1.1. TIẾP Khái niệm giao tiếp
Giao tiếp (communication) là những nhân tố không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi cá nhân và của cộng đồng xã hội loài người. Chính vì thế là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học. Ở mỗi góc độ khác nhau, người ta đưa ra các định nghĩa khác nhau về giao tiếp. Tuy nhiên, tùy theo mỗi ngữ cảnh nội hàm các khái niệm giao tiếp hiểu theo nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất cho rằng giao tiếp là một dạng của hoạt động, hoặc có thể là phương tiện, điều kiện của hoạt động. Đại diện cho quan điểm này là A.A.Leonchiev (Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, 1998).
Quan điểm thứ hai lại cho rằng hoạt động và giao tiếp được xem xét như hai mặt tương đối độc lập của quá trình thống nhất trong cuộc sống con người, có thể coi đó là hai phạm trù độc lập với nhau. Phạm trù hoạt động phản ánh mối quan hệ “chủ thể – khách thể”, còn phạm trù giao tiếp lại phản ánh mối quan hệ “chủ thể – chủ thể”. Đại diện cho quan điểm này là Lomov (Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, 1998).
Quan điểm thứ ba cho rằng có một phạm trù hoạt động chung đó là phương thức tồn tại và phát triển của con người. Theo các nhà tâm lý học Mác xít, cuộc sống con người là một dòng hoạt động, con người là chủ thể của các hoạt động thay thế nhau. Hoạt động là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên, xã hội và bản thân. Hoạt động với tư cách là một phạm trù chung nhất bao hàm hai dạng hoạt động chủ yếu là hoạt động đối tượng và hoạt động giao tiếp (hay gọi là giao tiếp), phản ánh hai loại quan hệ của con người đối với thực hiện khách quan: Hoạt động đối tượng phản ánh quan hệ “chủ thể – khách thể”, còn giao tiếp phản ánh quan hệ “chủ thể – chủ thể”.
A.A.Leonchiev quan niệm: “Giao tiếp là hệ thống những quá trình có mục đích và có động cơ đảm bảo sự tương tác giữa người này và người khác”. Trong hoạt động thực tiễn các quan hệ xã hội, nhân cách; các quan hệ tâm lý và sử dụng các phương pháp đặc thù mà trước hết là ngôn ngữ. Ông cho rằng giao tiếp có cấu trúc chung của hoạt động (Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, 1998): Giao tiếp nào cũng có động cơ quy định sự hình thành và phát triển của nó cũng được tạo ra bởi các hành động và thao tác; Giao tiếp cũng mang đặc tính của hoạt động, tức là có cụ thể, nhằm vào một đối tượng nào đó để tạo ra một sản phẩm nào đó.
L.X.Vugotxki là người đầu tiên đề cập đến giao tiếp trong quá trình tiếp thu lịch sử xã hội. Thông qua giao tiếp, mối quan hệ giữa người với người được thiết lập và tạo nên bản chất người (Hội tâm lý – Giáo dục học Việt Nam, 1997). Theo ông, giao tiếp là mối quan hệ qua lại giữa người và người, là quá trình trao đổi thông tin, quan điểm và cảm xúc.
C.Mac và Ph.Anghen hiểu giao tiếp như là “một quá trình thống nhất, hợp tác, tác động qua lại giữa người với người” (Nguyễn Văn Đồng, 2010). Như vậy, khái niệm giao tiếp được khai thác dưới góc độ là một quá trình hợp tác giữa con người với con người. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải có hợp tác là có giao tiếp, đôi khi giao tiếp không có sự hợp tác mà là xung đột.
Nhà tâm lý học xã hội Mỹ C.E.Osgood cho rằng giao tiếp bao gồm các hành động riêng rẽ mà thực chất là chuyển giao thông tin và tiếp nhận thông tin. Ông cho rằng giao tiếp là một quá trình gồm hai mặt: liên lạc và ảnh hưởng lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Nhà tâm lý học xã hội người Anh M.Argule lại mô tả giao tiếp như quá trình ảnh hưởng lẫn nhau qua các hình thức tiếp xúc khác nhau. Giao tiếp thông tin được biểu hiện bằng lời hay bằng phi ngôn ngữ từ nhiều người đến một người giống như việc tiếp xúc thân thể của con người trong quá trình tác động qua lại về mặt vật lý và chuyển dịch không gian (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Nhà tâm lý học xã hội Mỹ T.Sibutanhi nghiên cứu khái niệm liên lạc như là hoạt động đảm bảo cho sự giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp hành động và thích ứng hành vi của các cá thể tham gia quá trình giao tiếp. Ông cho rằng “Liên lạc trước hết là phương pháp hoạt động làm giản đơn hóa sự thích ứng hành vi lẫn nhau của con người. Những cử chỉ và âm điệu khác nhau trở thành liên lạc, khi con người sử dụng vào các tình thế tác động qua lại” (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Tác giả Phạm Minh Hạc và cộng sự (1997) cho rằng: “Giao tiếp là hoạt động xác lập và vận hành các quan hệ người – người để hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa người ta với nhau”.
Tác giả Nguyễn Khắc Viện (2001) cho rằng: “Giao tiếp là sự trao đổi giữa người và người thông qua ngôn ngữ nói, viết, cử chỉ. Ngày nay, từ này hàm ngụ sự trao đổi ấy thông qua một bộ giải mã, người phát tin mã hóa một số tín hiệu, người tiếp nhận giải mã, một bên truyền một ý nghĩa nhất định để bên kia hiểu được.”
Tác giả Hoàng Anh (2004) cho rằng: “Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý tạo nên mối quan hệ giữa hai người hoặc nhiều người với nhau chứa đựng một nội dung xã hội lịch sử nhất định có nhiều chức năng tác động hỗ trợ lẫn nhau cùng nhau thông báo điều khiển, nhận thức, hành động…”.
Tác giả Diệp Quang Ban và Đinh Trọng Lạc quan niệm: “Giao tiếp là sự tiếp xúc với nhau giữa cá thể này với cá thể khác trong cộng đồng xã hội”. Hai tác giả mở rộng hơn khái niệm giao tiếp khi cho rằng: “Loài động vật cũng có thể làm thành những xã hội vì chúng sống có giao tiếp với nhau như xã hội loài ong, xã hội loài kiến” (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa đưa ra khái niệm giao tiếp là mối liên hệ và quan hệ giữa người và người trong các nhóm và các tập thể xã hội nhờ đó con người mới có thể thực hiện các hoạt động của mình nhằm cải biến hiện thực khách quan xung quanh hoặc chính bản thân (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Tác giả Nguyễn Ngọc Bích: “Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa hai hay nhiều người thông qua phương tiện ngôn ngữ nhằm trao đổi thông tin, tình cảm, hiểu biết, tác động qua lại và điều chỉnh lẫn nhau” (Huỳnh văn Sơn, Bùi Hồng Quân, 2011).
Tác giả Trần Trọng Thủy và Nguyễn Sinh Huy (1996) thì quan niệm: “Giao tiếp của con người là một quá trình chủ đích hay không có chủ đích, có ý thức hay không có ý thức trong đó các cảm xúc và tư tưởng được diễn đạt trong các thông điệp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ”.
Tác giả Ngô Công Hoàn (2011), nhấn mạnh “Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa con người với con người nhằm mục đích trao đổi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp”. Phạm trù giao tiếp đã được mở rộng hơn như trao đổi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.
Tác giả Nguyễn Quang Uẩn và cộng sự (2000) cho rằng “Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, về cảm xúc, tri giác lẫn nhau, ảnh hưởng tác động qua lại với nhau”. Phạm trù giao tiếp đã được nhấn mạnh là sự vận hành mối quan hệ người – người, hiện thực hóa các mối quan hệ xã hội giữa chủ thể này với chủ thể khác.
Tác giả Vũ Dũng (2008) cho rằng: “Giao tiếp là quá trình hình thành và phát triển sự tiếp xúc giữa người với người được phát sinh từ nhu cầu trong hoạt
động chung, bao gồm sự trao đổi thông tin, xây dựng chiến lược tương tác thống nhất tri giác và tìm hiểu người khác”.
Tác giả Nguyễn Văn Đồng (2010): “Giao tiếp là tiếp xúc tâm lý có tính đa chiều và đồng chủ thể giữa người với người được quy định bởi các yếu tố văn hóa, xã hội và đặc trưng tâm lý cá nhân. Giao tiếp có chức năng thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, trao đổi thông tin, cảm xúc định hướng và điều chỉnh nhận thức, hành vi của bản thân và của nhau, tri giác lẫn nhau, tạo dựng quan hệ với nhau và tác động qua lại lẫn nhau”.
Trong thực tế, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận về giao tiếp và có những định nghĩa khác nhau về giao tiếp. Mỗi tác giả khai thác khái niệm giao tiếp dưới góc độ khác nhau. Tuy nhiên thông qua những định nghĩa, các tác giả đều đã nêu ra những dấu hiệu cơ bản của giao tiếp. Những dấu hiệu cơ bản đó là: Giao tiếp là một hiện tượng đặc thù của con người, chỉ có ở con người, chỉ được diễn ra trong xã hội loài người. Giao tiếp dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người. Giao tiếp thể hiện thông qua sự trao đổi thông tin, sự hiểu biết, rung cảm và ảnh hưởng lẫn nhau. Giao tiếp chứa đựng những nội dung của xã hội, được thực hiện trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể và chịu sự quy định của các yếu tố văn hóa, xã hội. Giao tiếp là nhu cầu gốc, đặc trưng của xã hội loài người, giao tiếp được tiến hành bằng nhiều hình thức có ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, khả năng giao tiếp của con người phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp và vốn tri thức, vốn kinh nghiệm sống của họ.
Trên cơ sở cách tiếp cận các luận điểm cơ bản về giao tiếp, xem xét bản chất trong từng trường hợp. Từ đó có thể xác định:
“Giao tiếp là thỏa mãn nhu cầu nhất định của con người, sự tiếp xúc tâm lý tạo nên mối quan hệ giữa người với người, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc, định hướng, điều chỉnh nhận thức, hành vi và tạo dựng quan hệ, ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau, cùng nhau hành động để đạt được mục đích nào đó”.