MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ LỨA TUỔI MẦM NON

[ad_1]

Trẻ em là một cơ thể đang lớn và phát triển. Quá trình lớn và phát triển của trẻ em cũng tuân theo quy luật chung của sự tiến hoá sinh vật; đi từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình tiến hoá này không phải là một quá trình tuần tiến mà có những bước nhảy vọt; có sự khác về chất chứ không đơn thuần về số lượng. Vì vậy khi nói đến trẻ em, không thể nói chung, mà mỗi lứa tuổi có những đặc điểm sinh học riêng, chi phối đến sự phát triển bình thường cũng như quá trình bệnh lí của trẻ.

1. Quan điểm về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em

Sự lớn khôn của đứa trẻ được diễn ra thông qua hai quá trình: tăng trưởng và phát triển:

Tăng trưởng là quá trình trong đó các bộ phận của cơ thể có sự thay đổi về số đo (kích thước, khối lượng).

Phát triển là quá trình trong đó có sự hình thành, hoàn thiện, phức tạp hoá các chức năng của con người và sự phát triển mang tính tổng thể.

Hai quá trình trên khác biệt, phụ thuộc vào nhau và diễn ra suốt quá trình trẻ phản ứng và thích ứng với những yếu tố bẩm sinh và điều kiện môi trường sống

Mọi trẻ đều tuân theo những giai đoạn tăng trưởng phát triển nhất định về cơ thể (xương, răng, chiều cao, cân nặng, năng lực vận động, lẫy, bò, đi, chạy…) và về tâm lí – xã hội (phát triển ngôn ngữ, tư duy, tình cảm, quan hệ bạn bè…)

Trong quá trình tăng trưởng phát triển của trẻ, cơ thể đạt đến một độ chín nhất định thì một năng lực, một chức năng tương ứng mới có cơ sở để hình thành.

Như vậy, phải đến một độ tuổi nào đó, trẻ mới có thể học nói, học vẽ. Và chỉ khi đó, việc luyện tập và giáo dục mới phát huy được vai trò chủ đạo của mình.

Việc tập luyện và giáo dục quá sớm hoặc quá muộn đều gây ra những hậu quả có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Tuy tất cả các trẻ đều tuân theo cùng một sơ đồ tăng trưởng phát triển, nhưng mỗi trẻ lại tăng trưởng và phát triển một cách riêng biệt, tuỳ thuộc vào nhân tố di truyền, bẩm sinh, vào hoàn cảnh sống giáo dục của gia đình và cộng đồng. Mỗi trẻ là một cá thể đơn nhất, không trẻ nào giống trẻ nào.

Sự tăng trưởng phát triển của trẻ được coi là “bình thường” khi đáp ứng yêu cầu sau:

  1. Phải xoay quanh một giá trị trung bình nằm trong một phạm vi có giới hạn nào đó thuộc số đông của nhóm đối chiếu.
  2. Có nhịp độ, tốc độ và tiến triển cũng xoay quanh một giá trị trung bình.
  3. Tăng trưởng và phát triển phải không mất cân đối (tâm lí và vận động phải  hài hoà). Đây là yêu cầu hàng đầu về sự tăng trưởng phát triển lành mạnh của trẻ.

Trong những nhu cầu để phát triển của trẻ, có hai loại nhu cầu cơ bản: nhu cầu được yêu mến, được an toàn, chấp nhận trong gia đình và cộng đồng; nhu cầu được chơi, tìm hiểu môi trường xung quanh và nhu cầu tự bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, thái độ

Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ diễn ra với một tốc độ rất nhanh, chưa từng có so với bất kì lứa tuổi nào tiếp theo sau đó. Trẻ càng nhỏ gia tốc của sự tăng trưởng và phát triển lại càng lớn.

2. Đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ em lứa tuổi nhà trẻ

Như đã trình bày ở trên lứa tuổi mầm non, đặc biệt ở độ tuổi nhà trẻ là giai đoạn phát triển với tốc độ cực kì nhanh chóng về sinh lí và tâm lí.

Trẻ càng nhỏ, gia tốc phát triển càng nhanh, mạnh, sau đó chậm dần lại. Dưới đây là một số đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ em lứa tuổi nhà trẻ:

2.1. Sự tăng trưởng và phát triển về thể chất

Đây là thời kì tăng trưởng và phát triển thể chất nhanh nhất trong cuộc đời, đặc biệt là trong năm đầu, ta có thể quan sát thấy từng ngày, từng tuần, từng tháng.

