yếu tố quan trọng thứ hai của trí thông minh cảm xúc. Thông minh cảm xúc giúp ta sống tốt hơn với mọi người, hài hòa hơn với chính mình và trong đối xử với người khác.
EQ là khả năng quản lý cảm xúc giúp đưa ra những quyết định sáng suốt để thúc đẩy bản thân tiến bước và cải thiện các mối quan hệ đối với mọi người làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp, hiệu quả hơn. Người có trí thông minh cảm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.
EQ còn là khả năng tự kiềm chế, không để cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, biết tự điều chỉnh, tự đánh giá, khả năng kiểm soát và chế ngự những khát vọng, đam mê, khả năng kỷ luật tự giác, khả năng tư duy tích cực, tìm ra được nhiều giải pháp để giải quyết công việc. Đặc điểm của sự tự kiểm soát và điều chỉnh bản thân là suy nghĩ chính chắn, chính trực, hợp tình, hợp lý cho mỗi tình huống.
Trí tuệ lý trí (phụ thuộc chủ yếu vào chức năng của bán cầu não trái) không liên quan nhiều đến trí tuệ cảm xúc (phụ thuộc chủ yếu vào chức năng của bán cầu não phải). Người thông minh nhất có khi lại phó mặc cho cảm xúc kiểm soát hành động của mình, dẫn đến những tình thế bất lợi. Trí tuệ cảm xúc là xung lực chủ yếu có ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả năng lực khác bằng cách kích thích hay ức chế chúng, nhờ đó, con người có thể ứng phó linh hoạt, biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân và cả cảm xúc của những người khác. Sức mạnh của trí tuệ cảm xúc là công cụ hữu hiệu khơi dậy những cảm xúc tích cực, đồng thời triệt tiêu các cảm xúc tiêu cực. Đừng quên nhu cầu cảm xúc cao nhất của một con người là cảm thấy được tôn trọng.
9.1. KHÁI QUÁT KỸ NĂNG QUẢN LÝ CẢM XÚC
9.1.1. Kỹ năng là gì?
Kỹ năng là do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng. Vậy, kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi. Nói cách khác, kỹ năng là khả năng vận dụng những tri thức đã được lĩnh hội để thực hiện có hiệu quả một hoạt động tương ứng trong những điều kiện cụ thể.
Phân loại kỹ năng ra sao? Có nhiều cách phân loại kỹ năng khác nhau. Nếu xét theo tổng quan thì kỹ năng phân ra làm 3 loại: Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc. Nếu xét theo liên đới chuyên môn: kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và kỹ năng hỗn hợp. Theo tính hữu ích cộng đồng: hữu ích và phản lợi ích xã hội. Cần nói thêm rằng kỹ năng mềm hay kỹ năng sống cũng chỉ là một nhóm kỹ năng với tên gọi khác nhau. Chúng ta cũng nhận thấy rằng kỹ năng mềm hay kỹ năng sống là những nhóm kỹ năng thiết yếu giúp cho chủ thể tồn tại và thăng hoa trong cuộc sống. Bất cứ một kỹ năng nào được hình thành nhanh hay chậm, bền vững hay lỏng lẻo đều phụ thuộc vào khát khao, quyết tâm, năng lực tiếp nhận của chủ thể, cách luyện tập và tính phức tạp của chính kỹ năng đó.
9.1.2. Quản lý cảm xúc là gì ?
Quản lý cảm xúc là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bạn, và của những người xung quanh. Những người có một mức độ trí tuệ cảm xúc cao thường hiểu rõ cảm giác của người khác, từ đó cảm xúc của họ cũng có thể tác động đến người khác.
9.1.3. Biểu hiện cảm xúc khi căng thẳng
Trong cuộc sống hiện đại, con người phải chịu rất nhiều áp lực từ cuộc sống phải đối mặt với những tình huống gây căng thẳng.
Sự việc, xảy ra trong cuộc sống mối quan hệ phức tạp giữa con người, thay đổi của môi trường tự nhiên tác động đến con người và gây ra cảm xúc mạnh, phần lớn là tiêu cực.
Các dấu hiệu sinh lí của cơ thể:
Đau đầu, tức ngực, khó thở, thở nhanh, chóng mặt, hay mệt mỏi, đau người, mất ngủ, ăn không ngon, hồi hộp, tim đập nhanh và mạnh, toát mồ hôi, nghiến răng…
Các rối loạn thể hiện bằng các triệu chứng thể chất của cơ thể con người và bắt nguồn từ yếu tố tâm lý, nhất là cảm xúc, xúc cảm, tình cảm. Những yêu cầu được khám chữa bệnh dai dẳng dù rằng các kết luận y khoa đều âm tính.
Các dấu hiệu cảm xúc:
Cảm xúc con người có nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi chiều cảm xúc lại mang một ý nghĩa riêng trong cuộc sống.
– Sợ hãi: giúp ta cảnh giác những thứ nguy hiểm.
– Lo lắng: sẽ tăng cường khả năng tập trung và huy động năng lượng trí não.
– Giận dữ (tức giận): để đáp trả lại những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của bản thân.
– Buồn bã: trong cuộc sống cá nhân gặp phải vấn đề bất lợi trong các mối quan hệ.
– Hy vọng: là liều thuốc vực dậy tinh thần vượt qua mọi khó khăn để đạt được những gì ta muốn.
– Yêu thương: luôn luôn quan tâm đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh; luôn tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu mọi người…
Biểu hiện phủ nhận cảm xúc khi căng thẳng
Các biểu hiện phủ nhận cảm xúc thường có của con người phủ nhận cảm xúc như: muốn khóc, chạy trốn, hung hăng hơn hay cắn người khác, đánh cả người thân và bạn bè, la hét, đập phá…
Những dấu hiệu hành vi khi căng thẳng
Những dấu hiệu hành vi: nổi khùng, có những lời nói xúc phạm người khác, ngại tiếp xúc với người khác, nói nhiều, uống rượu, hút thuốc lá, phản ứng chậm chạp, phá phách, gây sự, đi lang thang, tự gây thương tích,…
Ảnh hưởng của trạng thái căng thẳng
Cơ thể phản ứng tùy theo những hành động xúc cảm và suy nghĩ của bạn. Hiện tượng này được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần. Khi bạn buồn bã, căng thẳng hay lo lắng, cơ thể bạn sẽ tìm cách báo hiệu là có gì đó bất ổn xảy ra.
