[ad_1]
I. LÝ LUẬN GIAO TIẾP BẰNG MẮT
Ánh mắt có thể truyền đạt được nhiều thứ, hơn là dùng ngôn ngữ, kể cả những điều khó nói. Ánh mắt có sức mạnh to lớn, qua ánh mắt người ta có thể nhận biết được tình cảm tư tưởng của đối phương. Các nhà nghiên cứu đã nhận biết được tình cảm của con người qua đôi mắt tiết lộ thông tin có thể chuyển tải lượng thông tin là 83% và có sức truyền cảm lớn nhất.
Đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Chỉ có nhìn qua “đôi mắt” mới có thể hiểu được điều đó. Tất cả tình cảm con người: thương yêu, giận hờn, oán ghét, khổ đau… đều dồn cả vào mắt. Đôi mắt tưởng chừng như lúc nào cũng lặng thinh, không nói gì cả, nhưng thật ra đã nói rất nhiều, những lời trần tình “không lời“. Trong giao tiếp ánh mắt còn đóng vai trò” đồng bộ hóa câu chuyện. Khi một người phụ nữ đang nói, hãy nghe điều nàng nói qua đôi mắt của nàng (Victor-Huygo). Tình yêu của các chàng trai không nằm ở trái tim mà nằm ở đôi mắt (Shakespear). “Ngôn ngữ của đôi mắt” giúp điều chỉnh buổi giao tiếp.
Đôi mắt đẹp của người phụ nữ được ví von: “Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Ngược lại là những đôi mắt xấu, mang tướng hạ tiện: “Những người ti hí mắt lươn/Trai thời trộm cắp gái buôn chồng người”; Đôi mắt của người phụ nữ không đoan chính được miêu tả: “Những người con mắt lá khoai/ Liếc chồng chồng chết liếc trai trai mù”. Đôi mắt của những kẻ gian ác, nham hiểm thì được dân gian miêu tả bằng các định danh như: mắt cú vọ, mắt diều hâu…
Người phụ nữ đẹp hiện lên trong bài ca dao với đôi mắt được xem như một trong những ấn tượng hàng đầu, làm xao xuyến trái tim bao chàng trai: “Cổ tay em trắng như ngà/Đôi mắt em sắc như là dao cau”. Đôi mắt ấy tiếp tục được miêu tả trong một câu ca dao khác: “Có rửa thì rửa chân tay/Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”. Đôi mắt cùng với hàng lông mày và làn mi được xem là một tổng thể vẻ đẹp, hiện lên trên khuôn mặt yêu kiều của người thiếu nữ. Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong đoạn tả Kiều cũng được bắt đầu từ vẻ đẹp của đôi mắt: “Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Đôi mắt của Kiều được ví như làn nước của mùa thu còn hàng lông mày được ví như dáng núi mùa xuân. Trong một câu thơ tả đôi mắt mà vừa có núi (không gian lên cao) vừa có nước (không gian xuống thấp) quả cũng là một điều hiếm có trong thi ca của người Việt, thể hiện tài năng của một nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy. Sau này, trong thơ Việt thời kỳ hiện đại, đôi mắt người phụ nữ tiếp tục được ví với những không gian của nước. Không gian ấy có lúc gợi về chiều rộng: Mắt em là một dòng sông/Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em (Lưu Trọng Lư). Không gian ấy lại có lúc gợi về chiều sâu: Thời gian qua kẽ tay/Làm khô những chiếc lá/Kỷ niệm trong tôi/Rơi/Như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/Riêng những câu thơ/Còn xanh/Riêng những bài hát/Còn xanh/Và đôi mắt em/Như hai giếng nước (Thời gian – Văn Cao). Không gian ấy có khi là một sức quyến rũ dạt dào mãnh liệt: Em đẹp thế Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy (Đôi mắt Pleiku – Nhạc và lời: Nguyễn Cường). Trong một góc nhìn khác, một cảm nhận khác, thi sĩ Ấn Độ Tagor lại ví đôi mắt của người yêu với ánh sao sáng trên trời: Ôi rất đẹp mắt em là người mẹ/Ánh sao đêm vời vợi giữa trời thu/Môi em cười là nụ đời hé nở/Không gian chìm trong những tiếng em ru.
