Mô hình giao tiếp Mehrabian
Giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian, của trường Đại học UCLA UCLA (Đại học California ở Los Angeles) được coi là người tìm ra quy luật nổi tiếng với công thức 7%-38%-55% trong giao tiếp (https://camnangceo. com/cua-so-johari-la-gi-ung-dung-mo-hinh-cua-so-johari).
Mô hình này nói rằng 55% quá trình giao tiếp không liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, mà liên quan đến ngôn ngữ cơ thể, vẻ mặt khi nói chuyện; 38% liên quan đến ngữ điệu, chẳng hạn âm lượng, giọng nói, sự diễn cảm trong cách diễn đạt… và chỉ có 7% liên quan đến ngôn từ.
Mô hình giao tiếp Mehrabian giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng to lớn của nét mặt và âm điệu giọng nói về việc giúp truyền tải chính xác thông điệp ta đưa ra. Tuy còn có những hạn chế, nhưng mô hình của Mehrabian khẳng định rằng, điều quan trọng trong khi giao tiếp là chúng ta cần phải tạo nên sự thống nhất. Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa nội dung lời nói và ngôn ngữ không lời dẫn đến hiệu quả giao tiếp kém thì đó là lỗi của chúng ta chứ không phải lỗi người tiếp nhận thông tin.
Mô hình Johari – mối quan hệ nhận thức và tự nhận thức.
Quá trình hình thành bản thân được diễn ra trong sự giao tiếp với người khác, tùy thuộc vào sự đánh giá, đối xử của người khác. Qua sự tương tác với họ, chúng ta biết về bản thân mình và hình thành nên hình ảnh bản thân. Cửa sổ Johari là một mô hình giao tiếp dùng để tăng cường hiểu biết giữa từng cá nhân hoặc giữa những cá nhân với nhau và với tập thể. Ngoài ra, cửa sổ này cũng giúp phát triển các năng lực bản thân dựa trên sự tự bạch, khám phá và phản hồi.
Được xây dựng và phát triển bởi Joseph Luft và Harry Ingham (từ Johari là từ viết tắt ghép lại từ hai tên người này), mô hình này có hai ý chính như sau: (i) Các cá nhân có thể xây dựng niềm tin lẫn nhau bằng cách tiết lộ thông tin về bản thân; (ii) Họ có thể tự học và hiểu thêm về mình và hiểu về những vấn đề về bản thân mình chính từ những phản hồi của người khác.
Hình 1.2. Mô hình Johari để cải thiện quan hệ
Mỗi người được đại diện bởi 4 ô hay cả cửa sổ. Mỗi cửa sổ thể hiện thông tin về cá nhân về con người và cho biết những thông tin đó có được người đó hay người khác biết hay không biết.
Cửa sổ 1: Ô Mở
Phần mở (ô “Mở”) gồm các dữ kiện mà bản thân và người khác đều dễ dàng nhận biết về nhau khi tiếp cận lần đầu tiên như màu tóc, vóc dáng, ăn mặc, giới tính… Đối với những lần tiếp cận về sau, phần này gồm những thông tin mà ta và đối tác giao tiếp đã biết về nhau qua những lần tiếp xúc trước đó. Nói một cách ngắn gọn, đó là ô cái ta biết, người khác cũng biết về ta.
Cửa sổ 2: Ô Mù
Phần mù (ô “Mù”) gồm các dữ kiện mà người khác biết về mình, nhưng chính bản thân mình lại không nhận biết, ví dụ như những thói quen (nói nhanh, nói nhiều…), có tật (nhìn lên trên hoặc nhìn xuống khi giao tiếp…), tính khí bất thường… Chúng ta chỉ có thể phát hiện được những dữ kiện này về mình khi được người khác phản hồi cho chúng ta biết và chúng ta chỉ nhận được những thông tin phản hồi này trong giao tiếp và nhất là khi có tương tác trong quá trình sinh hoạt trong nhóm nhỏ. Nói một cách ngắn gọn, đó là ô ta không biết, nhưng người khác lại biết.
Cửa sổ 3: Ô Ẩn
Phần ẩn (ô “Ẩn”) gồm các dữ kiện mà bản thân biết rõ nhưng còn che giấu chưa muốn bộc lộ cho ai biết và tất nhiên người khác không biết được như kinh nghiệm cá nhân, quan điểm, niềm tin, giá trị, tâm sự riêng tư,… Những vấn đề này chỉ được bộc lộ dần cho người khác biết khi mối quan hệ giữa chúng ta và người khác đã có những cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Nói một cách ngắn gọn, là ô cái ta biết và người khác không biết. Có những điều bạn biết nhưng không muốn tiết lộ với bất cứ ai vì lý do cá nhân và muốn giấu kín.
Cửa sổ 4: Ô Đóng
Phần đóng (ô “Đóng”) không biết bao gồm các dữ kiện mà cả chính bản thân và người khác không biết đến và chỉ được khám phá khi bản thân có cơ hội giao tiếp nhiều (ở nhóm nhỏ) và có cơ hội bộc lộ khả năng của mình như năng lực, tiềm năng, năng khiếu, sự sáng tạo khi ta sống trong một môi trường tạo cho ta nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy. Nói một cách ngắn gọn, là ô ta không biết về ta và người khác cũng không biết về ta.
Quá trình mở rộng cửa sổ theo chiều ngang là một trong những quá trình phản hồi. Ở đây một cá nhân nào đó học và hiểu thêm được về bản thân mình mà người khác thấy được nhưng bản thân mình không thấy được.
Tuy nhiên hãy cẩn thận trong việc phản hồi. Nếu nền văn hóa phương Tây cho phép bạn phê bình và phản hồi một cách thật sự cởi mở thì ngược lại, nền văn hóa phương Đông thường né tránh việc phản hồi quá thẳng thừng. Do đó, hãy bình tĩnh và bắt đầu một cách từ từ nếu bạn muốn đóng góp cho cá nhân đó; hãy dũng cảm khi đón nhận những lời phê bình dù có khó nghe.
Quá trình mở rộng cửa sổ theo chiều dọc gọi là tự bạch, một quá trình cho và nhận thông tin giữa cá nhân khi họ giao tiếp với nhau. Quá trình tự bạch làm cho người khác thấu hiểu bạn và củng cố sự tin cậy giữa các cá nhân.