 Lúc mới sinh trọng lượng trung bình của trẻ từ 3,0 đến 3,5kg. Ba tháng đầu, trung bình mỗi tháng tăng từ 600 – 900g (một số trẻ có thể tăng từ 1000 đến 1200g);

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Description: Kết quả hình ảnh cho Lúc mới sinh trọng lượng trung bình của trẻ từ 3,0 đến 3,5kg

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chiều cao của trẻ tăng lên khá nhanh sau đó chậm lại: Lúc mới sinh chiều cao trung bình của trẻ chỉ vào khoảng 45 – 50cm, trong năm đầu mỗi tháng trung bình trẻ cao được từ 2 – 3cm/tháng, đến cuối năm đầu trẻ cao từ 75 – 80cm (gấp rưỡi so với sơ sinh).

Sang năm thứ hai, chiều cao của trẻ chỉ tăng khoảng 1cm/tháng. Sang năm thứ ba, chiều cao của trẻ chỉ tăng khoảng 0,5cm/ tháng.

Vòng đầu: lúc mới sinh chỉ vào khoảng 30–32cm, sau một tháng: 35–36cm. Sau đó chậm dần lại, đến tháng thứ 6 chỉ vào khoảng 42–43cm, tháng thứ 12 chỉ vào khoảng 45–46cm; cuối năm thứ hai chỉ vào khoảng 47–48cm; cuối năm thứ ba vào khoảng 48,5– 49,5cm.

2.2. Sự phát triển vận động

  1. Khả năng vận động của trẻ cũng được tiến triển rất nhanh ta có thể quan sát được từng tháng. Điều này đã được ông cha ta tổng kết: ba
  2. tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò bước đi
  3. Cuối tuổi nhà trẻ, các vận động trườn, bò, chạy, nhảy ngày càng trở nên hoàn thiện. Đang chạy, trẻ có thể quay sang trái, sang phải được; trẻ có thể leo trèo, xoay tròn người trên hai mũi chân, nhảy chụm chân, nhảy lò cò, lên xuống cầu thang được

Sự kết hợp vận động của tay và chân trở nên dễ dàng và nhịp nhàng hơn. Ví dụ: trẻ có thể vận động theo nhạc (chân bước, tay múa theo nhạc)…

Đôi tay càng trở nên linh hoạt: trẻ biết xoay tròn cổ khá thành thạo; tự mặc áo, đi giầy dép, cầm bút vẽ được… Trong cuộc sống trẻ hiếu động, đứng ngồi không yên: đào bới, tháo lắp, xếp dỡ…(bắt chước người khác là chính).

2.3. Sự phát triển đời sống tâm lí của trẻ

Tâm lí của trẻ trong 3 năm đầu cũng phát triển rất nhanh chóng. Dưới đây là một số dấu hiệu cơ bản:

Một  là sự phát triển nhận thức. Cùng với hệ thống phản xạ là sự xuất hiện cảm giác. Lúc đầu là những cảm giác bất phân. Ví dụ: chưa phân biệt được người này với người kia, vật này với vật khác.

  Trẻ nhận thức được thế giới xung quanh thông qua các giác quan: mắt nhìn phân biệt được hình thù, màu sắc; tai phân biệt được tiếng nói của người mẹ với người khác,… Cùng với sự xuất hiện cảm giác phân hoá là sự phát triển của trí nhớ: trẻ nhận ra được người lạ, người quen, nhận ra những đồ chơi quen thuộc và hoạt động có đối tượng được hình thành.

Tư duy trực quan hành động được hình thành và phát triển: Trong quá trình tiếp xúc với thế giới đồ vật, trẻ nhận ra được mối quan hệ giữa các đồ vật (hình dạng, kích thước…) qua thử và sai (bằng tay): xếp gỗ, lắp thử, đậy thử…;trẻ phân loại được đồ chơi (đồ vật) theo một dấu hiệu nào đó (màu sắc hoặc hình dạng…).

Hai là sự phát triển xúc cảm – tình cảm xã hội. Cuối tháng đầu tiên của cuộc đời, đứa trẻ đã mỉm cười với người lớn (phức cảm hớn hở). Thoạt đầu không có sự phân biệt lạ – quen: mỉm cười với tất cả những người nhìn nó âu yếm. Sau đó (6 – 7 tháng) trẻ bắt đầu phân biệt được người lạ – người quen (phân biệt được mẹ với người khác). Trẻ theo, chơi, chịu dỗ nín với những người quen.

Sang năm thứ hai và thứ ba, tình cảm của trẻ vẫn mang nặng màu sắc xúc cảm và gắn với những cảnh huống cụ thể, chưa ổn định (thoắt khóc, thoắt cười).

Ở tuổi này, trẻ vừa muốn lệ thuộc, kết giao với mọi người vừa muốn được độc lập: thích chơi với người lớn và trẻ em nhưng lại không muốn trẻ khác hay người lớn sử dụng đồ dùng, đồ chơi của mình (tâm lí cá nhân vị kỉ); thích một mình mò mẫm với đồ chơi.

Do vậy, trong cuộc sống hằng ngày, không nên tách trẻ ra khỏi mối quan hệ với người lớn và bạn bè, đồng thời cần phải phát huy tính độc lập của trẻ và giáo dục lòng hiếu thảo cho trẻ.

Như đã trình bày, tình cảm của trẻ còn mang nặng màu sắc xúc cảm. Do vậy trẻ thường bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn với vẻ bên ngoài của đồ vật. Ta có thể dễ dàng thay đổi sự chú ý, hứng thú của trẻ khi ta thay đổi đồ chơi, trò chơi hấp dẫn hơn.

Ba là sự phát triển ngôn ngữ. Sang tháng thứ 2 trẻ biết “hóng chuyện”, thích nhìn mặt người lớn khi nói chuyện. Chính điều này làm cho nhu cầu giao lưu ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh mẽ. Thoạt đầu là những hợp âm: “gừ, gừ” “âu, ơ” không thành tiếng khi giao tiếp với người lớn (phức cảm hớn hở).

Sau đó trẻ bắt chước người lớn phát âm vài từ dễ và quen thuộc: bà, ba,… Cuối năm đầu trẻ biết dùng ngôn ngữ nói kết hợp với cử chỉ để giao tiếp và yêu cầu người lớn giúp đỡ trẻ thoả mãn nhu cầu: đi chơi, ăn, uống…

Sang năm thứ 2, do tiếp xúc với thế giới đồ vật, nhu cầu giao tiếp phát triển làm cho vốn từ ngày một phong phú và khả năng phát âm của trẻ ngày càng tốt hơn. Trẻ không chỉ hiểu ngôn ngữ của người lớn (nghe, làm theo sự sai bảo…) mà còn nói được những câu đơn giản.

Thoạt đầu là câu một từ, dần  là câu 2, 3 từ kết hợp với cử chỉ, hành vi để bày tỏ nhu cầu, mong muốn của mình với người lớn. Người mẹ (hoặc người trực tiếp nuôi dạy trẻ) mới hiểu mong muốn của trẻ.

Năm thứ 3, sự phát triển ngôn ngữ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Cha ông ta đã tổng kết “Trẻ lên ba cả nhà học nói”. Đúng vậy, trẻ nói, hỏi luôn miệng.

 Để thoả mãn nhu cầu giao tiếp của trẻ, người lớn phải luôn luôn tìm câu trả lời sao cho trẻ hiểu được. Người lớn không nên lảng tránh những câu hỏi của trẻ và cũng không nên trả lời một cách tuỳ tiện cho qua chuyện.

Qua giao tiếp với người lớn, vốn từ của trẻ ngày càng tăng. Trẻ có khả năng diễn đạt bằng lời để người lớn hiểu được ý muốn của mình.

Câu nói của trẻ đơn giản, ngắn gọn song thường đúng ngữ pháp. Và mọi giao tiếp của trẻ đã tách dần ra khỏi những tình huống, tâm cảnh (nghĩa là trẻ có thể giao tiếp hoàn toàn bằng lời).

Như vậy, mỗi thời kì, sự tăng trưởng và phát triển về thể chất, tâm lí của trẻ có những đặc điểm đặc trưng.

Nhà giáo dục cần phải nắm đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ trong từng thời kì để xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức chăm sóc và giáo dục thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ em.

3. Đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo

Nói đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ là nói đến sự thay đổi, phát triển về thể chất  về phát triển vận động và tâm lí của trẻ.

Sự tăng trưởng và phát triển về thể chất

Sự tăng trưởng và phát triển vận động

Sự phát triển đời sống tâm lí của trẻ

3.1. Sự tăng trưởng và phát triển về thể chất

Sự phát triển thể chất diễn ra nhanh nhưng không đều:chiều cao diễn ra nhanh hơn trọng lượng, trẻ như gầy đi, mất vẻ tròn trĩnh đã có ở tuổi nhà trẻ. Lứa tuổi mẫu giáo trẻ  cứng cáp hơn, sức đề kháng tăng, trẻ ít bệnh tật hơn so với tuổi nhà trẻ. Tuy nhiên, sự phát triển cơ thể ở lứa tuổi này chưa ổn định, không vì sự phát triển mất cân đối giữa chiều cao và trọng lượng mà tăng chế độ dinh dưỡng quá mức.