Từ điển Thành ngữ Việt Nam (Viện Ngôn ngữ học, NXB Văn hóa, 1993) thống kê 33 đơn vị (từ Mắt cá da lươn đến Mắt trước mắt sau). Mắt thợ và Vợ quan. Mỗi một vế là một nhận định về 2 đối tượng khác nhau. Mắt các ông thợ thường rất tinh tường trước những hiện tượng thuộc ngành nghề của họ. Một bác phó mộc lâu năm, chỉ liếc qua là đã biết cây gỗ nọ tốt hay xấu, độ tuổi chừng bao nhiêu, thời gian “phơi” gỗ đã đủ để đem chế tác hay chưa… Nói tóm lại, người thợ lành nghề có một trực giác quan sát bằng mắt rất giỏi, cảm quan ban đầu của họ rất cần thiết và thường là không bị sai lệch nhiều. Còn vợ quan lại mang một hàm nghĩa khác. Ngày trước, phu nhân của các vị quan lại có vai trò rất lớn, quyền sinh quyền sát ra phết. Quan điều hành ở cửa công nhưng nhiều khi chính các bà vợ “ngồi mát” kia mới nắm quyền. Quan bà hơn quan ông, Lệnh ông không bằng cồng bà. Bà chính là tai mắt, là “quân sư hiến kế” cho ông. Dĩ nhiên ở đời, cũng không thiếu quan bà đảm đang, giỏi giang đã làm vẻ vang, làm mát mặt quan ông bằng cách hậu thuẫn đáng kể cho chồng trong việc lo toan, ứng xử mọi đường. Bà là chỗ dựa đáng tin cậy để ông hoàn thành trọng trách.
Đôi mắt biết nói là đôi mắt đẹp và thu hút từ ánh nhìn đầu tiên, đôi mắt không chỉ to tròn long lanh mà còn tươi sáng. Đôi mắt biết nói là đôi mắt luôn thể hiện được tình cảm với ánh nhìn thu hút và tràn đầy sức sống.
Điều gì làm nên đôi mắt biết nói của Lương Triều Vỹ. Quá trình tự trau dồi cùng trải nghiệm bản thân là những yếu tố khiến tài tử Hong Kong trở thành bậc thầy trong việc thể hiện biểu cảm qua ánh mắt. Bên cạnh tài năng bẩm sinh, phong cách diễn xuất của Lương Triều Vỹ hình thành từ sự tác động của cuộc sống và quá trình tự học hỏi.
Thường thì chúng ta sẽ liên kết chuyển động mắt của một người với động cơ bên trong của người đó, dù đó ánh mắt gian xảo hay ánh mắt ngây thơ, trong sáng. Đó là lý do khiến chúng ta hay nghe và dùng những câu như:
– Cô ấy nhìn anh ta chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống.
– Trong mắt cậu ấy lóe lên một tia hy vọng.
– Tôi tròn mắt kinh ngạc khi bước vào.
– Bạn sẽ “tròn xoe mắt” kinh ngạc khi bước vào những cửa hàng này!
– Ngày đầu về ra mắt, bạn trai đã khiến cả nhà tôi tròn mắt kinh ngạc.
Giao tiếp bằng mắt có một sức mạnh to lớn bởi nó thuộc về bản năng của con người. Thực tế cho thấy, đứa trẻ nào có khả năng thu hút và duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn. Khi giao tiếp bằng mắt đủ lâu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ bốn đến năm giây, người ta sẽ tạo được nhiều thiện cảm hơn ở đối tác.
Xao lãng là một trạng thái có ở bất kỳ ai trong mỗi chúng ta. Chẳng hạn, trong buổi gặp mặt vì công việc, đang nói chuyện với bạn, bỗng nhiên cô ấy không nhìn bạn nữa mà lại đảo mắt nhìn khắp phòng. Nếu rơi vào trường hợp này, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cô ấy làm ngơ bạn không?
