Kỹ năng lãnh đạo quản lý

T

LỜI NÓI ĐẦU

 

rong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, công nghệ, thị trường cũng thay đổi và thị hiếu của con người cũng thay đổi từng phút từng giây. Mỗi sự thay đổi đều mang lại một hoặc nhiều cơ hội và sự thay đổi

diễn ra càng nhanh mang lại cơ hội gấp rút. Chính vì vậy, con người trong các tổ chức đang cảm nhận tác động của những điều như thế, họ buộc phải thích ứng với những cách thức làm việc mới. Các nhà lãnh đạo quản lý đang đối mặt với thách thức quan trọng là giữ cho con người vững vàng, tập trung và động viên họ hướng tới hoàn thành các mục tiêu một cách tích cực. Nói cách ngắn gọn, trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải là những chuyên gia, vững về chuyên môn có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Nhằm giúp người lãnh đạo, quản lý bắt nhịp với dòng chảy của cuộc cách mạng này, một số vấn đề cần lưu ý sau:

Một là, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong việc đổi mới cơ chế, chính sách; áp dụng mô hình doanh nghiệp 4.0 với người lãnh đạo kiệt xuất, doanh nghiệp tự chủ, nhân viên sáng tạo. Liên kết, hợp tác quốc tế trong sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động hợp tác đa phương, song phương như nghiên cứu khoa học, trao đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Hai là, người lãnh đạo, quản lý cần tập trung mọi nỗ lực tạo nên những chuyển biến tích cực trong doanh nghiệp thông qua việc đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Trong môi trường 4.0, chính là sự lên ngôi của công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, trạng thái số hóa và thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin, cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất.

Ba là, đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, người lãnh đạo, quản lý nên: (i) Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kỹ sư sáng tạo, biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm; đầu tư đặc biệt cho những ý tưởng đột phá. (ii) Lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như đánh giá hiệu quả công

 

iv                                                                                            Kỹ năng lãnh đạo quản lý «««««

 

việc và định mức thu nhập của các nhà khoa học, kĩ sư sáng chế…để không ngừng đam mê nghiên cứu và sáng tạo.

Như vậy, trong cuộc CMCN 4.0, vai trò của các nhà lãnh đạo, quản lý càng trở nên quan trọng. Các quyết định cần thiết phải được đưa ra nhanh hơn và kịp thời hơn. Người lãnh đạo chính là người mưu tính toàn cục, là người đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết các vấn đề khó khăn. Thực lực của người lãnh đạo xuất phát từ phán đoán chính xác về các thay đổi trong tương lai. Giữa kế hoạch và biến đổi, giữa nghĩ và làm, giữa tri thức và hành động có khoảng cách rất lớn. Thu nhỏ một cách tối đa những khoảng cách này chính là nhiệm vụ lớn lao của người lãnh đạo.

Ngoại trừ quyền lực cứng đủ để điều khiển sự phát triển của doanh nghiệp, người lãnh đạo còn cần phải có khả năng thích ứng. Một người lãnh đạo kiệt xuất là người có thể căn cứ vào quy mô lớn nhỏ và các giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp để sẵn sàng điều chỉnh phương pháp và phong cách lãnh đạo của mình. Giống như Konosuke Matsushita từng nói: “Khi nhân viên của tôi có 100 người, tôi cần phải đứng trước mặt họ để chỉ huy; khi nhân viên của tôi có 1000 người, tôi cần phải đứng ở giữa họ, khẩn cầu nhân viên dốc sức hỗ trợ; khi nhân viên của tôi lên đến hàng chục nghìn người, tôi chỉ cần đứng phía sau họ, trong lòng cảm kích là được”.

Sức ảnh hưởng của lãnh đạo là một dạng của quyền lực mềm. Cái gọi là sức ảnh hưởng chính là năng lực khi một người tiếp xúc với người khác tạo nên tác động thay đổi hành vi và tâm lí của người kia. Sức ảnh hưởng được hiểu là khả năng thuyết phục một ai đó hành động và suy nghĩ theo cách chúng ta muốn. Hơn nữa, sức ảnh hưởng của một người cũng tùy thuộc vào từng đối tượng, hoàn cảnh… mà thay đổi.

Với tư cách là một người lãnh đạo, cần phải nỗ lực học tập, không ngừng tiếp nhận tri thức mới, tăng thêm kĩ năng và năng lực, từ đó có thêm tài phán đoán, tài tổ chức, tài chỉ huy bài binh bố trận, tài sáng tạo theo kịp thời đại và tài ứng biến lãnh đạo và thay đổi khi cần thiết. Người Nhật có một khái niệm là “kaizen”, có nghĩa là cải tiến liên tục – nghĩa là luôn đặt câu hỏi để công việc ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Và bạn sẽ làm tốt hơn bằng cách thay đổi. Nếu bạn dậm chân tại chỗ có nghĩa là bạn đang tạo cơ hội để đối thủ vượt lên trên.

Người lãnh đạo không chỉ là trụ cột mà còn tài sản lớn nhất của doanh nghiệp; không chỉ có năng lực, kĩ năng, mà càng phải có trí lực và trực giác tinh tường để tháo gỡ thông suốt mọi chuyện, đồng thời không ngừng đột phá, mở rộng giới hạn của bản thân. Ngoài ra, nhà lãnh đạo thường xuyên

 

Kỹ năng lãnh đạo quản lý  «««««                                                                                             v

 

phải đối mặt với khủng hoảng và biến động, từ rò rỉ thông tin, đến thiên tai hay đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nền kinh tế tê liệt, gần như chết đứng. Giữa cơn biến động này cần có nhà lãnh đạo vượt qua khủng hoảng và đưa ra những quyết định tốt hơn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, tập thể tác giả do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng làm chủ biên, đã nghiên cứu biên soạn tập sách “Kỹ năng lãnh đạo quản lý” với 8 chương sẽ cung cấp kiến thức tương đối toàn diện trong lĩnh vực lãnh đạo.quản lý

Chương 1: Tổng quan về khoa học lãnh đạo quản lý Chương 2: Quyền lực và sự ảnh hưởng lãnh đạo quản lý Chương 3: Phẩm chất và năng lực lãnh đạo quản lý Chương 4: Phong cách lãnh đạo và sự ảnh hưởng Chương 5: Bản chất của hoạt động lãnh đạo quản lý Chương 6: Thực tiễn lãnh đạo

Chương 7: Lãnh đạo sự thay đổi trong tổ chức

Chương 8: Phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý

Để hoàn thành tập sách “Kỹ năng lãnh đạo quản lý”, chúng tôi đã kế thừa nhiều công trình của các nhà nghiên cứu đi trước và đương thời trong lĩnh vực Khoa học lãnh đạo cũng như nhiều tổ chức, cá nhân, tham gia đóng góp, bổ sung… Chúng tôi trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu có tài liệu sử dụng trong sách “Kỹ năng lãnh đạo quản lý” này.

Dù đã cố gắng rất nhiều trong quá trình biên soạn nhưng chúng tôi cũng không sao tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Vì thế chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, bổ sung của quý bạn đọc để sách “Kỹ năng lãnh đạo quản lý” này được hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản sau.

Rất mong cuốn sách trở thành tài liệu hữu ích cho bạn đọc trong học tập và tham khảo. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời mình theo hướng tích cực, nhằm đạt được thành công trong cuộc sống.

Thư góp ý xin gởi về địa chỉ E-mail: hungngmd1@gmail.com

Thay mặt các tác giả Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ KHOA HỌC LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ

  • Các khái niệm cơ bản về lãnh đạo quản lý
  • Hiệu quả của lãnh đạo quản lý
  • Các tiếp cận nghiên cứu khoa học lãnh đạo quản lý
  • Khoa học lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo
  • Các cấp độ của lãnh đạo quản lý

 1.1.    CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ

  • Khái niệm về lãnh đạo quản lý

Khoa học về lãnh đạo quản lý được hình thành và phát triển từ những năm 30 của thế kỷ XX. Các học giả và các nhà nghiên cứu đã đưa ra hơn 350 định nghĩa khác nhau về thuật ngữ lãnh đạo và những định nghĩa này cũng thay đổi theo thời gian. Khái niệm này có thể được tiếp cận dưới góc độ tố chất, hành vi, tình huống cũng có thể được tiếp cận dưới góc độ gây ảnh hưởng hay góc độ sự tương tác qua lại. Tuy nhiên, cho tới nay bản chất của lãnh đạo đã sáng tỏ hơn nhiều, nó được xem như là một sự ảnh hưởng mạnh mẽ và rất cần thiết trong bộ máy quản lý.

Sự lãnh đạo quản lý rõ ràng đã trở thành một đề tài quan trọng của các ngành khoa học. Mỗi quan niệm có những cách tiếp cận khác nhau về lãnh đạo và vai trò của một người lãnh đạo. Có thể dẫn ra một số định nghĩa về sự lãnh đạo như sau:

  • Từ điển Tiếng Việt (2010) do Viện Ngôn ngữ học biên soạn: “Lãnh đạo: đề ra chủ trương và tổ chức động viên thực hiện”. Nếu muốn thấu hiểu khái niệm trên thì ta phải tra nghĩa của hai từ: chủ trương và động viên. Chủ trương là có ý định, có quyết định về phương hướng hành động và động viên: tác động đến tinh thần làm cho phấn khởi vươn lên mà hoạt động. Quản lý: tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu nhất định.
  • Theo Hemphill và Coons (1957) cho rằng: “Lãnh đạo là hành vi của một cá nhân khi anh ta chỉ đạo hoạt động của nhóm để đạt tới những mục tiêu chung” (Cheng, 2004).
  • Theo Stogdill (1957), “Lãnh đạo là một hoạt động có ảnh hưởng đến người khác hoặc tổ chức để đạt được các mục tiêu do lãnh đạo” (Cheng, 2004).
  • Theo Dictionary of Psychology của P. Chaplin (1968) viết: “Lãnh đạo là sự vận dụng quyền lực, là sự định hướng, dẫn dắt và kiểm tra người khác trong hoạt động quản lý” (Vũ Dũng, 2017).
  • Theo Davis (1977) “Lãnh đạo có nghĩa là thuyết phục người khác nhiệt tình theo đuổi mục tiêu nhất định” Cheng, (2004)
  • “Sự lãnh đạo xuất hiện khi cá nhân huy động được các nguồn lực thể chế, chính trị, tâm lý… để khích lệ, lôi cuốn và thỏa mãn động cơ hành động của người khác” (Burns, 1978).
  • Theo Richards và Engle (1986), “Lãnh đạo là tạo lập các giá trị, tầm nhìn, môi trường để các mục tiêu có thể thực hiện” (Cheng, 2004).
  • Theo Jacobs và Jaques (1990), “Lãnh đạo là quá trình đưa ra mục tiêu để đạt tới thông qua nỗ lực của tập thể” (Cheng, 2004).
  • Theo Phillip Kotter (1990) cho rằng: “Lãnh đạo là thích ứng với sự thay đổi” .
  • Theo Robbins (1993), “Lãnh đạo là khả năng ảnh hưởng đến nhóm để đạt được mục tiêu” (Cheng, 2004).
  • Theo Yukl (1994) cho rằng: “Lãnh đạo là quá trình ảnh hướng đến cấp dưới, giúp nhân viên lấy cảm hứng để đạt được các mục tiêu, duy trì hợp tác, thực hiện các nhiệm vụ”.
  • Theo R. House (1999), “Lãnh đạo là khả năng của cá nhân tác động, gây ảnh hưởng, tạo động lực cho những người khác hành động vì thành công và hiệu quả của tổ chức”.
  • Theo Paul E. Spector (2000), “Lãnh đạo là sự ảnh hưởng đến quan điểm, thái độ, niềm tin, tình cảm và hành vi của người khác”.
  • Theo Warren Bennis (2002), “Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng mang tính xã hội nhằm tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới để thực hiện một cách tốt nhất các mục tiêu của tổ chức”.
  • Theo Fry (2003), “Lãnh đạo có nghĩa là sử dụng các chiến lược hàng đầu để cung cấp cảm hứng và động lực nhằm tăng cường tiềm năng nhân viên, tạo ra sự tăng trưởng và phát triển”.
  • Theo Hersey và Ken Blanchard (2005) cho rằng: “Lãnh đạo là một quá trình gây ảnh hưởng đến các hoạt động của một cá nhân hay một nhóm nhằm đạt mục đích trong tình huống nhất định”.
  • Theo Northouse (2007), “Lãnh đạo là một quá trình mà một người ảnh hưởng đến những người khác để thực hiện một mục tiêu nào đó, đồng thời hướng tổ chức tới sự gắn kết chặt chẽ”.
  • John C.Maxwell (2007) nói rằng: “Lãnh đạo là gây ảnh hưởng” và “Lãnh đạo là khả năng thu phục nhân tâm”.
  • “Lãnh đạo là khả năng biến tầm nhìn thành hiện thực” (Warren Bennis).
  • Nguyễn Phú Trọng và Trần Xuân Sầm (2003) cho rằng: “Lãnh đạo” tức là “định hướng cho khách thể thông qua cơ chế, đường lối, chủ trương, chính sách”, “làm thức tỉnh” hành vi, định hướng hoạt động cho đối tượng và xã hội” .
  • Vũ Văn Hiên (2007), “Lãnh đạo là chỉ dẫn, điều khiển, ra lệnh và nêu gương. Thực chất của lãnh đạo là tạo ra sự tuân thủ” (Vũ Văn Hiên, 2007).
  • Vũ Khoan (2017) nói rằng: “Lãnh đạo là nắm bắt được xu hướng phát triển của thời cuộc nguyện vọng của quần chúng; từ đó xác định mục tiêu, truyền cảm hứng và dẫn dắt họ tự nguyện phấn đấu để thực hiện mục tiêu đó” (Vũ Khoan, 2017).
  • Giáo trình tâm lý học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Lãnh đạo là tác động đến con người đang hoạt động, là sự hướng tới con người nhằm biến đổi hoạt động khác của họ để đạt hiệu quả tối ưu”.

Mỗi khái niệm trình bày ở trên hiểu theo những góc nhìn khác nhau, và do vậy nội hàm của khái niệm cũng rất khác nhau. Khái niệm này có thể được tiếp cận dưới góc độ tố chất, góc độ hành vi, cũng có thể được tiếp cận dưới góc độ gây ảnh hưởng hay góc độ sự tương tác qua lại. Tuy nhiên điều quan trọng chúng ta phải hiểu được rằng không có một định nghĩa nào là hoàn toàn đầy đủ… Tuy ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng tựu trung lại, những định nghĩa về lãnh đạo luôn có điểm chung là nó bao hàm về sự tương tác giữa người lãnh đạo, cấp dưới và tình huống, nó bao gồm quá trình ảnh hưởng khi sự nỗ lực ảnh hưởng có mục đích được thực hiện bởi người lãnh đạo với người dưới quyền. Lãnh đạo hướng đến vấn đề xây dựng những giá trị nhóm, tổ chức xã hội; thúc đẩy sự phát triển nhóm, tổ chức xã hội trong điều kiện những thách thức thường xuyên xảy ra.

Từ các cách tiếp cận trên đây, khái niệm lãnh đạo trong tài liệu này được hiểu một cách có tính khái quát hơn về sự lãnh đạo: Lãnh đạo là quá trình ảnh hưởng giữa chủ thể lãnh đạo và khách thể lãnh đạo nhằm truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi dậy cảm xúc và giữ vững cam kết để hành động vì mục tiêu tầm nhìn của tổ chức.

Khi tổng kết về những công trình nghiên cứu về sự lãnh đạo, Bass (1990) đã chỉ ra có một số cách tiếp cận chính về khái niệm lãnh đạo sau:

Một là, lãnh đạo là một nhân cách. Tiếp cận theo cách này cho rằng người lãnh đạo phải có những nét nhân cách hoặc những phẩm chất cá nhân nhất định (Bernard,1926; Jenkins, 1947). Chỉ có những người có những đặc điểm nổi bật, có khả năng ảnh hưởng đến những người khác mới trở thành những người lãnh đạo. Lãnh đạo là người “nói là làm” dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quyền lực chính đáng tạo nên từ sự tôn trọng đối với nhân cách và tính chất đáng tin cậy của người dẫn dắt người khác. Một số đặc điểm tính cách có thể mang đến những vai trò lãnh đạo. Đây là thuyết về đặc điểm lãnh đạo.

Hai là, lãnh đạo là sự ảnh hưởng. Khi định nghĩa lãnh đạo là sự ảnh hưởng có nghĩa là hành vi người lãnh đạo ảnh hưởng đến những người dưới quyền và người lãnh đạo mong muốn điều này (Bass,1990; House và Beetz, 1979). Có thể nói lãnh đạo là một quá trình ảnh hưởng từ xã hội nhằm tối đa hóa nỗ lực của người khác để đạt được mục tiêu. Lãnh đạo xuất phát từ ảnh hưởng xã hội chứ không phải từ quyền hạn hay quyền lực. Đây có thể được xem là cách định nghĩa hiện đại nhất về sự lãnh đạo.

Ba là, lãnh đạo là hành vi. Khi nói lãnh đạo là hành vi khiến người ta  dễ suy nghĩ đây là một định nghĩa đơn giản về sự lãnh đạo. Song chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này khi tìm hiểu người lãnh đạo trong tổ chức và khi người lãnh đạo thực hiện các hành vi của mình (Fiedler, 1967; Hemphill, 1949). Có thể nói ngắn gọn: Lãnh đạo là quá trình sử dụng và phối hợp hoạt động của các cá nhân trong tổ chức bằng cách gây ảnh hưởng và dẫn dắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức. Theo các tác giả này thì sự lãnh đạo sẽ không có hiệu quả khi hành vi giám sát không được thực hiện.

Bốn là, lãnh đạo là quyền lực. Lãnh đạo là phạm vi mà ở đó người lãnh đạo có thể sử dụng quyền lực đối với các thành viên khác của nhóm. Mặt khác, quyết định của người lãnh đạo có thể bị những người dưới quyền chống lại (French và Raven,1958). Tức là phản ứng của cấp dưới với quyền lực của người lãnh đạo. Khi nói quyền lực của người lãnh đạo được đo bằng phản ứng của những người dưới quyền thì có thể xem đó là hành vi của người lãnh đạo. Những tác giả theo cách tiếp cận này cho rằng, một số người có quyền lực và sức mạnh cần thiết có thể trở thành những người lãnh đạo tốt. Bởi vì, quyền lực là đặc điểm đặc trưng của tổ chức. Các thành viên của tổ chức đều có thể trở thành người lãnh đạo tuỳ thuộc khả năng ảnh hưởng của họ đối với những người khác. Song, chỉ có những cá nhân mà bản thân họ có đủ quyền lực mới trở thành những người lãnh đạo. Có thể nói, theo các nghiên cứu của lý thuyết lãnh đạo hiện đại, nếu hiểu lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng,  thì quyền lực lãnh đạo được hiểu là năng lực gây ảnh hưởng từ người lãnh đạo đối với đối tượng bị lãnh đạo. Quyền lực lãnh đạo có thể hình thành từ các nguồn quyền năng: (i) Do chức vụ bổ nhiệm (địa vị trong hệ thống); (ii) Do trình độ chuyên môn và quản trị (năng lực); (iii) Do tố chất, quyền uy bẩm sinh (tính hấp dẫn); (iv) Do phẩm chất đạo đức (nhân cách); (v) Do các quan hệ mà họ sở hữu (chính trị); (vii) Do mức độ sở hữu nguồn lực vật chất (kinh tế)…

