Theo định nghĩa của UNESCO “hướng nghiệp là một quá trình cung cấp cho người học những thông tin về bản thân, về thị trường lao động và định hướng cho người học có các quyết định đúng đối với sự lựa chọn nghề nghiệp” (UNESCO, 2002).
Theo Luật giáo dục “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội” (Quốc Hội, 2019).
Tư vấn hướng nghiệp là các hoạt động do các tổ chức, cá nhân triển khai nhằm mục đích chuẩn bị cho con người lựa chọn nghề nghiệp một cách có ý thức và chuẩn bị tính thích ứng nghề trong tương lai. Như vậy, hiểu một cách khái quát thì tư vấn hướng nghiệp ở bậc phổ thông là công tác nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các em.
Định hướng giá trị nghề nghiệp là quá trình mà mỗi cá nhân xác định, lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp nhất. Trong sự lựa chọn nghề nghiệp, cá nhân (HS) chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố: sự phát triển kinh tế xã hội, vị trí ngành nghề đó trong xã hội, uy thế của nghề đó, tiềm năng của nghề đó trong tương lai, sở thích và năng lực cá nhân, lợi ích về vật chất và tinh thần mà nghề đó mang lại… Để tổng hợp các nhân tố chi phối định hướng nghề nghiệp của cá nhân, bối cảnh nghề nghiệp sử dụng sơ đồ sau đây:
Các yếu tố liên quan định hướng nghề nghiệp của học sinh
Sơ đồ chỉ ra các yếu tố tham gia vào quá trình định hướng nghề nghiệp của HS: (1) các yếu tố khách quan bao gồm xu hướng phát triển kinh tế xã hội (KTXH), thị trường lao động thay đổi và mối quan hệ cung cầu trong thị trường lao động; (2) các yếu tố từ gia đình, bạn bè, nhà trường, các mối quan hệ trong xã hội và quan niệm của xã hội về nghề nghiệp; và (3) các yếu tố do định hướng từ bản thân SV theo 3 hướng: định hướng nhận thức, định hướng thái độ, và định hướng kỹ năng đối với nghề nghiệp đó.
Dựa theo sơ đồ trên, đề tài tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng (và bị ảnh hưởng) đến suy nghĩ và hành động của HS, định hướng họ tìm được việc làm phù hợp (hoặc không phù hợp). Quan điểm của nhóm nghiên cứu là cá nhân phù hợp với một nghề nào đó khi họ có phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa, năng lực, tri thức, kỹ năng và tình trạng sức khỏe đáp ứng được đòi hỏi do nghề ấy đưa ra. Tuy nhiên, họ có thể phù hợp với nghề ấy một cách hoàn toàn hoặc từng phần. Vì trong thực tế, không ai sinh ra có thể phù hợp hoàn toàn với nghề nào đó một cách tự nhiên mà phải có sự rèn luyện để hình thành những tố chất mà nghề nghiệp đòi hỏi. Vậy nên, mỗi cá nhân đều tiềm ẩn sở trường, năng lực đặc biệt để tạo nên sự phù hợp nghề. Nếu biết tận dụng những sở trường năng lực đó, kết hợp với sự tự rèn luyện thì sẽ tạo nên sự phù hợp nghề. Chính đặc điểm này ảnh hưởng đến chất lượng chọn nghề của hoc sinh.