Ánh mắt né tránh khi nói dối người ta thường tránh nhìn trực tiếp vào mắt đối phương. Ngược lại khi nói thật hoặc khi bị ai đó đổ oan họ nhìn thẳng vào mắt đối phương để chứng tỏ con người thực của mình.
Ánh mắt đảo liên tục đi liền với tính giả dối, lừa lọc một con người. Điều này gần như trở thành định kiến khó xóa bỏ. Hoặc khi một người nào đó ở thế phòng thủ, bất an, họ thường đảo mắt liên tục một cách vô thức như thể tìm kiếm một lối thoát.
Ánh mắt nhìn trừng trừng là cách nhìn thẳng, liên tục. Cách nhìn này gia tăng mức độ bằng mắt không gây thiện cảm. Đây là kiểu nhìn bất lịch sự, thậm chí có ý đe dọa.
Mắt mở to là dấu hiệu của sự đồng thuận và ngạc nhiên. Khi một ai đó thích thú, mắt họ mở to, lông mày hướng lên và miệng khẽ mở. Ngược lại, khi ai đó kinh sợ hoặc bực tức, mắt cũng có thể mở to với cái nhìn tóe lửa.
Nước mắt là một dung dịch được tiết ra từ bộ phận mắt trên cơ thể thông qua tuyến lệ; nước mắt là dung dịch dạng lỏng dùng để làm lau sạch những bụi bẩn bám ở con ngươi. Về mặt tâm lý, nước mắt của con người là những biểu hiện sinh động cho trạng thái tâm lý khi người ta khóc (do buồn, đau khổ, mất mát, sung sướng hoặc có thể vỡ òa trong đạt cực khoái cảm,…). Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của đau buồn. Nước mắt là dấu hiệu cho sự bất lực của tâm hồn trong việc kìm nén cảm xúc và duy trì mệnh lệnh với bản thân. Nước mắt còn nói lên nhiều điều hơn thế nữa.
Suy nghĩ bộc lộ qua đôi mắt
Khi người ta suy nghĩ – không phải nhìn ngắm sự vật chung quanh mà đi sâu vào tâm trí để ghi nhớ, suy xét một điều gì đó, hoặc đưa ra quyết định – đôi mắt họ thường chuyển động. Chuyển động của mắt có liên quan đến hệ thần kinh. Chúng cho biết người kia đang suy nghĩ như thế nào, bộ não xử lý những suy nghĩ này dưới dạng nào: hình ảnh, âm thanh, ngôn từ hay cảm xúc,… đôi mắt tiết lộ manh mối về quá trình đó.
Hầu hết những người thuận tay phải, khi ngồi nghĩ về những điều gì xảy ra, hoặc mô tả một điều gì đó, mắt họ thường ngước nhìn xa xăm về bên trái. Đối với người thuận tay trái thì ngược lại. Tuy nhiên, khi được yêu cầu sáng tạo một hình ảnh nào đó như “tưởng tượng một con trâu màu trắng”, đây sẽ là hướng mà mắt của họ chuyển động trong khi nghĩ về câu hỏi vì họ được “vẽ một cách trực quan” một con trâu màu trắng trong đầu, mắt người ấy sẽ ngước nhìn về bên phải. Khi phải nhớ điều gì bản thân đã từng nghe “nhớ lại giọng nói của mẹ”, họ thường nhìn về bên trái và nghiêng đầu đang cố lắng nghe. Khi nhớ lại một cảm giác nào đó “bạn có thể nhớ mùi của một cuộc lửa trại?”, họ sẽ nhìn xuống bên phải. Khi họ trầm ngâm suy nghĩ, họ cũng nhìn xuống nhưng về phía bên trái.
Ánh mắt giao tiếp xã hội, ánh mắt giao tiếp thân mật và ánh mắt giao tiếp trong kinh doanh.
Laura Benyik, một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể từ Phần Lan đã phân chia việc giao tiếp bằng mắt thành 3 kỹ năng ánh mắt giao tiếp khác nhau: ánh mắt trong giao tiếp xã hội, ánh mắt trong giao tiếp thân mật và ánh mắt trong giao tiếp kinh doanh.
(1)Ánh mắt trong giao tiếp xã hội
Chúng ta sử dụng kiểu ánh nhìn này mỗi khi chúng ta “vẽ” một tam giác tưởng tượng tạo bởi hai mắt và miệng của đối phương. Đây là một trong những kiểu giao tiếp bằng mắt thông thường và phổ biến nhất. Khi nhìn vào môi của người đối diện, bạn thể hiện rằng mình cảm thấy rất hứng thú khi trò chuyện với anh ta và mong muốn tìm hiểu những gì anh ta muốn nói.
Kiểu ánh nhìn này có thể cho thấy bạn có cảm tình với người nói hơn là quan tâm đến bản chất của cuộc trò chuyện. Hãy sử dụng nó khi bạn muốn kết bạn, gặp gỡ những người mới gặp hoặc khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình. Ánh nhìn trong giao tiếp xã hội dễ áp dụng hơn ánh nhìn trong giao tiếp kinh doanh – bạn có thể thực hiện nó mỗi ngày mà không cần phải suy nghĩ về nó.
(2) Ánh mắt trong giao tiếp thân mật
Ánh nhìn trong giao tiếp thân mật kéo tam giác tưởng tượng đã nêu ở trên dài ra, đi từ đôi mắt – miệng – cho tới toàn bộ cơ thể. Chúng ta thường sử dụng loại ánh nhìn này khi nhìn thấy những gì chúng ta thích (ví dụ khi chúng ta chiêm ngưỡng bộ trang phục của một ai đó) hoặc ngược lại, khi chúng ta không chấp nhận những gì chúng ta thấy. Điều này thường xảy ra khi một người phụ nữ nhìn một người phụ nữ khác và đánh giá cô ta một cách bản năng. Bạn có thể dễ dàng nhận ra ánh mắt chê bai đó. Người phụ nữ sẽ nhìn đối phương từ đầu đến chân và sau đó nhanh chóng hạ mũi xuống.
Hãy cẩn thận với kiểu ánh nhìn trong giao tiếp thân mật vì chúng ta thường thực hiện nó một cách vô thức. Chính vì vậy, mà ánh mắt này rất dễ bị ngộ nhận như là một sự tán tỉnh cho dù đang trao đổi công việc ở nơi công sở. Nếu bạn không có ý định thể hiện sự quan tâm đặc biệt của bạn với một ai đó thì hãy cố gắng kiểm soát các chuyển động của mắt và sử dụng ánh mắt trong giao tiếp xã hội hay giao tiếp kinh doanh.
(3) Ánh mắt trong giao tiếp kinh doanh
Khi nhìn một người nào đó, ánh mắt của bạn không bao giờ nên nhìn xuống thấp hơn mũi của họ. Hãy giữ mắt của bạn nhìn vào một hình tam giác tưởng tượng trên trán của người đối diện.
Từ từ, bạn có thể dịch dần xuống và nhìn vào hình tam giác thứ hai tạo bởi đôi mắt và mũi.
Cái nhìn này sẽ tạo ra bầu không khí trang trọng. Nếu bạn cảm thấy hơi bất an và nghi ngờ đối phương thiếu nghiêm túc, hãy cố gắng áp dụng kiểu ánh nhìn này thường xuyên hơn và bạn sẽ sớm nhận thấy thái độ của họ thay đổi tích cực một cách đáng kể.
Thường thì ánh nhìn trong giao tiếp kinh doanh không được tự nhiên. Vì vậy, đừng áp dụng nó ngay lần đầu tiên tại những cuộc họp chuyên nghiệp. Hãy thực hành kiểu tiếp giao tiếp bằng mắt này trong những tình huống xã hội thoải mái và bình thường hơn, ví dụ như khi gặp gỡ bạn bè. Nhờ đó, khi tham dự một cuộc họp tầm cỡ, hành vi và ánh nhìn của bạn sẽ tự nhiên hơn rất nhiều.
Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rằng nếu quá tập trung vào việc giữ ánh nhìn vào phần trên mũi, bạn có thể mất đi sự tập trung vào những thứ khác. Ví dụ khi tham gia vào một cuộc đối thoại cụ thể, bạn sẽ quên mất mình định nói gì. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn đã luyện tập “ánh mắt trong giao tiếp kinh doanh” một cách thuần thục trước khi bắt đầu sử dụng nó trong công việc và các hoạt động kinh doanh của bạn.
Tham khảo tài liệu (http://www.saga.vn/bi-quyet-tro-thanh-chuyen-gia-giao-tiep-bang-anh-mat~42445).
Những suy nghĩ thầm kín và trạng thái cảm xúc của con người bộc lộ tự nhiên qua đôi mắt. Người nói dối luôn tìm cách dấu ánh mắt của mình, không để người đối diện biết. Mắt nhìn chú ý vào người đối diện thể hiện sự quan tâm điều gì đó ở đối tượng giao tiếp… Hay nói cách khác, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của một người, chúng ta có thể hiểu được phần nào những suy nghĩ trong đầu họ. Sách “Giản Ái” có viết “Đôi mắt là kẻ giải thích tâm hồn con người. Tuy vô tình tiết lộ nhưng kẻ ấy lại rất trung thực”. Trích câu chuyện dưới đây là một ví dụ về việc nhìn mắt để hiểu suy nghĩ của người khác.
Một lần nọ, Tào Tháo phái Thích Khách đi Thích sát lưu Bị. Khi gặp Lưu Bị, không ra tay ngay mà cùng Lưu Bị bàn luận sách lược làm suy yếu nước Ngụy. Lưu Bị nghe hắn phân tích xong, tỏ vẻ hài lòng.
Một lát sau, Gia Cát Lượng bước vào, Thích Khách có vẻ rất sợ, bèn mượn cớ vào nhà xí.
Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng: “Lúc nãy có vị khách đến đây nói rằng sẽ giúp chúng ta làm suy yếu thế lực của Tào Tháo”.
Nhưng Gia Cát Lượng chậm rãi nói: “Kẻ này thấy hạ thần đến thì nét mặt sợ hãi, mắt nhìn xuống và bộc lộ sự ngộ nghịch, gian tà, chắc chắn là Thích Khách”.
Thế là Lưu Bị vội sai người đuổi theo, nhưng Thích Khách đã sớm xa chạy cao bay.
Đôi mắt tiết lộ rất trung thực tâm tư tình cảm của một người dù họ có muốn hay không. Nó là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của mình đối với người khác và làm gia tăng uy tín của người nói cũng như hiểu được cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, bình thường, ánh mắt nhìn thẳng đối phương thể hiện sự trang trọng, ngước nhìn thể hiện sự tìm tòi suy nghĩ và tôn trọng, liếc xéo chứng tỏ khinh miệt, nhìn xuống thể hiện sự sỉ nhục. Khi nhìn thấy người hoặc vật mà mình thích đồng tử sẽ giãn ra, trường hợp ngược lại sẽ thu nhỏ.
Nhiều nhà kinh doanh hàng đầu khẳng định rằng chính đôi mắt của bạn truyền tải nhiều nhất về con người bạn trong suốt thời điểm ban đầu của buổi gặp gỡ. Nếu bạn nhìn xuống đất, bạn đang nói với người đối diện rằng tôi ngại ngùng, hồi hộp và thậm chí không đáng tin cậy. Mắt nhìn về một hướng, mi mắt và tròng mắt hơi cụp xuống là biểu hiện một nỗi buồn. Còn tròng mắt mở to, hai con mắt nhìn rất mạnh vào người khác là biểu hiện sự tức giận. Người nào không hiểu những gì bạn đang nói thì thường hay nheo mắt kèm theo rướn đầu ra nghe hay ghé tai ra phía trước biểu thị muốn nghe rõ hơn.
Việc tránh giao tiếp qua mắt thường là biểu hiện điển hình ở những người làm điều gì sai trái và cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Nhìn thẳng vào mắt ai đó chỉ ra rằng bạn đang dành sự chú ý cho người đó. Nó thể hiện sự quan tâm của bạn trong cuộc gặp gỡ, việc bạn cảm thấy thật vui khi được gặp họ.
