BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG MỀM CHO SINH VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Vũ Thị Phương Lê, Phạm Thúy Hồng

Trường Đại học Vinh

Ngày nhận bài 29/10/2021, ngày nhận đăng 26/12/2021

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực. Sinh viên các trường đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, cần được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết để hoàn thiện bản thân và hội nhập tốt với thế giới việc làm. Bài viết này trên cơ sở nghiên cứu những nội dung bồi dưỡng kỹ năng mềm của nhiều nước trên thế giới, đề xuất các kỹ năng mềm mà các trường đại học cần quan tâm bồi dưỡng cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; kỹ năng mềm; sinh viên.

1.  Khái niệm kỹ năng mềm

Ngày nay, kỹ năng mềm là một tiêu chí được nhiều nhà tuyển dụng dùng để kiểm tra, đánh giá khả năng của người lao động khi muốn tuyển họ vào làm việc.

Kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội, là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lí thời gian, kỹ năng tự học, kỹ năng xác định mục tiêu, vượt qua khủng hoảng, kỹ năng sáng tạo và đổi mới (Nguyễn Kim Cương, 2018, tr. 130). Trong suốt quá trình lao động, các chuyên gia nhận ra rằng thực tế các kỹ năng làm việc của người lao động vẫn chưa đủ để có thể đáp ứng thực tiễn. Người lao động chưa đủ tự tin, uyển chuyển và linh hoạt trong quá trình làm việc. Điều mà người lao động thường thiếu chính là sự áp dụng mềm mại và sáng tạo những gì đã học cũng như khả năng thấu hiểu, thiết lập quan hệ với đồng nghiệp và nhà quản lý… Vì thế, thuật ngữ kỹ năng mềm xuất hiện và vấn đề bồi dưỡng kỹ năng mềm trong nghề nghiệp cũng như phát triển kỹ năng mềm cho người lao động ở những ngành nghề cụ thể được quan tâm.

Ở Việt Nam, trong vài thập niên trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu về kỹ năng mềm và bồi dưỡng kỹ năng mềm. Theo tác giả Lê Hà Thu (2016, tr. 13), kỹ năng mềm không phải là yếu tố bẩm sinh của con người mà nó được hình thành bằng con đường trải nghiệm đích thực, chứ không phải là sự lĩnh hội kiến thức đơn thuần.

Theo nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Đinh Thị Kim Thoa (2010, tr. 5), kỹ năng mềm “là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc như: một số nét tính cách (quản lí thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới), sự tế nhị, kỹ năng ứng xử, thói quen, sự lạc quan, chân thành, kỹ năng làm việc theo nhóm… Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác. Những kỹ năng này là thứ thường không được học trong Nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, nhưng không phải là kỹ năng đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người”.

Như vậy, kỹ năng mềm là một khía cạnh của kỹ năng sống, nói về mối quan hệ giao tiếp, tương tác và giải quyết sự việc, vấn đề bằng trí tuệ xúc cảm (EQ). Kỹ năng mềm là những kỹ năng sống giúp cho con người định hình tính cách.    cá nhân; là khả.    năng .thích

Email: vtphuongle@gmail.com (V. T. P. Lê)

ứng với môi trường sống, xử lý những vấn đề xảy ra hằng ngày; là thước đo hiệu quả cao trong công việc. Kỹ năng mềm có thể học suốt đời và không giới hạn mọi lứa tuổi. Kỹ năng mềm khác với kỹ năng “cứng”, bởi kỹ năng “cứng” thuộc về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hay bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn.

2.  Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên

Bồi dưỡng kỹ năng mềm là quá trình hình thành và phát triển cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để thích ứng với công việc, nhằm duy trì tốt các mối quan hệ tích cực với người khác và hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả. Bồi dưỡng kỹ năng mềm phải bắt đầu từ việc rèn luyện các giá trị nội tâm, các giá trị tinh thần cho người học. Trên cơ sở đó, kỹ năng mềm mới được bộc lộ ra ngoài bằng các hành vi, cách ứng xử cụ thể.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra yêu cầu phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực này phải có khả năng ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh việc trau dồi những kiến thức chuyên môn thì sinh viên phải chủ động tích lũy các kỹ năng cần thiết để có cơ hội cạnh tranh về việc làm và khả năng thăng tiến của công việc trong tương lai.

Như vậy, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên là quá trình tác động nhằm hình thành và phát triển cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để đảm bảo thực hiện để đảm bảo thực hiện yêu cầu của nghề nghiệp đạt hiệu quả, hướng đến sự thích ứng với người khác và công việc; duy trì các mối quan hệ giao tiếp – quan hệ xã hội tích cực. Nói cách khác, bồi dưỡng kỹ năng mềm là luyện tập thường xuyên các kỹ năng ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ bằng các cách thức đa dạng, phong phú nhưng gắn với thực tế, để duy trì quan hệ tích cực với người khác; thích ứng với các quan hệ xã hội hướng đến việc thực hiện yêu cầu của công việc hiệu quả.

3.   Những kỹ năng mềm cần bồi dưỡng cho sinh viên trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước cần quan tâm tới việc bồi dưỡng các kỹ năng mềm cho người học.

Tác giả đã thống kê những kỹ năng mềm mà một số nước tiên tiến trên thế giới đã và đang hình thành và phát triển cho sinh viên (xem Bảng 1).

Bảng 1: Những kỹ năng mềm được giáo dục cho sinh viên ở một số nước tiên tiến trên thế giới

 

TT

Tên kỹ năng mềm

Nước áp dụng

1

Kỹ năng học và tự học Learning to learn

Mỹ, Úc, Singapore

2

Kỹ năng lắng nghe Listening skills

Mỹ

3

Kỹ năng thuyết trình

Oral communiscation skills

Mỹ, Anh

 

TT

Tên kỹ năng mềm

Nước áp dụng

4

Kỹ năng giải quyết vấn đề Problem solving skills

Mỹ, Anh, Úc, Singapore

5

Kỹ năng tư duy sáng tạo Creative thinking skills

Mỹ

6

Kỹ năng quản lý bản thân và tự tin

Self management skills and self-confidence

Mỹ, Úc, Singapore

7

Kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp Personal and career development skills

Mỹ

8

Kỹ năng đặt mục tiêu và tạo động lực làm việc Goal setting/ motivation skills

Mỹ

9

Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ Interpersonal skills

Mỹ, Úc, Singapore

10

Kỹ năng làm việc đồng đội Teamwork

Mỹ, Úc

11

Kỹ năng đàm phán Negotiation skills

Mỹ

12

Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả Organization skills

Mỹ, Úc, Singapore

13

Kỹ năng lãnh đạo bản thân Leadership skills

Mỹ

14

Kỹ năng tính toán Applycation of number

Anh

15

Kỹ năng sử dụng CNTT và truyền thông Information and communication technology

Anh, Úc, Singapore

16

Kỹ năng làm việc với con người Working with others

Anh

17

Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm Initiative and enterprise skills

Úc, Singapore

18

Kỹ năng công sở và tính toán Workplace literacy and numeracy

Singapore

19

Kỹ năng tư duy mở toàn cầu Global mindset

Singapore

20

Kỹ năng an toàn lao động và vệ sinh sức khỏe Health and workplace safety

Singapore

Nguồn: Kết quả tổng hợp của tác giả

Để đảm bảo cho người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của thế giới việc làm, Ủy ban châu Âu đã xác định khung năng lực cho người lao động và đến nay, nhiều nước trong khu vực đó đã thực hiện chương trình giáo dục theo khung năng lực này. Trong đó, có 8 năng lực được đề nghị cho người lao động (xem Bảng 2):

Bảng 2: Khung năng lực châu Âu

 

TT

Tên năng lực

1

Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ

2

Giao tiếp bằng tiếng nước ngoài

3

Năng lực toán học và năng lực cơ bản trong khoa học công nghệ

4

Năng lực kỹ thuật số

5

Học để học

6

Năng lực xã hội và dân sự

7

Ý thức sáng tạo và tinh thần kinh doanh

8

Nhận thức và biểu đạt văn hóa

Nguồn: European Commission, 2018, tr. 48-49

Từ khung năng lực đó, có thể thấy, những năng lực thuộc về kỹ năng mềm được chú trọng hơn so với những năng lực kỹ thuật. Những năng lực mềm trong khung đó đảm bảo cho người lao động tiếp cận với xu thế toàn cầu hóa, khả năng tự học, giao tiếp toàn cầu và tinh thần sáng tạo, chủ động với công việc liên tục biến đổi.

Tác giả Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã đề xuất 9 kỹ năng mềm phù hợp và cần thiết trang bị cho sinh viên trường nghề (Bảng 3).

Bảng 3: Các kỹ năng mềm cần thiết

 

TT

Tên năng lực

1

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử (Interpersonal skills)

2

Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork skills)

3

Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)

4

Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills)

5

Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills)

6

Kỹ năng quản lí bản thân (Self-management skills)

7

Kỹ năng học tập suốt đời (Lifelong learning)

8

Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and communication technology)

9

Kỹ năng an toàn lao động và vệ sinh sức khỏe (Health & workplace safety)

Nguồn: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, 2017, tr. 131

Như vậy, dù tên gọi có thể khác nhau nhưng điểm chung của các kỹ năng mềm được đào tạo cho sinh viên tập trung vào hai nhóm lĩnh vực là hiểu biết về bản thân và quan hệ với môi trường xã hội. Tổng hợp các nghiên cứu của các nước và thực tế ở Việt Nam, có thể thấy được tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay.