Nói tóm lại, biểu hiện cảm xúc và cơ thể khi căng thẳng bao gồm (dấu hiệu sinh lý, dấu hiệu cảm xúc, phủ nhận cảm xúc và dấu hiệu hành vi). Căng thẳng thường nảy sinh khi cá nhân nhận thức rằng mình không thể đương đầu được với những yêu cầu trước thách thức cuộc sống hiện đại.
9.1.4. Cảm xúc là gì?
Cảm xúc là sự rung động về một mặt nhất định của con người đối với các hiện tượng nào đó của hiện thực. Cảm xúc có đặc điểm là mang tính chất chủ quan.
Cảm xúc hay xúc cảm là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách.
Chúng ta lựa chọn thái độ, và thái độ làm nên con người. Thái độ sống tạo nên tất cả
Như vậy, Cảm xúc là tập hợp những phản ứng tự nhiên được bộ não phát ra – một cách tự động – để giúp cơ thể và tâm trí chuẩn bị hành động thích hợp – khi cảm giác phát hiện ra điều gì đó – đang xảy ra liên quan đến chúng ta.
Cảm xúc là một loại virút của tinh thần, chúng ta là người tạo ra nó, bị lây nhiễm và chịu tác động bởi nó. Không một loại xúc cảm tình cảm nào có thể tồn tại mãi ở một trạng thái cả: có giai đoạn cao trào, có giai đoạn lắng xuống. Cảm xúc thường thoát khỏi kiểm soát của nhận thức bản thân (Bản chất của cảm xúc – Nguyễn Nam Trung).
Người nghệ sĩ cầm máy ảnh, để có được những tác phẩm ảnh đều phải bắt nguồn từ những cảm xúc. Không có ngành nghệ thuật nào muốn sáng tạo mà không đòi hỏi sự có mặt của cảm xúc. Rõ ràng cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên giá trị một tác phẩm ảnh.
Ngôn ngữ sinh hoạt cũng thể hiện cảm xúc rất rõ như trong các câu ca dao:
Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Câu ca dao là lời nhân vật “ta” nói với “mình” về nỗi nhớ nhung, bịn rịn. Hoàn cảnh nói rất có thể là vào một đêm chia tay giã hội. Ngôn từ được sử dụng trong câu ca dao này khá thân mật và dân dã (mình, ta, chăng, hàm răng).
Tính cảm xúc: câu ca dao thể hiện rất rõ cảm xúc bịn rịn, luyến lưu, nhung nhớ. Những từ ngữ biểu hiện trực tiếp những cảm xúc này là: Mình… có nhớ ta, ta nhớ…
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Thuật ngữ công việc cảm xúc và lao động cảm xúc lần đầu tiên được giới thiệu bởi nghiên cứu sinh Arlie Hochschild vào năm 1983 trong luận án của mình. Sáu năm sau các nghiên cứu bắt đầu tập trung vào các biểu hiện cảm xúc và tầm quan trọng của nó trong tâm lý học tổ chức.
Năm 1990, Peter Salovey và John Mayer đã đưa ra thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc” (Emotional Intelligence). Trí tuệ cảm xúc được hiểu là: sự hiểu biết về các xúc cảm, làm chủ các xúc cảm, tự thúc đẩy, biết nhận biết cảm xúc của người khác, làm chủ những mối liên hệ của con người. Ngày nay trí tuệ cảm xúc được đánh giá bằng chỉ số EQ (Emotional Quotient).
Steve Mcshane và Mary Ann Von Glinow cho rằng trí tuệ cảm xúc chính là khả năng của con người có thể nhận thức và biểu lộ cảm xúc, đồng hóa cảm xúc trong tư tưởng thông suốt, lý luận với cảm xúc và điều hợp cảm xúc cho bản thân và những người xung quanh.
Còn theo Howard Gardner, cha đẻ của thuyết “Đa trí tuệ” thì trí tuệ cảm xúc là khả năng đọc cảm xúc (tôi đang thực sự cảm thấy những cảm xúc gì?) và hiểu cảm xúc (tại sao tôi cảm thấy cảm xúc này? Nó đang ở mức độ nào) của bản thân hay của người khác. Ông nhận định: “IQ không phản ánh được sự đa dạng của trí thông minh và cũng không cho thấy sự tương quan giữa trí thông minh với vô số cách ứng xử của trí tuệ có thể quan sát được trong cuộc sống”.
Sau 7 năm, Peter Salovey và John Mayer kết luận rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm bốn quá trình tâm thần là:
– Tri giác: Nhận thức và chỉ ra các cảm xúc;
– Hiểu: Hiểu biết cảm xúc của mình và người khác;
– Đồng hóa: Lồng ghép cảm xúc vào các khuôn mẫu tư duy;
– Quản lý: Quản lý và kiểm soát cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc bao gồm khả năng tiếp nhận đúng, đánh giá và thể hiện cảm xúc, khả năng đánh giá và phân loại những cảm xúc giúp định hướng suy nghĩ, khả năng hiểu và điều khiển, định hướng cảm xúc nhằm gia tăng sự phát triển cảm xúc và trí tuệ – P. Salovey và John Mayer.
Năm 1995, thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (EQ) đã được phổ biến bởi nhà tâm lý học Daniel Goleman, với cuốn sách “Trí tuệ xúc cảm” bán chạy nhất của ông về chủ đề này. Năm 1998, Goleman xuất bản tiếp cuốn sách “Trí tuệ xúc cảm – Ứng dụng trong công việc” để đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đây, thuật ngữ “EQ” đã trở thành một cụm từ phổ biến.
Nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc ở nơi làm việc của Goleman cho thấy kết quả là sự hoàn thiện về năng lực cảm xúc dẫn đến kết quả cao trong hoạt động lao động ở nơi làm việc. Năng lực cảm xúc đó được Goleman chia thành hai loại.
Hai kỹ năng phía trên, nhận thức về bản thân và làm chủ bản thân, nói về bản thân bạn nhiều hơn. Điều này bao gồm sự tự nhận thức, tự điều chỉnh và động lực.
Hai kỹ năng phía dưới, nhận thức về xã hội và làm chủ các mối quan hệ, chú trọng đến cách bạn tương tác với người khác, bao gồm sự đồng cảm và kỹ năng xã hội có mục đích.
Bốn kỹ năng này kết hợp với nhau tạo thành trí tuệ cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc là khả năng giám sát các cảm giác và cảm xúc của bản thân và của người khác, khả năng phân biệt chúng và khả năng sử dụng các thông tin nhằm định hướng suy nghĩ và hành động của mình – Daniel Goleman.
Trí tuệ cảm xúc là sự kết hợp giữa sự nhạy cảm về cảm xúc có tính chất tự nhiên với các kỹ năng quản lý cảm xúc có được do tự học hỏi, nhằm giúp con người đạt được hạnh phúc trong cuộc sống – H. Steve.
Trí tuệ cảm xúc là một tổ hợp các chức năng phi nhận thức và những kỹ năng chi phối năng lực của cá nhân nhằm đương đầu có hiệu quả với những đòi hỏi và sức ép của môi trường – Bar-On.
Qua các định nghĩa về trí tuệ cảm xúc của các nhà tâm lý học chúng ta thấy trí tuệ cảm xúc có điểm chung là khả năng hiểu rõ cảm xúc bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Người có trí tuệ cảm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Trên cơ sở tham khảo nhiều định nghĩa, xem xét bản chất trong từng trường hợp, có thể định nghĩa:
Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết các cảm giác, cảm xúc của bản thân và của người khác, trên cơ sở đó mà có khả năng làm chủ bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác nhằm định hướng suy nghĩ và hành động của mình, đồng thời làm chủ mối quan hệ bền vững.
9.1.5. Đặc điểm của cảm xúc
Cảm xúc là những rung cảm mạnh mẽ và rõ rệt hơn, mang tính khái quát hơn và được chủ thể ý thức rõ hơn so với màu sắc cảm xúc của cảm giác.
Các rung động cảm xúc thể hiện tiêu biểu là rung động cảm xúc tốt hoặc xấu, tức là mang sắc thái thoải mái hoặc không thoải mái.
9.1.6. Vai trò của trí tuệ cảm xúc trong đời sống con người
Phạm vi của trí tuệ cảm xúc vô cùng rộng, được một số nhà khoa học gọi là trí tuệ “xã hội”. Tuy nhiên, có thể khái quát một số vai trò trí tuệ cảm xúc sau:
9.1.6.1. Vai trò của trí tuệ cảm xúc trong việc hình thành hành động
Sự tác động qua lại giữa chủ thể với hoàn cảnh trong đó cảm xúc là động lực ứng xử còn tri giác, vận động và trí tuệ là cấu trúc hóa các ứng xử đó.
Các cảm xúc khác nhau ngoài việc mang sắc thái thoải mái hay không thoải mái còn thể hiện mức độ kích thích hay làm dịu.
J.Piaget cho rằng: mỗi ứng xử bao hàm hai mặt: mặt năng lượng và mặt nhận thức, mặt năng lượng là do cảm xúc tạo ra, còn nhận thức là kết quả của trí tuệ. Theo Vưgôtxki trong tư duy ngôn ngữ cho rằng việc phân tích một ý nghĩ nào đó chỉ đúng khi phát hiện ra được bình diện động cơ, xu hướng, cảm xúc và nhu cầu.
Cảm xúc là nhân tố mang năng lượng cho ứng xử. Bất cứ một ứng xử nào đều bắt nguồn từ cảm xúc. Ngay cả ứng xử theo thói quen cũng xuất phát từ những cảm xúc, nhưng vì lặp đi lặp lại trở thành thói quen nên thường không nhận ra.
Tóm lại, mọi hành động trí tuệ đều có sự tham gia của cảm xúc. Cảm xúc thâm nhập vào từ các hoạt động tri giác, đến việc lựa chọn các thao tác và ra quyết định trí tuệ. Mức độ ảnh hưởng này rất rộng lớn, từ những cảm xúc đơn giản, đến tình cảm phức tạp và cuối cùng là sự tham gia của những linh cảm trực giác hết sức thú vị và diệu kỳ.
9.1.6.2. Trí tuệ cảm xúc có vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm hành động
Cảm xúc để định hướng hành động: cảm xúc là động lực thúc đẩy hoặc kìm hãm hành động. Vì vậy, việc sử dụng cảm xúc để điều khiển hành vi là một trong những thành phần quan trọng trong trí tuệ cảm xúc.
Nhiều nghiên cứu khẳng định vai trò nhận thức, định hướng, điều khiển làm thay đổi cảm xúc trí tuệ trong hoạt động và giao tiếp, khả năng thấu cảm của trí tuệ có ý nghĩa to lớn, có mối quan hệ giữa sự thấu cảm với hành vi cá nhân, thấu cảm như thế nào sẽ có hành vi tương ứng như vậy.
Cảm xúc tích cực là động lực cho hành động và suy nghĩ của mỗi người và ngược lại. Mọi hoạt động của chúng ta không chỉ đơn thuần do bộ não điều khiển mà còn có sự chỉ đạo của cảm xúc.