3.2. Sự tăng trưởng và phát triển vận động

Tuổi mẫu giáo, khả năng vận động của trẻ ngày càng hoàn thiện hơn. Trẻ có thể trườn, bò, leo trèo một cách linh hoạt ở mọi địa hình với sự phối hợp chính xác giữa tay và chân.

 Trẻ đi, chạy, nhảy, ném, bắt, chuyền nhanh, chính xác, khéo léo với sự phối hợp của thị giác với vận động của tay, chân,…

Tuy nhiên khả năng làm việc của hệ thần kinh còn yếu, hệ xương của trẻ chưa hoàn toàn cốt hoá, hệ cơ còn yếu,… do vậy, việc tổ chức cho trẻ vận động mạnh, kéo dài dễ gây cho trẻ trạng thái mệt mỏi.

Việc thực hiện chế độ vận động hợp lí sẽ giúp quá trình phát triển cơ thể của trẻ tốt hơn.

3.3. Sự phát triển đời sống tâm lí của trẻ

Cùng với sự phát triển thể chất và khả năng vận động, đời sống tâm lí của trẻ mẫu giáo phát triển mạnh mẽ về chất so với lứa tuổi trước đó.

 Sự phát triển tâm lí của trẻ mẫu giáo được thể hiện rõ ở những khía cạnh sau đây:

Sự phát triển nhận thức:

Một là sự phát triển về hoạt động nhận cảm: Do các cơ quan phân tích phát triển và trở nên nhạy bén làm cho các chuẩn cảm giác (về màu sắc, hình dạng, kích thước, trọng lượng, âm thanh…) ngày càng trở nên chính xác, giúp trẻ định hướng không gian, thời gian tốt hơn; vốn biểu tượng về thế giới xung quanh ngày càng phong phú

Hai là sự phát triển nhận thức chính là sự phát triển tư duy, tưởng tượng. Nếu cuối tuổi nhà trẻ, đầu tuổi mẫu giáo tư duy trực quan hành động chiếm ưu thế thì sang tuổi mẫu giáo nhỡ, đặc biệt là mẫu giáo lớn tư duy trực quan hình tượng chiếm ưu thế.

Đến cuối tuổi mẫu giáo, tư duy lôgic ngày càng phát triển, trí tưởng tượng của trẻ ngày càng phong phú, trẻ tích cực sử dụng các kí hiệu tượng trưng (vật thay thế) để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn.

Sự phát triển đời sống tình cảm.

Đời sống tình cảm của trẻ có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và phong phú hơn lứa tuổi trước đó.

Trẻ thèm khát sự trìu mến yêu thương và cũng rất sợ thái độ thờ ơ lạnh nhạt của những người xung quanh đối với mình.

Đồng thời trẻ bộc lộ tình cảm của mình đối với những người xung quanh cũng rất mạnh mẽ: yêu quý, nhường nhịn, quan tâm đến em bé; gắn bó, thân thiện với bạn bè,…

Tình cảm của trẻ còn được thể hiện qua thái độ của trẻ đối với  vật nuôi, đồ dùng, đồ chơi và gắn chúng với những sắc thái tình cảm của con người.

Sự phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo có những bước phát triển vượt bậc về vốn từ, về ngữ pháp và ngôn ngữ mạch lạc. Vốn từ của trẻ ngày càng nhiều, phong phú về thể loại (danh từ, động từ, tính từ…).

Trẻ sử dụng khá thành thạo ngữ pháp tiếng mẹ đẻ.

Sự phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo có những bước phát triển vượt bậc về vốn từ, về ngữ pháp và ngôn ngữ mạch lạc. Vốn từ của trẻ ngày càng nhiều, phong phú về thể loại (danh từ, động từ, tính từ…). Trẻ sử dụng khá thành thạo ngữ pháp tiếng mẹ đẻ.

Tóm lại: Nhà giáo dục mầm non cần nắm vững được đặc điểm tăng trưởng và phát triển về thể chất, vận động và tâm lí của trẻ mẫu giáo để xây dựng nội dung, lựa chọn các phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ em mẫu giáo.

GIÁO DỤC HỌC MẦM NON


[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *