[ad_1]
I.TRẺ BIẾT NÓI DỐI TỪ KHI 2 TUỔI
Chẳng những bắt đầu nói dối rất sớm, trẻ còn biết “trau dồi” kỹ năng này liên tục ngay từ trước thời đi mẫu giáo, để cho lời nói dối của mình ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.
Nói dối để… hòa nhập xã hội
Theo nghiên cứu của Giáo sư Victoria Talwar thuộc Đại học McGill (Mỹ) và đồng nghiệp, trẻ bắt đầu biết nói dối từ khi 2 tuổi. Những lời nói dối đầu tiên của chúng là phủ định việc làm sai của bản thân. Đến khi 3 tuổi, trẻ có thể thốt ra những lời nói dối vô hại, chỉ để giữ phép lịch sự hoặc để mang lại lợi ích cho người khác.
Chẳng hạn, đến 3 tuổi trẻ biết rằng khi tặng một món quà sinh nhật bất ngờ cho mẹ, trẻ không được nói gì với mẹ hay khi được tặng quà, trẻ nên nói lời cảm ơn dù món quà không hề khiến trẻ thích thú.
Giáo sư Michael Lewis thuộc Đại học Y Rutgers Robert Wood Johnson (Mỹ) – nhà tâm lý và giáo dục học nổi tiếng – cũng đồng tình với kết quả
nghiên cứu trên: “Trẻ em bắt đầu nói dối khi còn là những đứa trẻ 2 tuổi rưỡi tới 3 tuổi”.
Dần dần, khi nhận thức và quan hệ xã hội được mở rộng, trẻ học được cách nói dối nhiều hơn. Giáo sư Lewis đã chia ra 4 loại nói dối ở trẻ: Nói dối để bảo vệ cảm xúc của người khác, nói dối để bảo vệ bản thân, nói dối bản thân và nói dối để làm người khác đau lòng. Trong đó, chỉ có nói dối để làm tổn thương người khác mới được coi là hành vi xấu.
Để nói dối, trẻ hiểu được rằng mỗi người đều có niềm tin, suy nghĩ riêng của mình và không hề giống của trẻ, thậm chí đó còn là những niềm tin vào điều sai trái. Đây là một kỹ năng được trẻ rèn luyện trong suốt những năm trước khi đi học và ở lớp mẫu giáo. Khi trẻ có khả năng biết người đối diện với mình đang nghĩ và cảm nhận thế nào, trẻ cũng sẽ học được rằng khi nào có thể nói dối và làm sao để lời nói dối trở nên đáng tin.
Làm cho lời nói dối trở nên đáng tin là một nhiệm vụ khá khó khăn với trẻ. Chúng thường dễ bị “lật tẩy” nếu bị hỏi thêm một vài câu. Một nghiên cứu do Victoria Talwar và cộng sự Kang Lee tiến hành trên các bé từ 3-7 tuổi đã chỉ ra rằng, 74% số trẻ nói dối bị phát hiện khi trả lời 1 câu hỏi tiếp theo. Đến khi trẻ lớn hơn, chúng dường như hiểu rằng cần phải khớp nối câu trả lời cho những câu hỏi tiếp theo lời nói dối của bản thân. Khoảng 80% số trẻ độ tuổi 3-4 dễ để mình bị lật tẩy, trong khi tỷ lệ này là khoảng 70% với trẻ lên 5 và 50% với các em bé ở độ tuổi 6-7.
Trẻ học nói dối từ đâu?
Câu trả lời là trẻ học nói dối từ cha mẹ, thầy cô – những người luôn kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích hoặc những lời dọa dẫm kiểu “con không ăn thì ông ba bị đến bắt”. Cũng có thể trẻ học được từ cách người lớn cư xử với chúng.
Các nhà tâm lý học thuộc Đại học California, Sandiego (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 186 em nhỏ trong độ tuổi từ 3-7. Khi bọn trẻ vừa tới, chúng được mời chào bằng câu nói dối: “Phòng bên cạnh có một bát đựng kẹo rất to. Các cháu có muốn sang lấy vài chiếc không?”. Tuy nhiên, khi sang phòng bên, tụi trẻ không thấy chiếc bát đựng kẹo nào và được giải thích đây chỉ là một lời nói dối để chúng đi vào phòng.
Ở thí nghiệm thứ hai, bọn trẻ được cho biết là có một trò chơi thú vị đang đợi chúng ở phòng kế bên. Chúng phải quay lưng lại với các nhà nghiên cứu và đoán xem đồ chơi nào đi với loại âm thanh nào. Sau một vài lượt chơi, chúng được nghe một đoạn trong bản nhạc “Thư gửi Elise”. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ bỏ ra ngoài, để lũ trẻ có cơ hội nhìn ngắm đồ chơi bí mật.
Qua camera, các nhà nghiên cứu nhận thấy, hầu hết bọn trẻ đều liếc qua món đồ chơi bí ẩn, tuy nhiên những em bé bị lừa trong thí nghiệm trước tỏ ra dễ gian lận hơn. Những em liếc trộm vào đồ chơi có độ tuổi từ 5-7 và bị lừa trong thí nghiệm trước có xu hướng nói dối bản thân và phủ nhận việc mình nhìn trộm nhiều hơn (khoảng 90%) những em không bị lừa (khoảng 60%).
Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được một cách rõ ràng vì sao việc nói dối trẻ khiến chúng dễ nói dối hơn. Có thể lũ trẻ bắt chước cách mà chúng được/bị đối xử hoặc do lũ trẻ mất niềm tin vào người đã nói dối chúng ngay lập tức.
Trẻ nói dối cũng có lợi
“Đến giai đoạn có hiểu biết về xúc cảm, trẻ em sẽ… nói dối” – Giáo sư Lewis cho hay. Ông còn chỉ ra rằng thậm chí những đứa trẻ hay nói dối có chỉ số IQ cao hơn 10 điểm so với những trẻ luôn luôn nói thật.
Việc không biết khi nào nên nói dối và làm sao để nói dối một cách thuyết phục có thể khiến những đứa trẻ gặp vấn đề khi lớn lên. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người lớn có kỹ năng xã hội kém là người không biết nói dối một cách thuyết phục. Tuy nhiên, việc thường xuyên nói dối lại là dấu hiệu cho thấy trẻ không phát triển về mặt xã hội và nhận thức bằng chúng bạn. Những em hay nói dối thường tỏ ra hiếu chiến, nguy hiểm, có thể trở thành tội phạm hoặc có các hành vi mang tính gây rối.
“Mong chờ một em bé thật thà trong mọi tình huống là điều không thực tế, bởi nói dối là một phần trong cách chúng ta ứng xử với những người xung quanh. Nói dối là hành động luôn diễn ra ở thế giới người lớn và lũ trẻ đã có khái niệm về những gì đang diễn ra ở thế giới người lớn. Chúng c/hỉ đang học những quy luật này mà thôi” – Giáo sư Lewis kết luận.
1. Trẻ chập chững biết đi: Lời nói dối đầu tiên
Một ví dụ đơn giản về tính trung thực ở trẻ mới biết đi. Nếu bạn hỏi 2 cậu bé sinh đôi xem tã của ai đã bị bẩn để thay, chắc chắn họ sẽ cùng lúc nói tên người kia. Đó là một câu nói dối nhằm “thoát” khỏi công việc thay tã đáng ghét này.
Những câu nói dối đầu tiên như thế này là cách mà rất nhiều trẻ tập đi đã thử. Trẻ lên 3, hoặc thậm chí 2, sẽ tự nghĩ ra các câu nói dối vô cùng đơn giản, phủ nhận việc chúng đã làm để có được một điều gì đó cho mình.
Hoàn toàn vô nghĩa nếu bố mẹ định phạt con mình vì tội bẻ cong sự thật, vì trẻ thật sự không nhận thức được rằng mình đã làm gì sai. “Nếu một đứa trẻ 2 tuổi kéo đuôi một con mèo và nói rằng một người bạn nào đó đã làm gì đó, cách tốt nhất bạn nên nói là: Con mèo cũng biết ai trêu chọc nó đấy nhé”. Bạn không nên sa đà và cuộc tranh cãi bắt con mình phải thừa nhận rằng nó là người khiến con mèo gào lên và chạy mất. Một “chiến lược” mà các bậc phụ huynh nên thử là tránh đi thẳng vào việc chỉ ra lỗi lầm. Thay vì hỏi “Con làm vỡ cái bình của mẹ đúng không?”, hãy nói “Ôi, cái bình đã bị vỡ này”. Vì nếu bạn buộc tội con, bạn sẽ ngay lập tức nhận được một câu nói dối.
2. Trẻ mẫu giáo: Người thì nhỏ, chuyện thì vĩ đại
Đây là thời đại của những người bạn vô hình, của quái vật có sừng, và chiếc cầu vồng biết nói chuyện. Một cô bé gái 4 tuổi có thể tưởng tượng mình có đến 5 chị em gái khác, mỗi người có một cái tên riêng, ngày sinh nhật riêng và sở thích riêng. Các chị em gái làm những việc mà cô bé không thể làm, ví dụ như mặc váy hồng cả tuần và họ không phải ăn cá.
Những câu chuyện tưởng tượng của trẻ mẫu giáo có thể hồn nhiên, hoặc có thể có gửi gắm chút mong muốn (như việc cô chị gái mặc váy hồng ở trên), và cũng không có gì bất thường nếu bọn trẻ nhấn mạnh rằng thế giới đó là có thật. Đó không thật sự là nói dối. Khi một đứa trẻ nói “bạn ý là có thật”, nó chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của người bạn tưởng tượng của mình.
Nếu một câu chuyện của trẻ làm phiền bạn, bạn vẫn nên nhìn nhận câu chuyện theo đúng ý nghĩa của nó. Nếu con bạn cảm thấy hạnh phúc và vẫn có mối quan hệ tốt với những người thân thiết quanh con thì không cần phải lo lắng nhiều về trí tưởng tượng của con. Đó chỉ là những thứ mà trẻ con làm trước khi thế giới có tivi. Những điều có vẻ xa lạ với người lớn thực ra lại được trẻ em xử lý rất đơn giản. Nếu một ngày con bé phát hiện ra rằng con người cũng có thể chết thì các chị em gái tưởng tượng kia cũng sẽ đột nhiên qua đời, lần lượt từng người một.
3. Trẻ từ 5 – 8: Nói dối đã có lý do
Một bà mẹ có con gái 8 tuổi và con trai 6 tuổi kể lại. Khi cô phát hiện ra một chiếc hộp bị vỡ, cả hai đứa trẻ đều từ chối không nhận lỗi do mình ngay cả khi cô mắng và dọa sẽ phạt chúng. Cuối cùng, cậu con trai thừa nhận mình đã làm. Nhưng khi mẹ hỏi chi tiết xem tại sao cậu làm vỡ thì cậu bé bắt đầu hoảng sợ, và cuối cùng nói rằng cậu không làm gì hết mà chỉ muốn mẹ ngừng mắng mỏ. Sau đó, cô gái 8 tuổi, thủ phạm của vụ việc, òa lên khóc nức nở.
Việc nói dối của cậu bé 6 tuổi cho thấy một bước phát triển quan trọng của trẻ: “nói dối tế nhị”. Đây là cách nói dối nhằm mang lại lợi ích cho người khác hoặc để tránh làm tổn thương cảm xúc của ai đó. Lời nói dối này cho thấy trẻ đã bắt đầu có nhận thức về xã hội và trở nên nhạy cảm hơn.
Tuy nhiên, giống như cô bé 8 tuổi khăng khăng từ chối nhận sai lúc đầu, trẻ từ 5 – 8 tuổi vẫn xuất hiện các lời nói dối “không tế nhị”. Chúng nói dối vì không muốn bố mẹ thất vọng, vì không muốn bị phạt, hoặc vì chúng đang bị ép làm điều gì đó ngoài khả năng của chúng. Ví dụ một cậu bé đang gặp rắc rối với môn toán, cậu có thể luôn nói rằng mình không có bài tập về nhà. Vì vậy, trước khi tìm ra một biện pháp phạt con, hãy thử tìm hiểu xem điều gì đã khiến con nói dối và xem xét lí do này để hiểu con mình hơn.
4. Trẻ từ 8 – 12: Phát triển nhanh
Tại tuổi lên 9, bọn trẻ đã bắt đầu phát triển ý niệm về sự thật và giả dối nhưng chúng vẫn ngây thơ về vùng xám ở giữa hai khái niệm này. Chúng cũng bắt đầu có khả năng che đậy các chi tiết về cuộc sống riêng của mình. Đừng ngạc nhiên nếu cô bé của bạn không còn kể với mẹ tất cả mọi thứ như một năm trước đây. Điều này không phải sự thiếu trung thực hay cô bé đang cố gắng giấu diếm những việc làm sai trái. Trên thực tế, nó phản ánh sự trưởng thành ngày càng tăng lên của cô. Những đứa trẻ 13, 14 tuổi vẫn kể tất cả mọi thứ với bố mẹ của mình chứng tỏ rằng, chúng vẫn chưa thực sự trưởng thành so với độ tuổi.
Khi con bạn giành được nhiều “độc lập” hơn, chúng sẽ tận dụng điều này bằng cách kéo dài thời gian. Một cậu bé 9 tuổi bảo mẹ đừng tiếp tục kiểm tra bài tập hàng ngày của mình nữa. Khi bà mẹ đồng ý để con tự chịu trách nhiệm và trong vòng đúng một tháng, cô không hề đòi hỏi con trai phải đưa vở bài tập cho mình xem còn cậu bé luôn cam kết rằng ngày nào cậu cũng hoàn thành đầy đủ tất cả bài. Thế nhưng đến tháng sau, cô sốc khi nhận ra rằng, vở bài tập của con hầu như để trống. Cậu bé đã nói dối mẹ suốt một tháng!
Thỉnh thoảng nói dối về bài tập về nhà hay đánh răng là việc thường gặp ở lứa tuổi này. Các phản ứng tốt nhất là biểu lộ sự không hài lòng của bạn một cách đơn giản. Nhưng nếu con bạn nói dối liên tục, cậu bé có thể cần sự trợ giúp. Các chuyên gia tâm lí trẻ em nói rằng, khi một đứa trẻ ở độ tuổi này đang lo lắng điều gì hoặc đang không biết cách xử lí một vấn đề nào đó, chúng có thể sẽ nói dối. Đó cũng có thể là dấu hiệu của một sự căng thẳng mà đứa trẻ đang phải gánh chịu hoặc một dấu hiệu của một đứa bé thông minh luôn tìm ra một chiến thuật tốt nhất.
Để giúp con mình hướng đến tính thành thực, bố mẹ cần là một tấm gương tốt về sự trung thực. Bạn có thể nói chuyện với con về việc nói dối có thể làm hỏng uy tín và các mối quan hệ của bạn như thế nào. Đó là một bài học mà bọn trẻ không dễ gì mà quên đi ngay lập tức, góp phần nuôi nấng con bạn trưởng thành một con người thành thật.
Bạn đã bao giờ nghe con mình, cháu mình nói dối chưa? Cảm giác của bạn khi nghe những lời nói dối của trẻ là gì? Có thể bạn sẽ rất bực bội và muốn xử lý trẻ ngay. Hoặc cũng có những người lớn sẽ dễ dàng bỏ qua ngay vì cho rằng trẻ con mà, nói cho vui thôi chứ nó có hiểu gì đâu.
Những đứa trẻ học cách nói dối từ chính người lớn chúng ta. Những lời nói dối của trẻ tưởng chừng vô hại nhưng nếu không có sự can thiệp hợp lý kịp thời có thể dẫn đến sự lệch lạc về tính cách, nhân cách sau này của trẻ. Trẻ càng nhỏ các bạn càng dễ can thiệp và điều chỉnh những hành vi của trẻ cho phù hợp, nếu để kéo dàimọi sự kiểm soát đôi khi nằm ngoài tầm tay của chính chúng ta. Lúc đấy mọi việc không còn nằm ở nói dối mà sẽ là sự lừa gạt, trộm cắp….
Có phải lời nói dối nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực hay không? Và làm thế nào để những đứa trẻ của bạn trở thành người trung thực, để chúng không còn nói dối? Mầm Nhỏ xin gửi tới các bố mẹ một bài viết rất tâm huyết của chị Đinh Thị Thu Hằng – nghiên cứu sinh giáo dục mầm non tại Nhật Bản và là cộng tác viên của Mầm Nhỏ.
TRẺ HỌC NÓI DỐI TỪ AI?
Đôi khi chúng ta sử dụng những lời nói dối để uốn nắn những sự thật nhằm giữ sự cân đối cho các mối quan hệ xã hội. Nhân cách của trẻ dần được hình thành trong quá trình chúng lớn lên trong xã hội. Chúng quan sát những gì những người xung quanh chúng làm, những gì chúng được hỗ trợ để tồn tại trong thế giới. Thực tế là NHỮNG ĐỨA TRẺ HỌC CÁCH NÓI DỐI TỪ CHÍNH NGƯỜI LỚN CHÚNG TA. Có những lời nói dối mang ý nghĩa tiêu cực và cũng có những lời nói dối vô hại. Trẻ không thể tự mình PHÂN BIỆT HAI KIỂU NÓI DỐI NÀY RÕ RÀNG cũng như ý nghĩa, hậu quả của chúng; vì vậy chúng ta sẽ là người định hướng để sự trung thực của trẻ ngày càng phát triển, những hành vi nói dối tiêu cực không còn xuất hiện.
KHI NÀO PHẢI LƯU TÂM ĐẾN NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA TRẺ?
– Những đứa trẻ nói dối để lấy đồ của người khác và không hề tỏ ra hối lỗi.
– Những đứa trẻ nói dối và không có nhiều bạn, không muốn chơi với các bạn trong nhóm có thể có lòng tự trọng thấp và trở nên chán nản, phiền muộn.
– Những đứa trẻ nói dối và có những vấn đề về hành vi ngay tại thời điểm nói dối đấy, ví dụ như ném hay để những đồ vật vào lửa, có vấn đề về giấc ngủ, có những hành động ác ý với các con vật hoặc rất hiếu động, đây là những hành vi có thể có những vấn đề về tâm lý.
LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN TRẺ ĐANG NÓI DỐI?
Vì sao bạn phát hiện ra hành vi nói dối của trẻ: rất đơn giản vì những biểu hiện của trẻ không thể nào qua mắt được người lớn chúng ta, từ ánh mắt đến điệu bộ. Sự lưỡng lự trong cách diễn đạt của trẻ thường hay nói lên rằng chúng đang giấu sự thật nào đó, những đứa trẻ không có khả năng diễn tả những suy nghĩ của chúng thông qua những từ ngữ hiệu quả. Một phần do sự phát triển ngôn ngữ của trẻ còn non nớt cùng với sự mâu thuẫn trong tư tưởng, và một phần do những nỗi sợ.
VÌ SAO TRẺ NÓI DỐI?
Theo nghiên cứu của học viện tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên, người ta đã chỉ ra rằng việc nói dối của người lớn và trẻ em đều xuất phát từ những nguyên nhân như:
+ Để thoát khỏi những rắc rối
+ Vì những cạnh tranh cá nhân
+ Để bảo vệ ai đấy
+ Để tỏ ra lịch thiệp trong giao tiếp hơn (ví dụ bạn đến nhà ai đấy, người ta mời bạn ăn cơm, mặc dù bạn chưa ăn nhưng khi được hỏi bạn vẫn nói là mình ăn rồi)
+ DO SỰ NGHIÊM KHẮC CỦA BỐ MẸ: Nỗi sợ chính là nguyên nhân thúc đẩy cho hành vi nói dối của trẻ. Những đứa trẻ sợ làm trái ý, làm bố mẹ và thầy cô bực mình, chúng sợ những hình phạt và sự thiếu thiện ý, không có đặc ân. Trẻ có khi bị phạt cho dù chúng phạm những lỗi nhỏ. Vì vậy nỗi sợ gần như là nguyên nhân chính thúc đẩy sự nói dối của trẻ.
+ Làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn
+ Làm bản thân trở nên tuyệt vời hơn để thu hút sự chú ý, ngưỡng mộ của người khác, thậm chí ngay cả khi chúng biết rằng bạn biết sự thật.
+ KHI BỐ MẸ ĐẶT KÌ VỌNG Ở TRẺ QUÁ CAO. Ví dụ: Trẻ có thể nói dối về điểm số, trình độ của chúng nếu bố mẹ luôn cho rằng chúng luôn là học sinh tốt ở trường hơn khả năng thực tế của chúng
+ Thường hay chịu những hình thức kỷ luật không nhất quán
+ Không nhận được sự khen ngợi, khích lệ và những phần thưởng
+ Gặp áp lực từ những người bạn, và trẻ buộc phải nói dối để làm hài lòng hoặc tuân thủ nội quy của nhóm. Trẻ có thể nói dối để lấy lòng bạn, để bạn chơi với mình
Vậy làm thế nào để xử lí khi trẻ nói dối, tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ nói dối và khuyến khích trẻ nói ra sự thực, trung thực mà không phá vỡ sự sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ.
Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ đừng vội mắng chửi con ngay.
Nói dối hẳn nhiên không phải là vấn đề nhỏ. Nói dối tạm chia thành ba loại:
1. Thông tin nói dối có nhiều điểm có lợi cho người nói.
2. Nói giảm nói tránh để người nghe đỡ bị tổn thương.
3. Sử dụng thông tin sai để bao biện cho lỗi lầm của chính mình.
Nhiều khi trẻ nói dối nhưng hoàn toàn không nhận thức được mình đang nói dối. Lý do bao gồm:
– Trẻ thường tự xây dựng cho mình một thế giới tưởng tượng. Trong thế giới đó, đôi khi trẻ là công chúa, nàng tiên hoặc siêu nhân. Vì thế, nhiều khi con thốt ra một câu nói dối rất tự nhiên vì lúc đó con đang ở trong thế giới tưởng tượng của mình chứ không phải ngoài đời thực.
– Khi bị cha mẹ chất vấn về tội lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện cho chính mình. Đây chính là hành động tự vệ.
– Con nghe bố mẹ, người xung quanh nói dối và con học theo. Trẻ nhỏ bắt chước rất nhiều nên việc học theo người lớn mà nói dối cũng không phải chuyện hiếm.
Vì thế, để tránh tình trạng con nói dối, cha mẹ cần:
Tránh tuyệt đối việc nói dối. Nếu có trường hợp cần nói giảm nói tránh, cha mẹ nên nói khi không có mặt con ở đó. Tốt nhất là hạn chế tối đa mọi việc phát ngôn những thông tin không đúng sự thật.
Khi cần nói giảm nói tránh, tốt nhất cha mẹ chuyển hướng sang cách trả lời: “Tôi rất tiếc là không thể cho bạn biết thông tin”, “Xin phép bạn cho tôi giữ điều này cho riêng mình”, “Thông tin đó tôi không muốn chia sẻ”… Khi đó trẻ sẽ hiểu, nếu buộc phải nói dối, tốt nhất tuyên bố thẳng là sẽ không phát ngôn. Như vậy lời nói của chúng ta là thật chứ không hề dối chút nào.
Tuyệt đối tránh mắng con ầm ĩ, chất vấn con những câu như: “Tại sao con lại làm như thế?” Nếu con đã làm điều gì đó không ổn, cha mẹ nên nói luôn vào hậu quả và theo quy định trước để xử phạt. Cha mẹ không chất vấn con thì con sẽ tránh được việc phải bao biện cho hành động của mình và con sẽ không phải nói ra những câu nói không có thật.
Vậy nếu con đã nói dối, cha mẹ cần cư xử ra sao?
Trước tiên, cha mẹ hãy ngừng cuộc nói chuyện lại, uống nước và suy tính kĩ rồi hãy phản ứng. Việc chúng ta lập tức quát mắng con, chất vấn con sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi chúng ta thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất.
Ngoài ra, cha mẹ nên công bố ngay lập tức cho con thông tin chính xác để con biết rằng con không thể lừa dối cha mẹ được. Bất kể sự thật nào của con thì cha mẹ cũng biết cả.
Khi con nói dối, cha mẹ không nên xử phạt này nọ. Thay vì quát mắng, cha mẹ hãy tỏ ý buồn, bị tổn thương, con sẽ cảm nhận được điều đó và con sẽ tự thấy ân hận vì đã làm cho bố mẹ buồn. Một câu nói: “Con nói dối làm bố rất buồn” sẽ có tác dụng tốt hơn hẳn là câu quát “Tại sao con lại nói dối như vậy”.
Tóm lại, cha mẹ đừng trầm trọng hóa vấn đề. Thế giới có 9 tỉ người thì có 9 tỉ người nói dối. Quan trọng là cha mẹ cần làm sao để giảm bớt tình trạng con nói dối đi, để không tạo thành tính cách xấu mà thôi.
Tham khảo tài liệu: Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ:
https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong/
[ad_2]
Source link