Những hoạt động đó hoặc hứng thú vui vẻ hoặc chán nản miễn cưỡng. Chính vì vậy, trí tuệ cảm xúc có vai trò rất lớn đối với hoạt động trong đời sống thường ngày.
9.1.6.3. Vai trò của trí tuệ cảm xúc với các yếu tố khác
9.1.6.3.1. Đối với bản thân
Trong gia đình, dù mọi người đều hiểu nhau nhưng không phải ai cũng thân thiết với nhau, chính sự quan tâm và biểu lộ cảm xúc của bạn là nhân tố quan trọng để gắn chặt tình cảm gia đình.
Trí tuệ cảm xúc của bố mẹ, anh chị và em có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu cho biết, nếu bố mẹ luôn quát nạt và nóng nảy thì trẻ nhỏ trong gia đình luôn sống trong cảm giác sợ sệt, lo lắng, không an toàn. Trong công việc, trí tuệ cảm xúc vô cùng cần thiết, đặc biệt là xu hướng làm việc dựa trên sự thương lượng và đàm phán. Người có trí tuệ cảm xúc biết cách thể hiện tình cảm có khả năng điều khiển thích nghi cho phép họ hoạt động tốt hơn.
Sự phân biệt được cảm xúc của người khác là điều cơ bản trong mối quan hệ với mọi người, người có thể nắm bắt được cảm xúc của mình đồng thời biết kiềm chế nó, sẽ hiểu được cảm xúc của người khác tốt hơn. Khả năng này được gọi là sự đồng cảm. Một tính chất quan trọng nữa của trí tuệ cảm xúc là khả năng tập trung tình cảm vào những mục đích mà họ muốn đạt được. Người có trí tuệ cảm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Trí tuệ cảm xúc giúp bạn làm chủ cảm xúc của mình, trong hoàn cảnh nào thì bộc lộ cảm xúc và bộc lộ ở những mức độ như thế nào; khi nào thì phải kìm giữ nó trong lòng.
9.1.6.3.2. Đối với suy nghĩ
Trí tuệ cảm xúc dẫn đường cho suy nghĩ. Vai trò cảm xúc dẫn đường cho chúng ta trong những tình huống khẩn cấp cần phải đưa ra quyết định. Đó là những lúc ta không có điều kiện hay thời gian để suy nghĩ vì thời gian quá gấp hoặc tình thế mà bạn chưa từng trải qua trong đời.
Mỗi xúc cảm có một dấu ấn sinh học đặc trưng; nó chi phối bằng việc đưa tới một loạt các biến đổi trong cơ thể cùng lúc phát ra một tập hợp tín hiệu một cách tự động.
Cuộc sống con người chúng ta phần lớn là do các cảm xúc nảy sinh và chi phối, chất lượng của cảm xúc ảnh hưởng đến chất lượng của tư duy và chất lượng tư duy quyết định chất lượng suy nghĩ của chúng ta.
Trong khi đó, nguồn lương thực cho tâm trí chính là suy nghĩ của chúng ta, những suy nghĩ ấy sẽ quyết định phẩm chất trong các mối liên hệ, đến cách thức chúng ta xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
9.1.6.3.3. Đối với sức khỏe
Trí tuệ cảm xúc còn có vai trò đối với sức khỏe của mỗi cá nhân. Việc kìm chế cảm xúc làm cho bạn bình tĩnh hơn và tránh được một số bệnh do xúc động quá mạnh. Ví dụ: Khi nóng giận quá mức dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, buồn phiền quá mức sẽ ảnh hưởng đến dạ dày…
Việc nhận biết cảm xúc của mình và điều chỉnh chúng một cách hợp lý trong cuộc sống sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và trên hết là tránh được bệnh tật.
9.1.7. Phân loại cảm xúc
Căn cứ vào thời gian và mức độ mãnh liệt của cảm xúc
Xúc động: là rung động, cảm xúc xảy ra với cường độ lớn và biểu hiện đột ngột thì gọi là xúc động. Xúc động được biểu hiện bên ngoài một cách mãnh liệt và xảy ra trong thời gian ngắn.
Nó có thể làm cho con người mất đi sự sáng suốt, tính tự chủ, dễ đi đến những quyết định sai lầm, có thể tạo ra trạng thái mất cân bằng cơ thể. Ví dụ: cơn tức giận vì ghen sẽ làm ta mất lý trí, như vậy thì “cả giận mất khôn”, không ý thức được hậu quả hành vi của mình.
Tâm trạng: là một trạng thái cảm xúc. Nó có cường độ vừa phải hoặc tương đối yếu, tồn tại trong một thời gian tương đối dài, có khi hàng tháng hàng năm và con người không ý thức được nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: tâm trạng vui mừng phấn khởi hoặc là tâm trạng lo lắng, buồn chán, sợ hãi. Có hai loại tâm trạng: tích cực và tiêu cực.
Stress: là những trạng thái xúc cảm nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm khi phải chịu đựng nhiều áp lực về thể xác lẫn tinh thần. Stress có thể có cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến hoạt động của con người.
Hậu quả: tàn phá nhan sắc, chóng già, tóc rụng, suy sụp sức khỏe và tinh thần.
Căn cứ vào tính tích cực và tiêu cực của cảm xúc
Cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc, thái độ thụ động, tránh đấu tranh, bao gồm: chán, ghét, hận, tức giận, kích động, quá khích, sợ hãi, nhút nhát… Cảm xúc tiêu cực che mờ lý trí, khiến con người hành xử nông nổi, dễ nhầm lẫn giữa sự hợp lý và không hợp lý, giữa đúng và sai, hơn nữa còn là kẻ thù lớn nhất của thành công và hạnh phúc.
