[ad_1]
Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại phần con và phần người, phần thiện và ác, con người lý trí và con người bản năng. Trong cuốn “Chiến thắng con quỷ trong bạn” của Napoleon Hill, nếu con người lý trí luôn bắt buộc chúng ta làm những việc mà con người bản năng không mong muốn như hãy bỏ thuốc lá, hãy dậy sớm… thì con người bản năng được ví như con quỷ, nó khuyên ta hãy đi chơi đi, hãy ngủ dậy muộn v.v..bằng những lý lẽ rất hợp lý để thuyết phục ta thực hiện hành động đó. Nếu lý trí chống trả yếu ớt thì hành động của chúng ta sẽ bị bản năng chi phối.
Vậy vì sao con người luôn hành động theo bản năng nhiều hơn theo lý trí? bản năng đó xuất phát từ đâu? Có câu “Thói quen nói lên nhân cách” Thói quen đó dù tốt hay xấu sẽ hình thành nên nhân cách sau này của trẻ. Vì vậy đừng để thói quen xỏ mũi bạn, hãy uốn nắn và rèn tính nết cho con càng sớm càng tốt. Thói quen tốt được ươm mầm từ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ trong tương lai, tiền đề cho thành công mai sau của trẻ.
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách ; Gieo tính cách, gặt số phận”.
Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện, đó là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người.
Nhà Giáo dục nổi tiếng Stephen R.Covey đã đúc kết trong quyển sách “7 thói quen để thành đạt” và quyển “ Thói quen thứ 8- Từ hiệu quả đến vĩ đại”. Sau đó con trai ông là Sean Covey đã viết lại thành cuốn truyện tranh “7 thói quen để trẻ trưởng thành” dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi- là cuốn sách gối đầu giường cho các bậc cha mẹ và là một phần không thể thiếu trong các chương trình giảng dạy kỹ năng, đào tạo ngoại khóa tại các trường mầm non, tiểu học hiện nay. Chúng ta cùng tìm hiểu
2.1. Thói quen 1: Giúp trẻ luôn chủ động hành động, làm chủ bản thân.
Đối với người trưởng thành, ý nghĩa chủ động hành động có thể mang một phạm trù rộng lớn. Tuy nhiên trong giáo dục mầm non, giúp trẻ chủ động hành động có nghĩa là:
a, Giáo dục trẻ dám chịu trách nhiệm đối với việc mình làm, dám nhận lỗi khi mình làm sai, không đỗ lỗi cho người khác và biết sửa sai.
– Giáo dục trẻ dám chịu trách nhiệm đối với việc mình làm, dám nhận lỗi khi mình làm sai chính là:
+ Đó là rèn cho trẻ thói quen tự nói câu xin lỗi khi làm bất kỳ một hành động nào ảnh hưởng đến người khác và trẻ biết sửa sai không lặp lại hành động đó nữa.
+ Chúng ta hãy rèn luyện cho trẻ thói quen dũng cảm nhận lỗi và sửa sai bằng những cách sau đây:
* Kể cho con nghe những tấm gương dũng cảm nhận lỗi qua truyện cổ tích.
* Cha mẹ là tấm gương gần nhất, mỗi khi làm gì sai phải biết nhận lỗi
* Cha mẹ làm bạn đồng hành cùng giúp con sửa sai.
* Giao cho con một việc cụ thể để con tự làm, tự chịu trách nhiệm.
* Khen ngợi con khi con dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm sửa sai.
* Phải luôn cho trẻ hiểu rằng “không nên viện cớ cho những sai lầm của mình, phải nghĩ cách chiến thắng và thành công”.
Tuy nhiên để tạo lập thói quen này không bao giờ đơn giản. Bởi trẻ giai đoạn mầm non luôn ghi nhớ và thực hiện theo những gì chúng nghe thấy, nhìn thấy xung quanh mỗi ngày chứ không phải bằng lý thuyết. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần kể cho con nghe những tấm gương dũng cảm nhận lỗi thông qua câu chuyện cổ tích mỗi đêm hoặc thao thao bất tuyệt rằng con phải thế này thế kia… mà thực tế Ông Bà, Cha mẹ khi làm sai lại luôn cho mình cái quyền bề trên “ Người lớn sao lại phải xin lỗi trẻ con”, người lớn không cần nhận lỗi, không cần sửa sai, không chịu trách nhiệm với công việc mình làm hoặc giữa nhà trường, gia đình, giữa cha và mẹ không nhất quán trong cách giáo dục thì rèn luyện cũng bằng không.
b, Rèn thói quen chủ động hành động cho trẻ.
– Rèn thói quen chủ động hành động cho trẻ còn là giúp trẻ tự làm việc phục vụ bản thân, luôn cố gắng hết sức trong những việc mình làm và làm tốt công việc của mình ngay cả không có người bên cạnh giám sát.
+ Có những trẻ chỉ hoàn thành công việc khi có người bên cạnh giám sát hoặc canh chừng. Khi không có người bên cạnh trẻ sẽ không làm hoặc làm việc cẩu thả. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi mà mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, các bậc cha mẹ luôn dành hết tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ trên mức bình thường, trẻ được bao bọc quá mức và bị tước mất quyền tự lập và tự chủ nên dẫn đến tình trạng những trẻ đã bước vào lớp 1 mà cha mẹ vẫn phải đi theo đút cơm ăn, cha mẹ phải mặc quần áo cho trẻ, tắm cho trẻ hay phải soạn sách vở cho trẻ ngày mai đi học, cha mẹ bảo gì trẻ cũng nghe theo, không có một chính kiến cho riêng mình. Nếu rèn được tính chủ động, trẻ sẽ luôn hoàn thành những việc mà trẻ muốn hoàn thành, trẻ luôn tự tin và có tinh thần ổn định, có tính tự lập cao và tự giác làm những công việc mình làm hàng ngày mà không cần người khác nhắc nhở hay giám sát, canh chừng. Trẻ luôn muốn làm chủ bản thân mình, muốn tự mình làm những công việc cá nhân như tự ăn, tự tắm, tự đánh răng, tự học bài v..v..
+ Sẽ là sai lầm nếu cha mẹ muốn rèn con chủ động nhưng lại không cho con quyền chủ động mà áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ. Suy nghĩ của trẻ rất khác chúng ta, ta cần lắng nghe và khuyến khích điều chỉnh cho phù hợp chứ không làm thay dù trẻ làm lâu hoặc sai. Có cha mẹ nhìn trẻ làm lâu thấy khó chịu, chỉ muốn chạy đến làm cho xong, trẻ sẽ nản và không còn hứng thú. Hãy cho trẻ cơ hội tự thực hiện công việc, dù sai nhưng sẽ giúp trẻ tự tin làm tốt lần sau.
Ví dụ: Cần khích lệ, hướng dẫn khi con tự múc cơm ăn cho dù sau đó mẹ phải dọn dẹp vì cơm rơi. Nếu cha mẹ luôn làm thay thì trẻ sẽ không còn hứng thú và không có cơ hội trải nghiệm, dần dần trẻ sẽ nhút nhát không dám làm bất cứ điều gì.
– Theo Montessori thì trẻ em giai đoạn 3-6 tuổi phát triển tính tự lập rất cao, trẻ thích có ý kiến riêng, mong muốn được giúp đỡ người khác, có tính sáng tạo và trí tưởng tượng rất cao. Đặc biệt, trẻ tin vào bất cứ gì trẻ nghe thấy, rất thích nói, thích hỏi, thích người khác chú ý và thích được khen ngợi…. Do đó, đây là giai đoạn vàng để người lớn rèn cho trẻ một số thói quen tốt như giúp trẻ tự chủ bản thân, tự mặc quần áo, tự múc cơm ăn, tự tắm, tự đánh răng, tự chuẩn bị sách vở khi đi học v..v… Hãy để trẻ có quyền tự do làm những gì mình thích. Hãy giám sát trẻ nhưng cho trẻ tự do trong khuôn khổ để trẻ tự phát huy năng lực của mình.
c, Rèn tính chủ động hành động, làm chủ bản thân.
– Rèn tính chủ động, làm chủ bản thân giúp trẻ tự tin hơn khi làm bất cứ công việc gì. Trẻ biết vượt qua bản thân để chiến thắng nỗi sợ hãi của mình.
Dù trong hoàn cảnh nào trẻ cũng luôn muốn là người tiên phong đi đầu, trẻ luôn muốn thay đổi và làm mới bản thân mỗi ngày. Vì vậy hãy khuyến khích trẻ làm những việc mà trước đây trẻ chưa từng làm hoặc đã làm nhưng trẻ thấy sợ hãi.
d, Rèn cho trẻ chủ động hành động, làm chủ bản thân còn giúp trẻ biết làm chủ hành vi, cảm xúc, thái độ của mình.
– Con người luôn hành động theo cảm xúc. Cảm xúc đi lên đồng nghĩa lý trí đi xuống. Việc rèn cho trẻ kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiềm chế cơn nóng giận chính là giúp trẻ nhận thức bản thân, lắng nghe chính mình có những mặt mạnh, mặt yếu nào, giúp trẻ tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình tốt hơn.
- Nếu cha mẹ biết kiềm chế cảm xúc tốt thì con trẻ cũng sẽ học và làm theo. Trẻ hay nổi giận vô cớ, đập phá đồ đạc khi nóng giận, chửi mắng bạn bè… chính là tấm gương phản chiếu khả năng làm chủ hành vi, cảm xúc của những người trẻ tiếp xúc xung quanh. Con trẻ luôn cười đùa vui vẻ và luôn tỏ ra bình tĩnh trước mọi vấn đề chính là cha mẹ luôn làm chủ cảm xúc của mình. Trẻ nóng giận vô cớ hay vui vẻ chính là sự lựa chọn của các bậc cha mẹ.
+ Hãy dạy bản thân quản lý cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề, cách kiềm chế cơn nóng giận trước khi đưa ra những quy định, luật lệ áp đặt với trẻ, giúp trẻ phân biệt cái có lợi, cái có hại khi không quản lý được cảm xúc của mình.
Ví dụ: Khi trẻ nóng giận vứt đồ chơi, đừng vội đánh mắng hay áp dụng các biện pháp trừng phạt ngay. Hãy giúp trẻ bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân, sau đó cho trẻ thấy hậu quả của việc nóng giận là làm bể đồ chơi. Từ đó trẻ sẽ tự rút ra bài học cho bản thân và tự biết cách điều chỉnh cảm xúc, hành vi, thái độ của mình.
“Chủ động hành động, nắm bắt thành công” là một nguyên tắc hoàn toàn có thể do rèn luyện mà thành. Vì vậy hãy rèn luyện cho trẻ thói quen chủ động ngay hôm nay để trẻ trở thành người chủ động trong tương lai.
2.2. Thói quen 2: Giúp trẻ sống có mục tiêu- luôn luôn chuẩn bị.
a, Sống có mục tiêu chính là rèn cho trẻ biết tự lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bản thân.
– Không ai có thể thành công nếu không xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng để hướng đến. Mục tiêu rất quan trọng đối với thành công cũng như không khí quan trọng đối với sự sống vậy. Đối với người trưởng thành, việc đặt ra các mục tiêu có thể to tát và rộng lớn. Nhưng đối với trẻ nhỏ, mục tiêu không cần phải to tát như người lớn mà chính là trẻ có ước mơ, có khát vọng, có đam mê, nhiệt huyết. Nhiệm vụ của chúng ta chính là giúp trẻ nuôi dưỡng ước mơ, gieo mầm ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng và nhiệt huyết ấy, cho trẻ vạch ra những dự định hoài bão tương lai của mình.
– Con người sống cần phải có ước mơ. Ước mơ sẽ làm cho con người sống có mục đích, có nghị lực. Đặc biệt là lứa tuổi mầm non, lứa tuổi học trò. Dù chúng luôn có những ước mơ vĩ đại, viễn vông hay cực kỳ thực tế đi nữa thì đó cũng chính là thể hiện những khát vọng, những điều tốt đẹp mà trẻ muốn đạt được.
– Trẻ có ước mơ và muốn biến nó thành hiện thực thì phải có sự quyết tâm cao độ, phải tập trung vào những việc mình yêu thích để thực hiện ước mơ và trên hết là trẻ biết lập ra kế hoạch cho cuộc đời mình và ngày ngày hiện thực hóa nó.Ý chí, lòng kiên nhẫn và sự dũng cảm đứng dậy sau vấp ngã chính là những điều mà trẻ sẽ học được theo thời gian. Trẻ biết ước mơ sẽ có cả một gia tài trong tương lai.
– Còn những người không có ước mơ thì sao?
+ Họ sống không có mục đích, không có kế hoạch, cứ ngày này qua ngày kia tồn tại theo một rập khuôn sẵn có, bó gọn trong vỏ ốc của sự tự ti và nhút nhát. Họ sợ thay đổi và luôn suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, luôn chán nản và không có tâm huyết trong công việc của mình làm, họ luôn bằng lòng với những gì mình đang có và không có động lực vượt qua khó khăn. Vì vậy, dạy trẻ sống có mục tiêu, có ước mơ chính là giúp trẻ “Sống” chứ không phải đang “tồn tại”
b, Rèn thói quen sống có mục tiêu còn giúp trẻ biết suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị tốt trước khi làm một việc gì đó.
– Trẻ cần được dạy cách lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bản thân. Từ đó bé luôn suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị tốt trước khi làm một việc gì đó. Trẻ sẽ hiểu rằng những lựa chọn ở hiện tại sẽ quyết định tương lai của trẻ. Cha mẹ có thể dạy cho con viết ra những mục tiêu của mình ra giấy trước khi thực hiện ví dụ như một ngày con làm gì? Một tuần con làm gì? Kỳ nghỉ làm gì? Tiết kiệm tiền một ngày bao nhiêu? Cho mục đích gì hoặc đi chơi cần chuẩn bị gì?
Hoặc khi cần quyết định một vấn đề gì ta nên đưa ra hai lựa chọn cho bé suy nghĩ quyết định. “ Con muốn ăn cơm xong mẹ cho coi tivi 5 phút hay bây giờ không ăn cơm đi ngủ ngay lập tức?” chắc chắn khi trẻ lựa chọn xong trẻ sẽ có sự hài lòng và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trẻ biết lập kế hoạch cho công việc của mình và gia đình, có kế hoạch cho một buổi đi chơi cần chuẩn bị những gì, kế hoạch cho kỳ nghĩ ra sao? v..v.. sẽ hình thành một thói quen và tính cách cẩn thận, chu đáo, ngăn nắp và chủ động. Trẻ sẽ biết cách quản lý thời gian, thực hiện nghiêm túc theo thời gian biểu giờ nào việc ấy, làm đúng kế hoạch và có cân nhắc, tính toán công sức hợp lý, làm việc có khoa học.
– Còn những người không rèn luyện thói quen sống có mục tiêu, kế hoạch, họ không có mục đích sống thì sao?
+ Họ sẽ không biết làm việc gì trước việc gì sau, thích gì làm nấy, làm việc cẩu thả, không có kế hoạch cụ thể, không biết sắp xếp công việc khoa học, không phù hợp thời gian, đến gần hạn cuối mới bắt tay vào công việc nên thường chậm trễ, sai sót.
2.3. Thói quen 3: Biết sắp xếp công việc- Ưu tiên cho điều quan trọng nhất.
a, Rèn trẻ thói quen sắp xếp công việc hợp lý:
– Nếu nói lập kế hoạch, mục tiêu là lần sáng tạo đầu tiên bằng tinh thần. Thì việc ưu tiên cho điều quan trọng nhất là lần sáng tạo thứ hai bằng vật chất. Trong cuộc sống mỗi con người, chúng ta luôn có rất nhiều mục tiêu, kế hoạch. Tuy nhiên ta luôn có hai thói quen xấu là:
+ Thích làm công việc không quan trọng vì nó dễ làm.
+ Làm ngay công việc khẩn cấp mà không nghĩ nó có nên làm không?
Do đó cần giáo dục và rèn cho trẻ làm những công việc yêu thích và cả những công việc không thích, cả việc dễ và khó. Rèn trẻ biết ưu tiên cho những công việc có tính khẩn cấp và mức độ quan trọng. Những công việc nào mà ảnh hưởng của nó tới trẻ, tới gia đình…càng lớn thì càng quan trọng, những việc mà thời gian còn lại để làm việc đó càng ít thì càng khẩn cấp.
+ Việc xác định ngay từ đầu những ưu tiên trong cuộc sống của trẻ như “học trước chơi sau”, “ ăn ra ăn, chơi ra chơi” để trẻ tập trung vào những việc đang làm, để trẻ biết xác định nhiệm vụ nào là quan trọng nhất, trẻ không để việc khác làm xao nhãng tâm trí và trẻ biết sắp xếp công việc hợp lý.
Ví dụ cho trẻ ghi ra các công việc cần làm khi thức dậy như tự ăn sáng, đánh răng, làm bài, mặc áo quần, xắp xếp mùng mền, dọn giường, mang giày, mang balo đến trường…..Hỏi ý kiến trẻ nên làm công việc nào trước, sau đó hướng dẫn và giúp trẻ xác định công việc nào cần ưu tiên làm trước, công việc nào làm sau. Từ từ trẻ sẽ biết cách sắp xếp công việc hợp lý, ưu tiên những việc quan trọng lên hàng đầu và biết quản lý thời gian hiệu quả và khoa học
b, Rèn trẻ biết ưu tiên những việc quan trọng
– Ngoài việc giúp trẻ biết sắp xếp công việc hợp lý, chúng ta nên hướng cho trẻ ưu tiên những thói quen tốt như rèn luyện sức khỏe, hăng say luyện tập thể dục thể thao, rèn thói quen đọc sách, thói quen giao tiếp ứng xử có văn hóa, thói quen ăn uống điều độ và tác phong lịch sự, nghiêm túc. Ưu tiên rèn dạy cho con biết yêu thương, biết chia sẻ và có lòng biết ơn, luôn coi gia đình là trụ cột.
+ Những thói quen đó chính là một gia tài quý báu mà cha mẹ, những người làm công tác giáo dục để lại cho con mà không có tiền của nào có thể mua được. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta nói “ đánh chết cái nết không chừa”, trẻ càng lớn càng khó thay đổi thói quen xấu. Vì vậy nên luyện tính nết tốt này cho trẻ từ nhỏ để trẻ lớn lên trở thành một người tốt trong gia đình và một người chủ thành đạt trong tương lai.
2.4. Thói quen 4: Tư duy cùng thắng
– Con người sinh ra luôn mang trong mình tính ích kỷ. Vì vậy tư duy thắng thua và tư duy tiêu cực luôn tồn tại trong mỗi con người
Ví dụ: Trong lớp học thấy bạn học giỏi, ban đầu ta cũng cố gắng để đuổi kịp chúng, dần dần ta nhận ra rằng có cố cũng chẳng được, sự cố gắng giảm dần cho tới khi mặc định rằng ta thua.
- Vậy để rèn được trẻ có tư duy cùng thắng, cần giúp trẻ hiểu được:
+ Lợi ích của tư duy cùng thắng là trẻ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn, nhiều giải pháp hơn. Các mối quan hệ cũng tốt hơn. Mọi tư duy quan hệ khác đều có người lợi người thiệt, chỉ có tư duy cùng thắng là cả làng được lợi.
+ Xây dựng tính cách cùng thắng:
* Xây dựng tính chính trực
* Xây dựng tính rộng lượng: Người rộng lượng không để ý và chấp nhặt những tiểu tiết và những chuyện nhỏ nhặt.
* Xây dựng sự chín chắn (là sự kết hợp giữa lòng can đảm và sự cân nhắc) Một người có tư duy cùng thắng sẽ vừa can đảm và cân nhắc, họ có tư duy chín muồi trong suy nghĩ, hành động cẩn trọng nhưng không rụt rè sợ hãi.
+ Xây dựng, củng cố mối quan hệ cùng thắng bằng cách xây dựng tài khoản tình cảm, tài khoản niềm tin.
* Tài khoản tình cảm nếu được xây dựng lịch sự, tử tế, thành thật và chân thành thì tài khoản tình cảm được tích lũy có độ tin cậy cao. Ngược lại nếu xây dựng bằng sự thô lỗ, thiếu kính trọng, nóng giận hay khinh thường bạn, phản bội lòng tin cậy thì tài khoản sẽ bị âm.
Bên cạnh đó khi muốn xây dựng và củng cố mối quan hệ cùng thắng chúng ta còn phải hiểu người đối diện trước khi gửi gắm ( vì không phải ai cũng đủ độ tin cậy để ta chia sẻ). Cha mẹ và con cái cũng vậy, nếu cùng nhau tạo lập mối quan hệ cùng thắng, cùng xây dựng tài khoản tình cảm dương thì chắc chắn trẻ luôn coi cha mẹ như một người bạn đồng hành chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống.
+ Thỏa thuận cùng thắng.
* Khi một người thực hiện nắm rõ họ được lợi ích gì thì họ sẽ chủ động thực hiện công việc vì họ hiểu rằng người khác thắng không có nghĩa là họ thua.
Ví dụ: Cha mẹ và con cùng lập ra một bảng quy ước ghi rõ điều khoản thưởng phạt. Nếu con làm tốt một việc cụ thể như tự học bài, tự dọn đồ chơi.. con sẽ được một ngôi sao. Nếu cộng đủ 10 ngôi sao, con sẽ được thưởng đi siêu thị chơi và được ăn một ly kem yêu thích. Như vậy, trẻ sẽ hăng hái và tự giác tuân thủ vì trẻ hiểu rằng trẻ sẽ có lợi ích gì khi làm tốt những việc trên.
+ Xây dựng hệ thống hỗ trợ cho tư duy cùng thắng.
* Tại sao các nước phát triển luôn hỗ trợ nhân tài còn chúng ta thì ai tài giỏi hơn thường bị ganh ghét hay trù dập? Đó là bởi vì chúng ta không có hệ thống hỗ trợ tư duy cùng thắng, chúng ta luôn cho rằng nếu bạn giỏi đồng nghĩa với việc mình dỡ, chúng ta luôn ganh ghét khi người khác thành công và luôn đỗ lỗi khi mình làm sai vì sợ chịu trách nhiệm, sợ người khác chê bai bản thân mình
– Vì vậy tầm quan trọng của việc rèn trẻ tư duy cùng thắng, để trẻ nhận ra:
+ Rèn được thói quen tư duy cùng thắng trẻ sẽ tử tế, sẽ luôn hành động để giúp người khác vui vẻ và chính bản thân trẻ cũng sẽ được vui vẻ. Trẻ sẽ chín chắn và rộng lượng trong các mối quan hệ và hình thành tư duy tích cực. Khi gặp rắc rối với người khác trẻ biết cách giải quyết hai bên hài lòng.
+ Tư duy cùng thắng giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn nhanh gọn, giúp trẻ tìm kiếm giải pháp mang lại lợi ích chung. Đó chính là sự chia sẻ thông tin, quyền lực, sự công nhận và phần thưởng.
2.5. Thói quen 5: Biết lắng nghe và chia sẻ.
a, Dạy trẻ biết lắng nghe
– Nhu cầu lớn nhất trong sâu thẳm của mỗi người chính là được thấu hiểu. Hãy giúp trẻ biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của người khác. Dạy trẻ biết tôn trọng quan điểm của người khác, kể cả nó không giống quan điểm của trẻ.
+ Thực tế, nhiều người không lắng nghe để hiểu mà lắng nghe để đối đáp và áp đặt. Ngay cả cha mẹ cũng vậy. Lắng nghe áp đặt sẽ khó tìm ra tiếng nói chung, còn lắng nghe thấu hiểu giúp ta dễ tìm được giải pháp giải quyết vấn đề. Ví dụ khi trẻ đi học về, trẻ cảm thấy buồn vì bị điểm kém và muốn chia sẻ cho cha mẹ. Nhưng khi trẻ vừa nói: “ Mẹ ơi, hôm nay con bị điểm kém”. Thay vì hỏi lý do và nghe trẻ trình bày, người mẹ lại quát lên “ Lại điểm kém nữa à, chỉ có ăn với học mà cũng không nên thân, suốt ngày cứ chơi bời lêu lổng, liệu hồn với mẹ đấy.” Liệu trẻ có còn muốn sẻ chia?
– Một người biết lắng nghe sẽ dễ dàng gây thiện cảm và sự tin tưởng đối với người khác. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết lắng nghe và biết cách lắng nghe một cách biểu cảm để tạo niềm tin yêu cho người khác. Vì vậy, hãy rèn luyện, dạy dỗ con từ nhỏ để khi lớn lên, trẻ luôn là người lịch sự, biết lắng nghe, thông cảm và tạo được sự tin yêu với mọi người.
– Có nhiều cách để dạy cho con trở thành một đứa trẻ biết cách lắng nghe:
+ Khi nói chuyện hãy nhìn vào đôi mắt của trẻ. Điều đó làm cho trẻ hiểu trẻ rất quan trọng, cha mẹ rất cần trẻ lắng nghe, nó vừa khiến trẻ tò mò lại rất thích thú bởi cảm giác mình được tôn trọng như một người lớn vậy.
+ Khi nói chuyện với trẻ, hãy dùng một giọng nói nhẹ nhàng, thỉnh thoảng chỉ thì thầm thôi, chúng ta đã rèn cho trẻ cách lắng nghe, tập trung và chú tâm vào câu chuyện mà mình đang nói.
+ Hãy tỏ ra ân cần, tôn trọng và lịch sự khi trò chuyện với trẻ. Một khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, lịch sự, chúng sẽ cố gắng ngồi lại bằng thái độ tôn trọng và lịch sự không kém.
+ Dạy trẻ cách lắng nghe bằng cách lắng nghe chúng. Hãy gợi ý cho trẻ kể câu chuyện của chúng. Kiên nhẫn lắng nghe, nhìn vào đôi mắt trẻ, không ngừng khuyến khích, “Ồ thế à”, “Rồi sao nữa”, “Câu chuyện của con thật thú vị”…
+ Đừng xao lãng hoặc làm ngơ khi con bạn muốn nói chuyện với bạn. Điều này thể hiện thái độ lịch sự để trẻ hiểu rằng khi ai đó muốn nói chuyện, tâm sự với mình thì hãy lắng nghe bằng tất cả sự quan tâm, bởi vì họ đã tin tưởng, cần mình và rất yêu mến mình.
+ Nói ngắn gọn, và hướng đến trung tâm của vấn đề, tránh dông dài và tranh cãi, trẻ không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những điều mà chúng không hiểu hoặc điều gì đó mà chúng cảm thấy không quan trọng, không muốn quan tâm.
+ Dùng ngôn ngữ, cách diễn đạt của trẻ khi nói chuyện với trẻ, cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản, rõ nghĩa và dễ hiểu để chúng dễ dàng cảm nhận được, tránh diễn đạt dài dòng, ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu, chúng là làm giảm đi một nửa sự hấp dẫn của câu chuyện.
+ Hãy để bé chủ động suy nghĩ về chúng trước khi cho trẻ câu trả lời. Có nhiều bậc cha mẹ khi trẻ kể chuyện, luôn ngắt ngang và dùng suy nghĩ chủ quan của mình áp đặt lên suy nghĩ trẻ, điều này làm trẻ mất hứng thú và cảm thấy bị tổn thương vì những suy nghĩ của mình không được quan tâm, không được thấu hiểu.
+ Trẻ con thường có tâm lý luôn muốn mình là trung tâm của vũ trụ, được nhiều người chú ý. Khi người lớn mải mê nói chuyện, không quan tâm, trẻ sẽ tìm cách nói leo chen vào. Vì vậy dạy trẻ khi người lớn đang nói chuyện thì trẻ không được nói chen vào (nói leo), phải chờ người lớn nói chuyện xong hoặc phải biết xin phép khi ngắt ngang câu chuyện của người khác. Đó chính là phép lịch sự tối thiểu mà trẻ cần được rèn ngay hôm nay.
b, Dạy trẻ biết chia sẻ:
Vậy làm thế nào để chúng biết nhường đồ chơi cho người khác, cùng san sẻ dụng cụ học tập, cùng chơi với nhau một cách vui vẻ hay biết đợi đến lượt mình…. Chúng ta hãy rèn cho trẻ bằng cách:
+ Cho trẻ hiểu muốn có cái mình yêu thích thì phải đổi bằng một vật khác.
+ Đừng buộc trẻ phải chia sẻ thật công bằng, nhanh chóng, thường xuyên
Ví dụ: hai trẻ đang chơi cùng nhau và hai trẻ cùng thích một món đồ chơi là xe hơi, chúng cứ giành nhau và cãi nhau. Chúng ta giải quyết thế nào?
+ Cho trẻ hiểu trẻ cần làm việc gì đó trong một khoảng thời gian cố định
Ví dụ hãy nói: “Mẹ sẽ đếm đến 10, chúng ta sẽ dọn dẹp đồ chơi xong nhé”. Trẻ sẽ nghe thấy sự thúc giục trong tiếng đếm của bạn, khi trẻ làm theo, hãy khen ngợi. Hoặc khi trẻ biết chia sẻ đồ ăn cho trẻ khác, hãy khen ngợi trẻ.
+ Cho trẻ tự giải quyết tình huống:
Thay vì yêu cầu trẻ phải chia sẻ, chúng ta nên đưa trẻ vào tình huống giải quyết vấn đề. VD: “Bạn con cũng muốn ngồi xích đu ngay bây giờ. Chúng ta nên làm thế nào? Con có ý kiến gì không? Có thể bé sẽ sẵn sàng nhường chỗ hoặc cùng chơi chẳng hạn. Như vậy rèn trẻ thói quen lắng nghe và chia sẻ là những nguyên tắc giao tiếp cơ bản giúp trẻ bắt đầu một cuộc giao tiếp thực sự và gầy dựng mối quan hệ tốt. Trẻ giao tiếp tốt chắc chắc sẽ thành công trong tương lai.
2.6. Thói quen 6: Hòa đồng và hợp tác
a, Rèn trẻ thói quen hòa đồng với tập thể:
Ví dụ: để trẻ hợp tác trong việc mỗi sáng đến lớp tập thể dục, hoặc tham gia trả lời câu hỏi trong các buổi học, các buổi dự giờ. Cần tạo sự hứng thú và vui vẻ trong các tiết học, phải khơi gợi niềm đam mê trong trẻ. Có như vậy trẻ mới hào hứng và tự nguyện tham gia. Càng ép trẻ sẽ càng thu mình lại
2.7. Thói quen 7: Rèn luyện bản thân.
– Rèn luyện bản thân có phạm trù rất bao quát nhưng trong bài tiểu luận này chúng ta chỉ bàn về bốn lĩnh vực cơ bản của đời sống: rèn luyện thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội.
Rèn luyện chăm sóc bản thân mình trước bằng cách:
+ Tập cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập đầy đủ và đúng giờ.
+ Dạy bé biết cân bằng thời gian giữa việc học, việc chơi, giữa gia đình và bạn bè… Từ đó, bé luôn nỗ lực làm mới bản thân bằng cách không ngừng học hỏi cái hay, cái mới.
+ Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao, ai muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao. Nó nói lên tầm quan trọng của việc rèn luyện bản thân, trong đó có rèn luyện thể dục thể thao.
+ Rèn luyện sức khỏe là rèn luyện cho cơ thể ba phẩm chất : sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh. Sức chịu đựng có được từ bài tập tay chân, làm tang hiệu quả hoạt động của tim mạch; sự dẻo dai có được nhờ tập luyện co giãn; sức mạnh có được nhờ tập luyện sức bền của cơ bắp.
+ Trẻ con luôn thích nghe và làm theo những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy. Vì vậy, thường xuyên cùng trẻ chạy bộ, Đưa trẻ ra công viên, tập cho trẻ chạy xe, cùng chơi với trẻ các trò chơi vận động, giúp trẻ hiểu rõ lợi ích của việc rèn luyện thân thể và tham gia một cách vui vẻ chính là tạo động lực cho trẻ rèn luyện bản thân
+ Ngoài việc rèn cho trẻ thói quen luyện tập thể dục thể thao, còn rèn cho trẻ về đạo đức, giúp trẻ biết lễ phép, vâng lời
Ví dụ: Cha mẹ phải dạy cho trẻ hiểu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, trẻ biết kính trên nhường dưới. Làm được điều đó Cha mẹ luôn phải là tấm gương cho trẻ soi bằng cách cha mẹ luôn biết chào hỏi ông bà, người lớn tuổi, biết kính trọng ông bà… thói quen đó sẽ tự động khắc sâu vào tiềm thức, trẻ sẽ tự động làm theo
+ Rèn trẻ thói quen coi gia đình là cốt lõi, trẻ có lòng biết ơn; có thói quen ham đọc sách. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc vĩ nhân, những người thành công trên thế giới đều là những người luôn hướng về gia đình, về nguồn cội mà còn vì họ luôn biết ơn và trân trọng những người đã đồng hành trên con đường thành công của họ. Đặc biệt họ không thể thiếu niềm đam mê đọc sách.
Rèn trẻ từ nhỏ những thói quen trên chính là xây từng nấc thang cho trẻ thành công sau này. Cha mẹ hãy là người đầu tiên nói tiếng cám ơn trẻ, cám ơn Ông bà, thường xuyên đưa trẻ về thăm ông bà, tổ tiên, khơi gợi tình yêu thương, niềm tự hào của con về cội nguồn, dân tộc. Thường xuyên đưa con đi nhà sách và chọn cho con những quyển sách phù hợp, tham gia ngày hội sách của trẻ thơ; đưa con đi thăm các di tích lịch sử…..là những cách giáo dục hiệu quả cho trẻ tự rèn luyện bản thân.
– Trong tất cả các thói quen cần rèn luyện để trẻ thành công trong tương lai, nếu ba thói quen đầu tiên giúp trẻ độc lập, không phụ thuộc vào người khác thì thói quen thứ 7 có ý nghĩa bao trùm tất cả, nó giúp bé có khả năng hòa đồng với xung quanh và thành công trong môi trường tập thể. Tuy nhiên, việc rèn luyện bản thân không hề dễ dàng, Chúng ta thường không muốn thay đổi và muốn an phận, con người bản năng luôn thúc giục chúng ta làm những việc ngược lại với mong muốn của con người lý trí. Chúng ta thường cảm thấy mệt khi thấy có nhiều thứ phải làm, phải thay đổi. “Một nghìn nhát búa bổ vào cành lá không bằng một nhát vào gốc rễ”, vì thế hãy thay đổi những cái căn bản nhất cho trẻ, đừng bắt trẻ phải thay đổi mọi thứ. Đôi khi trẻ không có động lực hay cảm hứng để rèn bản thân, đặc biệt nếu cha mẹ thường xuyên chê bai con. Nếu bạn muốn con trở thành người như thế nào, hãy cư xử với con như thể con đã là người đó. Việc dán nhãn cho con là hư hỏng, không ngoan, con không biết làm gì, con vô tích sự…. đặc biệt tối kỵ, khiến trẻ sẽ không còn động lực phấn đấu. Cha mẹ chỉ nên khen chê nỗ lực và hành động của con, chứ không khen chê con người con.
+ Cố gắng nhưng không thấy kết quả cũng là lý do khiến việc rèn luyện bản thân khó khăn. Khi chán, hãy dừng lại, suy nghĩ lựa chọn giải pháp phù hợp.
Ví dụ: Đưa trẻ ra công viên chạy bộ, vận động, tập cho trẻ đi xe đạp… nhưng ngày này qua ngày khác trẻ không có hứng thú. Có thể vì chúng ta không có phương pháp, bắt trẻ dậy từ 3-4h sáng chạy cùng chúng ta? Trẻ không có sức khỏe, không có niềm vui thì không có động lực thực hiện. Cần hiểu tâm lý trẻ thích gì và khuyến khích trẻ, làm bạn với trẻ trong việc cha mẹ và con cái cùng có một thời gian biểu tập thể dục, cùng đọc sách, cùng thảo luận về cuốn sách trẻ yêu thích. Lâu dần trẻ sẽ có niềm hứng thú và đam mê với thể thao, với sách.
2.8. Thói quen 8: Tìm ra tiếng nói của bản thân và giúp người khác tìm ra tiếng nói của bản thân họ.
a, Rèn cho trẻ thói quen tìm ra tiếng nói của bản thân
– Mọi đứa trẻ từ khi chào đời luôn mang trong mình một tiềm năng rất lớn, thậm chí vô hạn. Nếu chúng ta tìm ra và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân trẻ thì chúng ta càng giúp trẻ có thêm khả năng và năng lực mới. Điều đáng tiếc là 99% đứa trẻ đó đều quên mất tài năng của bản thân một cách nhanh chóng khi chúng trưởng thành.
+ Có người dù đã trưởng thành nhưng khi được hỏi có ước mơ hay niềm đam mê, nhiệt huyết nào không? Thì có người vẫn trả lời không biết. Vậy họ đang sống hay đang tồn tại?
– Tìm ra tiếng nói của bản thân chính là trẻ chịu trách nhiệm về cuộc đời của bản thân trẻ, trẻ tự lên mục tiêu và xây dựng kế hoạch cho cuộc đời mình.
+ Xây dựng tư duy tích cực & thổi bùng đam mê, nhiệt huyết.
+ Phá vỡ niềm tin tiêu cực, bỏ thói quen đổ lỗi & không chịu trách nhiệm với những việc mình làm
+ Thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân & định hướng tương lai.
+ Tìm ra tiếng nói bản thân và khích lệ người khác tìm ra tiếng nói của họ.
Trẻ cũng vậy, nếu không được rèn luyện và giáo dục từ bé, không được khơi gợi niềm đam mê từ bé, trẻ sẽ không có hoài bão hay ước mơ. Không có nhiệt huyết trong công việc và cuộc sống. Trẻ sống ngày này qua ngày khác không có mục đích. Nếu biết nhìn ra mặt mạnh và mặt yếu của bản thân, trẻ sẽ tự định hướng và vạch ra cho mình một con đường, một mục tiêu
b, Gợi hứng cho người khác tìm ra tiếng nói của họ
– Không phải ngẫu nhiên Obama trở thành một nhà hùng biện và là một chính khách nổi tiếng. Bởi Ông khi đã tìm ra tiếng nói của mình, Ông bắt đầu truyền cảm hứng cho người khác để họ cũng tìm ra tiếng nói của chính họ, gợi cho người khác tự giác ý thức, tìm ra bản thân và tiếng nói của họ
+ Để làm được điều đó, trẻ cần có thói quen lắng nghe bằng sự chân thành, biết dũng cảm chia sẻ, biết tạo các mối quan hệ bằng các tài khoản tình cảm và tài khoản tin cậy một cách lịch sự, tử tế, thành thật và trung thực.
+ Cần dạy trẻ phải biết chọn người để chia sẻ, phải hiểu người khác, phải biết bản thân người kia thế nào thì trẻ mới có thể quyết định gởi gắm điều gì nơi họ. Phải chạm được tới những mối quan tâm và nhu cầu thâm sâu của người ấy thì mới khơi gợi cho họ bộc lộ tiếng nói của mình
+ Giúp người khác tìm ra tiếng nói của họ thì chính bản thân người đó phải là người có sự tin cậy, biết giữ lời hứa. Đây là một tài khoản tình cảm quan trọng nhất vì không có gì dễ làm người khác xa lánh hơn là khi ta hứa mà không giữ lời. Mất niềm tin thường sẽ mất tất cả. Trẻ con cũng vậy, chúng rất nhớ dai và thường kỳ vọng rất nhiều vào lời hứa của cha mẹ. Đừng hứa suông hay hứa quá nhiều. Cha mẹ phải biết đắn đo những điều kiện mà mình có thể đáp ứng được khi hứa với trẻ. Nếu chúng ta trồng cây niềm tin càng lớn, khi con chúng ta muốn làm một việc mà chúng ta thấy trước hậu quả, chỉ cần một câu nói, trẻ sẽ tự động không làm nữa vì chúng đã xác lập một tài khoản niềm tin.
+ Giữ lời hứa với trẻ và dạy trẻ cách giữ lời hứa, chịu trách nhiệm với lời hứa của mình. Biết xin lỗi và sửa sai là một trong những thói quen quan trọng cho trẻ thành đạt trong tương lai.
+ Giúp trẻ nhận ra bản thân mình có những mặt mạnh, mặt yếu nào, trẻ hiểu người khác có điểm mạnh, điểm yếu nào. Để trẻ tự hoàn thiện mình và tự tin chính là một trong những thói quen cần rèn luyện càng sớm càng tốt.
Bởi “Để thành đạt, bạn cần rèn luyện và thực hành thường xuyên 7 Thói quen, nhưng để đạt được sự xuất sắc, bạn không thể bỏ qua Thói quen thứ 8”.
Tóm lại, Thói quen: Chủ động hành động; biết lập kế hoạch, mục tiêu; ưu tiên cho điều quan trọng nhất; thói quen tư duy cùng thắng; thói quen lắng nghe để được thấu hiểu; đồng tâm hiệp lực; không ngừng rèn giũa bản thân; lắng nghe tiếng nói của bản thân và khơi gợi người khác tìm ra tiếng nói của họ chính là 8 thói quen có thể rèn luyện. Thời gian để hình thành một thói quen mới đối với trẻ 03-07 tuổi chỉ mất khoảng 10-21 ngày. Nhưng với người trưởng thành 45 tuổi trở lên, phải mất 12 tháng đến 03 năm hoặc không thể. Thành công không bao giờ tự đến mà ta phải rèn luyện và trải nghiệm thử thách. Vì vậy rèn được tám thói quen nêu trên cho trẻ càng sớm càng tốt chính là chúng ta đã cho trẻ một chìa khóa mở sẵn cánh cửa để thành công.
Người viết: Lê Thị Bích Chi
Hướng dẫn: TS Nguyễn Văn Hùng
[ad_2]
Source link