Người biết dùng “đôi mắt trong giao tiếp” thường khiến buổi trao đổi thêm cởi mở và chuyển tải được sự thích thú, chú tâm, nhiệt tình và độ đáng tin cậy của mình đến người tiếp nhận. Ánh mắt hỗ trợ ngôn ngữ nói, đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn. Ánh mắt còn có thể thay thế lời nói trong những điều kiện, hoàn cảnh người ta không cần hay không thể nói mà vẫn làm cho người giao tiếp hiểu được điều mình muốn nói. Bởi thế mà nhân gian có câu “liếc mắt đưa tình”, còn ở nơi công sở “liếc mắt đưa tin”.
Ánh mắt là tín hiệu bộc lộ rõ nhất (cửa sổ tâm hồn), sắc nhất (dao cau) và nhanh nhất (tia chớp) sắc thái biểu cảm của các đối tượng tham gia giao tiếp. Khi chào, mắt cần nhìn vào nhau, tỏ sắc thái xã giao, lịch sự, lễ phép, trìu mến hay tinh nghịch nhướn lông mày, nheo mắt, nháy mắt, nhắm một bên mắt.
Những điều cần thiết khi giao tiếp bằng mắt
Hãy kết bạn. Khi bạn chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình hãy tranh thủ kết bạn với những thính giả đến sớm. Có thể chào hỏi những người đầu tiên bước vào phòng và tự giới thiệu mình là diễn giả, hay hỏi những câu đơn giản như “Tại sao bạn biết đến hội thảo này?”… Việc này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Khi thuyết trình bạn có thể hướng ánh mắt của mình tìm “những người bạn” của bạn để tìm sự tự tin, thoải mái. Sau khi tìm kiếm một vài người quen hãy bắt đầu trải rộng tầm mắt đến khắp phòng.
Khi bắt đầu và kết thúc buổi thuyết trình bạn luôn phải giữ được sự giao tiếp bằng ánh mắt này, nếu cần thiết bạn cần phải tập và luôn nhắc nhở mình. Sự giao tiếp không lời này cũng góp một phần không nhỏ vào việc bạn thành công hay thất bại trong việc thuyết trình. Giao tiếp bằng ánh mắt là chìa khóa để bạn xây dựng những mối quan hệ lâu dài ngay cả khi bài thuyết trình của bạn kết thúc.
Các lỗi cơ bản khi giao tiếp qua ánh mắt mà chúng ta hay gặp
– Tránh ánh mắt của người khác: thể hiện sự nhu nhược của bạn.
– Chớp mắt quá nhiều: khiến lời nói thiếu tin cậy.
– Mắt nhìn dáo dác bất định: thể hiện sự hời hợt, đôi khi mang yếu tố phản trắc.
– Mắt lờ đờ vô hồn: thể hiện sự khờ khạo, ngốc nghếch.
Những lưu ý khi giao tiếp bằng ánh mắt
– Khi nói chuyện, hãy nhìn thẳng vào người đối diện, song đừng nhìn chằm chằm. Hãy đưa mắt nhìn phạm vi xung quanh họ để giảm tải căng thẳng.
– Không đảo mắt liên hồi, nhìn xéo sang một người trong khi nói chuyện với người khác nữa.
– Không đá lông nheo với người khác giới, trừ khi đó chỉ là cử chỉ hài hước bạn tạo ra cho mọi người vui vẻ.
– Không hướng mắt nhìn xuống chân vì người bi quan, thiếu tự tin, kẻ phạm tội thường có cử chỉ này.
– Khi nhờ vả ai đó, trong khi chờ họ ra quyết định, không nên nhìn chằm chằm vào họ. Vô tình ánh mắt của bạn lại tạo áp lực bắt họ phải đồng ý giúp đỡ bạn. Khi ăn cơm, không nhìn người khác gắp thức ăn vì bạn sẽ khiến họ lúng túng.