Cảm xúc tích cực là nguồn động lực tiếp sức cho con người vươn tới thành công. Cảm xúc tích cực giúp tăng thêm niềm tin, nghị lực sống và củng cố các mối quan hệ. Cảm xúc hay thái độ tích cực là những cảm xúc, thái độ khẳng định, dấn thân, bao gồm: yêu, hưng phấn, phấn khích, tự tin, thăng hoa…
Bí mật thành công không phải là những gì mà bạn được dạy ở trường học. Thứ quan trọng nhất không phải là chỉ số IQ, không phải bằng đại học quản trị kinh doanh, thậm chí không phải bí quyết kinh doanh hay nhiều năm trải nghiệm. Yếu tố duy nhất và quan trọng nhất để thành công trong sự nghiệp đó là trí tuệ cảm xúc. Năng lực cảm xúc là các kỹ năng thực tế dựa trên trí tuệ xúc cảm nhằm đem lại hiệu quả trong công việc.
Theo GS Daniel Goleman, một nhà tâm lý học Mỹ, có năm đặc điểm chính cấu thành nên trí tuệ cảm xúc:
– Tự nhận thức – Hiểu rõ chính mình;
– Tự điều chỉnh – Kiểm soát bản thân;
– Động lực – Giàu nhiệt huyết;
– Đồng cảm – Biết cảm thông;
– Kỹ năng xã hội – Kỹ năng giao tiếp.
Là một người lãnh đạo, bạn càng quản lý tốt từng yếu tố trên bao nhiêu thì mức độ trí tuệ cảm xúc của bạn càng cao. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét từng yếu tố một cách chi tiết hơn và xem xét làm thế nào bạn có thể phát triển trí tuệ cảm xúc như một nhà lãnh đạo giỏi. Sau đây là năm đặc điểm chính cấu thành nên trí tuệ cảm xúc mà cũng là các yếu tố được các nhà tuyển dụng tìm kiếm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
9.2.1. Tự nhận thức – Hiểu rõ chính mình (Self-Awareness)
Tự nhận thức là khả năng bạn nhận biết một cách chính xác về cảm xúc của mình ngay khi nó xảy ra và hiểu mình có khuynh hướng làm gì trong tình huống đó. Tự nhận thức bao gồm việc kiểm soát được những phản ứng thông thường của bản thân đối với những sự việc, thách thức và đối tượng cụ thể. Hiểu biết thấu đáo về khuynh hướng của bản thân đóng vai trò rất quan trọng; nó giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được cảm xúc của mình.Tự nhận thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thành tích cá nhân, có đến 83% những người có mức độ tự nhận thức cao là những người đứng đầu về hiệu suất công việc, và chỉ có 2% những người có kết quả làm việc kém lại có khả năng tự nhận thức cao mà thôi. Tại sao lại có chuyện như vậy? Khi bạn biết tự nhận thức, nhiều khả năng bạn theo đuổi đúng cơ hội hơn, bạn biết cách vận dụng thế mạnh của mình vào công việc và có lẽ điều quan trọng nhất không để cho cảm xúc cản trở mình.
Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn nghĩ theo một quan điểm sai lầm rằng tâm lý học chỉ nhằm mục đích chữa bệnh, thế nên chúng ta cho rằng thời điểm duy nhất nhìn lại bản thân là lúc phải đối mặt với khủng hoảng. Chúng ta có xu hướng chấp nhận những gì mình cảm thấy thoải mái và che đậy những thứ khiến ta cảm thấy bất an. Nhưng thật ra, một bức tranh toàn cảnh mới cho ta thấy rõ mọi thứ. Càng hiểu rõ về mặt tốt đẹp và mặt hạn chế bao nhiêu thì chúng ta càng phát huy tiềm năng của mình tốt hơn bấy nhiêu.
Nói cách khác, tự nhận thức là cảm nhận rõ ràng về nhân cách, điểm mạnh, điểm yếu, tư duy, niềm tin, động lực và cảm xúc. Tự nhận thức cũng cho phép bạn hiểu về người khác, cách họ cảm nhận về bạn cũng như thái độ và phản hồi của bạn. Sự tự nhận thức là cơ sở nhận biết một cách chính xác và hỗ trợ tất cả các năng lực tư duy cảm xúc. Nó phải có trước, bởi nếu không hiểu bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu cảm xúc của người khác như thế nào?
9.2.1.1. Tự đánh giá chính xác bản thân
Đó là cảm nhận một cách trung thực về điểm mạnh và hạn chế của bản thân, một cái nhìn rõ ràng về những điểm mà chúng ta cần cải thiện và khả năng rút kinh nghiệm cho bản thân. Nên nhớ rằng người duy nhất có thể làm tổn thương bạn là chính bản thân bạn. Nếu có ai làm tổn thương bạn sâu sắc chỉ vì bạn đã cho phép người đó làm vậy mà thôi. “Luôn luôn mơ và nhắm cao hơn khả năng của bản thân. Đừng bận tâm tới việc làm tốt hơn những người đương thời hay những người đi trước. Hãy cố để tốt hơn chính mình”– William Faulkner. Tiếp thu những phản hồi vô tư, có những mục tiêu mới học tập không ngừng và tự phát triển bản thân.
9.2.1.2. Những “điểm mù” bản thân và “điểm mù” của nhà lãnh đạo
Đây là định nghĩa “điểm mù”: “một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống của một người nào đó mà ở đó, họ liên tục bị thất bại trong việc nhìn nhận bản thân hoặc tình huống của mình một cách thực tế. Sự vô thức này thường gây ra những hậu quả to lớn cho chính bản thân người đó và những người xung quanh họ”.
Những “điểm mù” bản thân bao gồm:
Bất cứ ai cũng có “điểm mù”, ngay cả những nhà lãnh đạo tài giỏi nhất. “Điểm mù” tức là bản thân không nhận ra khiếm khuyết của mình nhưng người khác thì thấy rất rõ. Nếu không nhanh chóng khắc phục, các “điểm mù” này sẽ gây hại rất lớn cho bản thân lẫn các hoạt động giao tiếp xã hội.
– “Mù” tham vọng tức là chiến thắng bằng mọi giá; phóng đại giá trị và sự cống hiến chính mình;
– Mục tiêu không thực tế tức đặt ra tham vọng quá cao với mục tiêu mà tổ chức không thể đạt được;
– Sự tàn nhẫn là bắt mọi người làm việc chăm chỉ mà không quan tâm đến nhu cầu và quyền lợi của họ;
– Chiếm đoạt quyền lực là tìm kiếm sức mạnh cho bản thân hơn là tổ chức;
– Bệnh thành tích là luôn tìm kiếm những cơ hội gây ấn tượng với người khác.
Một vài “điểm mù” thường thấy ở người lãnh đạo
Đó là những hành vi bất lợi mà ta không biết nhưng người khác lại thấy rõ. “Mù” trong cách cư xử để lại những hậu quả tai hại dù ta không cố ý: phá hỏng quyết định, giảm tầm hiểu biết, gây thù nghịch, chia rẽ ngấm ngầm, phá hoại sự nghiệp, tạo ra kết quả xấu. Để trở thành nhà quản lý thành công, bạn phải học cách nhận ra những “điểm mù” sau:
(1) Tầm nhìn hạn hẹp: “Nếu thứ công cụ duy nhất mà bạn có là cây búa, bạn thường có khuynh hướng nhìn nhận mọi vấn đề như một chiếc đinh”- Larry Stephens. Những nhà lãnh đạo thường vạch định chiến lược và định hướng hành động theo bản năng có thể dẫn đến sai sót. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải bước lùi lại, mặc cho vấn đề mới nảy sinh, rồi tìm ra giải pháp tốt nhất để xử lý.
(2) Chia sẻ gánh nặng: nếu bạn có khuynh hướng tự mình gánh mọi gánh nặng cuộc sống và vô tình loại trừ người khác: đồng đội, gia đình, thì bạn phải biết rằng đó chính là điểm mù của bạn. Thật ra, xử sự như vậy khiến người khác tức giận, phẫn nộ và cảm thấy bị coi thường. Thay vì giao quyền cho toàn đội thì bạn lại từ chối sự ủng hộ, giúp đỡ của người khác, không nhờ cậy, không chia sẻ áp lực, căng thẳng, lo âu, tách biệt mọi người và rút lui khỏi đám đông, suy nghĩ và quyết định mà không để tâm đến người khác.
(3) Sự thiếu tự tin: những biểu hiện của sự lãnh đạo thiếu tự tin là cảm thấy khó khăn khi khen thưởng người khác; bí mật tích trữ thông tin; cảm thấy bị đe dọa bởi sự tăng trưởng của người khác… Hãy nhớ rằng, tự tin là đức tính tốt nhưng tự tin thái quá sẽ dẫn đến những sai lầm lớn. Trong những năm qua, chúng ta thường đã nghe các nhà đầu tư thú nhận họ không nhận lời khuyên của bất kỳ nhà kế hoạch tài chính, một chuyên gia hay tổ chức chuyên nghiệp nào, mọi quyết định đầu tư đều dựa vào nhận xét của riêng họ.
(4) Cái tôi không thể kiểm soát: kẻ thù số một của người lãnh đạo là cái tôi không thể kiểm soát. John Ruskin đã nói rằng: “Sự kiêu hãnh nằm ở đáy của mọi sai lầm nghiêm trọng”. Giống như sự thiếu tự tin, tính kiêu căng cũng khiến người lãnh đạo chỉ nghĩ về bản thân mình, hơn là những người mà họ dẫn dắt. Đó là sự trái lập của tính khiêm nhường. Một người lãnh đạo kiêu ngạo thường đổ lỗi, hay phủ nhận, bảo thủ và cứng nhắc. Điều này khiến tinh thần những người theo sau người lãnh đạo ấy bị suy giảm.
(5) Nỗi sợ hãi đối diện: các nhà quản lý thường có nỗi sợ đối diện với những phản ứng tiêu cực, rắc rối tình cảm, mâu thuẫn leo thang hay đánh mất mối quan hệ. Nhiều người lo lắng về việc kiện cáo, hoặc tìm cách nào đó để chỉ bộc lộ thái độ không vừa lòng của mình ở mức ít nhất.
Khi tránh né những cuộc đối thoại khó khăn, bạn chẳng làm được điều gì tốt cho ai cả. Mọi người bối rối về những thông điệp lẫn lộn của bạn. Họ không biết vì sao mình không được thăng tiến trong khi không ai trao đổi thẳng thắn với họ về những việc họ làm. Họ nghĩ bạn không để ý, còn người khác nhìn vào sẽ thấy bạn chẳng quan tâm.
(6) Thiếu tính cách riêng: Nhiều người có tài năng có thể khiến bản thân mình được mọi người chú ý đến. Việc thiếu vắng cá tính mạnh mẽ sau cùng cũng sẽ khiến tài năng bị lu mờ. Bởi vì, người ta không thể vượt qua được những giới hạn tính cách của chính mình. Để phát triển tính cách đó, trước hết bạn cần phải nhận được nó đã không hiện hữu trong cuộc sống của bạn và điều bạn cần làm là so sánh những gì bạn nói với những việc bạn làm. Nếu chúng không tương thích nhau điều đó chứng tỏ bạn bị thiếu tính cách.
(7) Đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh: thường viện lý do bào chữa cho một sai lầm của bản thân, xem thường người khác, luôn bảo thủ và không xem trọng ý kiến chỉ trích, phê bình của người khác. Đây là biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm với chính mình, là không dám nhìn thẳng vào sự thật. Hãy tự hỏi liệu cách ứng xử của mình có góp phần dẫn đến thất bại. Can đảm thừa nhận mình cũng có phần trách nhiệm. Hãy tự thay đổi bản thân chứ không phải yêu cầu người khác thay đổi.
(8) Không xem trọng các cam kết: không thực hiện hoặc thực hiện trễ nải, luôn trốn tránh để không phải thực hiện cam kết, dễ dãi đưa ra cam kết mà không hề có ý định thực hiện chúng. Khi mọi người không tin tưởng vào cam kết của bạn, họ sẽ mất lòng tin và xem thường mọi lời nói của bạn. Điều nguy hiểm là nhân viên sẽ học kiểu “hứa cuội” như bạn. Môi trường làm việc sẽ trở nên dễ dãi, chấp nhận trăm ngàn lý do cho những thất bại trong kinh doanh, từ đó hoạt động kém hiệu quả. Luôn nói rõ ràng điều bạn cam kết và điều bạn không thể hứa được. Nếu đã cam kết, bạn phải kiên quyết thực hiện đúng thời hạn.
(9) Suy nghĩ tiêu cực về người khác: những đánh giá tiêu cực về người khác, thể hiện sự thất vọng hay bất đồng ý kiến mà không nói thẳng thắng, luôn xem mọi người ở phe đối nghịch. Khi bạn có thái độ thù địch với người khác, bạn sẽ bị cho là không trung thực, lừa dối và không đáng tin cậy, thậm chí yếu kém. Người ta sẽ không còn tin tưởng bạn và luôn tự hỏi bạn đã nói xấu gì về họ. Hành vi này của bạn sẽ phá tan mọi mối quan hệ và bạn sẽ không còn có thể gây ảnh hưởng đối với người khác. Ngay lúc bạn nhận ra mình đang nuôi những ý nghĩ thù địch với người khác, thì hãy ngừng lại ngay. Sẵn sàng xin lỗi và đính chính với thái độ tích cực, thành tâm và nói chuyện thẳng thắn với người mà bạn đã có xích mích. Bởi vì, quy luật về sự thay thế nói rằng: “Tâm trí của bạn có thể chứa đựng một suy nghĩ trong một khoảng thời gian, tích cực hoặc tiêu cực. Bạn có thể thay thế một suy nghĩ tiêu cực bằng một suy nghĩ tích cực bất cứ khi nào bạn chọn”.
Tóm lại, những “điểm mù” trên có thể là chướng ngại vật cuối cùng trên con đường lãnh đạo của bạn. Nếu không nhanh chóng khắc phục, các “điểm mù” sẽ gây tác hại lớn cho doanh nghiệp cũng như việc kinh doanh của bạn.
9.2.1.3. Sự hiểu biết chính xác và trung thực
Tự nhận thức không phải là khám phá bí mật thầm kín hoặc những động cơ vô thức mà là phát triển một sự hiểu biết chính xác và trung thực về điểm mạnh của bản thân. Những người có khả năng tự nhận thức cao là những người đặc biệt hiểu rõ về những gì họ làm tốt, những gì thôi thúc và khiến họ thỏa mãn.
Một điều đáng ngạc nhiên về tự nhận thức là chỉ cần nghĩ về nó thôi đã đủ giúp bạn cải thiện kỹ năng, cho dù thoạt đầu bạn có khuynh hướng tập trung vào những gì bạn làm “sai”. Đạt được khả năng tự nhận thức có nghĩa là bạn không còn sợ “sai lầm” trong cảm xúc nữa.
Chúng ta có xu hướng chấp nhận những gì mình cảm thấy thoải mái và che đậy những thứ khiến ta cảm thấy bất an. Nhưng thật ra, một bức tranh toàn cảnh mới sẽ cho ta thấy càng hiểu rõ về mặt tốt đẹp và mặt hạn chế bao nhiêu thì chúng ta càng phát huy toàn bộ tiềm năng của mình tốt bấy nhiêu.
Để quản lý bản thân hiệu quả, bạn cần có kỹ năng tự nhận thức. Tự nhận thức cho phép bạn hiểu rõ người khác và cách thức người khác cảm nhận về bản thân bạn, từ đó giúp bạn nâng cao kỹ năng làm việc đồng đội. Một doanh nghiệp với những nhân viên và người quản lý có kỹ năng tự nhận thức tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn do họ vừa có khả năng làm việc độc lập, vừa có khả năng làm việc đồng đội tốt.
Ngoài ra, nhận thức đúng về điểm mạnh, điểm cần cải thiện của bản thân và của nhân viên sẽ giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp phát huy toàn diện năng lực của mình và nhân viên, đồng thời có kế hoạch đào tạo, phát triển phù hợp. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo kỹ năng tự nhận thức cho nhân viên bởi nó không chỉ giúp ích cho bản thân nhân viên mà còn tạo động lực để họ phát huy hết năng lực của mình, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
9.2.1.4. Hiểu rõ chính mình
Hiểu rõ bản thân không những giúp bạn kiểm soát cảm xúc tiêu cực mà còn giúp bạn nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để phát triển bản thân theo hướng tích cực. Thấu hiểu chính bản thân là cả một quá trình nỗ lực liên tục. Khả năng nhận thức và khả năng minh định hỗ trợ rất nhiều trong việc thấu hiểu bản thân.
Trong câu chuyện “Thầy bói xem voi”, vì không có khả năng quan sát và tiếp nhận thông tin đầy đủ mà những thầy bói mù này có nhận thức và kết luận hoàn toàn sai lệch so với thực tế. Thông thường chúng ta cũng vậy, khi không thấu hiểu bản thân và những vấn đề xung quanh rồi lại nóng vội lựa chọn nên thường dẫn những kết quả không mong đợi.
Số lượng và chất lượng của mô thức cũng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nhận thức. Giả sử khả năng quan sát và tiếp nhận thông tin rất tốt, những thông tin mà ta tiếp nhận đưa vào bộ não là chính xác, nhưng do chúng ta thiếu mô thức hay mô thức không chính xác thì nhận thức của chúng ta cũng sẽ lệch lạc dẫn đến chúng ta không thể thấu hiểu bản thân một cách trọn vẹn.
Để được thành công, hạnh phúc và giàu có thì việc đầu tiên và vô cùng quan trọng đó là phải thấu hiểu bản thân. Các bạn cần làm những việc sau đây để hiểu rõ bản thân và định hướng tương lai một cách phù hợp và hiệu quả.
Một là, tự đánh giá bản thân
Quá trình để thấu hiểu bản thân là quá trình tự vấn, tự đặt câu hỏi. Ta là ai? Ta sinh ra trên đời này để làm gì? Tính cách, thái độ ra sao? Niềm đam mê của ta là gì? Kỹ năng, kiến thức, điểm mạnh ở đâu, đã làm được gì và muốn cống hiến gì cho cuộc sống? Ý chí, lòng quyết tâm, dám đương đầu để vượt qua khó khăn, thử thách, có dám mạo hiểm và có sẵn sàng trả giá khi thất bại?… Bên cạnh đó cũng nên tự vấn những thói quen chưa tốt. Ta có thắng được bản thân mình không? Có kỷ luật bản thân và luôn thực hiện đúng với những gì đã tự hứa hay thường xuyên nhượng bộ, khi không vượt qua nổi sức ì rồi tìm lý do thoái thác? Sau mỗi lần thất bại có quyết tâm hơn hay buông xuôi miễn cưỡng? Bên cạnh thấu hiểu bản thân cũng nên thấu hiểu về các nguồn lực, tình hình tài chính, hoàn cảnh của những người thân, các mối quan hệ sẵn có để quyết định lựa chọn tương lai một cách phù hợp nhất.
Hai là, lắng nghe ý kiến người thân:
Bản chất con người là luôn tự đánh giá bản thân cao hơn những gì vốn có. Chính vì thế, lắng nghe ý kiến đóng góp, nhận xét của người thân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình thấu hiểu bản thân mình. Khi lắng nghe phải giữ cái tâm thật bình thản và sẵn sàng đón nhận thông tin một cách khách quan nhất. Không để những định kiến, những cố chấp, bảo thủ hay những yếu tố bên ngoài tác động vào những gì nhận xét, đánh giá của người thân và hiểu theo hướng lệch lạc. Dĩ nhiên phải phân tích phán xét dựa trên cơ sở khoa học chứ không tin một cách tuyệt đối. Có người khi nghe người khác khen thì cứ nghĩ rằng: “Ta đây là số một ”; nhưng khi bị chê thì lại bi quan nghĩ rằng: “Mình là đồ bỏ đi”. Trong quá trình thu thập thông tin để thấu hiểu bản thân thì những thông tin của người thân là để bổ sung thêm kiến thức, cơ sở dữ liệu để bạn ra quyết định chứ không phải là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn, định hướng cho tương lai.
Ba là, quan sát những người xung quanh có cùng đam mê sở thích
Để thấu hiểu bản thân thì không chỉ tập trung vào bản thân mà còn phải quan tâm đến những người có cùng đam mê sở thích. Đánh giá tài năng và những gì họ đã làm được. Xem xét họ đã đi đến đâu so với vạch xuất phát. Mục đích của việc xem xét, đánh giá những người xung quanh không phải để chạy đua với họ mà để thiết lập mục tiêu cho bản thân mình. Luôn luôn tìm kiếm con đường khác thông minh và hiệu quả hơn. Khi con đường này đã đóng thì lập tức con đường khác sẽ mở ra. Khi quan sát những người xung quanh và thường xuyên tự ngẫm để thấu hiểu bản thân mình, bạn sẽ thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn trên con đường mà bạn sẽ lựa chọn.
Bốn là, nâng cao khả năng quan sát và khả năng minh định
Khả năng quan sát quyết định rất nhiều trong vấn đề nhận thức và thấu hiểu bản thân. Có một câu chuyện khá hay về bài học khả năng quan sát:
“Vị giáo sư nọ dẫn một đoàn bác sỹ chuẩn bị ra trường đến một trại phong và yêu cầu, bất kỳ ông làm điều gì họ phải quan sát và làm theo nếu không sẽ bị rớt môn kỹ năng quan sát. Trên đường đi các bác sỹ tự nhủ với bản thân: “Mình là bác sỹ nên kỹ năng quan sát là vô cùng quan trọng”. Chính vì thế, khi đi quan sát cơ sở vật chất và thiết bị của trại, tất cả các bác sỹ quan sát khá chi tiết và ghi chép hết sức cẩn thận.
Khi đến thăm một bệnh nhân khá nặng, toàn thân bị lở loét và có nhiều con giòi. Các bác sỹ rất cố gắng, nhưng cũng cảm thấy e ngại mặc dù vẻ mặt cũng tỏ ra bình thường. Bất ngờ vị giáo sư chấm vết mủ rồi mút. Các bác sỹ thật sự dao động mạnh, lo lắng không biết làm sao, điều này quá khủng khiếp, nhưng nếu không làm theo thì bị rớt. Chính vì thế, tất cả phải nhắm mắt làm theo, chấm rồi mút. Kết quả: là tất cả bị rớt vì khả năng quan sát không tốt. Thật ra vị giáo sư chấm ngón giữa nhưng mút ngón trỏ, các bác sỹ bị tác động bởi môi trường xung quanh “các vết mủ, lở loét, nhiều giòi,…”
Do ảnh hưởng tâm lý nên các bác sỹ đã không quan sát đầy đủ. Chúng ta cũng vậy quan sát điều gì cũng đừng để định kiến, cố chấp và các yếu tố bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến bản chất của nó.
Để thấu hiểu bản thân một cách trọn vẹn, nên thường xuyên chất vấn bản thân tại sao, tại sao và tại sao? Khi chúng ta lựa chọn hay quyết định một vấn đề nào đó. Tất cả đều dựa vào bản chất, dựa vào nguyên tắc chứ không dựa vào cảm tính hay các yếu tố tác động từ bên ngoài. Luôn giữ một cái tâm trong sáng và cái đầu minh định. Luôn phân biệt được đúng sai, phải trái, tốt x
[ad_2]
Source link