Ở Việt Nam, tác giả Vĩnh Thắng (2012) đã nêu rõ những kỹ năng mềm mà sinh viên Việt Nam đang rất thiếu đó là: học tập; thiết lập mục tiêu; quản lí thời gian; tổ chức

công việc; giao tiếp; thuyết trình hiệu quả; lãnh đạo nhóm; làm việc nhóm; giải quyết vấn đề; ra quyết định.

Qua nghiên cứu nội dung các kỹ năng đã được xây dựng của một số nước trên thế giới, để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của giáo dục và đặc điểm của sinh viên Việt Nam, theo chúng tôi, những kỹ năng mềm phù hợp và cần thiết bồi dưỡng cho sinh viên hiện nay gồm:

Kỹ năng học và tự học: Học đối với sinh viên là cuộc sống, là tương lai. Có một phương pháp học tập tốt và sáng tạo cho chính bản thân mình sẽ là chìa khóa đưa sinh viên đến với thành công trong con đường học tập một cách nhanh và hiệu quả nhất. Kỹ năng học và tự học sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng được đánh giá cao, góp phần học hỏi và làm việc tốt hơn.

Kỹ năng giao tiếp ứng xử là kỹ năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với những người xung quanh, nhằm tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả trong cuộc sống. Trong thực tế, không ít sinh viên khi nhắn tin Zalo, Facebook… thì nói rất nhiều, nhưng khi gặp mặt thì người ta nói thế nào cũng chỉ mỉm cười, ngại nói chuyện, làm cho cuộc nói chuyện chỉ diễn ra một chiều khiến đối phương dễ nhàm chán, khiến mối quan hệ trở nên nhạt nhẽo và tan rã.

Kỹ năng tự quản lý bản thân là kỹ năng tự tổ chức và kiểm soát các hoạt động của bản thân nhằm tạo được sự tự tin, ý chí chiến thắng và quan điểm lạc quan ở bất kỳ tình huống nào. Suy nghĩ lạc quan giúp sinh viên có thái độ tích cực trong học tập, rèn luyện và trong cuộc sống, giúp khắc phục và vượt qua mọi thách thức và khó khăn trở ngại.

Kỹ năng làm việc nhóm là kỹ năng làm việc với người khác, với tập thể trong cùng một công việc. Sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, các bài tập lớn, các hoạt động tập thể… Tham gia làm việc nhóm là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực, sự nhiệt tình, tinh thần hợp tác của bản thân trong công việc chung.

Kỹ năng xây dựng mối quan hệ, kỹ năng hợp tác là điều bắt buộc đối với sinh viên nếu muốn làm việc nhóm một cách có hiệu quả. Đó là biết xây dựng mối quan hệ và hợp tác với mọi người trong nhiều dự án khác nhau và biết chấp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng. Những sinh viên thiếu tự tin, ít có tinh thần tập thể, chỉ thích làm việc một mình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập và xa hơn nữa là trong nghề nghiệp tương lai của mình vì rất nhiều công việc ngày nay đòi hỏi phải có kỹ năng hợp tác. Sinh viên có thể phát triển kỹ năng này bằng nhiều cách khác nhau như tham gia vào các hoạt động thể thao hay các hoạt động ngoại khóa.

Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng trình bày vấn đề trước người khác, trước tập thể. Sinh viên cần có kỹ năng thuyết trình, nghĩa là trình bày vấn đề cần đúng trọng tâm, súc tích, sinh động, kết hợp với các công cụ trực quan như tài liệu, biểu đồ, sản phẩm… nhằm lôi cuốn người nghe và dễ nhớ hơn.

Kỹ năng lãnh đạo: Dù là ở trường hay ở nơi làm việc cũng vậy, có được kỹ năng lãnh đạo khi hoàn cảnh yêu cầu là điều rất cần thiết cho những ai muốn chứng minh kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cứng của mình. Các công ty cũng mong muốn thuê được những nhân viên có kỹ năng lãnh đạo. Cách tốt nhất để phát triển những kỹ năng này là tìm kiếm các cơ hội được trở thành người lãnh đạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có nghĩa là các em có thể làm đội trưởng của một đội thể thao hoặc làm người dẫn đầu cho một nhóm hoạt động ngoại khóa nào đó.

Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định: Đây là kỹ năng quan trọng trong giải

quyết công việc thường ngày. Hiệu quả công việc càng cao khi giải quyết vấn đề và ra quyết định hợp lý. Kỹ năng giải quyết vấn đề là khả năng biết lựa chọn phương án tốt nhất và hành động theo phương án đã chọn để giải quyết vấn đề hoặc tình huống gặp phải một cách kịp thời.

Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc: Đây là kỹ năng hết sức quan trọng và phải thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ trong quá trình học tập cũng như sau khi đi làm. Kế hoạch là một tập hợp những hoạt động được sắp xếp theo lịch trình, có thời hạn, nguồn lực, ấn định những mục tiêu cụ thể và xác định biện pháp tốt nhất để thực hiện một mục tiêu cuối cùng đã được đề ra. Khi lập kế hoạch thì tư duy quản lý sẽ có hệ thống hơn để có thể tiên liệu được các tình huống sắp xảy ra. Trong quá trình tổ chức công việc sẽ phối hợp được mọi nguồn lực của cá nhân, tổ chức để tạo nên một sức mạnh tổng hợp để đi tới mục tiêu cuối cùng.

Kỹ năng tư duy sáng tạo: Kỹ năng sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh được đánh giá cao ở bất kỳ vị trí công việc nào, thậm chí ở những công việc đã ổn định hoặc đơn thuần mang tính kỹ thuật. Kỹ năng này giúp sinh viên ý thức được lợi ích của kỹ năng tư duy sáng tạo, kiên trì vận dụng các phương pháp tư duy sáng tạo vào công việc, có thái độ và ứng xử tôn trọng người khác, có lập trường rõ ràng trong các nhận định của mình. Nhà trường có thể định hướng cho sinh viên nên làm như thế nào để công việc đạt hiệu quả cao nhất, còn sự sáng tạo chỉ có thể có được khi họ được trải nghiệm trong thực tiễn. Do vậy, kỹ năng sáng tạo trong công việc do chính mỗi người nắm bắt và tự tạo ra.

Bên cạnh đó, còn có nhiều kỹ năng mềm khác mà sinh viên ngày nay cũng cần được trau dồi và rèn luyện, như kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng xin việc, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng thích ứng… Và hơn hết, trong giai đoạn hiện nay, sinh viên cần tự tin, năng động – đây là hai yếu tố mà những người trẻ cần phải có trên con đường chinh phục thành công. Tự tin sẽ giúp họ luôn tin tưởng vào bản thân, dám theo đuổi mục tiêu và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Năng động sẽ giúp họ có nhiều mối quan hệ và luôn được đánh giá cao.

4.  Kết luận

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng mềm trở nên rất quan trọng để mỗi cá nhân có thể tồn tại, phát triển, quản lý và làm chủ công việc, cuộc sống của mình. Kỹ năng mềm không chỉ giúp sinh viên tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, giúp họ thành công hơn trong sự nghiệp mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Vì vậy, bồi dưỡng kỹ năng mềm là góp phần phát triển, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Các kỹ năng mềm cần bồi dưỡng cho sinh viên rất phong phú, bao gồm: kỹ năng học và tự học, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xây dựng mối quan hệ, kỹ năng hợp tác kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định… Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động tình nguyện và thông qua các câu lạc bộ, nhóm, hội trong nhà trường, sinh viên được học hỏi và rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết bên cạnh những kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ. Đây là một trong những yếu tố giúp sinh viên có thể tìm kiếm được những cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, là hành trang để sinh viên vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

European Commision (2007). Key Competences for Lifelong Learning – A European Framework (Các năng lực chính cho học tập suốt đời theo khung châu Âu). Brussels. Truy cập tại: https://www.eursc.eu/BasicTexts/2018-09-D-69-en-1.pdf

John Sunmez (2020). Soft skills: The software developer’s life manual. Publisher: Simple Programmer.

Sangeeta Sharma Gajendra Singh Chauhan (2015). Soft skills, Publisher: Wiley.

Lê Hà Thu (2016). Quản lý giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo tiếp cận năng lực. Luận văn Thạc sĩ Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nguyễn Kim Cương (2018). Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên trường Cao đẳng giao thông vận tải Trung ương VI trong hội nhập quốc tế. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8/2018, tr. 130-133.

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (2017). Phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm. Tài liệu bồi dưỡng phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm HUFI. TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa (2010). Giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Tài liệu tập huấn/ bồi dưỡng giáo viên, tập 2. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vĩnh Thắng (2012). Top 10 kĩ năng mềm cần thiết cho bạn trẻ. NXB Trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *