[ad_1]
Nói dối là một hiện tượng có lẽ dân tộc nào cũng có và có từ rất lâu đời. Trong một số loại hình văn hóa dân gian đã thấy có nhiều yếu tố của hiện tượng này. Tuy vậy, cho tới nay, nó còn tồn tại rất phổ biến và phát triển đa dạng. Điều này cho thấy đây là hiện tượng tất yếu mang tính văn hóa – xã hội – ngôn ngữ và phi ngôn ngữ…
Người ta nói dối 940 lần/năm (trung bình), tức già 2 lần/ngày. Nhà xã hội học Michel fize (“cuốn Tại sao người nói dối lại sợ sự thật”?) ghi nhận: “Nói dối đối với chúng ta cũng là tự nhiên như ngôn ngữ, như ăn uống ngủ nghê. Đấy là một thói quen xã hội rất bình thường”. Để khỏi bị ảnh hưởng đến thanh danh, sự nghiệp, khỏi xúc phạm người thân hoặc vì lịch sự: ỡm ờ với sự thật là cần thiết và thuộc về các quy ước xã hội. “Không hề gì, tốt cả thôi” chắc là lời nói dối phổ biến nhất, theo một cuộc khảo sát đã được Bảo tàng khoa học Luân Đôn tiến hành tháng 6 vừa qua (2010). Chúng ta nói dối với ai nhiều nhất? Với mẹ chúng ta (23%), với các đồng nghiệp (20%), với ông chủ (12%), với người đối tác (12%) – Trích của: Hoan Châu dịch từ tiếng Pháp).
Trên thế giới có nhiều định nghĩa về nói dối chứa đựng các cách đánh giá khác nhau. Nói dối đơn giản nhất thuộc về từ điển tiếng Bồ Đào Nha giải thích nói dối là “thiếu vắng sự thật” và từ điển tiếng Nga giải thích nói dối là “đánh lạc hướng, nói không thật, vu khống”. Tương tự như vậy, nói dối trong tiếng Anh được định nghĩa là “nói hoặc viết điều gì đó mà biết là không đúng” (To lie = “to say or write something that you know is not true”) [Oxford 2000: 741]. Trong tiếng Pháp từ mentir tương đương với “nói dối, nói láo, nói điêu”, trong tiếng Việt [Mentir Vdict.com] được giải thích là “Không nói sự thật. Nói điều trái sự thật. Che giấu sự thật. Cố ý đưa vào vòng tội lỗi”. Nói thật là trình bày sự thật, ngược lại, giấu giếm sự thật đi là nói dối. Nói cách khác, khái niệm nói dối được mở rộng ra cho cả những trường hợp không cho biết sự thật, che giấu sự thật hoặc làm người khác hiểu sai sự thật. (Hiện tượng nói dối: Luận văn thạc sĩ Văn hóa học của Nguyễn Thị Tuyết Ngân)[19]
Các định nghĩa về nói dối nêu trên của mọi ngôn ngữ đều rất đúng khi tập trung sự chú ý vào đặc trưng coi nói dối là nói không đúng sự thật. Trọng tâm của thuật ngữ “nói dối” không nằm ở chữ “nói” mà nằm ở chữ “dối”.
Trong tiếng Việt, “nói dối” là một từ ghép gồm có hai bộ phận, trong đó, về ngữ pháp, nói là thành phần chính chỉ hoạt động ngôn từ, và dối là phần phụ chỉ tính chất, cách thức hoạt động; nhưng về mặt ngữ nghĩa thì ngược lại, dối đóng vai trò chính chỉ tính chất đánh giá, đôi khi người ta sử dụng dối như một động từ tương đương với nói dối.
Ví dụ: “Dối mình, dối người, bị người dối… đều đau đớn”; hoặc như trong lời bài dân ca Qua cầu gió bay: “Yêu nhau, cởi áo í a trao nhau/ Về nhà, dối thầy í a dối mẹ/ Rằng a í a qua cầu/ Tình tình tình gió bay…”.
Nói sai sự thật với mục đích dối luôn cố ý che giấu sự thật, cố ý sao cho đối tượng giao tiếp không tìm ra sự thật, không biết được sự thật, không hiểu được điều gì đã xảy ra trong thực tế.
Nói dối là khái niệm bao quát một tập hợp các hiện tượng vô cùng phong phú. Chúng có thể được xem xét, phân loại theo rất nhiều bình diện khác nhau. Căn cứ vào các đặc trưng của nói dối nói riêng, và của văn hóa giao tiếp ngôn từ nói chung có ba cách phân loại các hiện tượng nói dối: (1) Nói dối xét theo phương thức giao tiếp, (2) Nói dối xét theo đối tượng tham gia giao tiếp, (3) Nói dối xét theo tình huống.
(1) Xét theo phương thức thì giao tiếp có hai loại nói dối là nói dối trực tiếp và nói dối gián tiếp.
Nói dối trực tiếp là hình thức nói dối mà trong quá trình giao tiếp, người phát tin và người nhận tin nói chuyện đối mặt với nhau. Người phát tin dùng lời nói sai sự thật thể hiện bằng nội dung ngôn từ phát ra dưới hình thức âm thanh có thể đo được cao độ, cường độ, trường độ, âm sắc…
Trong giao tiếp trực tiếp, người tham gia giao tiếp có xu hướng giữ thể diện cho nhau, chiến lược giao tiếp chung thường gặp là “sử dụng các hành vi ngôn ngữ trong giao tiếp nhằm giữ thể diện và tránh đe dọa thể diện của người tham gia giao tiếp”.
Ngược lại với nói thẳng là nói vòng, nói tránh. Ngược lại với nói thật là nói dối. Như vậy, nói dối – cùng với nói vòng, nói tránh – là một trong những cách giao tiếp có tác dụng tránh đe dọa thể diện người khác và giữ thể diện cho mình.
(2) Nói dối xét theo đối tượng tham gia giao tiếp
- Theo đối tượng tham gia giao tiếp có thể phân biệt nói dối xét theo chủ thể giao tiếp (người phát tin) và theo khách thể giao tiếp (người nhận tin).
- Theo chủ thể và theo khách thể giao tiếp đều có thể phân biệt trường hợp người tham gia giao tiếp là một cá nhân hoặc một tập thể.
- Song trong giao tiếp vai trò của chủ thể quan trọng hơn, chi phối tới nội dung và hiệu quả của giao tiếp nhiều hơn, cho nên chúng tôi sẽ xem xét từ góc độ chủ thể là chính, vai trò của khách thể giao tiếp sẽ được xét đến như một tiêu chí bổ sung.
- Nói dối khi chủ thể là một cá nhân (nói dối cá nhân)
Đây là trường hợp thường xảy ra nhất vì chủ thể giao tiếp là người chủ động và vì vậy có thể giữ bí mật sự thật ở mức độ cao. Khi chủ thể và khách thể cũng là cá nhân, tức là khả năng bao quát vấn đề không rộng rãi, và nếu chủ thể lời nói lại nắm vững được tầm hiểu biết của khách thể thông qua các quan hệ xã hội của chủ thể và khách thể, thì khả năng nói dối trong trường hợp này dễ xảy ra và cũng ít bị phát hiện.
Những kiểu nói dối này thường có nội dung là những chuyện cá nhân, riêng tư của chủ thể. Ví dụ như nói dối khi trả lời phỏng vấn về việc riêng tư của các diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ… để xây dựng hình ảnh với công chúng.
Trường hợp đặc biệt là khi chủ thể và khách thể là một người. Đó là hiện tượng dối lòng, dối mình, tự lừa dối xảy ra rất phổ biến. Các cảm xúc về tự nói dối cũng khá đặc biệt, khiến cho các bài hát về chúng được sáng tác khá nhiều. Bài hát Tự lừa dối (nhạc Hoa) cũng được ưa chuộng giống như bài hát Việt Nam Trái tim không ngủ yên của nhạc sĩ Thanh Tùng được các bạn trẻ thích nghe và hát theo với các câu hát: “Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu. Là thật ra anh đang dối mình. Còn anh nói đã trót yêu em rồi. Là hình như anh đang dối em”.
Nói dối khi chủ thể là một tập thể (nói dối tập thể). Nói dối tập thể là trường hợp khá đặc biệt vì nhận thức của các cá nhân trong tập thể không giống nhau. Để có được lời nói dối tập thể thì bao giờ cũng phải có sự bàn bạc, thỏa thuận trước, và đề cử cá nhân đại diện phát ngôn.
Hiện tượng nói dối khi cả chủ thể và khách thể đều là tập thể thì việc nói dối này được gọi là nói dối chính thức. Phương tiện và cách thức nói dối trong trường hợp này thường được quy ước hoặc thể chế hóa.
Khả năng giữ bí mật của nói dối tập thể phụ thuộc vào: (a) mức độ đồng nhất về lợi ích của các thành viên; (b) mức độ uy tín và uy quyền của người lãnh đạo; (c) mức độ nặng nề của hình phạt được đề ra cho những người vi phạm. Tuy nhiên, do tính chất đa dạng và không nhất quán của tập thể, những trường hợp nói dối tập thể thường sớm muộn gì cũng đều bị đưa ra ánh sáng.
(3) Nói dối xét theo tình huống: Nói dối xét theo tình huống giao tiếp bao gồm nói dối chủ động và nói dối bị động. Nói dối chủ động là hình thức giao tiếp mà trong đó người phát tin chủ động nói sai sự thật nhằm đánh lạc hướng người nhận tin. Việc nói dối chủ động mà không nhằm bất kỳ mục đích vụ lợi nào là trường hợp khá hiếm. Phổ biến chủ yếu là những cuộc nói dối để lừa người khác nhằm mưu lợi cá nhân. Loại nói dối phi văn hóa này thường bị lên án kịch liệt. Chủ thể lời nói trong các trường hợp này thường cố tìm một lý do mang tính bắt buộc nào đó để chuyển nói dối chủ động thành nói dối bị động nhằm giảm bớt cảm giác tội lỗi.
Nói dối bị động là hình thức giao tiếp mà trong đó, do bị hoàn cảnh giao tiếp thúc ép, người phát tin bị buộc phải cố ý nói sai sự thật nhằm đánh lạc hướng người nhận tin.
Ranh giới giữa chủ động và bị động thực sự là một ranh giới mờ. Trong tình huống cụ thể, người ta luôn có thể tìm ra lý do thích hợp để lý giải theo ý mình về tính chất chủ động hay bị động của hành động.
Hoàn cảnh giao tiếp ở đây cũng rất đa dạng bởi quan hệ giao tiếp vốn không đồng nhất. Chủ thể giao tiếp có thể bị thúc ép bởi vị thế giao tiếp, bởi thói quen nhún nhường, bởi không muốn gây hiềm khích với khách thể giao tiếp. Việc bị uy hiếp bởi vũ lực hay quan niệm xã hội, áp lực cộng đồng…, cũng có thể trở thành những yếu tố khiến cho người ta rơi vào tình huống bắt buộc phải nói sai sự thật.
Biện pháp phòng ngừa nói dối quan trọng nhất chính là giáo dục tính trung thực. Bác sĩ tâm lý trị liệu Dyan Eybergen trong các bài viết và phát biểu của mình đã giải thích tại sao trẻ nói dối và đưa ra những lời khuyên phù hợp với từng lứa tuổi về việc dạy con tầm quan trọng của tính trung thực. [Dạy trẻ 2009; Dyan Eybergen 2009].
Trong xã hội hiện đại, nói dối xảy ra ngày càng nhiều và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến người dân bức xúc và trở nên cảnh giác cao độ. Đặc biệt ở phương Tây, nơi có truyền thống khoa học lâu đời và luân lý đạo đức được xây dựng dựa trên niềm tin duy ý chí vào sự trung thực và chân lý, giới khoa học đã nghiên cứu và tổng hợp các biện pháp phát hiện nói dối thành các công trình như: “Không thể bị lừa dối” [Lieberman D. 2008]), “Nghệ thuật lừa đảo”, hay còn được dịch là “Mánh khóe xã hội” [Kevin D. 2002].
Họ đã tìm ra rất nhiều các dấu hiệu khác nhau – cả ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ – nhằm phát hiện nói dối. Trong phạm vi chương này, chúng tôi chỉ dừng lại ở những dấu hiệu liên quan đến ngôn ngữ.
Trước hết nói dối là hành vi giao tiếp ngôn từ có ý đồ từ trước. Do vậy, nó có thể có một số dấu hiệu ngôn ngữ đặc trưng. Về nội dung, nó thường được chuẩn bị kỹ càng một cách thái quá so với cần thiết, có bố cục bài bản, chi tiết cụ thể, tỉ mỉ. Về hình thức trình bày cũng khác lạ so với phong cách nói vốn có của chủ thể, thường là lưu loát hơn do có sự suy nghĩ, chuẩn bị trước, nhưng ngữ điệu thì sẽ trung tính hơn nhiều so với nội dung, bởi đó không phải là tình cảm thật.
Đôi lúc người nói dối còn trả lời khác thường hoặc khen ngợi không đúng lúc. Do yếu tố tâm lý có phần căng thẳng, một số người lại có biểu hiện ngược lại, nói nhanh hơn hoặc hay ngắc ngứ, sắc thái giọng nói bất thường. Vì sợ việc nói sai sự thật bị phát hiện, người ta thường nói lảng đi hoặc nhanh chóng chuyển đề tài câu chuyện sang hướng khác để tránh phải đưa thêm các thông tin mâu thuẫn do chưa lường hết được.
Xét theo các bình diện của nói dối thì nói dối là hiện tượng tận dụng sự thiếu hiểu biết của người nhận tin, do vậy trong trường hợp nói dối có tương tác trực tiếp người nhận tin có thể phát hiện ra những điều bất hợp lý và hiểu rằng mình đang được nghe điều dối trá bằng cách tức thì đặt ra các câu hỏi liên quan để kiểm tra và cần tăng cường kiến thức cho mình.
Đối với trường hợp nói dối gián tiếp bằng văn bản viết tay thì: “người nói dối luôn ấn bút mạnh hơn và tạo ra các nét chữ dài hơn so với người nói thật” bởi vì “con người luôn do dự nhiều hơn khi họ nói dối. Nếu viết chữ trong tâm trạng do dự, đương nhiên bạn sẽ ấn mạnh hơn, đưa bút xa hơn so với lúc bình thường”.
Đối với trường hợp nói dối tập thể, hoặc nói dối về sự việc có nhiều người chứng kiến, lợi dụng sự đa dạng và không nhất quán của tập thể, người ta thường cách ly các cá nhân liên quan để tìm hiểu riêng. Đây là biện pháp thường được áp dụng trong điều tra tội phạm, lấy lời khai của phạm nhân trong tù…
Gần đây nhất, khi kỹ thuật internet phát triển, các chuyên gia tư vấn tâm lý và kỹ sư tin học Mỹ đã thiết kế ra một phần mềm máy tính có khả năng phát hiện độ trung thực trong câu trả lời của người bị thẩm vấn. Phần mềm này được thiết kế đi kèm với máy kiểm tra nói dối dựa vào việc đo nhịp tim tập trung theo dõi những thay đổi sinh lý học trong cơ thể lúc người ta nói và đưa ra ngay lập tức những nhận xét về câu trả lời với nhiều cấp độ khác nhau như “căng thẳng cao độ”, “không chính xác”, “trung thực”, “lưỡng lự”, “bị kích động mạnh” và “nói dối”.
Thậm chí phối hợp với máy móc, người ta sử dụng cả biện pháp nói dối để kiểm tra nói dối: “Các chuyên gia sẽ đưa ra các câu hỏi về một tình huống phạm tội giả định hay giả vờ quên các chi tiết của vụ việc, họ sẽ dễ dàng phát hiện liệu người tham gia thẩm vấn có nói dối hay không.
Khi các phương tiện kỹ thuật truyền thông trở nên tinh vi hơn, khả năng dối trá cũng theo đó tăng lên, thì người ta cũng phải tìm cách đối phó với những tiện ích phát sinh không đáng có này bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc dùng kỹ thuật để đối phó với lạm dụng kỹ thuật. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn.
Việc lạm dụng thư điện tử trả lời tự động có thể phát hiện bằng cách theo dõi màu đèn báo hiệu bên cạnh tên hộp thư của người đó để đoán trạng thái sử dụng hộp thư điện tử của đối tác. Ở hệ thống thư điện tử Yahoo và G-mail, nếu đèn báo tắt hoàn toàn là đối tác không mở hộp thư điện tử; nếu đèn màu vàng cam là đối tác có mở hộp thư nhưng không sử dụng; nếu đèn màu xanh là đối tác đang sử dụng hộp thư. Nếu ta nhận được thư điện tử trả lời tự động báo chủ nhân đi vắng trong khi đèn báo hiệu có màu xanh hoặc màu vàng cam có nghĩa là đối tác đang nói dối. Nếu đèn màu xanh thì việc kiểm tra có thể thực hiện dễ dàng bằng cách trao đổi trực tiếp với đối tác qua phương tiện “chat”.
KỸ NĂNG PHÁT HIỆN NGƯỜI NÓI DỐI
Trong cuộc sống, không ai muốn mình là kẻ bị lừa dối và cũng chẳng ai muốn bị coi là không đáng tin. Các kỹ năng phát hiện nói dối là rất quan trọng và được sử dụng phổ biến.
Các giám khảo sẽ phải có kỹ năng để lựa chọn, cảnh sát sẽ phải dùng để thẩm vấn tội phạm… Bạn có muốn thành thạo trong việc nhận biết lời nói dối thông qua các cử chỉ trên khuôn mặt lời nói hoặc biết cách thể hiện sự đáng tin của mình với một người lạ? Hãy thử trang bị một vài kĩ năng cho chính mình, tìm hiểu cách xác định lời nói dối theo các biểu hiện nhỏ trên khuôn mặt, cơ thể.
Mắt và khuôn mặt
Chú ý đến những biểu hiện nhỏ: thường thì chính những biểu hiện nhỏ, diễn ra nhanh lại thể hiện cảm xúc thật của một người. Đối với con người nếu không đến mức nói dối lão luyện quá thì họ sẽ có phản ứng thái độ một cách bản năng.
Nên hãy chăm chú và chú ý thật kĩ đến những biểu hiện nhỏ nhất. Thông thường thì một người đang nói dối biểu hiện trong tích tắc đó sẽ là sự day dứt, đặc trưng bởi lông mày hơi nhăn về phía trán, có thể sẽ tạo ra nếp nhăn đầu lông mày.
Mũi và mồm
Mọi người có xu hướng chạm vào mũi khi nói dối, họ cũng hay che miệng đi như một bản năng. Nếu miệng thể hiện dấu hiện căng thẳng như môi mím lại thì nó chỉ ra sự không vui trong lời nói (nhưng đặc điểm này là nói về cảm xúc chung chung, không phải đặc trưng nói dối).
Chuyển động con người
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nên ánh mắt cũng là nơi thể hiện ra nhiều cảm xúc của con người. Khi phải nghĩ đến gì đó chi tiết, con người thường hay di chuyển sang phải. Khi phải dựng lên điều gì đó, con ngươi thường di chuyển sang trái. Xu hướng nháy mắt nhanh hơn (mắt chập chờn) cũng thường có khi nói dối. Phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới là hành động dụi mắt khi nói dối.
Mí mắt
Người ta thường nhắm mắt lâu hơn khi chớp mắt khi họ nghe thấy điều gì đó không được hài lòng. Tất nhiên điều này là khó nhận ra bởi thời gian là rất rất ngắn. Nếu tay và ngón tay có xu hướng đưa lên mắt thì theo nghiên cứu đây cũng là một biểu hiện “ngăn chặn” sự thật. Có một niềm tin phổ biến rằng những kẻ nói dối luôn tránh sự giao tiếp bằng mắt. Kiểu như trong phim thách đố nhìn thẳng vào mắt nhau để xác minh sự thật vậy. Kẻ nói dối luôn cố gắng làm cho ánh mắt có vẻ chân thành hơn, như một cách để chứng minh rằng điều họ nói ra chính là sự thật.
Một số kẻ nói dối tinh vi thậm chí có xu hướng giao tiếp bằng mắt nhiều hơn bình thường để làm tăng sự tin tưởng từ mọi người và qua mắt các nhà điều tra thường coi cách giao tiếp qua ánh mắt như câu trả lời. Nói chung mọi biểu hiện chỉ mang tính tương đối nên nếu chú ý tinh tế và kết hợp các biểu hiện với nhau mới có thể có câu trả lời chính xác nhất.
Ngôn ngữ cơ thể
Hãy thử xem cách gật đầu: nếu người nói gật hoặc lắc đầu trái ngược với những gì họ nói thì đó có thể là một dấu hiệu. Ví dụ như có người nói rằng: “Tôi vui” mà lại lắc đầu thì hẳn là có sự mâu thuẫn lớn ở đây rồi. Với ngôn ngữ cơ thể thì những phản ứng vô thức sẽ tố cáo lời nói dối.
Trừ phi là đối tượng đã luyện tập quá thành thạo hoặc được đào tạo tương tự như gián điệp thì việc nhận biết sẽ khó lắm. Một người khi nói dối sẽ ngần ngại phải nói lại điều đó một lần nữa hoặc phải thể hiện những cử chỉ chứng minh điều đó là thật. Còn khi nói thật thì con người sẽ dễ dàng kết hợp với biểu hiện của cơ thể để thể hiện điều mình nói hơn.
Hành vi đối với những người cùng tương tác, đó là cách thiết lập mối quan hệ và sự quan tâm. Kẻ nói dối sẽ phải dành ra nhiều nỗ lực để tạo ra một thực tế khác cho người nghe.
Một người nói sự thật hoặc chẳng có gì để che giấu thì người đó sẽ có xu hướng nghiêng về phía người nghe. Người nói dối thì có xu hướng dựa về phía đằng sau, thể hiện sự không mong muốn trong việc truyền đạt nhiều thông tin hơn.
Một người nói sự thật sẽ không miễn cưỡng khi sử dụng cử chỉ, lời nói nhiều hơn bình thường nhằm làm rõ vấn đề cho người nghe. Người nói dối sẽ trốn tránh và muốn cho qua vấn đề càng nhanh càng tốt – vì đơn giản nó không có thật và càng nói nhiều thì sẽ càng dễ lộ ra sơ hở.
NHÌN VÀO BÀN CHÂN
Cử động của bàn chân sẽ tiết lộ cho chúng ta về sự đáng tin của một người. Khi nói dối, người ta thường hạn chếnhững cử động của bàn chân. Hành vi này làm cho những người đang nói dối có ngôn ngữ cơ thể cứng, không tự nhiên.
Khi một người đang nói dối, bàn chân của họ sẽ hướng vềphía cửa ra. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, khi không trung thực thì tiềm thức của họ sẽ tự động tìm và luôn hướng vềmột lối thoát. Bàn chân là phần xa não bộ nhất nên nhiều khi chúng ta không để ý rằng nó đang tiết lộ những cảm xúc được giấu kĩ nhất của mình.
Một số dấu hiệu khác
Giọng nói, cách nói: Anh ta hoặc cô ta có thể đột nhiên bắt đầu nói chuyện nhanh hơn hoặc chậm hơn so với bình thường, hoặc sự căng thẳng có thể dẫn đến một giọng nói cao vút. “Người nói dối chuyên nghiệp thường sẽ có phản ứng rất nhanh và trơn tru. Anh ta biết cách hướng trung tâm của cuộc đối thoại quay trở lại phía bạn hoặc khơi gợi ở bạn một trạng thái cảm xúc nào đó, để bạn không còn để tâm đến anh ta và những lời nói dối”.
Phản ứng khi trả lời câu hỏi: lúc trả lời các vấn đề liên quan đến câu chuyện được bịa ra để lừa bịp người khác chính là lúc đối tượng dễ lúng túng nhất. Họ sẽ có phản ứng phòng thủ, và vì phải nghĩ ra những chi tiết không có thực trong câu chuyện của mình nên người nói dối sẽ không phản ứng nhanh được như người bình thường, đôi khi trong câu trả lời sẽ có sự mâu thuẫn nhất định. Họ thường cố gắng lảng tránh và thay đổi chủ đề để không bị xoáy sâu nữa.
Nói dối là một hiện tượng mang tính bản năng của con người, nó ăn sâu vào tiềm thức, như là kết quả của công cuộc tiến hóa, sinh tồn và ức chế nhất thiết phải diễn ra. Các hành vi thể hiện nói dối để lừa người khác nhằm mưu lợi cho mình có nguồn gốc bản năng bị tất cả các xã hội lên án.
Con người thoát khỏi thế giới mông muội, khác con vật ở chỗ được cộng đồng bảo vệ, không phải tự sinh tồn nên phải có khả năng điều chỉnh, kìm nén bớt bản năng. Con người có văn hóa, cần biết sống không chỉ vì mình mà còn sống vì cộng đồng mà trong đó mình tồn tại, tránh gây ảnh hưởng xấu hoặc nguy hại tới người khác, các thành viên khác trong cộng đồng.
ĐỪNG NÓI DỐI NỮA, ĐỪNG NÓI DỐI NỮA VÀ ĐỪNG NÓI DỐI NỮA
Hãy theo một lời kêu gọi thiết tha khi có quá nhiều người đang mắc bệnh nói dối trong xã hội. “Đừng nói dối nữa, đừng nói dối nữa và đừng nói dối nữa”. Có hai khía cạnh nói dối: nói dối có ý tốt và nói dối bất thiện. Nói dối có ý tốt nhằm mục đích cứu người, giúp người, tuy nhiên cũng tùy hoàn cảnh mà có nên nói hay không. Bản thân chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất vì nói như thế sẽ trở thành thói quen, dần dần sẽ chuyển từ ý nghĩ nói thiện sang nói bất thiện.
Nói dối bất thiện là lừa lọc, qua mặt người khác nhằm che đậy lỗi lầm của mình – đây là hành vi cần tránh. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng quy cho cùng thì lời nói dối xuất phát từ việc sợ người khác biết lỗi lầm của mình, chẳng hạn: người nổi tiếng nói dối là vì sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm, doanh nghiệp nói dối là vì sợ mất uy tín trên thương trường, trẻ con nói dối là vì sợ bị la mắng…
Thật không may, sự phổ biến của lời nói dối bắt nguồn từ cách chúng ta lớn lên. Lời nói dối đóng một vai trò trong tương tác xã hội của ta từ khi rất bé. Ta kể cho con trẻ nghe về nàng tiên rằng và ông già Tuyết, hoặc khuyến khích trẻ biết ơn một món quà không mong muốn. “Chúng ta cho con trẻ rất nhiều thông điệp lẫn lộn,” Feldman nói. “Cuối cùng những gì chúng học được là dù trung thực là cách tốt nhất, nhưng đôi lúc nói dối vẫn ổn và tốt hơn.”
Vì thế lần tới khi bạn nghe một thông tin gì đó có vẻ kỳ quặc, hoặc ai đó làm chệch hướng một câu hỏi, hãy cẩn thận vì có thể thứ bạn nghĩ là sự thật hóa ra lại là trò lừa.
Nói dối là không tốt. Thế nhưng mọi người đều nhiều lúc nói dối. Vì cần thiết, vì vô ý hoặc thực sự có ý đồ lừa dối. Nhà tâm lí học Mỹ Paul Ekman cho rằng người nói dối không có khả năng làm chủ được toàn bộ hành vi của mình. Người đó luôn bị lật tẩy bởi sự chênh lệch giữa điều anh ta nói với thực trạng ngữ điệu, bộ điệu và gương mặt. Những biểu lộ nét mặt cực tinh tế và rất nhanh (khoảng non 1 giây đồng hồ) sẽ xuất hiện mỗi khi một cảm xúc được che giấu, bị kiểm tra hay bị kiềm chế.
TRÍCH TRONG KỸ NĂNG GIAO TIẾP KINH DOANH
Kỹ năng giao tiếp cơ bản
TS. NGUYỄN VĂN HÙNG (Chủ biên)
Địa chỉ: 20-22 Đường 270A P. Phước Long A, Q9, TP. HCM
Điện thoại: 0913.867.878
[ad_2]
Source link