Năm là, lãnh đạo là sự thực hiện mục đích. Sự lãnh đạo sẽ giúp tổ chức thực hiện được những mục đích của nó, đặc biệt trong những thời điểm căng thẳng (Bollons, 1959; Couley, 1928). Ở đây, lãnh đạo được xem là một yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu đối với việc thực hiện các mục đích của tổ chức. Có thể nói, lãnh đạo là quá trình sử dụng và phối hợp hoạt động của các cá nhân trong tổ chức bằng cách gây ảnh hưởng và dẫn đắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức.

Sáu là, lãnh đạo là mối quan hệ tương tác. Những người theo quan điểm này cho rằng, sự lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào hành vi, nhân cách, quyền lực… của người lãnh đạo, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của những người dưới quyền (Danserau, Grean, Haga, 1975; Greaen, Novak, Sommerkamp, 1982; Linden, Grean, 1980). Những tác giả này còn khuyến cáo rằng mối tương tác giữa người lãnh đạo và bị lãnh đạo cần được phát triển một cách trực tiếp: “Một – Một”. Mối tương tác này rất đa dạng, có thể theo những cách thức khác nhau, tuỳ thuộc vào các đặc điểm tâm lý cá nhân, vào tính chất của công việc. Một số nhà tâm lý học còn khẳng định: Sự tương tác giữa người lãnh đạo và bị lãnh đạo là điều rất quan trọng trong hoạt động quản lý. Nó giống như thực thể của sự lãnh đạo, như là yếu tố đảm bảo cho thành công của sự lãnh đạo. Có thể nói, lãnh đạo là sự tương tác giữa người lãnh đạo, cấp dưới và tình huống. Đó là bởi vì mối quan hệ giữa lãnh đạo – cấp dưới là một quá trình không ngừng thay đổi.

Như vậy có nhiều khái niệm khác nhau về lãnh đạo, nhưng điều quan trọng chúng ta phải hiểu được rằng không có một định nghĩa nào là hoàn toàn đầy đủ. Theo tác giả, các quan niệm này tuy nhấn mạnh những sắc thái khác nhau của lãnh đạo nhưng đều nói lên hai nhân tố chung của nó là hiện tượng nhóm và quá trình ảnh hưởng của nhóm. Theo Maxwell thì định nghĩa nhà lãnh đạo đơn giản là “người có khả năng gây ảnh hưởng”.24 Dù nhìn nhận theo cách nào thì một nhà lãnh đạo phải đảm bảo được 3 yếu tố: khả năng tạo tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng.

Tạo tầm nhìn: là hình ảnh tích cực về tương lai của tổ chức mà tất cả mọi người sẵn sàng thực hiện thực. Tạo ra tầm nhìn là công việc chính của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo phải biết dẫn dắt doanh nghiệp đi tới đâu, phải hình dung ra tương lai của tổ chức.

Tạo cảm hứng: khi sáng tạo được tầm nhìn, nhà lãnh đạo phải khơi dậy và truyền được cảm hứng cho người khác để họ đi theo và thực hiện. Truyền  cảm hứng ở đây cũng chính là tạo động lực cho những người đi theo mình. Và công việc của nhà lãnh đạo chính là tạo động lực để cuốn hút mọi người.

Gây Ảnh hưởng: với khả năng gây ảnh hưởng, bạn có thể thành công trong mọi lãnh vực công việc và cuộc sống. Maxwell đã khẳng định rằng: “lãnh đạo là gây ảnh hưởng”. Lãnh đạo là sự gây ảnh hưởng đến con người nhằm đạt tới mục tiêu. Lãnh đạo sẽ không thể là lãnh đạo nếu không có ảnh hưởng, và ảnh hưởng được tạo ra từ quyền lực của nhà lãnh đạo. Khả năng lãnh đạo thực sự không thể trao tặng, chỉ định hay phân công. Nó đến từ gây ảnh hưởng. Sự đo lường thực sự khả năng lãnh đạo là gây ảnh hưởng không hơn, không kém.

Nói cách khác, người lãnh đạo là người có khả năng tạo ra tầm nhìn cho một nhóm hay tổ chức và biết sử dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng truyền cảm hứng cho những người đi theo nhằm đạt mục tiêu của tổ chức đó.

Tác giả Howard Gardner trong cuốn sách “Leading minds” – viết về một số nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX, gọi lãnh đạo là “một cá nhân mà có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và/hoặc hành vi của con người thông qua lời lẽ hoặc minh chứng cá nhân”. Việc lãnh đạo ngày nay thực tế là việc thực hành ảnh hưởng. Quá nhiều những thay đổi trong những năm gần đây khiến cho việc lãnh đạo cũng thay đổi.

Để tạo được ảnh hưởng tích cực với người khác, người lãnh đạo được mong đợi thực hiện nhiều vai trò, trong đó có 08 vai trò nổi bật sau:

Một là, nhà lãnh đạo phục vụ. Robert Greenleaf đã “phát minh” ra một từ mới. Người lãnh đạo phục vụ là người phục vụ trước hết… Ý tưởng của ông là những nhà lãnh đạo tốt nhất trước hết phải tự xem họ như những người phục vụ. Rồi sau đó một lựa chọn ý thức đưa ta đến mong muốn lãnh đạo. Người lãnh đạo phục vụ phải biết thể hiện sự động viên tạo động lực, đồng cảm, sẵn sàng lắng nghe, biết chèo lái công việc và tận tâm giúp đỡ cấp dưới tiến bộ hơn.

Hai là, người định hướng. Chiến lược đề ra thường dài hạn, người lãnh đạo phải luôn tư duy tìm cách thích ứng mang lại cơ hội tốt nhất cho doanh nghiệp. Nhiều công ty đã có những chuyển biến chiến lược, chẳng hạn như Samsung. Ban đầu Samsung là công ty nhỏ. Năm 1960 bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề như sản xuất điện tử, bất động sản. Thập niên 70 công nghiệp đóng tàu. Thập niên 80 tách thành 4 tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Đến thập niên 90 Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn… Rất nhiều công ty thay đổi như vậy và điểm chung là những thay đổi quan trọng như đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường… thường do người đứng đầu công ty quyết định.

Ba là, người quản lý những tiêu chuẩn cao và kết quả tốt. Dù bạn chia   sẻ quyền ra quyết định bao nhiêu và gắn kết với mọi người như thế nào, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc giành được kết quả và việc đạt được các mục tiêu. Duy trì những tiêu chuẩn cao, cho bạn – tất nhiên, và cho cả những người bạn lãnh đạo. Điều này nghĩa là xử lý với những người mà làm việc thiếu tích cực. Như W. Somerset Maugham từng nói: “Một điều thú vị của cuộc sống là ghét của nào trời trao của ấy”.

Bốn là, người huấn luyện. Khơi gợi những tiềm lực tốt đẹp nhất của nhân viên. Lãnh đạo có một vai trò trong việc động viên những người khác, dù đó không phải là 100% trách nhiệm của bạn. Thêm vào việc định hướng đưa ra ở trên là niềm đam mê của bạn. Sự nhiệt tình rất dễ lây lan, sự động viên cũng vậy. Hãy giúp nhân viên xác định điều gì họ thực sự mơ ước từ công việc và nghề nghiệp của họ. Hãy làm những điều mà lãnh đạo có thể giúp họ giành được những điều này.

Năm là, người làm chủ thay đổi. Lãnh đạo là định hướng sự thay đổi, và sự thay đổi bao giờ cũng bao hàm các yếu tố mới từ ý tưởng tới tầm nhìn đến phương thức thực hiện. Do đó, người lãnh đạo cần thể hiện vai trò truyền bá cái mới, khai tâm cho những người đi theo.

Sáu là, người làm gương. Việc lãnh đạo tự nó thể hiện ra trong cách bạn cư xử. Bạn tập trung chú ý vào những điều gì? Thời gian? Câu hỏi của bạn? Bạn có hành động trước sau như một với những giá trị của bạn? Ví dụ, nếu bạn tán thành một văn hóa làm việc cởi mở và tin cậy, nhân viên của bạn có thấy “an toàn” khi nói thẳng ý nghĩ của họ với bạn?

Bảy là, hỗ trợ nhân viên kịp thời. Một nhà lãnh đạo còn cần phải xuất hiện đúng lúc khi nhân viên gặp khó khăn cần sự hỗ trợ. Nhiều khi nhân viên gặp khó khăn và họ cảm thấy chán nản vì không đủ sáng suốt tìm ra hướng giải quyết. Điều quan trọng của nhà lãnh đạo lúc này là phải giúp nhân viên tìm ra điểm mấu chốt gây ra khúc mắc. Bởi chỉ khi tìm ra những giải pháp cho những điểm chặn thì hệ thống mới thông suốt được.

Tám là, truyền cảm hứng, quy tụ sức mạnh. Truyền cảm hứng đề quy tụ mọi người hoạt động vì một mục đích chung. Sự khích lệ tinh thần cho nhân viên đúng lúc sẽ tạo động lực to lớn cho nhân viên hoàn thành tốt công việc và vượt qua những khó khăn. Người lãnh đạo không cần phải có mặt mọi lúc mọi nơi nhưng phải là người tạo nên văn hoá, người thổi hồn vào văn hóa công ty.

Tựu trung lại người lãnh đạo sẽ là định hướng tầm nhìn, sứ mệnh và truyền cảm hứng tạo nên sự đoàn kết trong công ty. Khi công ty hoạt động tốt, ổn định thì người lãnh đạo phải có biện pháp duy trì tình trạng đó lâu hơn. Khi công ty xuống dốc thì người lãnh đạo nắm vai trò động viên cho toàn thể nhân viên để khích lệ tinh thần cho họ đồng thời tìm ra hướng giải quyết tích cực để sớm thoát khỏi tình trạng đó.

Phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý

Một số người cho rằng, trong mỗi tổ chức, có sự tách bạch giữa vị trí lãnh đạo với vị trí quản lý. Tuy vậy, theo Yukl (2006), phân biệt lãnh đạo và quản lý chủ yếu dựa trên năng lực và quy trình, đây cũng là cách tiếp cận được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình (Bass, 1990; Hickman, 1990; Kotter, 1988; Mintzberg, 1973; Rost, 1991). Bởi vì, trước hết lãnh đạo là một chức năng căn bản trong quản lý, nhà quản lý nào cũng phải thực hiện chức năng lãnh đạo, dẫn dắt cấp dưới. Bernard Bass, một chuyên gia về lãnh đạo đã kết luận, các nhà lãnh đạo thực hiện quản lý và các nhà quản lý thực hiện lãnh đạo – “Leaders manage and managers lead”. Tuy nhiên, hai hoạt động này không đồng nghĩa với nhau (Kreiner & Kinicki, 2001). Cụ thể, nhà quản lý thực hiện các chức năng quản lý như hoạch định, tổ chức, kiểm soát, giám sát, còn nhà lãnh đạo chú tâm tới những khía cạnh quan hệ con người trong công việc quản lý. Chính vì vậy, lãnh đạo và quản lý là hai khái niệm đôi khi dễ gây nhầm lẫn. Khi chưa hiểu bản chất của mỗi khái niệm này, chúng có thể cho rằng chúng gần nghĩa với nhau, đều muốn nói đến công việc, hay vai trò của người đứng đầu. Khi một người nắm giữ một chức vụ trong một tổ chức hay trong một nhóm, chúng ta nói họ là nhà quản lý và cũng là nhà lãnh đạo, nhưng không hẳn như vậy. Chẳng hạn, có những công ty, người lãnh đạo cũng chính là người quản lý, nhưng có những công ty thì hai vị trí này được tách bạch. Vì thế, đôi khi có những người có thể là một lãnh đạo tồi nhưng lại là một quản lý xuất sắc hay ngược lại. Vậy điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là gì? Chúng ta hãy cùng phân tích để làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này.

Lãnh đạo là người đưa ra ý tưởng còn quản lý là người thực thi ý tưởng

Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng đến người khác nhằm đạt được mục đích đã đề ra dựa trên sự động viên, lôi kéo và khuyến khích người khác làm việc một cách tự nguyện. Nói cách khác, lãnh đạo thiên về khía cạnh nhân bản và nhắm đến “người” để nối kết họ thành một đội ngũ và động viên họ tiến tới mục tiêu mong muốn. Lãnh đạo là người có thực quyền, đồng thời đóng vai trò quản trị viên trong một tổ chức. Điều này có nghĩa lãnh đạo là một trong những người có nhiệm vụ nghĩ ra những ý tưởng mới và đưa vào kế hoạch của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Người lãnh đạo phải luôn có tầm nhìn và luôn phát triển các chiến lược và chiến thuật mới. Do đó họ cần phải có hiểu biết về các xu hướng hay các nghiên cứu và kỹ năng mới nhất.

Trong khi đó, người quản lý sẽ duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để nó hoạt động đúng kế hoạch. Người quản lý phải luôn để mắt tới nhân viên cấp dưới và duy trì sự kiểm soát thường xuyên để nhằm đảm bảo sự hoạt động của các bộ phận trong công ty. Vì trực tiếp làm việc với nhân viên nên họ am hiểu nhân viên của mình, biết rõ ai là người phù hợp nhất với những nhiệm vụ cụ thể. Nói đến vai trò quản lý người ta thường nói đến việc duy trì những sự ổn định và trật tự trong tổ chức thông qua giám sát. Hay nói cách khác, để đạt được mục tiêu đề ra, quản lý dựa vào việc sử dụng một hệ thống các quy định, các chính sách, các thủ tục đã được ban hành.

Lãnh đạo củng cố niềm tin trong khi quản lý dựa vào kiểm soát

Với vai trò lãnh đạo, việc “đạt được mục tiêu thông qua người khác” nhờ thực hiện những hoạt động sau:

  • Làm rõ các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và truyền đạt mục tiêu đó cho cấp dưới. Giúp cho cấp dưới hiểu rõ mục tiêu chung và chỉ cho cấp dưới những mối quan hệ mật thiết giữa mục tiêu của tổ chức và mục tiêu của mỗi cá nhân, qua đó tạo động lực cho cấp dưới phấn đấu.
  • Thừa nhận và tôn trọng các nhu cầu của cấp dưới. Chủ động tìm hiểu và quan tâm tới những mong muốn của cấp dưới.
  • Tạo điều kiện giúp cấp dưới thỏa mãn mong muốn cá nhân thông qua việc đạt được mục tiêu đã đề ra của tổ chức.
  • Truyền cảm hứng làm việc cho cấp dưới và luôn tạo được nhu cầu thay đổi, nhu cầu phấn đấu cho cấp dưới thông qua các mục tiêu phát triển và đổi mới của tổ chức, của doanh nghiệp.
  • Đào tạo, kèm cặp và phát triển nhân viên dưới quyền. Hướng dẫn nhân viên thực hiện công việc, hỗ trợ và tư vấn cho nhân viên hoàn thành công việc, giao quyền phù hợp để nhân viên làm việc, không làm thay nhân viên. Cho nhân viên cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ nhân viên dưới quyền tinh nhuệ và chuyên nghiệp.

Khi nói Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng đến người khác nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Ông Wade cho rằng, người lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên, để nhân viên biết như thế nào là tốt nhất và làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ. “Lãnh đạo không phải là ở những gì bạn làm mà chính là những gì mà người khác làm cho bạn. Nếu không có ai thực thi ý tưởng của bạn thì bạn thực sự không phải là một lãnh đạo”. Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là họ đã được bạn truyền cảm hứng. Điều đó có nghĩa là bạn đã tạo được sự tin tưởng đối với nhân viên, điều này là đặc biệt cần thiết trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Với vai trò người quản lý, Drucker lại cho rằng, nghề của họ là duy trì việc kiểm soát nhân viên để nhân viên phát huy khả năng và năng lực lớn nhất từ đó tạo ra sản phẩm hoặc tăng doanh thu/lợi nhuận cho công ty. Khi thể hiện vai trò quản lý, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở các cấp thường đạt được kết quả thông qua người khác nhờ các hoạt động sau:

  • Xác định chi tiết các việc cần phải làm. Nói một cách chi tiết hơn là với vai trò quản lý, nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ liệt kê rõ ràng các bước công việc mình cần phải làm là gì và khi nào hoàn thành;
  • Giao việc cho nhân viên một cách chi tiết. Cụ thể là yêu cầu họ làm theo đúng cách, đúng quy trình mà mình muốn, khi nào thực hiện, địa điểm thực hiện và thời gian hoàn thành;
  • Theo dõi, giám sát việc thực hiện công việc. Khi bắt đầu công việc thì cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cách thức làm việc của nhân viên để có thể phát hiện ra các sai sót và kịp thời điều chỉnh. Nếu có vấn đề gì đó nảy sinh hoặc các điều kiện làm việc thay đổi thì phải sắp xếp và bố trí lại nguồn lực. Khi nhân viên cấp dưới không hoàn thành công việc được giao, cần áp dụng những hình thức kỷ luật phù hợp và ngược lại, khi công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp thì nhân viên sẽ được khen thưởng.

Vì vậy, lãnh đạo và quản lý có những sự khác nhau hết sức rõ ràng. Nói đến vai trò quản lý người ta thường nói đến việc duy trì những sự ổn định và trật tự trong tổ chức thông qua giám sát. Hay nói cách khác, để đạt được mục tiêu đề ra, quản lý dựa vào việc sử dụng một hệ thống các quy định, các chính sách, các thủ tục đã được ban hành, còn lãnh đạo lại đạt được mục tiêu dựa trên sự động viên, lôi kéo và khuyến khích người khác làm việc một cách tự nguyện. Và như vậy, quản lý sẽ duy trì sự ổn định trong tổ chức trong khi lãnh đạo lại luôn hướng tới sự phát triển và tạo ra những đổi mới trong tổ chức. Các nhà quản lý nhấn mạnh đến việc “Là làm việc đúng cách”. Trong khi đó, lãnh đạo là “Làm đúng việc”. Có nghĩa là lãnh đạo đạt được kết quả thông qua người khác nhờ việc định rõ mục tiêu còn quản lý thì cụ thể hóa các mục tiêu đó thành những bước đi cụ thể. Phân công công việc rõ ràng cho nhân viên cấp dưới là vai trò quản lý, nhưng phân công ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG VIỆC là vai trò lãnh đạo.

Theo nghiên cứu Warren Bennis rất có lý cho rằng: “Có một sự khác biệt rất rõ nét giữa quản lý và lãnh đạo, và cả hai đều quan trọng. Quản lý nghĩa là dẫn dắt, hoàn thành công việc, chịu trách nhiệm và tiến hành. Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng, là dẫn dắt định hướng về cách thức, tiến trình, hành động và quan điểm. Sự khác biệt này rất quan trọng”….

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *