[ad_1]
Một trong những nghiên cứu gần đây nhất khảo sát về thời lượng dành cho lắng nghe đã phát hiện ra rằng con người dành gần 12 giờ cho mỗi ngày hoạt động liên quan đến lắng nghe, như trò chuyện với bạn bè, dự giờ học, tham gia các cuộc họp công việc, hoặc nghe nhạc Ipod (Janusik & Wolvin,2009). Nói cách khác, bạn có lẽ dành đến nửa ngày để lắng nghe.
Trên thực tế, các cuộc nghiên cứu chứng minh rằng người ta lắng nghe nội dung chỉ được 25% hoặc ít hơn, hầu hết mọi người thích nói hơn là nghe. Chúng ta chưa học được cách lắng nghe có hiệu quả vì thế khi một ai đó hỏi chúng ta về những điều vừa nghe thì họ sẽ nhận được những câu trả lời lộn xộn, không đúng với nội dung câu hỏi. Hoặc trong khi giao tiếp, nếu chúng ta cứ “thao thao bât tuyệt” sẽ gây sự nhàm chán với người đối diện. Lắng nghe một cách hiệu quả là cách tốt nhất để cải thiện khả năng giao tiếp của mình và thăng tiến.
Mục đích của việc lắng nghe là nắm bắt được nội dung vấn đề, thu thập được nhiều thông tin, đánh giá nội dung thông tin và tương tác qua lại trong quá trình diễn đạt. Song song đó, lắng nghe sẽ tạo sự liên kết giữa người với người đó là sự liên kết về xúc cảm. Lúc này sự lắng nghe lại có thêm những mục đích mới tích cực về cảm xúc hơn như: tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, chia sẻ sự cảm thông với người khác và khám phá ra những tính cách mới mẻ của một người đã quen.
Ngoài ra, lắng nghe là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột, mâu thuẫn; bằng sự chú tâm và chân thành khi lắng nghe bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng và họ cũng sẽ cởi mở với bạn hơn rồi sau đó những nút thắt của vấn đề sẽ được tháo gỡ một cách nhanh chóng. Những người biết lắng nghe là những người biết tiếp nhận những thông tin mới, những ý kiến mới, vì thế họ sống sáng suốt và thấu hiểu mọi việc xung quanh, thành quả mà họ thu được sẽ là lòng tin của mọi người, khả năng cập nhật hóa thông tin và khả năng giải quyết được vấn đề.
Chính vì vậy, lắng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong công việc. Lắng nghe giúp ta học hỏi kinh nghiệm, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, tính cách, sở thích, thói quen của đồng nghiệp, khách hàng, đối tác và những người xung quanh. Từ đó tạo sự gắn kết, hợp tác và tăng hiệu quả công việc. Bởi lẽ lắng nghe là một hoạt động rất gần gũi nên con người xem hoạt động giao tiếp này là chuyện mặc nhiên, nhưng nó lại là yếu tố quyết định đối với tương tác hàng ngày trong hoạt động thực tiễn.
Lắng nghe trong dạy học
Quá trình dạy học cũng là giao tiếp – một cuộc giao tiếp đặc thù giữa thầy và trò. Bởi vậy, có thể nói, lắng nghe trong dạy học cũng là một kỹ năng rất cần thiết và mang tính đặc thù. Quá trình giao tiếp chỉ có thể được diễn ra và được duy trì khi có thông điệp. Bản thân sự xuất hiện và tồn tại thông điệp phải nhờ vào sự lắng nghe. Như vậy, lắng nghe chính là khâu mấu chốt của giao tiếp, không có lắng nghe thì không có giao tiếp.
Phương pháp dạy học hiện đại – lấy học trò làm trung tâm. Trong đó, sinh viên luôn được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Sinh viên chính là chủ thể đi thâm nhập, khám phá kiến thức và có trách nhiệm với việc học của chính mình. Để đạt được điều đó, trong dạy học, giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, cho sinh viên phương pháp để khám phá, sáng tạo kiến thức. Giảng viên sẽ nói ít hơn. Và như vậy, sự lắng nghe của sinh viên càng trở nên quan trọng.
Sự lắng nghe là một điều tất yếu trong dạy học. Nhưng không phải ai và không phải lúc nào sự lắng nghe ấy cũng đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đúng với tinh thần đổi mới giảng dạy. Có thể khái quát một số nguyên nhân sau đây:
Một là, chúng ta còn ảnh hưởng nhiều của quan niệm dạy học truyền thống: giảng viên là người truyền thụ kiến thức, học trò lắng nghe, ghi chép một cách thụ động mà không có sự tương tác hai chiều. Giảng viên chưa thực sự tạo điều kiện cho sinh viên nói lên những suy nghĩ của mình.
Hai là, giảng viên đã tạo điều kiện cho sinh viên bày tỏ ý kiến, quan điểm nhưng tầm nhận thức, tốc độ tư duy của giảng viên và sinh viên có những khoảng cách nhất định. Thông thường, giảng viên là người có trình độ, sự hiểu biết cao hơn, làm chủ kiến thức; tốc độ xử lý thông tin của bộ não cũng nhanh hơn tốc độ của lời nói. Do vậy, giảng viên sẽ thiếu sự chú ý, đến lời nói của sinh viên.
Ba là, do thiên kiến, sự ích kỷ hay vị kỷ. Trước một tình huống đặt ra, giảng viên chỉ coi trọng quan niệm hay ý kiến chủ quan của mình, lúc nào cũng chỉ nghĩ mình đúng và sẽ bác bỏ mọi ý kiến không giống mình. Điều này rất không tốt cho dạy học.
Bốn là, giảng viên nghe một cách có chọn lọc. Trong phần trả lời, thuyết trình,… của sinh viên, giảng viên chỉ nghe một hoặc vài từ/câu/ý mà mình cho là đúng. Điều này đồng nghĩa với việc giảng viên không lắng nghe sinh viên nói mà đang lắng nghe những gì giảng viên nghĩ đáng lẽ ra sinh viên cần phải nói. Để dạy học có hiệu quả, điều quan trọng không phải là chờ sinh viên nói gì mà giáo viên cần lắng nghe những điều sinh viên nói, để xác định được nhận thức của sinh viên đến đâu, để từ đó đưa ra phương pháp tác động nhằm nâng cao tầm nhận thức cho sinh viên. Khởi động đầu buổi học, bạn hãy tạo một bầu không khí thật bình đẳng, cởi mở, tạo cho sinh viên một tâm thế thoải mái để trong giao tiếp với giảng viên, sinh viên có thể tự tin trình bày những suy nghĩ của mình.
Sau đó, bạn hãy bộc lộ sự quan tâm của mình với sinh viên bằng: tư thế dấn thân (nghiêng về phía sinh viên), mắt nhìn một cách nhẹ nhàng (và có thể nhìn bao quát lớp xem sự theo dõi, thái độ của lớp đối với những ý kiến của sinh viên đang trình bày như thế nào),…
Khi chuẩn bị bài giảng giảng viên nên đoán trước (dự kiến) những điều sinh viên sẽ hỏi. Nhưng sau khi nghe sinh viên nói, giảng viên cần suy nghĩ thật kỹ để có nội dung phản hồi cho phù hợp.
Bạn nên kiên nhẫn và khách quan trong khi lắng nghe sinh viên, không nên nóng vội và ngắt lời sinh viên. Nếu thời lượng không đủ cho sinh viên tiếp tục trình bày, tranh luận thì nên khéo léo chốt lại vấn đề, hứa hẹn tạo cơ hội cho sinh viên thảo luận, trình bày trong một dịp khác (buổi học khác, qua mail, điện thoại, …).
Cuối cùng, bạn nên đạt tới cấp độ nghe thấu cảm, không chỉ là nghe một cách chăm chú mà giảng viên còn đặt mình vào vị trí của sinh viên để hiểu sinh viên (sinh viên có suy nghĩ gì về vấn đề này, sinh viên có ý kiến gì, sinh viên có mong muốn gì, có nhu cầu gì cả về tâm tư nguyện vọng, cả về kiến thức,…).
Lắng nghe trong giảng dạy không chỉ là sự lắng nghe những ý kiến phát biểu trực tiếp từ sinh viên. Sự lắng nghe còn mang nghĩa rộng, là sự tạo điều kiện và sự xử lý tốt tất cả những thông tin mà giảng viên tiếp nhận được khi sinh viên thể hiện suy nghĩ, hoạt động,… của mình. Sự lắng nghe sinh viên sẽ là một phương pháp cơ bản, hữu hiệu để giảng viên đánh giá đúng năng lực hiện có của sinh viên và tìm đúng cách tác động nhằm nâng cao năng lực đó. Giảng viên sẽ làm tốt điều đó nhờ vào niềm tin, sự tôn trọng, tinh thần dân chủ và tâm huyết với học trò. Lắng nghe cũng là thành tố trọng yếu mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên và cần có sự lắng nghe tích cực của các bên khi tham gia giao tiếp.
Lắng nghe và sự nghiệp
Mỗi người trong chúng ta khi sinh ra và trưởng thành đều có những suy nghĩ của riêng mình nên đừng dành quá nhiều thời gian để lo lắng đến bạn bè cùng trang lứa đang làm gì trong trường trung học. Cũng đừng để những ý kiến, giấc mơ, hoài bão của người khác làm ảnh hưởng đến quyết định của mình.
Điều quan trọng là cần nhận ra bạn là ai và những gì bạn muốn làm trên chặng đường sự nghiệp.
Mỗi người đều chọn cho mình một kế hoạch để phát triển nghề nghiệp tương lai.Tuy nhiên, đừng dùng nó như một cái cớ làm trễ nải công việc học tập, nghiên cứu vì cho rằng bạn vẫn còn nhiều thời gian.
Cuộc sống luôn thay đổi, đừng để bản thân bị ép buộc vào bất kỳ trường đại học hay nghề nghiệp mà mình cảm thấy không phù hợp.
Đừng quá thiển cận theo số đông luôn đúng mà đánh mất cơ hội tuyệt vời khác. Bên cạnh đó, cũng không nên quá cứng nhắc với lựa chọn mà bạn đã quyết trước đó bởi nếu không phù hợp với khả năng của bản thân, hãy cứ thay đổi.
Đừng để ai điều khiển giấc mơ và mong muốn của chính bạn
Khi bạn bị ép buộc phải làm một việc mà bạn không yêu thích thì có thể bạn sẽ làm qua loa mà không chuyên tâm tuyệt đối. Nhớ rằng, quyết tâm đi theo niềm đam mê của bản thân là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Một vài người sẽ cảm thấy bị áp lực khi phải chọn nghề nghiệp hay trường đại học nào đó chỉ để làm hài lòng người khác.
Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để tổ chức và lên kế hoạch cho tương lai nghề nghiệp
Hãy lập kế hoạch hành động bằng cách điền chi tiết nội dung cần phải làm vào những khoảng trống trong bảng kế hoạch đang thực hiện của mình ví dụ nếu bạn có ý định chọn khối khoa học tự nhiên, hãy chăm chỉ luyện tập nhiều hơn môn toán, lý, hóa, sinh… để bồi đắp cho giấc mơ của mình.
Không quá trễ hay cũng không quá sớm để đánh dấu các mục tiêu mà mình cần đạt trên con đường đi đến thành công, bạn chỉ lạc lối nếu không xác định rõ phương hướng phải đi như thế nào mà thôi.
Đừng bao giờ bỏ bê việc học, việc đọc, phát triển và mở rộng tâm trí của bạn
Đừng từ chối các cơ hội được học hỏi, trao dồi thêm kiến thức bổ ích cho bản thân và thú vị hơn chính là được trải nghiệm những điều mới mẻ. Bạn đọc càng nhiều, bạn càng biết nhiều bởi kiến thức là nguồn sức mạnh vô tận để bạn chinh phục đỉnh vinh quang. Bạn có biết bộ não con người là một cỗ máy kỳ diệu, cũng giống như lưỡi gươm, nếu được mài dũa đúng cách, thường xuyên thì nó sẽ luôn sắt bén, hữu dụng cho bất kỳ trường hợp nào.
Cuộc sống muôn màu nên hãy chắt lọc những điều tuyệt vời nhất để học, để nghe, để thấu hiểu
Năm học cuối cấp là khoảng thời gian chuyển đổi quan trọng đánh dấu một bước đi vào độ tuổi trưởng thành đủ để có những quyết định lớn cho công việc, nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh sự tuyệt vời thì đây cũng là khoảng thời gian thử thách, nhưng hãy luôn vui vẻ, lạc quan đón nhận mọi thứ theo chiều hướng tốt nhất có thể để tận dụng tất cả tiềm năng vốn có của bạn.
Hầu hết thành công và thành tựu xét theo quan điểm về sự nghiệp cá nhân và tổ chức đều liên quan mật thiết đến việc lắng nghe. Kỹ năng lắng nghe hiệu quả cũng quyết định thành công và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy cứ làm việc chăm chỉ và học hỏi hết mức có thể. Những điều tốt đẹp sẽ nhanh chóng gõ cửa bạn.
Hãy lắng nghe cơ thể
Hãy lắng nghe cơ thể mình lên tiếng đó là thông điệp khi tinh thần bạn căng thẳng, đau mỏi cơ bắp… Chắc hẳn bạn không thể nào tập trung cho công việc, học tập hay làm giảm hiệu quả trong mọi hoạt đông. Bởi vậy, người xưa nói: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại” (cái có ở bên trong ắt biểu hiện ra bên ngoài). Điều này có ý nghĩa trong dự báo bệnh tật để chủ động phòng ngừa và điều trị. Do vậy, bạn nên biết lắng nghe cơ thể bạn – Hiểu rõ về sức khỏe bản thân, các dấu hiệu về bệnh, cách điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.
Vì sao nên lắng nghe?
Cơ thể con người là một sự tổng hòa, hợp nhất của các yếu tố vật chất và tinh thần. Theo đó, mọi trạng thái của cảm xúc đều có thể kèm theo đó là phản ứng tương đương của cơ thể. Thực tế đã chứng minh, nhiều loại bệnh là kết quả hoặc hậu quả trực tiếp của một sự tích tụ, dồn nén cảm xúc trong một thời gian dài.
Chính vì thế, việc lắng nghe cơ thể, cảm nhận những biến đổi trong chính cơ thể mình có thể giúp bạn thực sự hiểu những gì đang xảy ra trong cơ thể mình. Từ đó có cách hóa giải trạng thái cảm xúc bản thân trở về cân bằng, giúp bạn tránh được các loại bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia, bạn cần phải học cách lắng nghe tiếng nói của cơ thể vì trong đó chứa tất cả những câu trả lời cho các mối quan tâm của bạn về nỗi buồn, sự đau đớn hay những khó chịu mà chúng ta vẫn bị ảnh hưởng mỗi ngày. Đừng kìm nén cảm xúc của bạn, hãy lắng nghe nội tâm của mình và cảm nhận. Chẳng hạn, trạng thái khỏe mạnh hay đau ốm có liên quan nhiều đến việc ăn uống là điều hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, bộ máy tiêu hóa không chỉ đơn giản là một phương tiện thẩm lọc những gì ta đưa vào bụng. Ngay cả khi y học đã có rất nhiều tiến bộ, bộ máy tiêu hóa vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Chúng được ví như một “bộ não thứ hai”, với số lượng tế bào thần kinh tương đương với hệ tủy sống và có những hoạt động gần như độc lập so với não bộ.
Nên bắt đầu lắng nghe cơ thể từ đâu?
Nếu như bạn mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi; nếu muốn khóc, bạn hãy cứ khóc to lên; nếu như hai chân bạn bị tê cóng, bạn cần phải đứng dậy đi bộ để cơ bắp có thể kéo giãn ra… Hãy quan sát các phản ứng của bạn, từ hơi thở cho đến trái tim và lắng nghe xem nội tâm của bạn đang nói gì.
Chúng ta cần phải tin tưởng chính cơ thể của mình và nên biết rằng, bản thân chúng ta đang làm chủ một ‘bộ máy’ cực kỳ thông minh. Những mối liên kết giữa cơ thể và các trạng thái cảm xúc có thể gửi đến cho ta những dự báo hữu ích về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Hãy nhắm mắt lại và dành một chút thời gian để suy nghĩ lại những gì đã xảy ra trong cơ thể mình, bạn sẽ có được câu trả lời cho những điều bản thân đang băn khoăn hoặc lo lắng. Và cuối cùng, hãy dành cho mình những khoảng thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và ‘thiết lập lại’ một hệ thống thật hoàn hảo, đảm bảo cân bằng tâm trạng và sức khỏe.
Cảm xúc có thể tác động đến cơ thể như thế nào?
Cơ thể chúng ta vẫn hoạt động bình thường dù mỗi ngày không ngừng đối mặt với nhiều mức độ căng thẳng khác nhau. Khả năng đối phó với căng thẳng bẩm sinh phụ thuộc vào một loạt hợp chất trong cơ thể có tác dụng hỗ trợ chúng ta xử lý những yếu tố gây áp lực trong cuộc sống. Chẳng hạn như Adrenalin giúp ta đương đầu với những áp lực gặp phải.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta rơi vào tình huống mà ta không thể sử dụng những hợp chất tự nhiên này một cách cân bằng và hiệu quả – ví dụ chúng ta không thể nhanh chóng giải quyết những yếu tố gây áp lực đó. Và đương nhiên khi đó, cơ thể bạn sẽ thể hiện bằng các triệu chứng như: đau đầu, đổ mồ hôi, đau lưng, mệt mỏi, chán ăn, tim đập nhanh…
Khi chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, hệ thống thần kinh giao cảm trở nên quá tải. Đó là hệ thống điều khiển những chức năng cơ bản của cơ thể như nhịp tim, độ co dãn đồng tử, phản xạ đỏ mặt hay cả nhiệt độ cơ thể. Khi bị kích thích quá mức, hệ thống này làm tăng nhiệt độ cơ thể và từ đó kích thích tuyến mồ hôi khiến tay bạn bị đổ mồ hôi.
Ngoài ra, các cảm xúc như nỗi buồn, nỗi đau được xem là bạn đồng hành với chúng ta. Chúng được xem là những bậc thầy vĩ đại mà tự nhiên đã ban cho chúng ta để giúp ta có thêm động lực bước tiếp tốt hơn, sau mỗi trải nghiệm với nó. Hành vi khóc là một cách để kênh giải phóng năng lượng của chúng ta và giúp chúng ta hiểu về cơ thể. Vì thế, không cần phải kìm nén cảm xúc đó. Nước mắt của niềm vui và nước mắt của nỗi buồn có những thành phần khác nhau và chúng được tạo ra bởi các kích thích tố khác nhau, theo các mục đích khác nhau.
Khi có thể biểu hiện những trạng thái cảm xúc ra ngoài, cơ thể và tâm hồn của chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái. Đó cũng là cách giúp bạn điều tiết lại tình trạng của bản thân, bảo vệ bạn khỏi những nguy hại đến sức khỏe.
Theo nhiều nghiên cứu đã được thực hiện: “Sự mất tương đồng giữa hoạt động sinh lý và nhịp điệu môi trường bên ngoài không chỉ làm giảm chất lượng của những hoạt động sống mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ. Sau đây là 3 cách để lắng nghe chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể:
Một là chế độ ăn: Bữa ăn gần giờ đi ngủ làm kéo dài thêm thời gian hoạt động ban ngày của đồng hồ sinh học, bữa ăn như vậy sẽ thúc giục cơ thể tiếp tục hoạt động và báo động cơ thể rằng, hiện tại vẫn là ban ngày. Carbonhydrat, đường, và protein sẽ khiến mức đường huyết đạt đỉnh, kích thích tụy bắt đầu sản xuất insulin và năng lượng. Điều này cũng là lý do tại sao bữa sáng lại quan trọng đối với chúng ta – bữa sáng giúp cơ thể giải phóng năng lượng cần thiết để bắt đầu ngày mới. Do vậy, bữa ăn sát giờ đi ngủ sẽ làm lượng insulin tăng lên nhiều khiến cơ thể nghĩ rằng cần giải phóng năng lượng, đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ khó có thể được thư giãn để đi vào giấc ngủ.
Hai là tập luyện: Những nghiên cứu chỉ ra rằng những bài tập luyện thể dục trong ngày có thể giúp chúng ta hòa hợp hơn với chiếc đồng hồ sinh học của mình, tập luyện thể dục giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Việc tập luyện thể dục còn giúp làm hạn chế sự chuyển động của mắt trong giấc ngủ. Sự chuyển động của mắt trong giấc ngủ được cho là do hoạt động và năng lượng của não, một giấc ngủ sâu là khi cơ thể được thư giãn hoàn toàn, và đó cũng là thời gian tái tạo lại cơ thể. Do vậy, một giấc ngủ sâu với sự thư giãn tối đa của não bộ là thực sự cần thiết cho một buổi tối nghỉ ngơi hiệu quả.
Ba là thiết bị công nghệ: Đồng hồ sinh lý trong cơ thể chúng ta cũng được điều hòa do ánh sáng ban ngày và ban đêm, ở những mức độ khác nhau. Sự điều hòa đó thông qua hoạt động của hóc-môn melatonin, mách bảo cơ thể cần nghỉ ngơi khi trời tối và thúc đẩy cơ thể hoạt động vào ban ngày. Khi môi trường xung quanh chúng ta tràn đầy ánh sáng, nồng độ melatonin trong cơ thể sẽ được điều chỉnh xuống mức thấp và sẽ tăng cao khi trời tối. Do vậy, việc sử dụng các thiết bị công nghệ vào giờ đi ngủ – như điện thoại di động, máy tính bảng hay sách điện tử – bất kỳ thiết bị nào phát ra ánh sáng – sẽ làm giảm lượng melatonin và khiến cơ thể nghĩ là đang trong thời gian ban ngày. Một cách tự nhiên, cơ thể có xu hướng hoạt động nhiều hơn, điều đó làm ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh học bên trong chúng ta.
Tóm lại, biết được quy luật của đồng hồ sinh học của con người giúp cho chúng ta làm việc, luyện tập, ăn uống, nghỉ ngơi… mang tính hiệu quả hơn, giúp cho con người sống tốt hơn.
Lắng nghe trong mối quan hệ
Lắng nghe đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ. Lắng nghe theo quan hệ bao gồm việc nhận diện, thấu hiểu, và xử lý sự kết hợp giữa mối quan hệ và giao tiếp. Khi dấn thân vào lắng nghe theo quan hệ, bạn phải xử lý hai điểm quan trọng của giao tiếp và các mối quan hệ: Giao tiếp tác động như thế nào đến các mối quan hệ và mối quan hệ tác động như thế nào với giao tiếp.
Trong xã hội, chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tốt vì rất nhiều lí do, đặc biệt là ở nơi làm việc. Xã hội cũng giống như một mạng lưới các mối quan hệ, nó đòi hỏi tất cả mọi người phối hợp làm việc với nhau để tạo ra kết quả tốt nhất. Những gì làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn chính là các mối quan hệ tích cực, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Tất cả mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung, điều này đòi hỏi phải có mối quan hệ tốt dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau. Nếu như bạn hiểu rõ mọi người muốn gì và tại sao họ lại muốn như vậy thì thường bạn sẽ tìm ra được cách để hai bên đều tiến triển cùng nhau. Cách tốt nhất để hiểu đó là lắng nghe và quan sát mà không cần đưa ra những phán xét vội vã. Trong một mối quan hệ tốt đẹp, các bên biết lắng nghe để hiểu rõ quan điểm và cảm xúc của nhau. Cách đơn giản nhất để biết điều gì là quan trọng với một người hay nhóm người là hỏi và sau đó lắng nghe câu trả lời của họ. Nếu bạn hiểu rõ người khác bạn sẽ biết cách làm gì để mọi người có thể thân thiện và làm việc với nhau hiệu quả hơn. Không chỉ có vậy các bên còn thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình. Con người rất phức tạp và phản ứng trước những sự việc hoàn toàn khác nhau do đó họ vẫn có thể ngạc nhiên về người kia ngay cả khi đã từng chung sống với nhau rất lâu.