Mắt biểu hiện rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ khác nhau. Trong giao tiếp hay thuyết trình thì mắt lại càng vô cùng quan trọng. Người chuyển thông điệp hay người thuyết trình luôn phải nhớ một nguyên tắc: “Ta không quan tâm đến thính giả, thính giả sẽ không quan tâm đến việc ta đang nói cái gì”. Khi giao tiếp hay thuyết trình, nhìn biểu hiện của thính giả ta có thể biết được được sự chú tâm của thính giả cũng như đo lường được mức độ thành công của cuộc giao tiếp hay của bài nói để kịp thời điều chỉnh. Khi giao tiếp trong hội trường, một cách quan sát hiệu quả đó là chia hội trường thành các nhóm, giúp người nói quan tâm được tới từng thính giả trong hội trường và thính giả cũng có cảm giác đang được quan tâm.
Ở mỗi nền văn hóa, cử chỉ giao tiếp bằng mắt lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Khi nói chuyện, người Phần Lan và người Pháp thường nhìn thẳng vào mắt người đối diện, trong khi đó người Nhật và người Hàn Quốc lại tránh nhìn vào mắt nhau vì xem đó là cử chỉ suồng sã, bất lịch sự. Ở Mỹ, những người lạ chỉ nhìn thẳng vào mắt nhau khoảng nửa giây; trong khi ở Italy, Tây Ban Nha và các nước Mỹ La-tinh, thời gian nhìn vào mắt nhau có thể kéo dài hơn. Ở châu Mỹ La-tinh cũng như ở một số nước châu Phi, nếu người có địa vị thấp hơn nhìn thẳng vào mắt đối phương thì sẽ bị cho là bất kính. Ở Mỹ, người ta thường nhìn vào mắt nhau trong lúc trò chuyện, nhưng ở một vài nơi khác, nhìn xuống là cách giúp tránh nhìn vào mắt đối phương, và được xem là dấu hiệu của sự tôn kính. Ở Đông Nam Á, người ta chỉ nhìn lâu vào mắt nhau khi mối quan hệ đã được thiết lập bền vững.
Tóm lại, trong xu thế toàn cầu hóa, việc hiểu và nhạy bén trước những khác biệt về văn hóa của nhau là một yêu cầu quan trọng. Khi không có được điều này, chắc chắn chúng ta sẽ để lỡ mất nhiều cơ hội trong đàm phán và ký kết hợp đồng.
Dù ở bất cứ đâu, người ta đều thích làm việc với những người mà họ cảm thấy thoải mái. Mặc dù bạn không thể học hết từng cử chỉ, nét mặt của mọi người ở mọi nơi trên thế giới, nhưng bạn có thể tìm hiểu thêm và tôn trọng những khác biệt văn hóa đó. Đó là thái độ ứng xử hay và mang lại hiệu quả bất ngờ trong các cuộc giao tiếp, đàm phán kinh doanh của bạn.
Bằng việc quan sát mắt người đối diện, bạn có thể đọc được tâm trí của người đó: không phải họ nghĩ gì mà là họ đang nghĩ như thế nào. Điều chỉnh ngôn ngữ của bạn theo quan sát này, và bạn có thể hướng một người từ trạng thái tư duy không hiệu quả sang trạng thái hiệu quả hơn. Bởi thường người ta hoàn toàn không ý thức về xu hướng bản thân, thế nên bạn xuất hiện như một người có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác, chỉ nhờ dựa vào những dấu hiệu bạn nhận được. “Anh cứ như đi guốc trong bụng tôi vậy”, họ sẽ nói một cách đầy ngạc nhiên và hài lòng vì tìm được một người hiểu được mình.
ỨNG DỤNG GIAO TIẾP BẰNG MẮT
NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP BẰNG MẮT TRONG VĂN HÓA GIAO TIẾP ỨNG XỬ (TIẾP THEO )
II. ỨNG DỤNG GIAO TIẾP BẰNG MẮT
http://vuahocvalam.com/ky-nang-mem/ung-dung-giao-tiep-bang-mat-216.html
TRÍCH TRONG KỸ NĂNG GIAO TIẾP KINH DOANH
Kỹ năng giao tiếp cơ bản
TS. NGUYỄN VĂN HÙNG (Chủ biên)
Địa chỉ: 20-22 Đường 270A P. Phước Long A, Q9, TP. HCM
Điện thoại: 0913.867.878
[ad_2]
Source link