[ad_1]
Nhân cách là con người có ý thức, là một chỉnh thể và được hình thành thông qua hoạt động tích cực của bản thân con người trong quá trình sáng tạo xã hội. Nói cách khác, nhân cách là toàn bộ những đặc điểm, những phẩm chất tâm lý, nó quy định hành vi xã hội và giá trị xã hội của một cá nhân; là hệ thống những phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo. Giúp người lãnh đạo hoàn thành có hiệu quả vai trò xã hội của mình.
Những đặc điểm nhân cách của người lãnh đạo. Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, trở thành lãnh đạo không phải một định mệnh. Một người có thể được sắp xếp để ngồi vào chiếc ghế “số 1”, nhưng việc người đó có ngồi được và có vững được trên chiếc ghế đó không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính họ. Như chúng ta đã biết, bất kỳ một tổ chức nào cũng cần có lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có một số đặc điểm nổi bật sau đây:
(1) Tầm nhìn của người lãnh đạo;
(2) Giá trị và niềm tin của người lãnh đạo;
(3) Khả năng tạo động lực, truyền cảm hứng cho mọi thành viên trong tổ chức;
(4) Năng lực hành động của người lãnh đạo;
(5) Đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo và quản lý.
A. LÝ LUẬN ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO TRONG LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ
Gần đây các nhà tâm lý học và xã hội học đang đặt ra vấn đề nghiên cứu về “sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý và lãnh đạo, quản lý sự đổi mới, sáng tạo. Từ đó đã hình thành bộ môn xã hội học đổi mới, sáng tạo với đối tượng nghiên cứu là mối quan hệ của đổi mới, sáng tạo với con người và xã hội.
Từ điển Quản lý xã hội (2002) có mục từ “Sáng tạo” và được hiểu là việc làm nảy sinh kết quả mới, một giải pháp hoạt động sáng tạo có trong các lĩnh vực kể cả quản lý. Nhưng cuốn từ điển này không có mục từ “quản lý sáng tạo” mà chỉ có các mục như: “quản lý”, “quản lý dân chủ”, “quản lý hành chính”, “quản lý theo lãnh thổ”, “quản lý theo ngành”… Cuốn “Giáo trình quản lý xã hội” (2006) có sáu chương với hơn 30 mục trong đó có mục “Đổi mới quản lý xã hội” nhưng không có mục nào hay tiểu mục nào bàn về “sáng tạo” và “quản lý sáng tạo”. Cuốn “Xã hội học về lãnh đạo, quản lý” (2010) gồm 7 chương và 30 mục cũng không có chương, mục nào bàn về tính sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý.
Việc khảo sát sơ bộ một số cuốn sách như vậy cho thấy sự thiếu vắng “sáng tạo” trong lãnh đạo và quản lý của các cuốn sách, các cuốn giáo trình về khoa học quản lý của các tác giả Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: vậy các ấn phẩm về lãnh đạo, quản lý của tác giả nước ngoài được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt nói gì về “sáng tạo”?
“Tính sáng tạo” và “người quản lý sáng tạo” trong sách của nước ngoài
Trong khi các sách và giáo trình về khoa học lãnh đạo, quản lý của các tác giả Việt Nam chưa nói gì đáng kể về “tính sáng tạo” thì nhiều sách của tác giả nước ngoài đã bàn kỹ về chủ đề này. Một cuốn sách thuộc loại “kinh điển” về quản lý của nước ngoài đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt ngay trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới ở nước ta là cuốn sách “Những vấn đề cốt yếu của quản lý”(1).
Trong cuốn sách này tác giả Harold Koontz và các đồng sự đã tập hợp và giới thiệu 11 cách tiếp cận khác nhau về quản lý và các cách tiếp cận này đều ít nhiều dựa trên toán học, xã hội học, tâm lý học – xã hội, lý thuyết hệ thống, lý thuyết ra quyết định và kinh nghiệm thực hành. Tất cả 11 cách tiếp cận này đều không nhấn mạnh đến yếu tố “sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý.
Nhưng H. Koontz và các đồng sự đã nói đến “tính sáng tạo” và “người quản lý sáng tạo” trong chương bàn về cách thức làm cho kế hoạch có hiệu quả. Tính sáng tạo là khả năng và năng lực tạo ra những ý tưởng mới trong khi đó sáng kiến là sự vận dụng những ý tưởng mới này. Tuy không đưa ra định nghĩa rõ ràng về “người quản lý sáng tạo”, nhưng H. Koontz và các đồng sự cho rằng tính sáng tạo luôn có sẵn ở mọi người nhưng được sử dụng quá ít, do vậy người quản lý cần nuôi dưỡng tính sáng tạo và sử dụng nó một cách có cân nhắc đến tính rủi ro của nó trong quá trình lập kế hoạch.
Sự xuất hiện của “người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”. Một cuốn sách về khoa học lãnh đạo mới được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt là cuốn “Năng lực lãnh đạo” (2000) của Richard L. Hughes. Ngay trong chương 1 cuốn sách này ở mục bàn về “lãnh đạo và quản trị” đã chỉ rõ một trong những điểm khác biệt của lãnh đạo so với quản trị là “sáng tạo” và “đổi mới”. Ví dụ: “nhà quản lý thực thi, người lãnh đạo đổi mới”…Tuy nhiên, có lẽ giống như nhiều cuốn sách khác về quản lý và lãnh đạo, cuốn sách này chủ yếu xem xét “việc lãnh đạo” hay “quá trình lãnh đạo” trong mối tương tác với cấp dưới (người bị lãnh đạo), cấp trên (người lãnh đạo) và tình huống.
Có thể coi đây là cách tiếp cận hỗn hợp của cách tiếp cận hoạt động và cách tiếp cận tổ chức về lãnh đạo. Có thể do cách tiếp cận cũ, thiếu sáng tạo như vậy nên “lãnh đạo sáng tạo” chỉ được nói đến ở một số mục nhỏ bàn về “trí thông minh sáng tạo” với tính cách là một phần của khối kỹ năng “trí thông minh” trong sáu khối kỹ năng lãnh đạo. Khối kỹ năng trí thông minh gồm bốn loại trí thông minh là trí thông minh phân tích, thực tiễn, sáng tạo và cảm xúc.
Khối kỹ năng trí thông minh cùng với khối kỹ năng thuộc về tính cách và giá trị lãnh đạo tạo thành tầng nền tảng. Tầng tiếp theo gồm hai khối kỹ năng là kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo. Tầng đỉnh là năng lực lãnh đạo. Trí thông minh sáng tạo được tạo thành từ bảy yếu tố là: khả năng tổng hợp, phân tích, giải quyết vấn đề thực tiễn, cách tư duy, các đặc điểm tính cách, động lực bên trong và những yếu tố bên ngoài. Nếu như “lãnh đạo” được xem xét trong mối quan hệ với con người sáng tạo và xã hội sáng tạo như cách tiếp cận của xã hội học sáng tạo thì rất có thể nhiều nội dung, nhiều chiều cạnh khác của “sáng tạo trong lãnh đạo” và “lãnh đạo sáng tạo” sẽ được làm sáng tỏ.
Sự xuất hiện của xã hội học đổi mới, sáng tạo
Từ những điều trình bày trên đặt ra vấn đề xem xét “quản lý” và “lãnh đạo” từ góc độ xã hội học về đổi mới, sáng tạo. Có thể định nghĩa ngắn gọn: xã hội học về đổi mới, sáng tạo là chuyên ngành xã hội học tập trung nghiên cứu mối quan hệ của đổi mới, sáng tạo với con người và xã hội nhằm phát hiện ra các quy luật, cơ chế và các điều kiện hình thành, vận động, biến đổi các mối quan hệ này.
Đối với năng lực lãnh đạo và quản lý từ góc độ xã hội học đổi mới, sáng tạo cần tìm hiểu những nội dung cơ bản như năng lực sáng tạo của nhà lãnh đạo, quản lý; mô hình lãnh đạo, quản lý sáng tạo và nhất là các yêu cầu đặt ra từ phía nền kinh tế sáng tạo, xã hội sáng tạo, cộng đồng sáng tạo, giai tầng sáng tạo và các yếu tố sáng tạo khác đối với lãnh đạo, quản lý.
Nền kinh tế sáng tạo, xã hội sáng tạo đòi hỏi lãnh đạo, quản lý phải sáng tạo. Điều này đã và đang xảy ra ở các nước công nghiệp phát triển nơi xuất hiện nền kinh tế hậu công nghiệp, nền kinh tế tri thức, nền kinh tế sáng tạo và “chủ nghĩa tư bản sáng tạo”. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng 01-2008 tại Davos, Thụy Sỹ, tỷ phú Bill Gates đưa ra ý tưởng về đổi mới hệ thống tư bản chủ nghĩa thành “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” (creative capitalism). Chủ nghĩa tư bản kiểu cũ dù đã biến đổi và phát triển so với trước kia nhưng vẫn chủ yếu là làm lợi cho người giàu nhiều hơn cho người nghèo.
Chủ nghĩa tư bản sáng tạo theo Bill Gate là cách tiếp cận trong đó chính phủ, các doanh nghiệp và những tổ chức phi lợi nhuận cùng nhau hành động để mở rộng các thị trường sao cho người nghèo cũng có thể kiếm được lợi nhuận, giành được sự ghi nhận và có được danh tiếng và họ làm việc cùng nhau để giảm sự bất bình đẳng của thế giới. Chính phủ có thể trực tiếp tài trợ cho các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp mang tiền và sản phẩm, hàng hóa đến cho người nghèo, đồng thời có thể sản xuất các sản phẩm để người nghèo cũng có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng
B. ỨNG DỤNG ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO TRONG LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ nên tất yếu nền kinh tế cũng quá độ với nghĩa là có nhiều thành phần, các yếu tố đan xen, phức tạp với nhau của kinh tế bao cấp, kinh tế thị trường và cả kinh tế sáng tạo. Nhưng lãnh đạo, quản lý cần phải có tầm nhìn, có sứ mệnh sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh của sự phát triển các nền kinh tế sáng tạo trên thế giới mà không ít các yếu tố của chúng đang xuất hiện ở Việt Nam.
Một số vấn đề mới trong quản lý với mạng sáng tạo
Ở Việt Nam hiện nay đã phát triển cả một chuyên ngành “Tâm lý học sáng tạo” được giảng dạy trong chương trình đào tạo ngành tâm lý học trong trường Đại học. Tâm lý học định nghĩa sáng tạo là quá trình tiến tới cái mới, năng lực sáng tạo ra cái mới, độc đáo, có giá trị. Căn cứ để đánh giá sự sáng tạo là “cái mới có ý nghĩa, có giá trị” ở sản phẩm của sự sáng tạo.
Từ góc độ xã hội học cần phải bổ sung “xã hội” cho sáng tạo và định nghĩa: đổi mới, sáng tạo là quá trình xã hội tạo ra cái mới có ý nghĩa, có giá trị đối với con người và xã hội. Một số tác giả đã nói đến “tính sáng tạo”, “người quản lý sáng tạo”, “lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”, “trí thông minh sáng tạo”, “mạng sáng tạo”, “giai tầng sáng tạo”, “cấu trúc xã hội của sáng tạo” và nhiều nội dung khác.
Tất cả những cái được đổi mới, sáng tạo như vậy đều tạo nên những cơ sở lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào xây dựng các chương trình, giáo trình và tài liệu khoa học cho đào tạo, bồi dưỡng “tính sáng tạo”, “tinh thần sáng tạo”, “các giá trị sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay. Lãnh đạo, quản lý trở thành khoa học về sáng tạo, đổi mới và tương ứng chính sách công cũng trở thành một khoa học về đổi mới, sáng tạo nhằm kiến tạo xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh _GS, TS. Lê Ngọc Hùng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tổng hợp tài liệu tham khảo INTERNET.
[ad_2]
Source link