Chúng ta cần nói những gì chúng ta cần và bày tỏ cảm xúc của mình hơn là chờ đợi người khác nhận ra chúng ta muốn gì rồi sau đó đợi họ mang đến cho chúng ta. Để cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp chúng ta nên tôn trọng bản thân cũng như người khác. Lòng tôn trọng là cốt lõi của mọi mối quan hệ tốt, nó được thể hiện bằng cách lắng nghe và tìm hiểu xem người khác đánh giá sự việc như thế nào. Việc phán xét dựa trên thành kiến là cách hoàn toàn đối lập với lòng kính trọng. Bạn có thể thể hiện sự tôn trọng người khác bằng cách thừa nhận rằng họ đã làm những gì tốt nhất có thể. Tôn trọng là nền tảng cho một mối quan hệ vững chắc do đó bạn nên tôn trọng bản thân mình cũng như những người khác. Nếu như bạn cảm thấy hài lòng với bản thân thì việc nhìn thấy những điểm tốt của người khác và tôn trọng họ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Một điều quan trọng khác để thiết lập mối quan hệ tốt đó là đương đầu trực tiếp với những điểm khác nhau giữa mọi người bởi vì chúng rất thú vị. Trong cuộc đối thoại mà mọi người đều lắng nghe nhau thì bạn sẽ phát hiện ra một sự thật mới giúp hòa nhập hai ý tưởng tranh cãi. Hãy cùng tìm ra giải pháp khiến cả hai bên đều cảm thấy mình chiến thắng. Nếu như cả hai phía đều cảm thấy đã thu được gì đó từ việc giải quyết những khác biệt, họ sẽ sẵn sàng hơn để tiếp tục hợp tác trong tương lai. Điều này sẽ xây dựng một mối quan hệ thoải mái và hài lòng.
Trong cuộc sống, lắng nghe giúp xây dựng và phát triển quan hệ. Trong giao tiếp, ai cũng thích được người khác lắng nghe, đặc biệt là phụ nữ – thường sống tình cảm và thích giãi bày. Phụ nữ thường cố chiều lòng những người khác mà không lắng nghe chính mình. Làm gì có ai sinh ra đã hợp nhau. Chẳng qua vì yêu nhau mà họ lắng nghe để thấu hiểu: học một cách hiểu người để người hiểu mình, học một chút nhường nhịn, học một chút nhẫn nại, thêm một chút hy sinh vì nhau, nên tình yêu của đôi lứa bền vững thế thôi! Nếu biết lắng nghe, cuộc nói chuyện sẽ trở nên thoải mái, say sưa. Như vậy, lắng nghe giúp hiểu nhau, thân thiết, gắn bó và tin tưởng hơn.
“Thành công của Apple không phải “show” diễn của một người. Với tôi, có hai yếu tố quan trọng nhất làm nên Apple ngày hôm nay. Một là những con người tài năng, những con người luôn sẵn sàng lắng nghe cả thế giới, và vực dậy những con người mất niềm tin vào cuộc sống. Thứ hai chính là những con người đã mất niềm tin đó, nhưng họ không phải là những người thất bại, họ chỉ chưa tìm được một đội ngũ hướng dẫn tốt và chưa có được kế hoạch rõ ràng. Tất cả những thứ đó, họ sẽ tìm thấy ở đây (Apple)”.
Lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn. Khi không tức giận, ai cũng tỉnh táo để nhìn nhận sự việc và sáng suốt đưa ra giải pháp. Nhưng khi xung đột xảy ra thì chúng ta thường rơi vào tình trạng “cả giận mất khôn”. Vì vậy, nếu ta là người trung gian hòa giải thì hãy tách họ ra và lắng nghe họ. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi họ nói hết ra và bình tĩnh trở lại.
Theo thống kê của các nhà xã hội học, trung bình một ngày ta dành 53% thời gian để lắng nghe nhưng hiệu suất chúng ta thu được chỉ có 25% – 30%. Vậy điều gì làm ta nghe không hiệu quả?
Giao tiếp tốt đòi hỏi cả 2 kỹ năng: nói và lắng nghe. Lắng nghe và biết cách lắng nghe sẽ giúp bạn có thêm lợi thế và giành thêm thiện cảm của đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng…Hơn nữa, biết lắng nghe – điều này có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được vì vậy mỗi người trong chúng ta phải rèn luyện cho mình cách lắng nghe người khác, lắng nghe người khác cũng là một cách để nâng cao giá trị của mình. Người ta thường nói “ Nói là bạc, im lặng là vàng”, theo tôi nên đổi lại thành “ Nói là bạc, lắng nghe là vàng” thì hay hơn!
TRÍCH TRONG KỸ NĂNG GIAO TIẾP KINH DOANH
Kỹ năng giao tiếp cơ bản
TS. NGUYỄN VĂN HÙNG (Chủ biên)
Địa chỉ: 20-22 Đường 270A P. Phước Long A, Q9, TP. HCM
Điện thoại: 0913.867.878 – 0938.514.478 – 0932.052.178
[ad_2]
Source link